Mười hai luận đề về Chủ nghĩa Dân tộc

American Interest

Tác giả: William A. Galston

Dịch giả: Mai V. Phạm

12-8-2019

Ảnh minh họa. Nguồn:
Wikimedia Commons

Vào cuối Thế chiến Thứ hai, Chủ nghĩa Dân tộc đã hoàn toàn bị mất uy tín. Các nhà phê bình cho rằng, lợi ích quốc gia đã ngăn cản các chính phủ dân chủ hợp tác để chấm dứt cuộc Đại suy thoái (Great Depression), và tình cảm dân tộc mạnh mẽ không chỉ dẫn đến chiến tranh, mà còn dẫn tới một số tội ác khủng khiếp nhất mà con người đã gây ra với người khác.

Việc xây dựng các định chế và tiêu chuẩn quốc tế về kinh tế, chính trị, và nhân quyền là những liều thuốc chống lại sự cực đoan thái quá của Chủ nghĩa Dân tộc, vốn đã thống trị đường lối ngoại giao phương Tây trong nhiều thập niên kể từ sau năm 1945, và cuộc xung đột toàn cầu giữa chủ nghĩa tự do phóng khoáng và Chủ nghĩa Cộng sản đã làm tắt đi sự bày tỏ tình cảm của những người theo Chủ nghĩa Dân tộc ở cả hai bên Tấm Màn Sắt [Iron Curtain – thuật ngữ được cựu Thủ tướng Winston Churchill đặt ra, ám chỉ ranh giới phân chia giữa các nền dân chủ phương Tây và khối cộng sản]. Hòa bình và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này đã tạo được sự ủng hộ của dư luận cho chiến lược này.

Khi nhiều thập niên trôi qua và các thế hệ mới xuất hiện, những ký ức về Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai đã không còn trong trí tưởng tượng của phương Tây. Với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Liên Xô, thời kỳ hậu chiến bắt đầu, nhường chỗ cho các lực lượng mới. Liên minh châu Âu, mà những người ủng hộ đã thuyết phục rằng, dự án hậu quốc gia khai sáng đại diện cho tương lai chính trị của nhân loại, đã tìm cách chuyển đổi từ hội nhập kinh tế, sang hội nhập chính trị. Nhưng sự phản đối của công chúng đã tăng ở nhiều quốc gia thành viên. Các “quốc gia bị lưu đày” ở phía Đông và Trung Âu tái hiện như những quốc gia độc lập, và lòng ái quốc bị nhấn chìm từ lâu đã trỗi dậy.

Nhưng cảm xúc không chỉ giới hạn ở phía Đông: Sự bất bình đẳng gia tăng trong nước đã dẫn đến sự chia rẽ giữa số người bị bỏ rơi và giới quyền lực quốc tế, là lực lượng mà nhiều công dân quy trách nhiệm cho hoàn cảnh bi đát của họ. Cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008 làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các chuyên gia kinh tế và vào quan điểm của những người theo chủ nghĩa quốc tế, vốn đã chi phối suy nghĩ của họ từ rất lâu. Ở châu Âu, mối lo ngại về nhập cư gia tăng khi người dân từ các quốc gia có mức lương thấp hơn ở EU di chuyển tự do sang các quốc gia thành viên giàu có hơn. Năm 2015, những lo ngại này đã bùng nổ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định nhận hơn 1 triệu người tị nạn đến từ Syria và các quốc gia khác đã bị tàn phá bởi xung đột và đình trệ kinh tế.

Tất cả những khuynh hướng này và trào lưu khác đã tồn tại ở Mỹ. Hậu quả của việc Trung Quốc gia nhập WTO, đặc biệt là đối với ngành sản xuất của Mỹ, đã gây ra mối lo ngại về thương mại quốc tế. Năm thập kỷ của chính sách nhập cư mạnh mẽ đã làm thay đổi nhân khẩu học của Mỹ –sự thay đổi này được một số hân hoan chào đón, nhưng lại bị lên án bởi một số khác. Trước cuộc Đại suy thoái 2008 và chiến tranh Iraq, chi phí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ngày càng gây tranh cãi và suy nghĩ các quốc gia khác đang lợi dụng nước Mỹ ngày càng phổ biến. Chủ nghĩa quốc tế sau chiến tranh đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc chiến văn hóa kéo dài hàng thập kỷ. Khi nhìn lại, đó chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi một ai đó đưa ra thách thức trực diện đối với sự đồng thuận của giới quyền lực trong cả hai chính đảng tại Mỹ. Khi làm được điều đó, khẩu hiệu “Nước Mỹ Trên Hết” (America First) đã phá hủy trật tự sẵn có bằng sức mạnh và xảo quyệt.

Sự phát triển của Chủ nghĩa Dân tộc như một hiện tượng chính trị đã khuyến khích sự xuất hiện của các nhà lý luận và tư tưởng theo khuynh hướng Dân tộc Chủ nghĩa. Ở Hoa Kỳ, vào tháng 7 năm 2019, một Hội nghị về Chủ nghĩa Bảo thủ Quốc gia (National Conservatism), bao gồm các nhà tư tưởng tranh luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo của thời kỳ hậu chiến tranh, rằng Chủ nghĩa Dân tộc cung cấp một cơ sở an toàn hơn và phù hợp hơn về mặt đạo đức cho cả chính sách quốc nội và quốc tế. Các hội nghị tương tự cũng xảy ra ở châu Âu. Các nhà phê bình của Chủ nghĩa Dân tộc mới cũng nhanh chóng vào cuộc.

Khi cuộc chiến tư tưởng bắt đầu hình thành, nguy cơ xung đột rất cao. Tương lai dân chủ của chúng ta phụ thuộc vào việc công chúng xem Chủ nghĩa Dân tộc như là một giải pháp, một vấn đề, hay cả hai. Để góp phần làm rõ cuộc tranh luận, tôi đưa ra mười hai luận đề của Chủ nghĩa Dân tộc.

Luận đề 1: Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước không giống nhau. Lòng yêu nước là tình yêu dành cho đất nước, như George Orwell đã nói: “Yêu nước là tấm lòng tận tâm, tận tình đối với một nơi và nền văn hóa nào đó”. Chủ nghĩa Dân tộc là bày tỏ lòng tự hào, cả về văn hóa lẫn chính trị, đối với quốc gia – là một cộng đồng riêng biệt bao gồm các cá nhân khác nhau.

Luận đề 2: Quốc gia là một cộng đồng, được gắn bó bằng tình cảm của lòng trung thành và sự quan tâm lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ một di sản văn hóa và niềm tin vào một số phận chung. Một vài quốc gia còn cầu khẩn chung tổ tiên, mà trong hầu hết các trường hợp chỉ là thần thoại. Nhà tư tưởng chính trị Bernard Yack nhận xét trong Chủ nghĩa dân tộc và Tâm lý Đạo đức của Cộng đồng (Nationalism and the Moral Psychology of Community) rằng, không phải tất cả các tuyên bố của Chủ nghĩa Dân tộc đều dựa trên dân tộc tính. Các quốc gia theo Chủ nghĩa Dân tộc sắc tộc khác biệt ở chỗ họ truy tìm dòng dõi từ các thành viên trước đó như là “một điều kiện cần thiết, chứ không chỉ đơn thuần là điều kiện đủ”.

Luận đề 3: Một người không cần được sinh ra trong một di sản văn hóa để chấp nhận, chia sẻ di sản đó. Những thành viên mới của quốc gia không chỉ cam kết tìm hiểu lịch sử và phong tục của đất nước, mà còn chấp nhận lợi ích và gánh nặng của nó. Như Ruth đã làm khi cô ấy cam kết với Naomi rằng, “Dân tộc của Mẹ là dân tộc của tôi, và Đức Chúa của Mẹ là Đức Chúa của tôi”.

Luận đề 4: Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước có thể tạo ra những nhu cầu cấp bách xung đột nhau. Nhiều người gốc Do thái cảm thấy tình cảm gắn bó yêu nước đối với các quốc gia nơi họ sinh sống, ngay cả khi họ phải lao động để tạo ra một quốc gia có chủ quyền của chính họ. Mặc dù nhiều người Kurd ở Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng lòng ái quốc tại đất nước họ sinh sống, nhưng lòng trung thành chính của họ lại dành cho quốc gia của người Kurd, và mục đích cuối cùng của họ là quyền tự quyết dân tộc ngay tại chính quốc gia mình.

Luận đề 5: Chủ nghĩa dân tộc đặt ra thách thức đối với hệ thống nhà nước hiện đại. Thuật ngữ quen thuộc quốc gia-dân tộc có chủ quyền (nation-state) ngầm giả định rằng các vị trí địa lý của các dân tộc riêng biệt trùng khớp với ranh giới nhà nước. Thỉnh thoảng điều này là đúng (Nhật Bản gần đúng), nhưng hầu hết là không. Dân tộc có thể sinh sống trải rộng ở nhiều nước (như người Kurd) và các nước có thể có nhiều dân tộc khác nhau (như Tây Ban Nha). Một số người xem ý tưởng “một quốc gia có chủ quyền cho mỗi dân tộc và chỉ cho dân tộc này mà thôi” là khuôn mẫu sắp đặt lý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng này rất hiếm thấy, bất chấp các biến động vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và vẫn không thể được nhận thấy nếu không có sự hỗn loạn khổng lồ và đẫm máu của các sắp đặt hiện hành.

Quyết tâm của Hitler để thống nhất tất cả người Đức cùng bản sắc và văn hóa trở thành một nước duy nhất sẽ là một thảm họa, ngay cả khi hắn không có tham vọng nào khác nữa. Dân tộc Hungary ngày nay có căn cứ để phản đối Hiệp ước Hòa bình Trianon, bởi nó khiến hàng triệu đồng bào bị bỏ rơi ngoài biên giới. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để kết hợp họ dưới một lá cờ duy nhất, đồng nghĩa với chiến tranh ở trung tâm của châu Âu.

Nhiều người theo Chủ nghĩa Dân tộc phản đối các tổ chức quốc tế bởi chúng phá hủy chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, lập trường này dựa trên sự thất bại trong việc phân biệt giữa các thỏa thuận có thể hủy bỏ – vốn tương thích với việc duy trì chủ quyền, và các thỏa thuận không thể hủy bỏ – không tương thích với việc duy trì chủ quyền. Khi tuyên bố muốn rời EU, Anh đang thực hiện quyền chủ quyền (sovereign rights) của mình, quyền mà họ không từ bỏ khi gia nhập EU. Ngược lại, các tiểu bang thống nhất trở thành Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã đồng ý thay thế một số chủ quyền của họ thành một quyền tối cao duy nhất, mà không có quyền hợp pháp nào của Hiến pháp có thể đảo ngược quyết định này. Khi các tiểu bang miền nam tìm cách ly khai, một cuộc nội chiến đã nổ ra và kết quả của cuộc chiến đã thông qua bản chất vĩnh viễn của Liên bang.

Luận đề 6: Có khả năng một người theo Chủ nghĩa Dân tộc không cần phải tin rằng mọi quốc gia đều có quyền độc lập về chính trị, nhưng điều đó thật không dễ dàng. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ chỉ ra “vị thế đặc biệt và bình đẳng mà các quy luật tự nhiên và quy luật của thượng đế đã trao cho họ”. Tương tự, Tuyên Ngôn Độc Lập của Do thái trích dẫn “quyền hiển nhiên của dân tộc Do Thái được trở thành một quốc gia như mọi quốc gia khác, trong nhà nước có chủ quyền của riêng mình”.

Thường có những lý do thực tế để từ chối quyền tự quyết chính trị của một số quốc gia (xem Luận đề thứ 5). Nhưng về nguyên tắc làm như vậy là cho rằng một số quốc gia vượt trội hơn các quốc gia khác và xứng đáng cai trị họ.

Không có mối liên hệ logic nào giữa hai tiền đề: mỗi quốc gia là riêng biệt và kết luận quốc gia của tôi tốt hơn của bạn. Nhưng tâm lý tự hào về một quốc gia có thể biến những người tử tế, từ tự hào về bản sắc văn hóa trở thành tự hào về chủng tộc.

Một số người bảo vệ Chủ nghĩa Dân tộc đương thời cho rằng, Chủ nghĩa Dân tộc đối nghịch với Chủ nghĩa Đế quốc. Các quốc gia-dân tộc không muốn bị can thiệp chính trị, để họ tự quản lý theo truyền thống của riêng mình. Như [đại văn hào] Rebecca West đã từng nói, không có “lý do nhỏ nhặt nhất để lầm lẫn Chủ nghĩa Dân tộc – một dân tộc mong muốn được là chính họ, với chủ nghĩa đế quốc – một dân tộc mong muốn được ngăn cản các dân tộc khác trở thành chính họ”.

[Nhà văn] Rebecca West có thể đúng nếu Chủ nghĩa Dân tộc chỉ là sự bày tỏ cảm xúc trong thâm tâm và được chỉ dẫn bởi câu châm ngôn “dĩ hòa vi quý”. Nhưng lịch sử thế kỷ 20 cho thấy một số hình thức của Chủ nghĩa Dân tộc tương thích với Chủ nghĩa Đế quốc và các điều tồi tệ hơn nữa. Điều đó phụ thuộc vào mỗi quốc gia định nghĩa “được là chính họ” bao hàm ý nghĩa gì. Lời tuyên bố rằng, Chủ nghĩa Dân tộc và Chủ nghĩa Đế quốc luôn luôn chống lại nhau không dựa trên bằng chứng lịch sử, nhưng dựa trên ý niệm Chủ nghĩa Dân tộc mâu thuẫn với các thị uy thực tế của nó.

Luận đề 7: Có khả năng trở thành một người theo Chủ nghĩa Dân tộc, mà không phải tin rằng những lợi ích của một quốc gia luôn đánh bại những cân nhắc đối nghịch nhau. Viết trong bóng tối của Thế chiến thứ hai, George Orwell tuyên bố, Chủ nghĩa Dân tộc là “thói quen xác định bản thân với một quốc gia duy nhất, đặt nó vượt trên thiện và ác, và nhận ra rằng, không có nghĩa vụ nào khác ngoài việc thúc đẩy lợi ích quốc gia”.

Trên thực tế, Chủ nghĩa Dân tộc tương thích với một loạt các hệ tư tưởng và chương trình chính trị. Nó thúc đẩy không chỉ Đức Quốc xã, mà cả sự phản kháng anh hùng của nước Anh nhằm chống chủ nghĩa phát xít.

Ưu tiên lợi ích quốc gia mình, không có nghĩa là phớt lờ lợi ích của các quốc gia khác, cũng giống như quan tâm tối đa đến những đứa con của mình, nhưng vô cảm trước số phận của những đứa trẻ khác. Đôi khi các dân tộc được kêu gọi đổ máu và đánh đổi kho tàng quý giá để đáp lại lời kêu gọi của tổ quốc, hoặc ngăn chặn cái ác ở các quốc gia khác. Đôi lúc, sự mất cân bằng giữa chi phí ít ỏi đối với một quốc gia và thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia khác, thôi thúc họ hành động. Mặc dù một số người Mỹ sẵn sàng liều mạng để ngăn chặn nạn diệt chủng Rwanda, sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn ngừa bạo lực là một sai lầm – đây là lời nhận xét mà những người theo Chủ nghĩa Dân tộc có thể chấp nhận, nhưng không mâu thuẫn với niềm tin của chính họ.

Luận đề 8: Là một sai lầm khi cho rằng Chủ nghĩa Dân tộc là nguồn gốc chính của sự áp bức và hiếu chiến trong chính trị hiện đại. Như chúng ta đã liên tục thấy, các nhà nước và phong trào dựa trên tín ngưỡng và tôn giáo cũng có thể tàn bạo đối với hệ thống nhà nước. Phong trào Cải cách (Reformation) đã kích động một thế kỷ đầy những cuộc xung đột đẫm máu. Gần đây, đối với những người xem căn cước giai cấp (class identity) là quan trọng hơn căn cước dân sự (civic identity), thì “Chủ nghĩa Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa” (socialist internationalism) đã trở thành nguyên tắc tổ chức của chính trị. Những người không thuộc giai cấp hay tín ngưỡng được ưu ái đã trở thành kẻ thù và hậu quả là bất lợi đối với các hoạt động chính trị tử tế cũng như sự tàn ác tồn tại dưới danh nghĩa của Chủ nghĩa Dân tộc.

Luận đề 9: Được cho là nguồn gốc của gắn kết xã hội, Chủ nghĩa Dân tộc có thể hỗ trợ nhu cầu chính trị cấp cao hơn như dân chủ và phúc lợi xã hội. Dân chủ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, mà không có sự chuyển giao quyền lực ôn hòa nào được cho là nguy hiểm. Phúc lợi xã hội dựa trên sự cảm thông và quan tâm đến những người yếu thế, cho dù các thành viên may mắn hơn trong cộng đồng cảm thấy mình thiếu yếu thế. Chia sẻ cùng một quốc tịch thúc đẩy tình đồng bào cho nhau, về lâu dài sẽ làm tăng sự đa dạng tại những nước mà tình cảm đặc biệt này bị suy yếu.

Điều này lý giải tại sao nhiều người theo Chủ nghĩa Dân tộc – không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chủng tộc hay sắc tộc – lại mâu thuẫn với số lượng lớn người nhập cư và người tị nạn. Điều này cũng chỉ ra thách thức quan trọng nhất đối với những người theo Chủ nghĩa Dân tộc đương thời – hòa giải sự gắn bó với đồng bào bằng cách đối xử công bằng với các nhóm dân tộc khác – là những người mà họ chia sẽ chung một không gian dân sự.

Luận đề 10: Mặc dù chúng ta thường nghĩ về các quốc gia như nguồn lực thúc đẩy tạo ra quốc gia-dân tộc có chủ quyền, nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Cách đây một thế hệ, Eugen Weber đã cho thấy trong nhiều thập kỷ trước Thế chiến thứ nhất, nhà nước Pháp đã triển khai một chương trình hợp nhất ngôn ngữ, văn hóa, và giáo dục để biến “giai cấp nông dân thành người Pháp”. Trong suốt nửa thế kỷ qua, các chính phủ hậu thuộc địa cũng đã tìm kiếm, với mức độ thành công khác nhau, cách làm suy yếu mối quan hệ giữa bộ lạc và giáo phái để hỗ trợ các liên kết quốc gia toàn diện.

Nhiều nhà sử học đã nhận thấy quá trình tương tự tại Mỹ. Trước nội chiến, các nhà biên soạn từ điển như Noah Webster đã tạo ra tiếng Anh của người Mỹ, khác với tiếng Anh của người Anh, trong khi đó các nhà sử học như George Bancroft kể về sự sáng lập và phát triển của nước Mỹ như một câu chuyện mà tất cả đều có thể chia sẻ. Sau nội chiến, khi dòng người nhập cư từ Trung và Nam Âu tăng nhanh, các chương trình giáo dục công dân nở rộ với mục đích biến “giai cấp nông dân thành người Mỹ”. Bởi vì không còn có thể nói người Mỹ “có nguồn gốc từ cùng một tổ tiên”, hoặc “có cùng một tôn giáo”, nên việc tạo ra một di sản văn hóa chung mà hàng triệu người nhập cư mới có thể hòa nhập. Quá trình này có thể không hoàn hảo, thậm chí có tính chất cưỡng chế, nhưng nhìn chung nó đã thành công. Và hiện tại, sau nửa thế kỷ xung đột văn hóa và dòng người nhập cư đa chủng tộc đến từ các quốc gia khác nhau, chúng ta có thể cần phải tái cam kết thực hiện nhiệm vụ này dẫu trong hoàn cảnh ít thuận lợi hơn.

