Cần thêm thời gian cho phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải…

Trần Vũ Hải

8-5-2020

Cần thêm thời gian cho phiên tòa Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, để tạo điều kiện cho luật sư Trần Hồng Phong tranh tụng, trình bày hết ý kiến và tranh luận dân chủ. Việc xem xét, đánh giá chứng cứ dấu vân tay phải là trọng tâm để giải quyết vụ án, vì đó là chứng cứ quyết định kết tội hay gỡ tội trong vụ án này!

Sáng nay, 8/5/2020, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) lại được Toá án nhân dân tối cao (TANDTC) mời tham dự phiên toà giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (HDH), mà luật sư Phong được gia đình HDH làm luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí cho HDH và gia đình trong quá trình kêu oan cho HDH và giám đốc thẩm vụ án.

Sáng 6/5/2020, luật sư Phong mới chỉ nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Kháng nghị, và sau đó trình bày 20 phút trước Hội đồng thẩm phán TANDTC, rồi được ông Chánh án TANDTC kiêm chủ tọa phiên toà Giám đốc thẩm (GĐT) “mời ra ngoài”, không cho tiếp tục tham gia phiên toà GĐT, cho dù đại diện VKSNDTC và chính luật sư Phong đề nghị tiếp tục tham gia đầy đủ phiên toà GĐT này theo giấy mời luật sư Phong tham gia phiên toà GĐT từ ngày 6/5/2020 đến 8/5/2020.

Giới luật sư rất bức xúc về sự kiện trên, hàng chục luật sư đã ký và tham gia thư kiến nghị khẩn cấp gửi các vị lãnh đạo và ông Chánh án TANDTC ngay chiều ngày 7/5/2020 đề nghị TANDTC tạo điều kiện cho luật sư Phong tiếp tục tham dự phiên toà GĐT này theo như quy định của điều 386 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Liên Đoàn Luật Sư Việt nam cũng có thư đề nghị với nội dung tương tự gửi ông Chánh án TANDTC cuối giờ chiều cùng ngày. Đến tối cùng ngày, ngay sau khi vừa xuống sân bay Tân Sân Nhất, luật sư Phong nhận được thông báo ông Chánh án TANDTC đồng ý để luật sư Phong sáng 8/5/2020 tiếp tục dự phiên toà GĐT. Luật sư Phong lại phải mua vé máy bay và bay ngay trở lại Hà Nội trong đêm qua.

Theo khoản 2 điều 386 BLTTHS, luật sư Phong được quyền tranh tụng, trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ bình đẳng với những người tham gia phiên toà GĐT khác. Tuy nhiên do luật sư Phong không tham gia trong 3 buổi làm việc của Phiên toà GĐT này, chỉ nghe thông tin từ báo chí (do báo của ngành Toà án độc quyền thông tin) về phiên toà. Để tìm hiểu diễn biến phiên toà GĐT một cách chính thức ông Phong cần được tham khảo biên bản phiên toà (hoặc được cung cấp nội dung tóm lược các ý kiến của những người tham gia phiên toà đã trình bày, trả lời), sau đó ông cần được tạo điều kiện tranh tụng với những người đã có ý kiến trình bày, gồm cả chất vấn những người đã tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm trước đây như các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán giải quyết vụ án này, về các vấn đề không rõ, có mâu thuẫn hoặc dấu hiệu trái pháp luật, và sau đó nhận xét về các ý kiến, vấn đề đã nêu trước HĐTP trước khi HĐTP ra quyết định.

Tuy nhiên, theo thông báo từ TANDTC, chiều nay 8/6/2020, HĐTP sẽ công bố quyết định giám đốc thẩm. Theo tôi, để tạo điều kiện cho luật sư Phong tranh tụng, tranh luận dân chủ bình đẳng, đồng thời khắc phục “sai sót” do “mời luật sư Phong không cần tham dự 3 buổi phiên toà GĐT“, HĐTP TANDTC cần kéo dài thêm một buổi làm việc. Còn nếu vẫn theo như kế hoạch, HĐTP TANDTC 14 giờ chiều nay 8/5/2020 công bố quyết định GĐT, e rằng sự có mặt của luật sư Phong trong buổi sáng nay chỉ là hình thức chiếu lệ, xoa dịu giới luật sư, luật sư Phong khó có thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Tất nhiên tôi tin luật sư Phong trong mọi hoàn cảnh cũng sẽ có phương cách ửng xử uyển chuyển nhưng quyết liệt để bảo vệ thân chủ và quyền hành nghề của mình.

Về vụ án HDH, có rất nhiều vấn đề nổi cộm, mà HĐTP sau khi xem xét có thể hủy án theo kháng nghị của VKSNDTC. Đáng tiếc, tối qua và sáng nay, một số cơ quan truyền thông đã thông tin rằng vụ án HDH đã được cấp sơ thẩm, phúc thẩm xem xét kỹ lưỡng, tuyên đúng người đúng tội, tuy có một số thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án (HDH là hung thủ), vì có tổ “liên ngành” Công an, Kiểm sát, Toà án thẩm tra và có ý kiến như vậy. Thế nhưng trong BLTTHS không có quy định về cơ chế “liên ngành” như vậy, kể cả trong giai đoạn giám đốc thẩm. Từng cơ quan tố tụng và từng người tiến hành tố tụng phải tự chịu trách nhiệm về ý kiến, việc làm và quyết định của mình, không thể núp danh “tập thể, hay liên ngành”.

Nếu chỉ xét vấn đề dấu tay, rõ ràng vụ án này đã có chứng cứ gởi tội cho HDH và chứng minh có bỏ lọt tội phạm, nên phải điều tra lại từ đầu. Theo cơ quan điều tra, có thu giữ 7 dấu vân tay tại hiện trường vụ án, nhưng những tài liệu về việc này không lưu trong hồ sơ vụ án, chỉ có thông báo kết luận giám định các dấu vân tay này không phải là của HDH. Tại phiên toà GĐT, một điều tra viên cho biết có 2 dấu vân tay của một bị hại, còn 5 dấu vân tay khác của ai không xác định được. Giả thiết xác định được ai là chủ dấu vân tay này (mà với trình độ hiện nay, có thể xác minh được thông qua tàng thư dấu vân tay của ngành công an), rõ ràng người đó là nghi phạm số 1 của vụ án. Như vậy hoàn toàn có khả năng có người khác (không phải HDH) là hung thủ của vụ án, và việc này không phải là không xác định được! Chỉ cần căn cứ cơ quan điều tra bỏ lọt tài liệu và chưa làm rõ dấu vân tay này là của ai (để xác định kẻ phạm tội đích thực) là đủ cơ sở để HĐTP TANDTC hủy án!

Vụ án này không có bằng chứng trực tiếp (lẫn gián tiếp) kết tội bị án, còn lời khai của bị án HDH bất nhất, mâu thuẫn, khi nhận tội, khi kêu oan. Ngày lời khai nhận tội cũng thường thay đổi. Theo quy định của BLTTHS (trước đây lẫn hiện nay), không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Nói cách khác, lẽ ra phải tuyên bố HDH không phạm tội!

Tuy nhiên, phương án hủy án để điều tra lại vụ án HDH là phương án khả dĩ nhất, khó có sự lựa chọn khác. Trong quá trình điều tra lại, có thể tìm ra hung thu đích thực vụ án (như vụ Huỳnh Văn Nén, mà tôi là luật sư cho Nén) hoặc nếu không tìm ra được chứng cứ kết tội dù chưa xác định được hung thủ (như vụ Hàn Đức Long) vẫn phải đình chỉ điều tra đối với HDH!

Hy vọng rằng, HĐTP TANDTC sẽ tạo điều kiện cho người bạn đáng kính của tôi, luật sư Trần Hồng Phong được tranh luận dân chủ, bình đẳng, tranh tụng và trình bày hết ý kiến để 17 vị thành viên HĐTP có quyết định sáng suốt trong vụ án GĐT này!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây