Hồ Bạch Thảo
4- 4- 2019
Trong bài viết mới đăng trên các báo, với nhan đề “Khúc Tiên Chúa nhân thời cơ dành độc lập”, lập luận chúng tôi cho rằng ngay sau quân loạn tại An Nam vào năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa, giành độc lập cho nước nhà, với lời trích dẫn như sau:
“Cơ: Trong khi Hoàng Sào tung hoành tại Trung Quốc, chính quyền địa phương thuộc Đường tại An Nam Đô Hộ Phủ bị cắt đứt với chính quốc; quân lính nhà Đường làm loạn, tự động bỏ hàng ngũ trở về Ung châu [Nam Ninh], sử chép:
“Đường Hy Tông năm Quảng Minh thứ nhất [880]
Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸。 (Tư Trị Thông Giám, viết tắt: Tư Trị, quyển 253)”
Thế: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà”.
Lập luận trên cũng chẳng mới, trước đây Việt Sử Tiêu Án [viết tắt: Tiêu Án] của Ngô Thì Sĩ cũng chép tương tự:
“Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [viết tắt Toàn Thư] cũng xác nhận vào năm 880 Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn:
“Canh Tý, [880], (Đường Hy Tông Nghiễm, Quảng Minh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, quân ở phủ Đô hộ làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ chạy khỏi thành (Cổn thay Biền, có tiếng là người biết vỗ dân, người [trong châu] gọi là Tăng thượng thư; Cổn từng soạn sách Giao Châu ký, 1 thiên). Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản thường tự ý bỏ về luôn”.
Một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ trong nước tuy không phản đối lập luận của chúng tôi, nhưng anh cảm thấy lấn cấn vì Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [viết tắt: Cương Mục] căn cứ vào sách An Nam Kỷ Yếu của Cao Hùng Trưng, phủ nhận việc Tăng Cổn nhân loạn chạy về nước, nhân đó phủ nhận việc Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ năm 880. Qua Email nhà nghiên cứu gửi cho tôi bài viết của anh, trưng lên những sử liệu Trung Quốc trong Tư Trị, Nhị Thập Tứ Sử cùng những thư tịch cổ Việt Nam, khiến tôi rất khâm phục và vui mừng; vì tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nghiên cứu sâu như vậy, thì nền sử học nước nhà không thể mai một được. Bài của anh trích dẫn từ Cương Mục như sau:
“Năm Canh Tí (880). (Đường, năm Quảng Minh thứ 1). Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn. Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên. Theo sách An Nam kỷ yếu, trước kia, Tăng Cổn làm chức tiểu hiệu dưới quyền Cao Biền, Tăng Cổn là người giỏi về chính trị. Khoảng giữa niên hiệu Kiền Phù (874- 879), nhà Đường dùng Tăng Cổn thay Cao Tầm làm tiết độ sứ. Năm này (880) quân trong phủ nổi loạn, các thuộc hạ xin Tăng Cổn rút ra ngoài thành để lánh nạn. Cổn không nghe, đem điều uy đức ra phủ dụ: quân nổi loạn yên ngay, đến quy phụ với Cổn. Cổn không nhắc hỏi đến lỗi của họ nữa. Vì thế, trong số quân các đạo đi thú ở Ung Quản hễ ai theo về với Cổn thì đều được dung nạp cả. Tăng Cổn là người có tiếng khéo vỗ về cai trị nhân dân, được người Giao Châu gọi là “ông thượng Tăng” (Tăng thượng thư). Cổn có soạn sách Giao Châu ký lưu hành ở đời. Cổn làm việc ở trấn 14 năm. Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ. Lời cẩn án – Sử cũ [chỉ Toàn Thư] chép quân trong phủ nổi loạn, tiết độ sứ Tăng Cổn trốn ra ngoài thành. Nay xét Tăng Cổn là người có tiếng về chính trị, e Sử cũ chép lầm chăng, nên nay căn cứ vào sách An Nam kỷ yếu của Cao Hùng Trưng mà cải chính lại”.
Nay xin cẩn thận xét từng điểm một:
A. Ba bộ sử Tư Trị, Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Án, đều chép nội dung: Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn. Chỉ riêng An Nam kỷ yếu chép: “Tháng 3, mùa xuân. Quân phủ đô hộ nổi loạn. Tiết độ sứ Tăng Cổn phủ dụ được yên”, rồi Cổn ở lại cai trị; sau đó Cương Mục của nước ta lặp lại theo ý đó.
Thiết tưởng lịch sử là một bộ môn thuộc Khoa học xã hội, nên giải quyết theo phương pháp khoa học; cần đánh giá sử liệu một chính xác chừng nào hay chừng đó; chúng ta hãy bắt tay xét về nguồn sử liệu và độ tin cậy của sử liệu:
– Nếu đánh giá nguồn tư liệu thứ tự cao thấp theo mẫu tự A, B, C, D, thì Tư Trị tuy do Tư Mã Quang soạn, nhưng soạn theo lệnh của Vua , do Vua đặt tên sách, đươc dùng tư liệu của triều đình, có giá trị như chính sử; Toàn Thư là bộ chính sử của triều đình nước ta, dùng tư liệu của triều đình, lại tham khảo các bộ sử đời trước của Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên; Việt Sử Tiêu Án do danh Nho Ngô Thì Sĩ soạn, giá trị tương đối. Gộp lại nguồn tư liệu của sử liệu thứ nhất, do 3 bộ sử cung cấp có thể đáng giá hạng A.
Nguồn tư liệu của sử liệu thứ 2, do Cao Hùng Trưng tác giả An Nam Kỷ Yếu cung cấp, tác giả là tư nhân, vị quan tại tỉnh Quảng Tây vào thế kỷ thứ 17; như vậy có thể xếp ngang hàng với Ngô Thì Sĩ là cùng; còn Cương Mục tự nhận chỉ chép lại mà thôi; như vậy nguồn tư liệu của sử liệu thứ 2 được đánh giá hạng B là cao.
– Đánh về giá độ tin cậy thì sử liệu thứ nhất lấy từ tư liệu của triều đình, như Khởi Cư Trú, Thực Lục, Châu Bản; các Sử quan có trách nhiệm chép lại cho đúng, lại qua nhiều đợt kiểm tra, viết sai Ngự sử có quyền đàn hặc. Có người nghĩ rằng các bộ sử Trung Quốc có thể làm giả; điều đó khỏi lo, vi trong 2 thế kỷ trước 19 và 20 các nước Tây Phương 2 lần chiếm Bắc Kinh, nên các bộ sử Trung Quốc hiện tồn tại trong thư viện của họ, cho dù muốn đánh tráo sử liệu cũng không được. Còn giá trị của nguồn sử liệu thì bộ Tư Trị có giá trị rất cao, danh Nho các thời đều khen, phương pháp viết sử được các nước lân bang bắt chước. Riêng Mao Trạch Đông tự nhận đã đọc 17 lần. Báo chí Trung Quốc thuật lại rằng thuở 2 phe Quốc, Cộng hội nghị tại Tứ Xuyên; trong buổi giải lao, hai lãnh tụ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông dạo chơi trong hoa viên, trong tay mỗi người đều cầm một quyển sách, họ tình cờ gặp nhau, rồi chìa sách cho nhau xem; thì ra 2 người trong tay đều cầm cuốn Tư Trị!
Riêng bộ Toàn Thư của nước ta, tác giả Ngô Sĩ Liên có bằng chứng tỏ ra tư cách công chính vô ngã (1), quên nỗi buồn bản thân để làm tròn bổn phận người chép sử. Thông thường con người ta “Tốt đẹp phô ra, xấu xa để lại”, nhưng Sử quan họ Ngô vẫn thản nhiên chép vào Toàn Thư lời vua Thánh Tông nhục mạ ông như sau:
“Vua dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:
“Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu (2) cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến (3) đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn, lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 12, ngày 21 tháng 19 năm Quang Thuận thứ 2 [1462]
Qua các chứng cứ vừa nêu, lại do 3 bộ sử khác nguồn cùng chép nội dung giống nhau. Hơn nữa năm 880 nhân quân Tàu làm loạn bỏ về nước là cơ hội bằng vàng cho Tiên chúa Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa; cũng như ngày 19/8/1945 nhân Nhật đầu hàng Đồng Minh là cơ hội tốt cho Việt Minh khởi nghĩa. Gộp tất cả các điểm vừa nêu ra, chứng tỏ độ tin cậy của sử liệu thứ nhất rất cao, có thể đánh giá vào hạng 1.
Riêng sử liệu thứ 2, chép trong bộ sử tư nhân An Nam Kỷ Yếu, tác giả có thể suy luận thêm bớt theo ý mình, không ai cấm cản; sách viết trải ra qua nhiều lần chép tay rồi mới in, dễ dàng bị “tam sao thất bản” (4), nên chỉ đánh giá hạng 3 thôi.
– Kết quả từ 2 mặt, đánh giá sử liệu thứ nhất thuộc loại A1, sử liệu thứ hai hạng B3; dĩ nhiên phải chọn sử liệu thứ nhất: “Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸”
B. Trong phần trích dẫn nêu trên, Cương Mục cũng dùng sử liệu sau đây của An Nam Kỷ Yếu:
“Đến đời Đường Chiêu Tông, năm Cảnh Phúc thứ 1 (892), Chu Toàn Dục mới sang thay Cổn làm tiết độ sứ”
Tương tự sử liệu này, Tư Trị [quyển 266] cũng có đề cập đến Toàn Dục:
“Ngày Mậu Tuất tháng 2 năm Thiên Hựu thứ 2 [17/3/905] cho An Nam tiết độ sứ đồng bình chương sự Chu Toàn Dục làm Thái sư nghĩ hưu. Toàn Dục là anh của Toàn Trung, chất phác vô năng trước lãnh An Nam; Toàn Trung xin cho bãi chức”.
戊戌,以安南節度使、同平章事朱全昱為太師,致仕。全昱,全忠之兄也,戇樸無能,先領安南,全忠自請罷之。
– Xét về phương diện địa lý nhiệm sở An Nam Tiết độ sứ của Chu Toàn Dục tại Quảng Châu [Quảng Đông+Quảng Tây] chứ không phải Giao châu [Bắc Việt+Thanh Hóa+Nghệ Tĩnh]. Lý do Lưu Ẩn là anh của vua Nam Hán Lưu Cung, nhiệm sở tại Quảng Châu; vào năm 908, cũng được phong giống như vậy:
“Đời Đường Thiên Hựu năm thứ 2 [905] Lưu Ẩn dược ban chức Tiết độ sứ. Lương Khai Bình năm thứ nhất [907] phong Gia kiệm hiệu thái uý, kiêm Thị trung; Năm thứ 2 [908] Kiêm tĩnh hải quân tiết độ, An Nam đô hộ; năm thứ 3 [909] phong Gia kiệm hiệu thái sư, kiêm Trung thư lệnh, Nam bình vương”.
(天祐二年,拜隱節度使。梁開平元年,加檢校太尉、兼侍中。二年,兼靜海軍節度、安南都護。三年,加檢校太師、兼中書令,封南平王。) Tân Ngũ Đại Sử, Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5.
– Xét về sự lý, Chu Toàn Dục là anh ruột của Chu Toàn Trung, bấy giờ là quyền thần, vào năm 907 cướp ngôi nhà Đường lập nhà Hậu Lương. Sau khi Toàn Trung lên làm vua nhà Hậu Lương, Toàn Dục thốt lên một câu có vẻ ngạc nhiên, thiếu tôn trọng:
壬戌,王兄全昱聞王將即帝位,謂王曰:「朱三,爾可作天子乎!」(Chu Tam, nhĩ khả tác Thiên Tử hồ!)
“Tư Trị quyển 266. Ngày Nhâm Tuất tháng chạp năm Khai Bình thứ nhất [25/1/908], anh của Vương Toàn Dục nghe tin Vương lên làm Vua, bảo Vương rằng:
“Ba Chu, mày cũng có thể làm Thiên tử ư!”
Câu nói không dùng đại danh từ như “hiền đệ” đi kèm, chứng tỏ Toàn Dục nói một cách thân tình, khinh thường, coi như em lúc còn nhỏ.
Rồi sau đó mấy tháng vua Hậu Lương Chu Toàn Trung, phong cho anh Chu Toàn Dục tước Vương:
乙酉,立皇兄全昱為廣王
“Tư Trị quyển 266. Ngày Ất Dậu tháng 5 năm Khai Bình thứ nhất [22/6/907], lập anh của Vua là Toàn Dục làm Quảng vương”.
Để hiểu rõ hơn về mức độ thân mật giữa hai anh em nhà họ Chu, hãy dùng thời sự Việt Nam hiện đại làm ví dụ:
Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng có tên là Ba Dũng, vào thời quân chủ Thủ tướng đứng vào hàng Tể tướng. Nếu lúc bấy giờ có người dân nào dám nói:
“Ba Dũng, mày cũng làm Tể tướng ư!”
Kẻ đó rất dễ dàng bị mất đầu. Giả sử anh Tể tướng Dũng, thuộc loại mong nhờ cậy em, có thể nói:
“Chú Ba tôi được làm Tể tướng, mừng quá!”
Chỉ có người anh thuộc loại có ơn bao bọc ông Dũng thời nhỏ, anh em rất thân mật muốn nói gì thì nói, mới dám thốt lên câu:
“Ba Dũng, mày cũng làm Tể tướng ư!”
Trở lại vấn đề, thời Vua Chiêu Tông nhà Đường trao chức Tỉnh hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ cho Chu Toàn Dục, là lúc nhà Vua bị khống chế bởi quyền thần Toàn Trung; ắt phải hiểu anh em Toàn Trung rất thương yêu nhau, nên phải phong chỗ tốt cho Toàn Dục Quảng Châu, chứ không thể phong đất nơi Giao châu xa xôi, từng có quân loạn xãy ra. Lại lúc Toàn Trung đòi cho anh nghĩ hưu, nhà Vua phong Toàn Dục hàm Thái sư là chức quan đứng đầu triều, được hưởng nhiều ân huệ như đất phong, lương hưu trí cao; địa vị này không thể phong cho một Thứ sử Giao châu nghĩ hưu.
***
Qua các chứng cứ vừa trình bày, chúng tôi nghĩ rằng lập luận:
“Năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà” là có cơ sở.
______
Chú thích:
- Theo giáo lý Phật: vô ngã tức không có cái “ta” vị kỷ, dẹp bỏ mọi tham, sân, si.
- Lệ Đức hầu Lạng sơn vương Nghi Dân.
- Phong hiến: là chức Ngự sử giữ việc đàn hặc.
- Tam sao thất bản: ba lần sao sẽ sai mất nguyên văn.