GS Lê Hữu Khóa
23-6-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 và phần 13
Thành
(Thành tựu-thành quả-thành đạt-thành công)
Thành tựu, trong cần mẫn trong lao động dẫn tới tích của-tụ vốn để nới ngõ-mở cửa cho xuất khẩu, để tìm thêm các thành tựu khác trong thương mại, mà luôn không quên là chúng ta có những hàng xóm đi buôn rất giỏi, quản lý xuất nhập khẩu rất tài, có tầm cỡ lớn không những trong châu Á mà trên cả thế giới hiện nay: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, mà không quên Thái Lan, Mã Lai, lại càng phải chú ý các bước tiến gần đây của Campuchia, Lào.
Khi nghiên cứu đặc biệt về thành tựu, các chuyên gia tìm ra được ít nhất là ba nguyên nhân: thành tựu trên vốn liếng sẵn có từ lâu (như nông nghiệp của Việt Nam), thành tựu trên sở trường vừa tới từ địa dư-đại lý-địa phận của một đất nước (như thuận lợi trong chuyên môn hóa trồng trọt và xuất khẩu cà phê của Việt Nam), nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là chính trị sáng-lãnh đạo thức để có được một chính trị quan thích ứng-thích nghi-thích hợp với tình hình hình của thế giới hiện nay.
Thành quả, là kết quả đạt được trong từng khu vực, vừa được so sánh từng ngành nghề, vừa được tổng kết của tất cả các sinh hoạt từ sản suất tới tiêu thụ, từ xuất khẩu qua nhập khẩu, từ kinh tế qua thương mại, tạo nên sức bật làm thăng hoa giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, trong đó thành tựu của sáng tạo trong khoa học kỹ thuật luôn được mở cửa bởi quyết tâm của các chính sách, được thăng tiến rồi thăng hoa nhờ quyết tâm của lãnh đạo chính trị. Nơi mà lãnh đạo chính trị giỏi biết khai thác thời thế mà không chịu đựng thời thế; nơi mà lãnh đạo chính trị tài biết tạo ra thuận thời-mẩn thế; nơi mà lãnh đạo chính trị lớn biết biến thất thế thành thuận kế, biết chuyển thất thời thành thuận mưu; các minh vương, minh quân, minh sư của các đời Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê… đã có chiến tích, chiến công trước các tình huống rất xấu, rất nguy.
Thành đạt, dùng thành tựu cũ làm ra thành tựu mới, dùng thành quả xưa làm ra thành quả mới, hiệu quả năm nay hơn hiệu quả năm qua, tăng trưởng liên tục để không ngừng thăng tiến, những gì đã đạt được sẽ làm dàn phóng cho các thành đạt sắp tới. Đầu tư thì không “vung tay quá trán”, sản xuất thì “leo thang-nâng cấp”, trong xã hội có “trong ấm, ngoài êm”.
Thành công chính là kết quả thật sự của phương trình tổng thể thành tựu-thành quả-thành đạt, không những làm gốc, rễ, cội, nguồn cho chuyện “ăn no-mặc ấm”, có cùng lúc với “ăn chắc, mặc bền”, mà lãnh đạo chính trị giỏi-tài-lớn không ngần ngại biến hoài bão “ăn ngon, mặc đẹp” thành hiện thực! Đây chính là danh dự thành nhân của lãnh đạo chính trị!
Tranh
(Tranh tài-tranh đua-tranh đấu)
Tranh tài luôn có trong quan hệ quốc tế, từ kinh tế, thương mại, xuất khẩu qua giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Nó trở thành nỗi bất hạnh của nhân loại trong tranh tài để chạy đua vũ trang, nhưng nó là cơ may cho các khám phá kỹ thuật, y học vừa bảo đảm tiện nghi, sức khỏe, vừa nâng tuổi thọ, vì trực tiếp phục vụ con người và đời sống. Các quốc gia có lãnh đạo chính trị cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trước hiện thực tranh tài quốc tế đều -trực tiếp hoặc gián tiếp- đưa dân tộc của mình vào hố sâu!
Tranh đua, theo nghĩa tranh tài thường xuyên vừa là động cơ chính, vừa là sự vận hành thường trực của toàn cầu hóa hiện nay, nơi đời sống xã hội thay đổi hàng ngày với mạng truyền thông toàn cầu, trực tiếp, tức khắc, tạo ra không khí, bối cảnh tranh đua từng ngày trong kinh tế, thương mại, xuất khẩu, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, nghệ thuật… Tại đây, chính trị tỉnh-lãnh đạo thức phải có chính trị quan mở để học các phát minh hay, các nghệ thuật đẹp, các kinh tế tốt, các kỹ thuật lành. Nhưng không mở vô điều kiện, vô tội vạ, mở để chấp nhận tranh đua, để biết người, biết ta, không bị lỗi thời trong kiến thức, lạc đường trong tri thức, lầm hướng trong nhận thức.
Tranh đấu, không hề vắng mặt trong lãnh đạo chính trị, đấu tranh chống bất bình đẳng để chống bất công, để tìm tới công bằng. Tranh đấu vì “cơm no, áo ấm” để có “trong ấm, ngoài êm” là đấu tranh trực tiếp hay gián tiếp cho nhân quyền. Tranh đấu vì tự do để có dân chủ là đấu tranh mà không quên lấy đoàn kết và tương trợ để phục vụ cho bác ái, có đạo lý “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, vì có đạo đức “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Tranh đấu chống vô cảm, vô giác để chống luôn vô tri, vô minh. Tranh đấu để giữ lương tâm, để vững lương tri, để làm người lương thiện!
Tranh tài-tranh đua-tranh đấu, hoàn toàn ngược lại với “tranh của” tới từ các động cơ xấu, tồi, tục, dở của lòng tham lam muốn lấy của người thân, người nhà, người dân; lại khác hẳn với “tranh quyền” thường mang theo các ý đồ thâm, độc, ác, hiểm để truy diệt đồng chí, đồng đội, đồng đảng.
Vì tranh tài-tranh đua-tranh đấu thăng hoa nhân trí, thăng tiến nhân tri, để phục vụ trực tiếp cho nhân bản và nhân văn; trái ngược với “tranh của” làm thấp nhân nghĩa, với “tranh quyền” hạ thấp nhân đạo. Bi kịch của Việt tộc hiện nay mà nguyên nhân là sự độc đảng trong tranh quyền-tranh của, đã hủy diệt bao cơ hội tranh tài-tranh đua-tranh đấu của bao thế hệ không có cơ hội vận dụng tài năng, năng khiếu để so tài cùng láng giềng và thế giới!
Hiệu
(Hiệu quả-hiệu năng-hiệu suất)
Hiệu quả tạo ra kết quả tích cực theo hướng đi lên trong chức năng, vài trò của lãnh đạo, đo lường được qua định chất và định lượng trong công việc hàng ngày dựa trên các chỉ tiêu của chính sách được chính lãnh đạo đặt ra. Đo lường được qua quy trình làm ra các sản phẩm mới, đo lường được qua khả năng xử lý các công việc đã và đang bị tồn đọng từ bao lâu nay; nhưng đo lường thông minh nhất về hiệu quả lãnh đạo là: nhờ sự sáng suốt của lãnh đạo mà tập thể tăng năng xuất, nhờ sự thông thái của lãnh đạo mà cộng đồng tăng sản xuất.
Chính nhờ lãnh đạo giỏi mà dân tộc biết “thức khuya dậy sớm”, nhận chuyện “một nắng, hai sương” với tất cả ý thức muốn đi lên, có lúc chấp nhận luôn chuyện “thắt lưng, buột bụng”, để cùng với lãnh đạo làm được chuyện “ăn bữa sáng, lo bữa tối”, với tất cả ý thức của “đồng hội, đồng thuyền” cùng lãnh đạo. Các láng giềng của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã làm được các việc này với lòng quả cảm, với nhận thức của tự trọng của dân tộc họ.
Hiệu năng, mang mức độ đi lên, mang cường độ đi xa trong hiệu quả, tăng hiệu suất trong lao động, nâng sản suất đi lên. Tại đây kẻ lãnh đạo và người dân không lãnh đạo khác nhau ở chỗ là làm lãnh đạo thì phải hiểu thời-biết thế, muốn thấu cả thời lẫn thế thì phải biết khai thác phương trình 3C (bối cảnh-hoàn cảnh-thực cảnh). Trong đó bối cảnh, bó buộc kẻ lãnh đạo phải nhận định sắc bén các dữ kiện của bây giờ và ở đây để “cái khó (không) bó cái khôn”, nếu lãnh đạo chính trị mà cứ ra rả nhắc đi nhắc lại như phản xạ“cái khó bó cái khôn” thì đừng lãnh đạo, để vai trò đó cho người khác làm!
Tiếp theo là hoàn cảnh, mang những biến số thời cuộc nơi mà chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa… mang những ẩn số riêng của mỗi khu vực, có cơ cấu riêng, có sự vận hành riêng, thậm chí có những tiến độ, khủng hoảng và suy thoái riêng của nó. Trên đây, định lượng trong kinh tế và thương mại được hiệu suất hóa dễ hơn trong giáo dục và văn hóa. Từ đó lãnh đạo phải rành mạch là: đầu tư vào con người luôn là chiến lược dài hạn và hữu hiệu hơn là đầu tư vào máy móc, vào công cụ, vì chính con người sẽ đủ tâm, đủ lực để hiện đại hóa, để hiệu năng hóa máy móc và công cụ.
Cuối cùng là thực cảnh, thực tế của xã hội, thực tại của dân tộc chính là hằng số cụ thể để lãnh đạo làm ra chính sách, tại đây “có thực (tế) mới vực được đạo”, chính phương trình thực cảnh (thực tế-thực tại) bó kẻ lãnh đạo phải tìm ra quỹ đạo thực dụng tích cực (ít tốn kếm nhất, ít chi tiêu nhất, ít hao tổn nhất, ít đau khổ nhất…). Hiệu quả của thực dụng tích cực sẽ kết hợp với hiệu năng lãnh đạo một cách hữu hiệu nhất để tạo ra thành công cho lãnh đạo.
Chống… đứt ruột
Chống… đứt ruột là từ ngữ được sử dụng như châm ngôn của chính giới các nước văn minh, giữ được dân chủ vì nắm được nhân quyền, luôn dặn dò nhau khi làm lãnh đạo; một ngữ pháp chính trị được dùng như phương châm lãnh đạo hàng ngày: quyết tâm không để mất tiền đồ mà tổ tiên, cụ thể là không để mất di sản lẫn văn hóa, không để mất chất xám trí thức lẫn hệ thống huấn luyện và đào tạo các thế hệ tương lai, với các hằng số chống đứt ruột như chống các ý đồ bành trướng xâm lăng muốn bứng gốc-nạo rễ vốn liếng của dân tộc mình. Xin kể vài lãnh vực then chốt phải bảo vệ cho bằng được sau đây:
1.- Không để đối phương mua bán hoặc thao túng hệ đào tạo chuyên môn, trong đó phải bảo vệ cho bằng được hệ thống đại học của nước nhà. Bi kịch hiện nay của trí thức và sinh viên Việt là chính quyền đang nhắm mắt để Trung Quốc mua các đại học dân lập của Việt Nam, hậu quả sẽ không lường hết được.
2.- Không chấp nhận đối phương quậy nát, làm ô nhiễm môi trường của đất nước, vì môi trường của đất nước là môi sinh của dân tộc, chuyện sống còn của bao thế hệ là đây. Thảm kịch đã diễn ra với ô nhiễm môi trường trầm trọng gây ra bởi Formossa, ô nhiễm môi trường trầm trọng sẽ là ô nhiễm môi sinh trầm kha; hậu nạn không ai thẩm định được, chưa kể oan nạn sẽ tiếp tục xảy ra với cách khai thác bô-xít, cây rừng của Tàu trên Tây nguyên, cùng với bao nhà máy dầy đặc chất rải đầy trên các vùng miền của đất nước.
3.- Không cho ngoại xâm quyết định cơ sở hạ tầng của mình, từ quốc lộ tới đường cao tốc, từ nhà ga tới sân bay, từ đô thị hóa tới tổ chức giao thông không, thủy, bộ. Thảm kịch đang xảy ra trước mắt Việt tộc với bao doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc đã thành đa số trong tất cả các đầu tư quốc tế tại Việt Nam, họ đang quyết định cơ sở hạ tầng của đất nước mà ý đồ xâm lược vừa lén lút, vừa quy mô, sẽ gây ra một loại ung thư địa dư kinh tế và quân sự, mà ta không sao trở tay đúng lúc khi âm mưu xâm lược thành hiện thực ngay trên cơ ngơi của ta.
Gây đứt ruột trong tâm địa của đối phương là làm hai chuyện cùng lúc: cắt ruột và nạo ruột; trước hết là cắt ruột để cắt toàn vẹn lãnh thổ của một dân tộc; nạo ruột là đào cho rỗng mọi tài nguyên, mọi tiềm năng của một đất nước.
ĐCSVN với các lãnh đạo hiện nay đã nghiên cứu đầy đủ về bài toán thâm, độc, ác, hiểm gây đứt ruột–cắt đứt ruột-nạo rổng ruột của Tàu tặc chưa? Không tỉnh táo và không sáng suốt với 3 ẩn số ruột này thì đừng lãnh đạo!
Tam thuật lãnh đạo:
3 Đ= đề nghị+đối thoại+đàm phán
3 C = bối cảnh+hoàn cảnh+tâm cảnh
3 Ư = thích ứng+linh ứng+diệu ứng.
Kỹ thuật lãnh đạo luôn được thao tác như nghệ thuật lãnh đạo trong chính trị cũng như trong quản lý, qua một quá trình hành xử với thái độ có văn minh, cùng các hành vi có văn hóa, thể hiện bằng hành động mang sự thông minh sắc sảo: sự thông minh biết tôn trọng lẫn nhau. Đây là một quá trình giáo dục mà các lãnh đạo độc (độc tài, độc quyền, độc tôn, độc đảng) phải học nhiều của các nước có nhân quyền, biết dân chủ, tổ chức theo hệ đa (đa nguyên, đa tài, đa năng, đa hiệu).
3 Đ= đề nghị+đối thoại+đàm phán, quá trình này đưa mọi sáng kiến, mọi sáng tạo vào khung các phướng án hướng về tập thể, trong đó đề nghị là khả năng làm sáng ý muốn, làm rõ ý định để khi vào đối thoại thì dữ kiện song hành cùng chứng từ, để lý luận trong đối thoại thành lập luận phục vụ tập thể. Và, khúc quanh là đàm phán -để đấu giá và trả giá- nơi làm rõ quyền lợi và quyền lực của mỗi bên, tạo tiền để cho giai đoạn tiên quyết là: quyết định tập thể, sẽ là gốc, cội, nền cho chung kết, tức là hành động cụ thể của tập thể đó.
3 C = bối cảnh+hoàn cảnh+tâm cảnh, là thượng nguồn của quá trình tạo ra 3 Đ= đề nghị+đối thoại+đàm phán. Chính bối cảnh của môi trường thực tế điều kiện hóa mọi hoàn cảnh cụ thể của cả tập thể, bó kẻ lãnh đạo phải nắm tình hình thực tiễn để xây chính sách, tạo đề án, lập chương trình. Từ bối cảnh được nhận định tổng quan dựa trên hoàn cảnh được nhận thức bởi lãnh đạo, thì chiến lược để thực hiện các phương án đã mang tính thực tiễn (bám thực tế, hiểu thực dụng để sáng tạo qua thực thi), trong đó sự sáng suốt của kẻ lãnh đạo là thấu suốt tâm cảnh của quần chúng, thấu đáo các diễn biến tâm cảnh đó qua quá trình thực thi các chính sách.
3 Ư = thích ứng+linh ứng+diệu ứng, là quá trình dùng tri thức lãnh đạo để vào thực hành lãnh đạo, khi biết thích ứng là “cái khó bó cái khôn”, thì không bó tay, vì làm lãnh đạo là để giúp tập thể vượt qua cái khó, nếu bó tay thì đừng lãnh đạo. Linh ứng, được cụ thể hóa bằng các hành động: linh động thích ứng, linh động xử lý, linh động giải quyết. Khi đó, kẻ lãnh đạo đã biết “cởi trói, thoát rào” để tìm diệu ứng từ tất cả các đồng minh gần xa, giúp cho đường lối lãnh đạo thăng hoa, hòa giải các khó khăn, trong đó vai trò của tri thức luận (tìm tri thức mới để củng cố tri thức đã có) nơi mà khoa học, kỹ thuật, truyền thông… giúp kẻ lãnh đạo tiếp nhận linh diệu các tiềm năng mới vừa được tri thức mới khai thác để đưa vào thực tiễn của cuộc sống.
Hãy lãnh đạo với phản xạ tri thức đi tìm tri thức, để kiến thức vững đã có tạo nên kiến thức mới làm khôn lãnh đạo: khôn ra để khôn lên… Mỗi ngày lãnh đạo quần chúng mà không khôn ra để khôn lên thì nên từ chức, càng sớm càng đỡ làm khổ dân!
______
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.
Loạt bài của Lê Hữu Khóa không phải dành cho tất cả mọi người đọc. Đây là những loạt bài nói về Con Người, xây dựng lại Con Người Việt đã bị hư hỏng dưới chế độ csvn. Chỉ những ai quan tâm về Con Người thì mới hiểu được cái mà Lê Hữu Khóa nói đến. Thành ra không phải ai cũng hiểu được và thích đọc những loạt bài viết nói về Con Người.
Có những người viết bài mục đích là để thế hệ tương lai đọc thành ra họ vẫn viết dù người đọc rất ít. Nhưng tất cả những chuyện lớn đều khởi đầu từ con số ít để rồi trở thành số nhiều khi số ít đó đủ mạnh để vận động số đông. Còn kêu gọi tác giả đưa ra những công trình thì phải chăng những bài viết như thế này không phải là những công trình đáng lưu tâm?
Tôi thấy bác này chịu khó viết, nhưng chẳng ai quan tâm và chẳng ai thèm đọc. Bác đưa ra hết khái niệm này đến khái niệm khác, tất cả đều “khác người”. Cách viết của bác giống như là bác đang giảng bài cho sinh viên, chớ không phải giải thích cho công chúng kém học như chúng tôi.
Thấy TD giới thiệu bác là giáo sư trường Lille và giám đốc gì đó cùng những chức vụ bự. Tốt nhất là bác cho công chúng xem website của trường Lille có những công trình của bác thì chúng tôi sẽ theo dõi hơn.