Luận đề 11: Mặc dù các học giả nhận ra sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Dân tộc tín điều với Chủ nghĩa Dân tộc văn hóa như các hình thức lý tưởng, không có dân tộc nào hoàn toàn phụ thuộc vào tín ngưỡng. Tại Hoa Kỳ, kể từ khi thành lập nước Mỹ, các nguyên tắc trừu tượng và căn cước cụ thể được kết nối chặt chẽ với nhau. Tổng thống vĩ đại nhất của chúng ta, người đã mô tả về Hoa Kỳ như một quốc gia cống hiến cho lý tưởng, và đã khẩn cầu “tiếng vọng huyền bí của trí nhớ” và “sợi dây liên kết” như giải pháp cho các xung đột dân sự và chủ trướng biến Hiến pháp và luật pháp nước Mỹ thành đối tượng để tôn kính như một “tôn giáo chính trị”.

[Chú thích của người dịch: Tổng thống vĩ đại mà tác giả đề cập là Abraham Lincoln và bài phát biểu nhậm chức tổng thống đầu tiên vào ngày 4/3/1861].

Luận đề 12: Mặc dù Chủ nghĩa Dân tộc là một hệ tư tưởng hiện đại riêng biệt, nhưng căn cước dân tộc (national identity) phần lớn đã thấm sâu vào lịch sử loài người và khó có thể biến mất như một đặc điểm nổi bật của chính trị. Như Bernard Yack lập luận một cách thuyết phục, không thể tưởng tượng được Chủ nghĩa Dân tộc nếu không có sự xuất hiện của nguyên tắc chủ quyền nhân dân (popular sovereignty) như nguồn gốc của quyền lực chính đáng. Học thuyết này mô tả “nhân dân” tạo nên chủ quyền theo cách trừu tượng, nhưng lại bỏ qua một câu hỏi thực tế quan trọng: Ai hay cái gì là nhân dân?

Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ minh chứng cho điểm thiếu sót này. Trước đoạn thứ hai vốn được trích dẫn rất nhiều về quyền công dân, đoạn đầu của bản Tuyên ngôn chỉ ra “một dân tộc” và khẳng định quyền “xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác”. Người Mỹ là một dân tộc và người Anh là một dân tộc khác. Tuy nhiên, giai cấp thống trị của Vương quốc Anh lại có một quan điểm khác: dân tộc Mỹ phải phục tùng nhà vua, cũng giống như cư dân của Quần đảo Anh, chỉ khác biệt về vị trí địa lý. Để khẳng định quyền làm cách mạng theo tư tưởng của triết gia John Locke, người mà đức vua George III không ưa mấy, người Mỹ đã phải chứng minh rằng họ là một dân tộc riêng biệt và khác biệt. Trong trường hợp của Mỹ và nhiều nước sau này, căn cước dân tộc (national identity) là yếu tố thuyết phục nhất để đáp ứng nguyện vọng độc lập chính đáng.

Tóm lại, căn cước dân tộc (national identity) đã được chuyển hóa thành Chủ nghĩa Dân tộc thông qua học thuyết về chủ quyền nhân dân (popular sovereignty). Khi nhân dân được hiểu như quốc gia, chủ quyền nhân dân trở thành chủ quyền quốc gia (national sovereignty).

Bởi chính trị tiền hiện đại thiếu học thuyết về chủ quyền nhân dân, nên không thể phát triển học thuyết về Chủ nghĩa Dân tộc. Tuy nhiên, căn cước dân tộc (national identity) đã thấm nhuần lịch sử nhân loại, vì lý do đơn giản: con người chúng ta chỉ là tạo vật có giới hạn, được tạo dựng bởi các tình huống ngẫu nhiên không được lựa chọn. Mặc dù chúng ta là những động vật xã hội, văn hóa, và chính trị, nhưng khi vừa được sinh ra, chúng ta yếu đuối và non nớt. Chúng ta được tạo nên đầu tiên nhờ sự chăm sóc của cha mẹ, họ hàng hoặc người thân, sau đó là trải nghiệm của hàng xóm, cộng đồng địa phương, và cuối cùng là của những người mà chúng ta cùng chia sẻ một di sản văn hóa. Tiếp xúc những người có văn hóa khác sẽ tác động đến chúng ta. Cho dù tầm nhìn của chúng ta được mở rộng cách mấy, chúng ta cũng không bao giờ bỏ qua nguồn gốc của mình. Chúng ta có thể rời bỏ quê hương, nhưng quê hương không bao giờ rời bỏ chúng ta – một thực tế được phản ánh trong ngôn ngữ của mỗi người. “Tiếng mẹ đẻ”, “Tổ quốc”, cách gọi thân thương của quê hương nuôi dưỡng và tạo nên ta, nguồn gốc tổ tiên sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh.

Căn cước dân tộc (national identity) là một khía cạnh của trải nghiệm con người, mà không nên tìm cách xóa bỏ. Nhưng như chúng ta đã thấy, ý nghĩa chính trị hiện đại của căn cước dân tộc (national identity) là đa nghĩa. Chủ nghĩa Dân tộc có thể là một lực lượng nhân danh cái ác hoặc cái thiện. Nó có thể thúc đẩy sự cao thượng hoặc tàn ác tập thể. Nó có thể đoàn kết chúng ta và cũng có thể chia rẽ chúng ta.

Trước những thực tế này, hành trình phía trước rất rõ ràng, ít nhất là về nguyên tắc. Để thừa nhận sự trường tồn của Chủ nghĩa Dân tộc và khả năng của nó cho cái thiện, chúng ta phải nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó. Chủ nghĩa Dân tộc không có nghĩa là nền văn hóa chiếm đa số có thể áp bức những người thiểu số khác trong cùng một nước. Đặt quốc gia của mình lên trên hết không có nghĩa là bỏ qua lợi ích và sự quan tâm của các quốc gia khác.

Ngược lại: Để thích nghi với tư tưởng của triết gia Tocqueville, Chủ nghĩa Dân tộc hiểu một cách đúng đắn có nghĩa là không có quốc gia nào là một hòn đảo cô lập, và về lâu dài, sự thịnh vượng của một quốc gia không thể tách rời khỏi số phận của các quốc gia khác. Các nhà lãnh đạo Mỹ – những người gầy dựng lại châu Âu – hiểu rằng, các hành động trợ giúp của họ không phải là một việc làm từ thiện, mà là một phương pháp nhằm củng cố lợi ích lâu dài cho nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo của phong trào dân quyền biết rằng, họ bảo vệ nhân quyền không chỉ để bảo vệ công lý, mà còn nhằm củng cố sức mạnh cho đất nước họ, cả trong lẫn ngoài nước.

Mọi thứ có thể đã thay đổi kể từ thời George Marshall và Martin Luther King, nhưng bản chất thiết yếu vẫn không thay đổi.

Chú thích của người dịch: George Catlett Marshall (1880-1959) là một nhà quân sự và chính khách lỗi lạc. Ông đã phục vụ khoảng 50 năm trong quân đội và qua 8 đời Tổng thống Mỹ. Ông là cha đẻ của “Kế hoạch Marshall” (Marshall Plan) nổi tiếng thế giới, nhắm đến mục tiêu viện trợ nhân đạo, khắc phục tình trạng hỗn loạn sau chiến tranh ở châu Âu, và ngăn chặn là sóng bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản ở Tây Âu. Ông Marshall đã nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 1953 nhờ vào kế hoạch vĩ đại này.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bai này rất hay và có giá trị lý luận rất cao
    Xứng đáng đăng ở Tiengdan (tiếp bước Cụ Huỳnh)

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây