Trao đổi với Phạm Thanh Giao

Nguyễn Đình Cống

27-6-2019

Ngày 28/6/2019, báo Tiếng Dân đăng bài của Phạm Thanh Giao: “Môi trường xã hội tạo ra cách hành xử của con người”. Bài viết nêu ra câu tục ngữ châu Phi: “Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ” và than thở rằng, người Việt hiện nay có nhiều cách hành xử thô bạo và bẩn thỉu đến mức không chấp nhận được (nói tục, chen lấn, xả rác, đái bậy, tranh giành v.v…).

Thế rồi Thanh Giao cho rằng để tạo được một xã hội văn minh của dân tộc, cần phải giáo dục và viết: “Trước tiên hết, ông bà cha mẹ bà con lối xóm chính là CÁI GƯƠNG lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất trên các thế hệ trẻ. Nếu không bắt đầu từ đó thì từ đâu?

Tôi hoan nghênh và tán đồng quan điểm của Thanh Giao, nhưng xin hỏi: Môi trường XH tạo ra hành xử của con người, vậy ai, cái gì tạo ra môi trường đó. Ông bà cha mẹ là cái gương của con cháu, hỏi ai làm gương cho họ.

Hình như Thanh Giao có cảm nhận được gì đó nên viết: “Sự biến đổi (xấu xa) này nó không thể có trong ngày một ngày hai, nhưng nó đã ăn mòn trong suốt 44 năm trời dài đằng đẵng, chậm chạp nhưng chắc chắn”.

Thanh Giao chắc có biết nhưng không dám viết ra, rằng người ta vẫn ra nhiều nghị quyết về nêu gương và học tập đạo đức của Hồ Chí Minh đấy chứ. Nhưng rồi dù ra sức học, dù có nhiều nghị quyết nêu gương mà tình trạng vẫn ngày càng xấu đi. Vì sao vậy? Vì nguyên nhân cơ bản gây ra nó không những vẫn còn nguyên mà càng tăng thêm.

Hành xử của con người trong xã hội được hình thành, phát triển (hoặc bị hạn chế) do từ hai phía: Phía người dân và phía lãnh đạo, quản lý xã hội. Một hành xử xấu do một vài người nào đó, vì ích kỷ, vì coi thường trật tự công bằng mà gây ra. Nếu quản lý, lãnh đạo nghiêm túc, sáng suốt phát hiện, ngăn chặn, trừng phạt ngay thì sẽ nhanh chóng dẹp được. Còn nếu quản lý, lãnh đạo là độc quyền, ngu và tham, lại có những chủ trương sai lầm thì càng giúp cho thói xấu phát triển.

Qua nhiều nghiên cứu tôi rút ra kết luận: “Những tai họa, thói hư tật xấu của xã hội VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng của một bên là các yếu kém trong truyền thống dân tộc và một bên là những độc hại trong Chủ nghĩa Mác Lê.

Yếu kém trong truyền thống như là thói ích kỷ, bừa bãi, không biết tôn trọng v.v… Độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê như vô sản chuyên chính, đấu tranh cách mạng, lập trường giai cấp v.v…

Sự kết hợp giữa hai thứ này không phải do tự giác của lãnh đạo và quản lý mà đó là sự tự phát không ngăn cản được.

Ông bà cha mẹ có thể làm gương cho con cháu, thầy cô có thể làm gương cho học trò trong phạm vi hẹp, còn trong toàn xã hội cần có sự làm gương, sự công minh, liêm chính, năng lực của chính quyền, của lãnh đạo. Môi trường xã hội do sự kết hợp giữa thói xấu của con người và độc hại của chủ thuyết sẽ làm mờ, làm hỏng những tấm gương do PhạmThanh Giao đề xuất.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây