Chính tri của chính trị (Phần 9)

GS Lê Hữu Khóa

14-6-2019

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6phần 7phần 8

Thức

Thức là hệ đào tạo chính trị tất yếu: lấy kiến thức để xây dựng tri thức, nhận trí thức để tạo ý thức, đón nhận thức để có tỉnh thức. Không thạo hệ dây chuyền: kiến thứctri thứctrí thứcý thứcnhận thứctỉnh thức thì đừng lãnh đạo. Lãnh đạo mà vô thức, thì dẫn tới vô minh, để rơi vào bẫy vô tri, chóng chầy sẽ rơi vào vô giác, gây họa cho dân tộc, tạo nạn cho giống nòi.

Thức là hệ lãnh đạo chính trị vừa tỉnh để có tỉnh táo, vừa động để hành động đúng lúc, hợp thời, đúng thế.

Hãy xem lại quá trình đào tạo lãnh đạo tại các nước văn minh, nếu không nói là tân tiến, ở đó có kiến thức trước quần chúng để gầy dựng tri thức sớm làm nền cho mọi chính sách, tránh hẳn chuyện “sai một ly đi một dặm”. Trong đó mọi chuẩn bị trên thượng nguồn phải có một hệ trí thức chỉnh chu, làm gốc cho ý thức chu toàn, để không xảy ra chuyện “sai con toán bán con trâu”. Để khi hành động, thì được vũ trang bằng nhận thức chính xác về dữ kiện để có tỉnh thức sáng suốt, “người khôn chưa đắn đã đo, chưa ra tới biển đã dò nông sâu”, trước khi nhập cuộc và biết chống chọi trước mọi thử thách!

Một trong những thất bại to lớn của ĐCSVN, gây bao hậu nạn cho Việt tộc, là ĐCSVN không tin, không muốn, không đón, không trọng hệ thức (kiến thứctri thứctrí thứcý thứcnhận thứctỉnh thức) trong lãnh đạo chính trị. Hệ thức để khai thị, khai sáng, khai tri, khai trí, mà các nước láng giềng cùng tam giáo đồng nguyên với Việt Nam đã thành công: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Hệ thức luôn được mài thật sắc, dũa thật nhọn qua hệ học, học cho đến nơi, đến chốn để lấy sáng kiến trong thao tác, để thăng hoa qua sáng tạo trên mọi lãnh vực của tri thức, từ khoa học, kỹ thuật tới văn hóa, nghệ thuật…

Vấn nạn thì phải nhận ra hậu nạn: ĐCSVN đã tha hóa hệ giáo (giáo dục-giáo khoa-giáo án-giáo trình) đang đi ngược lại quy trình kiên cường giáo dưỡng để bền chí học tập, để xảy ra bao hiện trạng học giả-thi giả bằng giả. Lãnh đạo mà vô thức thì sẽ đưa Việt tộc vào lộ trình vô định, hướng vô minh!

Lương

Lương hệ lụy nếu lãnh đạo chính trị vô tâm, là hệ thiện nếu những kẻ lãnh đạo chú tâm. Lương là hệ trình của lương thiện-lương tâm-lương tri, không có lương mà đòi làm lãnh đạo, không chóng thì chầy cũng thành kẻ bất lương; từ sâu dân mọt nước sẽ tới buôn dân, bán nước.

Lương luôn là hệ kiến thức đôi: kiến thức liêm chính về luân lý làm nền cho kiến thức sáng suốt về quản lý, trong đó bọn tham quan không có chỗ đứng để tham nhũng, không có chỗ ngồi để tham ô. Bọn này không sao hiểu được phương trình lương thiện-lương tâm-lương tri là một lý luận thông minh, một lập luận thông thái để kẻ cầm cương, nẩy mực sẽ là kẻ chủ động đưa giống nòi tới quốc thái, dân an. Vì với tư duy ích kỷ tối đa làm quan để vơ vét, làm lãnh đạo cào, nạo của cải nhân dân, nên chúng đã bị ung thư ngay trong não bộ và luôn nghĩ phương trình lương thiện-lương tâm-lương tri chỉ dành cho những ai ngây thơ, thật thà, thậm chí là ngu dại.

Lương thiện, lấy cái trong làm cái sáng, lấy cái thẳng làm cái ngay, công nào của nấy, ngược lại với bọn tham quan làm quan để tham nhũng, sẽ bị lột mặt nạ vì là bọn cướp ngày là quan (cắp của công-cướp của tư), giữa công và tư chúng chỉ thấy chúng, chuyện ai chết mặc ai trong phản xạ của chúng, chuyện cao chạy, xa bay khi đất nước bị ngoại xâm, chúng sống trong tà tâm nên suy nghĩ bằng tà thức.

Lương tâm, lấy tâm nói thương, lấy thương làm thiện, biết nỗi khổ niềm đau của đồng bào nên có lương trong công, có tâm trong việc, nhất là việc nước, việc vì dân. Lương tâm của kẻ lãnh đạo có công tâm, biết công bằng (cả lý lẫn tình), công lý song hành cùng công pháp, luôn được giáo dưỡng qua nhân đạo trước mọi cảnh thương tâm của đồng bào, đồng loại.

Lương tri, tri thức của lương tâm, kiến thức của lương thiện, tỉnh táo trong lãnh đạo vì thương nước, trọng dân; sáng suốt trong quản lý vì ăn ở có hậu với các thế hệ mai sau. Chuyện lạ là từ lối tuyên truyền một chiều nghe ra rả bao năm nay “học tập theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh” cho tới cả một chiều dài lịch sử của ĐCSVN đã gần một thế kỷ: phương trình lương thiện-lương tâm-lương tri chưa bao giờ là chủ đề thảo luận của các lãnh đạo luôn dành độc quyền lãnh đạo đất nước này!

Sạch… trong

Sạch trong đào tạo lãnh đạo nơi mà học lực bảo trì cho học vị, bảo hành cho học hàm. Học trong nghĩa học tập trong tu thân, học hành trong tự rèn luyện, sạch ngược lại với bẩn, với hai loại ô nhiễm trong giới lãnh đạo hiện nay: bất tài, vô tri, luồn lách qua cửa ngõ tham quan, tham nhũng.

Sạch trong quy trình gầy dựng chính sách, tại đây các thủ đoạn tham ô, tham nhũng bị chặn ngay thượng nguồn, nơi đây kẻ lãnh đạo đi từng bước từ chính sách tới quyết định, từ quyết định tới hành động, từ hành động tới thành quả, lấy cần mẫn để làm rõ bổn phận, lấy chí công để nhận trách nhiệm, lấy hy sinh để thao tác mọi hành vi lãnh đạo. Không hề có chuyện chia chác với nhau để trục lợi riêng.

Sạch trong tiến hành qua cơ chế, từ chỉ đạo qua hành chính, từ quản lý tổng quan tới hành động lãnh đạo cụ thể thường nhật, nơi đây cơ chế sạch để liêm chính hóa mọi thủ tục, để trong sạch hóa mọi tổ chức từ nhân lực tới đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nơi mà kết quả là hiệu quả lãnh đạo, không có chuyện tránh, né, lách, xé luật để đầu cơ, không có chuyện rút ruột vốn, tài nguyên, vật liệu để làm giầu riêng.

Sạch trong hành động chính trị thấy rất rõ trong phong cách lãnh đạo thanh bạch, chấp nhận thanh đạm vì dân tộc, nhận luôn cả thanh bần để tròn nhiệm vụ, để tròn nghĩa vụ với đất nước, lấy đồng lương nuôi cuộc sống cá nhân. Chuyện biệt dinh, biệt phủ là chuyện của bọn đầu cơ chính trị, đầu nậu chính sách, không hề là chuyện của kẻ lãnh đạo liêm sỉ, không hề là hành động lãnh đạo liêm chính.

Sạch… sáng

Sạch để trong chính trị, để sáng lãnh đạo; sạch từ thượng nguồn trong quá trình đào tạo các cá thể lãnh đạo, sạch trong quy trình gầy dựng chính sách.

Sạch trong đánh giá thành quả và hậu quả phải rõ ngay từ đầu: thấy chuyện hay cho dân tộc, chuyện tốt cho giống nòi, chuyện lành cho xã hội, chuyện đẹp cho đất nước thì đầu tư, thì lập chính sách, thì hành động, trọn vẹn chí công vô tư.

Thấy chuyện xấu cho dân tộc, chuyện tồi cho giống nòi, chuyện tục cho xã hội, chuyện dở cho đất nước, thì đừng đầu tư, thì đừng lập chính sách, thì đừng hành động, đánh giá thành quả và hậu quả là chuyện cân, đo, đong, đếm, hoàn toàn duy lý qua lý luận và lập luận có kiểm soát của tập thể, có đối thoại với cộng đồng, có các giai đoạn đàm phán của nhiều chính kiến đóng vai trò khách quan hóa lãnh đạo chính trị.

Sạch từ đầu đến cuối để tách ra khỏi loại ngụy biện “đánh chuột tránh vỡ bình”, mà ta chỉ thấy bạo động với đạo đức giả luôn đi đôi với thanh trừng nội bộ, một loại chính trị rừng, không trong và không sạch. Sạch để tránh loại xảo biện “đưa củi vào lò”, một loại bạo hành chính trị luôn đi đôi với thanh lọc bè phái, của bạo lực “mạnh được, yếu thua”, của loại bạo quyền “thắng làm vua, thua làm giặc”.

Não… bộ

Não bộ dân tộc tùy thuộc phần lớn vào não trạng quần chúng, kết quả của hiện trạng xã hội, thực trạng của đất nước, trong đó bối cảnh chính trị, hoàn cảnh kinh tế, thực cảnh giáo dục, điều khiển từ tư duy tới phản xạ, từ phản ứng tới phản tỉnh của đại chúng đang sống và chia sẻ cùng một văn hóa, đây chính là mức độ văn minh, trình độ văn hiến của một giống nòi, chính đây là bổn phận và trách nhiệm của tất cả những ai muốn lãnh đạo chính trị có não bộ liêm khiết.

Độc đảng sinh đôi với độc tài, độc tôn song hành với độc trị, độc quyền chung thân với độc đoán, tạo ra tuyên truyền một chiều, sinh ra tư duy ao tù ngay trong tư tưởng, ngay trong não trạng. Trong đó tự do không có chỗ dung thân, dân chủ không có chỗ đứng, nhân quyền không có chỗ dựa. Từ đây sinh sản ra các loại não bộ lạ lùng, dị kỳ, quái gở mà kẻ lãnh đạo chính trị tỉnh táo, sáng suốt, phải phân tích tới tận gốc, rễ, cội, nguồn.

Những kẻ lãnh đạo chính trị có ý thức vì có tâm thức (thao thức với tiền đồ Việt tộc) phải chịu trách nhiệm về các loại quần chúng sau đây (vì họ chỉ là hậu quả của một loại giáo dục tha hóa một chiều này):

Vô tri trước nỗi khổ niềm đau của đồng loại: “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.

Vô minh trước nỗi khó nghiệp quẫn của đồng bào: “máu chảy, ruột mềm”.

Vô giác trước cảnh “ăn bờ, ở bụi” của dân đen, dân oan: “màn trời, chiếu đất”.

Vô tri, vô minh, vô giác trong xã hội, mà theo giáo lý của tổ tiên Việt tộc và cũng theo phân tích của chính trị học, của xã hội học, chắc chắn là tới từ bề trên: từ các lãnh đạo chính trị! (Bề trên ăn ở âm binh!)

Não… trạng

Tại sao lại có một loại quần chúng thờ ơ với hiện trạng dân đen, dân oan, bị tước đoạt mọi quyền sống, quyền làm người, bụi đời ngay trên quê hương, làm oan hồn ngay trong xã hội mà họ đang sống; trong khi đó loại quần chúng này lại tập hợp qua mạng xã hội để ủng hộ, lại còn xin “ở tù thay cho Đinh La Thăng”, một loại tham quan sống nhờ tham nhũng, cùng “cá mè một lứa” như bọn lãnh đạo mang tên này ra xử! Tại sao lại có loại não trạng này của loại quần chúng này giữa Việt tộc?

Tại sao lại có một loại quần chúng lãnh đạm với công cuộc đấu tranh liêm chính vì nhân quyền, liêm sỉ vì dân chủ của nhiều thành phần trong xã hội dân sự đang trực diện hàng ngày chống bất công, vì công bằng xã hội; cùng lúc loại quần chúng này tham gia kịch liệt một cách lạ lẫm vào chuyện đời tư của các đại gia (thật ra chỉ là loại trọc phú, nhiều tiền bạc nhưng thiếu tri thức), của các giai nhân (thật ra chỉ có hình thể mà não bộ thì trống vắng) hai loại người này qua báo chí, qua thể loại chuyện giật gân, mà họ không hề thắc mắc về đạo đức “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, về luân lý “máu chảy, ruột mềm”. Tại sao lại có loại não trạng này của loại quần chúng này giữa Việt tộc?

Tại sao lại có một loại quần chúng quay lưng với một cuộc ô nhiễm tàn khốc tại miền Trung do Formosa gây ra, với hàng triệu đồng bào đang ”dở sống, dở chết” tại các vùng biển đang chịu thảm họa môi trường này, ngay trên đất nước-đất sống của cả một giống nòi? Cùng lúc đó họ sôi nổi bàn tán về tiêu thụ, tận hưởng qua nhậu nhẹt hoang phí, với bao thanh niên suốt ngày la cà trong các quán cà phê, để thời gian trôi qua với bao chuyện gẫu, mà không có tư duy biết tôn trọng tiền đồ của tổ tiên, không biết tự trọng trước nhân phẩm cá nhân mình, ngày ngày bị tha hóa, giờ giờ bị biến phẩm. Tại sao lại có loại não trạng này của loại quần chúng này giữa Việt tộc?

Nếu muốn lãnh đạo chính trị mà không có các câu trả lời, để có các quyết sách hướng thiện, thăng đức quần chúng thì đừng lãnh đạo nữa!

______

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook