Cái lưỡi độc quyền của EVN

Nguyễn Tiến Tường

26-4-2019

Như vậy là đã rõ, việc tăng giá điện của EVN không chỉ là 8,36% như đệ trình và được Chính phủ phê duyệt trước đó. Cái khôn lõi của EVN là dựng mức tăng 8,33% cho khởi điểm 50kWh đầu tiên (chẳng hộ dân nào dùng chừng ấy điện) sau đó tăng thêm để lấy trung bình 8,36% báo cáo Chính phủ.

Nhưng thực tế thu của dân thì lại thu tăng cộng dồn, luỹ tiến. Nếu dùng hơn Từ 51 ký thì sẽ tăng hơn 16,71%, nếu trên 101 ký thì tăng hơn 25%. Đây rõ ràng là một sự trí trá khi xây dựng chính sách mà EVN đã bị người dân “lật tẩy”.

Đây không chỉ đơn thuần là sự giảo hoạt của EVN mà nó còn thể hiện một thái độ khinh nhờn Chính phủ. Thậm chí, với mức áp giá cộng dồn luỹ tiến này, họ đã vi phạm Luật Quản lý Giá!

Động thái giản đơn này mang lại cho EVN 20 nghìn tỷ đồng. Đây là con số báo chí mà cá nhân tôi nghĩ chưa thể phản ánh đúng thực tế (vì dựa trên mức tăng luỹ tiến sẽ lớn hơn).

Đáng chú ý là lý do EVN phải bù lỗ cho việc chênh lệch tỷ giá từ 2017 đến nay lên đến hơn 6,5 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất hồ nghi do đầu vào của ngành điện hiện tại gần 40% là nhiệt điện than, còn lại là thuỷ điện và các năng lượng khác. Đây cũng là nhân tố chính dẫn đến việc tăng giá điện.

EVN lúc nào cũng hô hào kêu gọi giá điện thị trường. Nhưng đối với cơ cấu giá thành điện được công bố như trên, không thể nào thuyết phục được.

Một giải thích khác, EVN nói rằng họ chỉ mới cung ứng được một nửa điện năng trong nước. Còn lại phải “mua” từ các đơn vị khác. Tại sao EVN phải ôm rơm nặng bụng để bù giá khi “đi buôn” điện như vậy? Giá điện các đơn vị cung ứng cho EVN không thấy nhắc đến.

Nếu EVN đòi hỏi thị trường, tại sao không để các đơn vị cung ứng tìm đến người mua trên hạ tầng của EVN? Chính phủ, với uy lực quản lý hoàn toàn có thể bảo đảm điều này. Những doanh nghiệp nhỏ lẻ làm điện để EVN bù giá bán cho dân, thì lợi nhuận của họ nằm ở đâu?

Có quá nhiều khuất tất về việc này nếu không muốn đặt thẳng nghi vấn là có hiện tượng quân xanh, quân đỏ, chuyển giá ngay trong nội tại pháp nhân nhà nước.

Một mình EVN nợ 9,7 tỷ đô la chiếm 37% nợ bảo lãnh Chính phủ. Ai cũng biết số tiền đó đã đốt vào bài toán đa ngành, thất thoát quản lý. EVN từng đề xuất tăng giá điện để bù lỗ và bị phản ứng quyết liệt.

Với thua lỗ và sai phạm nhằng nhịt của EVN mà không có thanh củi nào đã cực kỳ quái lạ. Lạ nữa là EVN lại nhân danh thị trường để ra một chính sách trí trá “bắt cóc” Chính phủ và “đánh úp” nhân dân.

Nếu không rà soát lại cơ cấu giá thành và chủ trương tăng giá điện do chính mình thông qua, thì Chính phủ mặc nhiên tự công nhận mình là con tin của EVN!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây