GS Lê Hữu Khóa
18-6-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 và phần 11
Quyền tạo chủ thể
Quyền tạo chủ thể, là thử thách mà cũng là quyết tâm của các lãnh đạo các quốc gia văn minh hiện nay nhờ có dân chủ để bảo vệ nhân quyền. Đây chính là liêm sỉ của kẻ lãnh đạo có lương tâm trong chính trị, thấy rõ qua lương tri các chính sách liêm chính, trong đó cá nhân, không những là cá thể phải được tôn trọng, mà chính trị tỉnh-lãnh đạo thức phải giúp họ chuyển hóa thành chủ thể.
Và, cá tính của chủ thể là yêu dân chủ vì quý nhân quyền, trọng công bằng vì yêu bác ái, nâng niu tự do để sáng tạo trong tất cả sinh hoạt của xã hội, lấy phương hướng “nước giầu, dân mạnh” của dân tộc để định hướng “nhân loại thái hòa” cho thế giới. Chính quyền do ĐCSVN dẫn dắt chưa hề có hành động chính trị này, vì ngày ngày họ luôn tìm cách tiêu diệt tất cả các sáng kiến về phương trình chuyển tiếp cá nhân–cá thể–chủ thể. Chính quyền của ĐCSVN là chính quyền bị xếp vào “hạng tồi” trong bảng xếp hạng các chính quyền bảo vệ các chủ thể dân chủ.
Quyền tạo chủ thể là thông minh lãnh đạo chính trị, nếu muốn có tuổi thọ cao trong chính trường, có tuổi trọng trong chính giới, có tuổi dày trong chính kiến, chính thông minh lãnh đạo chính trị này là năng lực chuyển một xã hội quần chúng bị tuyên truyền “đưa đường dẫn lối” trở thành xã hội chủ thể với các cá nhân có cá tính tham gia vào việc “ích nước, lợi dân”. Quyết tâm chuyển hóa một xã hội quần chúng qua một xã hội chủ thể mà mọi người dân đều có bổn phận và quyền lợi trực tiếp, có trách nhiệm và tư quyền tức khắc, dựa vào hiến pháp, phát luật, định chế, cơ chế… biết chủ thể hóa cá nhân.
Chính quyền do ĐCSVN chưa hề có lập luận chính trị này, vì giờ họ luôn tìm mọi cách truy diệt tất cả các sáng tạo về quy trình chuyển tiếp chủ thể hóa cá nhân, với thực tâm cá nhân hóa các hành động dân chủ. Chính quyền của ĐCSVN là chính quyền bị xếp vào “hạng bét” trong bảng xếp hạng các chính quyền bảo vệ các hành động dân chủ.
Quyền yêu luật
Quyền yêu luật là nền của nhân quyền, gốc của dân chủ, rễ của công bằng, cội của công lý, và các chính quyền liêm khiết phải dùng quyền lực của mình để thực hiện được lòng tin vào luật của nhân dân, từ đó tạo ra hiến pháp, công pháp, có liêm chính trong sinh hoạt xã hội, có liêm minh trong hành động chính trị, để có liêm sỉ trong mọi chính sách của lãnh đạo.
Hãy bắt đầu bằng cách tôn trọng luật từ chính các lãnh đạo để có giáo lý trong mọi hành tác lãnh đạo, vì mỗi sinh hoạt xã hội đều có guồng máy tổ chức đặc trưng, có quy luật vận động và vận hành đặc thù. Tại đây, tất cả mọi sinh hoạt xã hội đều phải được pháp luật định vị qua “sân chơi, trò chơi, luật chơi” mà mọi thành viên của cộng đồng sinh hoạt đó công nhận và thừa nhận.
Không có chuyện độc đảng để độc quyền, độc quyền để chuyên quyền, chuyên quyền để bám quyền, bám quyền để lạm quyền, từ đó lách luật, không lách luật được thì tráo luật, không tráo luật được thì xé luật. Đó là quá trình phạm luật, thường xuyên và thường trực của ĐCSVN từ khi thành lập đảng này, ngày càng khinh luật từ các năm qua, trắng trợn nhập nội vào tham nhũng, tham ô để vơ vét trong không gian bất chấp luật!
Quyền yêu luật trong phương trình nhân quyền–dân chủ–công bằng–công pháp, từ lãnh đạo chính trị cầm đầu chính quyền cho tới thường dân chính là cột xương sống của đạo lý dân tộc, luân lý xã hội, đạo đức chính trị, vì sao? Vì tất cả các khúc mắc, các khó khăn, các ngõ cụt của một đất nước, nếu không giải quyết thỏa đáng bằng đạo lý dân tộc, luân lý xã hội, đạo đức chính trị, thì sẽ được xử lý qua pháp luật. Chính pháp luật là tác nhân chính để minh bạch hóa, liêm khiết hóa, trong sạch hóa mọi chính sách, chính thể trong sinh hoạt và hành động chính trị. Đó là cách lý giải trực luận để giải quyết dứt khoát nhiều khổ nạn của Việt tộc hiện nay, nơi mà bất công ngày ngày đào sâu, đào rộng các hệ lụy bất bình đẳng trong xã hội Việt bây giờ.
Quyền yêu luật là quyền chủ thể hóa cá nhân song hành cùng tự do hóa chủ thể trong khung chung của luật pháp hóa xã hội, từ chính quyền tới dân chúng, từ lãnh đạo tới mọi cá nhân trong xã hội; trong đó luật pháp hóa xã hội phải song đôi với luật pháp hóa chính quyền, nơi đây mọi lãnh đạo phải nhận, phải chịu, phải tuân luật pháp trong quy luật công bằng được bảo trì bởi công pháp là được bảo vệ mà cũng được xét xử qua luật pháp.
Quyền nhận thức sử tính
Quyền nhận thức sử tính của chính trị tỉnh-lãnh đạo thức là nhận thức lịch sử qua sử học, có nghiên cứu, có điều tra, có kiểm định, có xác quyết để sử liệu phải có đủ dữ kiện kiểm chứng để sự thật được thừa nhận là chứng từ để thành sử kiện, trong đó lãnh đạo sáng suốt nhờ tỉnh táo tìm ra được sử luận để hiểu được sử Việt, nhờ nắm được sử tính một cách khách quan. Trong sử này, có công trạng của các vị khai quốc công thần, nhưng cũng có bọn “sâu dân, mọc nước”, chúng bán nước vì tư lợi, Việt tộc đã xếp chúng vào loại: “cõng rắn cắn gà nhà”, “mang voi dầy mồ tổ”, cha ông ta có công “dựng nước, giữ nước”, riêng bọn nảy “bán nước như chơi”, để dân tộc bị lâm vào nạn vong quốc “một sớm một chiều” cũng “như chơi”!
Quyền nhận thức sử tính là minh quyền của lãnh đạo, vì biết số kẻ “bán nước, buôn dân” không phải là hằng số mà là biến số tùy thuộc không những vào lòng yêu nước của mỗi con dân, nhất là của mỗi lãnh đạo, mà còn tùy thuộc vào 3C (bối cảnh-hoàn cảnh-thực cảnh) tạo ra tâm cảnh giữa tư quyền và tư lợi trong đó hệ lý của đạo đức (luân lý, đạo lý) trong giáo dục, hệ này phải được giáo dưỡng qua một hệ lý khác của lý trí (lý luận, lập luận, diễn luận, giải luận) để làm tròn bổn phận của kẻ lãnh đạo, vì “quốc thái, dân an” trong việc giữ toàn vẹn lãnh thổ, giữ trọn vẹn cơ đồ của tổ tiên.
Nếu chúng ta yêu quý, tôn vinh Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung… đã xử lý trọn vẹn hai hệ lý trên; lý của đạo đức và lý của lý trí, thì chúng ta cũng phải hiểu thật rõ, thật đúng, thật sâu về “bọn bán nước” qua 3T (tâm địa-tâm tà-tâm lý) của chúng, như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, mà không quên Hoàng Văn Hoan, ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSVN… nơi mà tướng Trương Giang Long thố lộ là “bọn bán nước” hiện nay trong bộ máy lãnh đạo là “từ trăm này sinh ra trăm kia”, chúng ngày càng nhiều hay ngày càng ít là hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của lãnh đạo hiện nay.
Quyền nhận thức sử tính là trí quyền của lãnh đạo, luôn dựa trên kinh nghiệm của cha ông để“lột mặt nạ bọn bán nước buôn dân”, dụng sử tính để hiểu sử xưa trong thông minh lãnh đạo để nắm sử nay, biết chuyển hóa thành chính quyền hiện đại để sử nay phải hay, đẹp, tốt, lành hơn sử xưa. Đó chính là sử luận để thấu hiểu sâu, xa, cao, rộng được sử Việt.
Chính quyền hiện đại có kiến thức sử tính, có ý thức sử nay, có tri thức sử luận là chính quyền biết phối hợp tất cả ngành khoa học, từ khoa học kỹ thuật, thông tin, truyền thông cho tới khoa học xã hội và nhân văn, không những để hình sự hóa bọn bán nước mà còn tỉnh táo và sáng suốt để giúp các con dân không rơi vào vực thẳm bán nước, làm bụi đời rỗng nhân phẩm, làm oan hồn trống nhân nghĩa!
Quyền chủ hóa nhân quyền
Quyền chủ hóa nhân quyền là lằn ranh phân chia làm ra mức phân định giữa một chính quyền vì văn minh của xã hội, vì phát triển của đất nước, vì đạo lý của dân tộc, luôn ngược lại với loại chính quyền lấy độc quyền để lạm quyền, lấy độc tài để diệt đa tài của nhân dân.
Chính nhân quyền khi được tôn trọng sẽ có các cá nhân trở thành chủ thể lấy tự do của mình để sáng tạo ra các phát minh “ích nước, lợi dân”, sẽ có các tập thể lấy tự chủ của mình để chế tác ra các sáng kiến mới vì “dân giàu, nước mạnh”, sẽ có các cộng đồng lấy tự giác của mình để bảo trì các giá trị, các di sản, các đạo lý của tổ tiên qua “cha truyền, con nối” theo nghĩa đẹp.
Quyền chủ hóa nhân quyền, khi nhân tình được nhân tính nâng lên, khi nhân thế được nhân tri đẩy lên, khi nhân loại được nhân lý đề cao, thì chính nhân quyền này sẽ có nhân bản, nhân văn, tạo ra ý thức tập thể, sinh ra nhận thức cộng đồng, giúp chế tác ra tâm thức cá nhân, biết tôn trọng công lợi chính là để bảo vệ tư lợi. Từ đây, lãnh đạo chính trị sẽ làm cầu nối để nhân quyền gặp được chủ quyền (cho dân, vì dân), trong đó nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát, phê chuẩn các kết quả qua hiệu quả và hậu quả của các chính sách, trực tiếp sử dụng chủ quyền của mình trong pháp luật để đầu phiếu, để tuyển cử, tạo ra tranh cử, để có được lãnh đạo thực tài và liêm chính.
Quyền chủ hóa nhân quyền để văn minh hóa xã hội, văn hiến hóa dân tộc, mà cụ thể là có chính sách minh bạch để kẻ xấu không lấy được danh nghĩa của tôn giáo để “buôn thần, bán thánh”, biến chuyện “xây chùa, lập miếu” thành chuyện làm thương mại, trong đó bọn “buôn chùa, bán Phật”, được thu tiền trắng trợn qua xảo thuật: mua lộc, mua sớ… Chúng lại còn tổ chức với bọn tham những trong chính quyền địa phương để lập các trạm thu phí gần chùa ngay trên núi, trên đồi, đối với các con tin mê tín, dị đoan của chúng, thí thân đến các nơi này để thiêu tiền sẵn sàng thiêu thân tới mạt vận, trực tiếp cho bọn ma giáo nhưng lại mặc áo cà sa bỏ túi bạc tỷ hàng tuần, hàng tháng.
Quyền chủ hóa nhân quyền có lý trí, biết tách nếp sống văn minh ra khỏi thói quen mê tín, tách lý tính ra khỏi cuồng tín, chuyện tách ra để trực diện đấu tranh với cái xấu, tồi, tục, dở của ngu dân, lý trí này bắt buộc phải có trong tư duy của người lãnh đạo. Họ phải biết bảo vệ vốn liếng của tổ tiên mình, qua sự thật của lịch sử, qua chân lý của niềm tin, qua các giá trị đạo lý làm nên lẽ phải, để dân tộc được khai sáng và thực sự làm chủ lòng tin của mình, như làm chủ số phận của họ. Từ đó, biết khai thác sức mạnh của mình không để cái ma đạo của mê tín, dị đoan quyết định số kiếp họ. Quyền chủ hóa nhân quyền là vinh dự của các kẻ lãnh đạo biết trao, biết tặng, biết dâng lên cho tổ quốc mình, cho dân tộc mình quyền làm chủ chữ nhân qua chữ lý!
Quyền dân chủ hóa nhân tính
Quyền dân chủ hóa nhân tính trong nhân tình để nhân thế sống có nhân bản, đối xử với nhau có nhân văn, xử thế với nhau có nhân nghĩa, khi đó nhân tính này chắc chắn sẽ được bảo đảm không những bởi nhân đạo và nhân từ, mà còn được bảo hành bởi nhân lý, nhân tri, nhân trí. Cả hệ nhân này nằm gọn trong luật nhân quả chính trị, khi nhân của lãnh đạo sẽ sinh ra quả của chính sách, tạo ra hệ quả để nhân dân thấu rõ được các lãnh đạo có biết “ăn ở có hậu” hay không, vì “ăn ở không có hậu” sẽ bị “triệt hậu”, sẽ thành “vô hậu”, truyền kiếp sẽ bị dân tộc nguyềnrủa!
Quyền dân chủ hóa nhân tính không phải chỉ là một tên gọi, một quyết tâm, một chính sách nhất thời, nó chính là nhân học nằm giữa trung tâm của chính trị học; nơi mà lý thuyết luận nhân tâm của nó chính là phương pháp luận nhân trí của nó; nơi mà khoa học luận nhân lý của nó chính là tri thức luận nhân nghĩa của nó. Nó không lý thuyết, nó chẳng mơ hồ, nó thoát mông lung, nó thắng xảo thuật trong hành động chính trị: vì nó là nó! Vì nhân tính biết mình là ai? Vì nhân tính là nhân tính. Nên nó không bao giờ sợ nhân thế, nó còn có sung lực làm nên nhân bản, có tiềm lực làm ra nhân văn, có mãnh lực tạo ra nhân từ. Vì nhân tính hiển hiện khuyên, dìu, dẫn, dắt, để nhân tình biết sống chung trong nhân loại.
Quyền dân chủ hóa nhân tính chống nghèo đói vì hạnh phúc “đủ ăn, đủ mặc”; chống xâm lược vì “quốc thái, dân an”; cùng lúc chống thế chiến vì “nhân loại thái hòa” có trong lý, trong ngôn, trong từ của lãnh đạo các quốc gia văn minh vì dân chủ, khôn ngoan vì nhân quyền, thông minh nhờ nhân lý của nhân tính, mà chúng ta được nghe hàng ngày, hàng tháng, hàng năm trên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc.
Trong những lúc đó các lãnh đạo của các chế độ độc tài, độc đảng, độc quyền, độc tôn lấy tham quyền để đẻ ra quái thai tham quan, sinh ra bao ung thư tham nhũng, bao hoạn bịnh tham ô, thì chúng ta thấy chúng cúi đầu, lặng thinh… để nghe và… để nhục! Các loại lãnh đạo này đừng tiếp tục “nhục nước, nhục dân” của họ trên chính trường quốc tế nữa!
______
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.