“Tôi là người độc nhất còn lại để kể chuyện cho quý vị” (Phần 4)

Tác giả: Larry Engelmann

Người dịch: Nguyễn Bá Trạc

12-4-2021

Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3

Lúc ấy tôi tin thượng cấp đã có một kế hoạch mật mà chúng tôi không được rõ. Họ không thể ngu xuẩn đến như thế. Có lẽ đã có một sách lược mà vì không ở cấp chỉ huy tối cao, nên chúng tôi không được biết.

Tướng Cẩm và tôi bàn bạc về cuộc rút quân điên rồ này. Chúng tôi ngồi cười. Ông Cẩm bảo: “Tôi cá với ông: đã có thỏa thuận rồi, mình khỏi đánh giặc nữa. Tôi cá là chiến tranh đã xong!” Tôi bảo: “Tôi ngờ lắm.” Nhưng ông ta nói: “Tôi suy đoán như vậy vì ở đây dẫu xảy ra bất cứ một cuộc tấn công nào, chúng ta cũng có thể đương đầu ít nhất ba tháng. Cho nên tôi cá với ông là đã có thỏa thuận, lần này mình có hoà bình thực sự. Tôi không rõ, nhưng tôi cũng cảm thấy như vậy.”

Tướng Cẩm cũng dùng máy bay, bay đi. Chỉ còn ông Tất và tôi trong Bộ Tư lệnh. Tôi tự nhủ người Mỹ đã là đồng minh chúng tôi trong bao năm trời. Diễn tiến này rất trọng hệ, mà họ lại không được biết gì. Tại sao chúng tôi không cho họ hay? Đó là lý do tại sao tôi đã gọi cho họ, bảo họ chúng tôi sắp triệt thoái. Họ hoàn toàn không hay biết gì.

Tôi báo cho các nhân viên Trung ương Tinh báo và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ trong vùng là chúng tôi sắp rút quân. Họ không tin nổi khi tôi nói với họ như thế. Họ liên lạc Sàigòn, kiểm chứng, rồi tìm ra đó chính là sự thật. Nhờ vậy, họ đi thoát bằng máy bay, nên tôi đã được coi là có công trạng với Trung ương Tình báo Hoa Kỳ tại Sàigòn, tên tôi được lên đầu danh sách những người sẽ được giúp đỡ nếu Sàigòn sụp đổ.

Cuộc triệt thoái khởi đầu tiến triển tốt. Vào giây phút cuối, trực thăng của tôi bị hỏng máy, nên tôi đã đi cùng với đoàn xe ra khỏi Pleiku. Triệt thoái luôn luôn là một chiến dịch khó khăn, đòi hỏi nhiều tính toán cẩn thận, tỉ mỉ. Tôi chỉ có ba ngày để rút 100,000 người, và tôi không thể bỏ ai được. Dân chúng sinh sống chung quanh đáng được chúng tôi phải lo lắng săn sóc cho họ. Và dù tôi không bảo vệ nổi, họ vẫn đi theo. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, mọi sự bắt đầu ra ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Các Tiểu đoàn trưởng thuộc quyền tôi không thể nào kiểm soát nổi tất cả mọi người được nữa. Đoàn người tan tành trên đường đến Tuy Hoà. Với thời hạn ba ngày, chúng tôi không thể đủ thì giờ làm được gì. Với thời hạn ngắn ngủi như thế, người ta chỉ còn có thể quyết định: Ai đi trước, ai đi sau, ai đi kế tiếp, thế thôi.

Bây giờ, hàng đêm tôi tưởng như tôi vẫn còn nhìn thấy cả đoàn xe ấy trước mắt. Nào chiến xa, thiết vận xa, xe vận tải nối đuôi nhau, biết bao binh sĩ với gia đình thân quyến vây quanh. Những cụ già ngồi lắc lẻo trên mui xe, những bà mẹ, những trẻ thơ ngủ trong lòng mẹ, nằm duỗi trên tay mẹ. Đôi lúc vài người xấu số chẳng may ngã xuống trong lúc đoàn xe tiếp tục chạy. Họ kêu la thảm thiết, thân hình bị nghiền nát dưới bánh xe. Tôi đã nghe những tiếng kêu la ấy. Tôi đã thấy một chiếc xe vận tải sức chở chỉ có nửa tấn đã nhồi nhét đầy người nên bị lật, những con người bị xe đè xuống nát xương. Tôi đã nghe tiếng xương gẫy. Tôi bất lực chẳng giúp gì được họ. Tôi đã thấy những con người bỏ xác bên đường. Thực là một cơn ác mộng kinh hoàng.

Đến phía tây thị xã Cheo Reo, đoàn xe bị oanh tạc nhầm bởi chính không quân chúng tôi, vô số người thiệt mạng. Tôi vừa vào được căn cứ Cheo Reo thì quân Bắc Việt đã kéo đến vây quanh. Chúng rót trái phá vào. Chỉ còn mỗi một máy truyền tin để gọi Nha Trang trong lúc tôi nằm dưới cơn mưa pháo.

Đơn vị truyền tin của tôi cố liên lạc với tướng Phú ở Nha Trang, thì ông Phú lại đang đi loanh quanh đâu đó. Tôi sử dụng Anh ngữ nói trên máy truyền tin với sĩ quan của tôi, vì lúc ấy địch quân chỉ còn cách căn cứ chúng tôi có khoảng một cây số. Tôi bảo anh ta: “Trình với Thiếu tướng là tình hình ở đây nguy kịch lắm. Hiểu tôi muốn nói gì khi tôi bảo tình hình nguy kịch chứ? Thế thôi! Không thì giờ nói nhiều. Tôi sẽ cố sức. Địch xiết chặt rồi.” Tướng Phú hiểu. Và hai mươi phút sau ông gọi tôi trên máy truyền tin, báo động cho tôi biết một lực lượng địch tại Phú Bổn đang khép chặt vòng vây. Ông Tất cùng với binh sĩ đang ở cách tôi ba cây số. Không quân được lệnh mang tôi ra bằng trực thăng. Thiết giáp được lệnh mở đường bất kể thiệt hại, và ông Tất sẽ đưa quân hỗ trợ.

Ông Phú gửi hai trực thăng đến, để đưa chúng tôi ra Nha Trang. Hỏa lực địch bắn lên dữ dội khi trực thăng hạ cánh. Chiếc trực thăng chở tôi tính ra tổng cộng chở đúng hai mươi bảy người, trong khi chỉ được chế tạo để chở mỗi lần bảy người. Chiếc kia gồm mười chín người. Rồi cũng cất cánh lên được, bay thoát về Tuy Hoà. Chúng tôi rất may mắn đã thoát. Trong lúc ấy tướng Phú vẫn ở Nha Trang.

Sáng hôm sau, tướng Phú điện thoại ra lệnh gọi tôi vào Nha Trang. Tôi bay vào, tổ chức lại Ban Tham mưu và ở đấy mười hai ngày. Rồi một lần nữa, ông Phú lại bỏ tôi cuốn gói đi. Ông dọn sạch nhà cửa, lấy máy bay đưa toàn gia đình đi, không hề nói với tôi một lời. Một hôm, viên Đại úy đến văn phòng tôi gõ cửa nói: “Đại tá, chỉ còn có Đại tá và tôi ở đây! Chẳng còn ai nữa cả!” Tôi bảo “Anh nói gì thế?”

Lúc ấy vào buổi trưa, tôi vẫn đang cắm cúi làm kế hoạch tái phối trí binh sĩ. Tôi rất mệt, đang muốn ngả lưng. Nghe nói thế tôi bèn ra khỏi văn phòng, xuống thang gác. Hai nhân viên của tôi đang làm việc, họ báo cáo cho tôi là tướng Phú đã đi mất. Tôi lại nhà tướng Phú, không một ai. Nhà cửa trống rỗng. Tôi hỏi một Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng đang ở đấy là tướng Phú đâu rồi? Anh ta đáp: “Chẳng hiểu chuyện gì. Hiện nhà này không có ai cả, nhưng binh sĩ của tôi vẫn phải giữ an ninh căn nhà. Tôi không biết làm gì đây nữa.”

(Còn tiếp)

Nguồn: Blog Phan Ba

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây