GS Lê Hữu Khóa
12-1-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7
Tuổi… dấn
Bỏ con tuấn mã lại đời hoang – Tô Thùy Yên
Dấn thân từ tự
Kẻ dấn thân không cầu thắng, không sợ bại, vì khi dấn thân là để bảo vệ tự do của mình, để được tự tại một cách liêm sỉ nhất trong một không gian, trong một thời gian, cụ thể là trong một đất nước, một văn hóa, trong một thế hệ, trong một cuộc đời.
Tự do là động cơ, tự tại là ý lực thì tự động là hành động tự nhiên nhất của kẻ dấn thân, không cần ai thúc giục, không nhờ ai xô đẩy, chẳng cầu ai đưa đẩy.
Tự động dấn thân trong can đảm, tự nhiên hiến thân trong quả cảm, dấn thân có thể đưa tới hy sinh, thì dấn thân là trao thân cho chính lý tưởng của mình.
Nếu mỗi chọn lựa trong cuộc sống đều có cái giá của nó, thì kẻ dấn thân không làm chuyện “trả giá” kiểu “tiền trao, cháo múc”, vì giá trị của lý tưởng mà kẻ dấn thân tin và trao gởi đời mình: vô giá!
Dấn thân từ thức
Kẻ dấn thân không hề là kẻ muốn tự sát, vì kẻ đó luôn sống trong thức!
Vì tri thức lấy từ kinh nghiệm, lấy hiểu biết để tìm tương lai hay, đẹp, tốt, lành.
Vì kiến thức của kẻ dấn thân có chứng, có lý, có luận, nên có đường, có lối.
Vì ý thức của kẻ dấn thân là thống hợp của tri thức và kiến thức được trợ lực bởi đạo lý.
Vì tỉnh thức trong kẻ dấn thân có từ quyết đoán chống lại chuyện xấu, tồi, tục, dở.
Vì nhận thức trỗi dậy trong kẻ dấn thân chính là trí thức tự do của kẻ dấn thân!
Dấn thân bằng chính cá nhân mình
Muốn hiểu đời, chắc chắn là phải hiểu cá nhân của chính mình trước đã: mình là ai với chỗ đứng nào trong xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân tộc, xóm giềng…? Chỗ đứng của mình chính là chức năng, vai trò, từ quyền lợi tới trách nhiệm của mình trong xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân tộc, xóm giềng…
Cứ yêu cầu chính trị học phân tích vị thế, chức năng, vai trò… của cá nhân, trong đó chính trị học nhận định cá nhân như cội rễ của mọi chính sách đúng đắn, mọi chính quyền liêm chính, mọi luật lệ công minh. Vì chính cá nhân tạo ra quan hệ xã hội và một xã hội thật sự dân chủ là một xã hội bảo vệ cá nhân. Chính quyền lợi của cá nhân làm cho xã hội phải phân minh, rành mạch giữa công pháp và công cộng, nếu cá nhân được bảo vệ quyền lợi của mình qua công lý, thì luật pháp phải tôn trọng cá nhân qua cách xây dựng công bằng giữa các cá nhân trong đời sống xã hội.
Ta không quên đề nghị xã hội học giúp chúng ta tra xét kỹ lại vai trò của cá nhân như chủ thể hành động trong các sinh hoạt xã hội, mà mục đích là củng cố quyền lợi cá nhân: tư lợi! Cùng lúc tôn trọng các tư lợi khác, các tự do phát huy tư lợi của các cá nhân khác. Quyền lợi cá nhân cũng chính đáng như mọi quyền lợi của xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân tộc, xóm giềng… Tính chính đáng về quyền lợi cá nhân phải được bảo vệ, như ta phải bảo trọng nhân quyền, dân chủ, công bằng trong mọi sinh hoạt của nhân sinh.
Như vậy, đừng quên kinh tế học, trong cách kết hợp nhuần nhuyễn với các luận thuyết của chính trị học và xã hội học, trong đó chúng ta phải phân tích cá nhân như một dữ kiện của nhân sinh, như một giá trị của nhân tính, như một nguyên tắc của nhân lý. Chính cá nhân tạo ra động cơ, ý nghĩa, phương hướng, hiệu quả-và-hậu quả trong mọi sinh hoạt kinh tế, tài chính, thương mại…
Weber, hải đăng của xã hội học và gân cốt của kinh tế học, quả quyết là sẽ không có hai chuyên ngành này nếu cả hai không biết nghiên cứu, điều tra, phân tích và diễn luận về hành động cá nhân trong sinh hoạt của xã hội. Pareto đi xa hơn để đề nghị hãy xác nhận rõ những hành động của mỗi cá nhân để phân giải chúng có hợp lý hay không hợp lý trên các dữ kiện khách quan để thấy định hướng của một chính quyền, phương hướng của một chính sách. Nhưng rõ nét nhất trong giải luận vẫn là Tocqueville: chính cá nhân từ chọn lựa tới quyết định để hành động vì mình và vì xã hội, nên mới đối thoại để tổ chức rồi thực hiện vì xã hội dân sự, làm nền móng-cơ cấu-vận hành cho xã hội dân chủ.
Dấn thân từ chính lý của mình
Chính lý có được là nhờ chính nghĩa! Chưa đủ chính lý phải dựa vào chính luận, trong đó lý luận hợp lý, đi đôi cùng sức kết hợp với lập luận hoàn chỉnh để diễn luận, giải luận, luôn được nương vào chính tri, có sức thuyết phục cao, rồi được chấp nhận trong sinh hoạt xã hội, trong quyết định của cộng đồng, trong chọn lựa của tập thể. Nietzsche trong khi xem lại chỗ đứng của triết học, cũng như Gide khi tra lại vai trò của văn học, luôn đặt cá nhân vào những giá trị nền cho mọi sinh hoạt của nhân tri, cho mọi tổ chức cho nhân trí.
Khi rà lại các phân tích xã hội học của Weber, thì chính Boudon đã nâng thật cao giá trị nền của cá nhân trong mọi nội dung sinh hoạt xã hội, trong đó cơ chế muốn tồn tại không những phải tôn trọng quyền lợi của mọi cá nhân, mà còn phải thông hiểu: chiến lược, chiến thuật, sách lược của cá nhân trong việc đòi hỏi xã hội phải luôn tăng trưởng quyền lợi của mỗi cá nhân. Mọi trách nhiệm, mọi bổn phận được cơ chế tạo ra để hướng cá nhân vào luân lý tập thể, đạo lý dân tộc phải biết không gian tự chủ của cá nhân để bảo vệ tự do của chính cá nhân đó, thì luân lý tập thể, đạo lý dân tộc này mới tồn tại lâu dài được.
Hiểu cái lý của cá nhân để hiểu cái lý trong xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân tộc, xóm giềng, từ đó xã hội học cận đại lập ra chủ thuyết cá nhân phương pháp luận, vừa là lý thuyết luận, cũng là khoa học luận cho tất cả các nhánh của khoa học xã hội và nhân văn. Khởi xướng cho luận thuyết xác nhận cá nhân là giá trị nền của xã hội, nên cá nhân có trong mọi giải thích vi mô và vĩ mô trong các sinh hoạt của nhân loại. Từ sáng kiến tới từ cá nhân, chính khi sáng kiến được chấp nhận thì trong hành động của nó sẽ sinh ra sáng tạo, trong đó chế tác sẽ đóng vai trò của phát minh để đưa xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân tộc, thân thuộc đi lên: thăng hoa!
Khởi điểm của luận thuyết này là phạm trù đa (đa dạng, đa năng, đa hiệu, đa tri, đa tài…) của cá nhân, luôn ngược lại với độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn, độc đảng…) chỉ biết lấy một (một người, một nhóm, một phái, một bè, một đảng) để diệt cái đa của các cá nhân khác: đa số, đa loại, đa phần, đa phương, đa dụng…
Khởi sắc của luận thuyết này là sức công phá của nó: làm vỡ, làm mòn, làm loãng các chủ thuyết về hệ thống luận, cấu trúc luận, tập thể luận… vì đủ lực chứng luận-để-chứng thực được là mọi luận thuyết hô hào lấy độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn, độc đảng…) trá hình dưới khẩu lệnh qua từ công (công cộng, công sản, công chung…) đều sai trật, nếu biết sai mà lấy ra dùng, ra xài, ra làm là bất chính! Là bịp bợm!
Dấn thân từ chính tâm của mình
Giải thích hiện tượng của xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân thuộc qua giải luận hành động cá nhân để có dịp đào sâu thêm một hiện tượng cá nhân khác là: chính tâm, mang nội tâm của chính nghĩa sống vì đời, vì người, không vị kỷ, lánh ích kỷ, sống mà không chỉ thấy mình. Ch
ính tâm chế tác ra thành ý, nơi mà ý nghĩa làm nên ý hướng, từ đó ý muốn sinh ra ý định, để ý định tạo nên ý niệm cho nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan trong mỗi cá nhân.
Tuổi trẻ biết-hiểu-nhận-sống và miệt mài với chính tâm càng sớm càng tốt, càng lâu càng hay, càng bền càng đẹp! Giai đoạn đầu tiên của chính tâm là định được khả năng cùng năng lực của mình trước các dự phóng vì mình, vì đời, vì người, trong đó vai trò của ham muốn và quyết tâm thực hiện dự phóng như để chuẩn bị cụ thể cho tương lai là: tiên quyết!
Giai đoạn tiếp theo là biết đưa dự phóng vào các luận điểm của mình khi sinh hoạt với xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân thuộc… để dự phóng này được chấp nhận, không những qua quyết định của tập thể, mà nhận được sự ủng hộ của các đối tác. Giai đoạn chuyển tiếp là nhận trách nhiệm qua luân lý (đúng) của xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình, thân thuộc… đó là phân công dựa trên phân nhiệm, trong đó phương trình dự phóng cá nhân giờ đã được nhận như một chương trình (chung) của tập thể. Từ cái đúng trong luân lý của xã hội, cộng đồng, gia đình, thân thuộc… tới cái chung giữa dự phóng cá nhân và định hướng tập thể (đúng + chung), sẽ làm nên cái chính lý, có nội lực của chính tâm.
Chính lý và chính tâm sinh ra một nội công khác (âm thầm nhờ khôn khéo), đó là: cải cách, giữ lại trò chơi, củng cố lại sân chơi và chỉ cần đổi luật chơi; mà không gây ra chuyện vật đổi sao dời cho nhân thế, không sinh ra chuyện thịt rơi, xương rụng cho nhân sinh. Chính lý và chính tâm còn có một nội lực khác, (mãnh liệt như cuồng phong) đó là: cách mạng, loại luôn cả trò chơi, khử luôn cả sân chơi, diệt luôn luật chơi; để đổi đời, đổi kiếp, nhưng phải vô cùng cẩn trọng, phải cân, đo, đong, đếm. Đừng làm cách mạng bừa bãi, với các khẩu lịnh: giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc với bao xương máu của đồng bào, để phải rơi vào một thảm trạng hiện nay: thù trong giặc ngoài, với một chế độ độc tài vì độc đảng, vì tham quyền để tham nhũng, với vận số Việt tộc như chỉ mành treo chuông trước Tàu họa!
Dấn thân từ can tới đảm
Khi triết học gặp đạo lý về những điều hay, đẹp, tốt, lành; rồi gặp luân lý khi mà trách nhiệm luôn đi đôi cùng bổn phận, thì triết học “sống luôn” với đạo lý và luân lý, để gầy dựng nên triết đạo đức, để đưa ra mệnh đề mạch lạc cho nhân sinh, sống phải có nhân tính: Hiểu khổ đau, thanh niên với tuổi trưởng thành cũng là tuổi thấy và hiểu nỗi khổ niềm đau của nhân loại, của đồng loại, hiểu để thấu, thấu để chia sẻ, muốn sẻ chia trước hết phải biết cảm nhận là không nỗi đau nào của đồng bào, của đồng loại là nỗi đau riêng, nó chính là nỗi đau của chính mình, khi nhân cách của tha nhân bị vùi dập thì chính nhân cách của mình bị xúc phạm.
Hiểu can đảm thanh niên với tuổi trưởng thành, sống không cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối, mà nhìn thẳng để thẳng lưng, thẳng lưng để thẳng bước bằng lòng quả cảm, trong đó sự can đảm được thấy qua lòng quả cảm như đức của nhân tính, như phẩm của nhân cách giúp ta soi cái đẹp để thấy cái hay, làm sáng cái tốt để bảo vệ cái lành. Hiểu trách nhiệm, thanh niên với tuổi hiểu đời để thấu đời, sẽ là tuổi nhận trách nhiệm với người, với cộng đồng dân tộc, với các tập thể trong và ngoài thế hệ của mình, vì tuổi thiếu niên thật sự đã chấm dứt để tiếp nhận các trách nhiệm mà tổ quốc và nhân loại đang trông chờ vào mình. Hiểu sự ân cần để nhận tha nhân, vô vụ lợi, vì không tính toán thua thiệt, thắng lợi, mà ân cần là che chở tha nhân trong khốn khó, đùm bọc đồng loại trong nguy nan.
Mở lòng như mở cửa đón kẻ lạ trong bão tố để kẻ lạ -dù lạ- nhưng được hưởng mái ấm nhân tình của ta. Hiểu sự tự trọng khi nhận tha nhân, vì tự tôn trọng mình nên không hững hờ trước các biến nạn của tha nhân, tự trọng nên không thờ ơ trước thống khổ của đồng loại. Hiểu khổ đau như hiểu trách nhiệm, hiểu can đảm như hiểu ân cần… tôn trọng tha nhân như tự tôn trọng mình, “thương người như thể thương thân!”.
Dấn thân từ sự tới biến
Trong sự cố luôn có biến cố, vì trong khám phá luôn có khai phá, trong ánh sáng mới luôn có ánh sáng lạ, tạo ra ánh sáng rực làm sáng trí não, tư duy, tạo ra lý mới để đón nhận luận mới. Người khôn là kẻ thông minh luôn thấy được trong sự ngạc nhiên của chính mình trước một sự cố là sự khám phá ra một biến cố như khám phá ra chân trời mới, sẽ mang theo bao kiến thức mới, tri thức mới. Hãy tìm tới hội họa để thấy cái vô biên trong cái hữu hình. Hãy tìm tới âm nhạc để thấu trong giai điệu có cái nhiệm mầu của sự tĩnh lặng. Hãy tìm tới văn học để soi trong một nhân tính có bao nhiêu kiếp của nhân sinh. Hãy tìm tới thi ca để nhận ra trong ngôn ngữ chứa bao dung lượng của tư tưởng.
Hãy tìm tới để ngạc nhiên trước mọi sự cố của nghệ thuật, hãy để các sự cố đó tạo ra bao sóng gió trong tâm hồn ta, bao thăng trầm trong tư duy ta, làm sáng lên bao chân trời trong dự phóng, trong mai sau của ta… tức là nhận biến cố trong kiếp làm người của ta. Không thấy nghệ thuật, không được sống với nghệ thuật như sự cố tạo ra biến cố là một điều vô cùng bất hạnh cho những ai không biết mình bất hạnh, khi sống mà không có bạn song hành là các sáng tạo nghệ thuật của nhân sinh, của các nghệ sĩ.
Hãy sống với nghệ thuật và cứ để nghệ thuật thay đổi nhân sinh quan của ta như thay đổi nhân tính ta. Hãy sống với nghệ thuật và cứ để nghệ thuật thay đổi thế giới quan của ta như thay đổi nhân loại ta. Hãy sống với nghệ thuật và cứ để nghệ thuật thay đổi vũ trụ quan của ta như thay đổi nhân thế ta.
Dấn nhân tìm quả
Tính liên đới là thử thách lớn của tuổi trẻ để hiểu hậu quả dây chuyền trong mỗi hành động: từ cá nhân tới gia đình, từ họ hàng tới thân tộc, từ tập thể tới cộng đồng, từ xã hội tới nhân loại, mà ông bà ta đúc kết rất khéo: “giật dây động rừng”. Tính tương tác trong mọi hành động phải được thấu như hậu quả về sau của mỗi hành động có sức tác động lên quan hệ xã hội, lên đời sống xã hội.
Không có hành động nào riêng tư, riêng rẽ, riêng biệt khi nó vận hành trong xã hội, mà tổ tiên mình ta cô đọng rất sâu: “ăn ở phải có hậu”. Một hành động có hiệu quả hay, đẹp, tốt, lành mang lại hạnh phúc “trong ấm, ngoài êm” là hành động có ý thức xã hội. Một hành động có hậu quả xấu, tồi, tục, dở, lại còn gieo cảnh xung đột “gà nhà bôi mặt đá nhau” là hành động không những vô ý thức xã hội, mà phải bị xem xét như hành động vô liêm sỉ.
Tồi tệ nhất hiện nay trước họa Tàu tặc, một hành động có dụng ý “cõng rắn cắn gà nhà”, có dụng tâm “mang voi giày mả tổ”, gieo thâm nạn “nồi da, xáo thịt” với thảm kịch “huynh đệ tương tàn” thì là tội! Không những không dung, mà phải mang ra luật pháp và luân lý xử cho tới nơi, tới chốn, tới gốc, tới rễ, vì nó tạo ung thư ngay trong lịch sử nơi mà một chính sử làm nên gốc cho giáo dục đạo lý dân tộc lại bị bôi đen bởi tà sử, bị nhúng chàm bởi nhục sử.
Sống kiếp người là đang viết sử về tính liên đới, về tính tương tác, về hiệu quả hoặc hậu quả mỗi hành động! Tự viết sử của chính mình là tiếp nối di chúc của tổ tiên, tự viết sử của chính mình là tiếp tục hồi ức cho ông bà, trong đó chuyện nhân quả là chuyện tổng kết cho nhân sinh, nhân tình, nhân thế; chuyện thống hợp cho nhân tri, nhân trí, nhân lý, chuyện tâm thức cho nhân tính, nhân đạo, nhân nghĩa. Vì vậy, chữ nhân, từ tuổi trẻ tới tuổi già, luôn là bản lĩnh của kiến thức biết chuyển lực để thành nhận thức, là nội công của tri thức biết trao sức cho ý thức một tâm thức có nhân tốt để nhận những quả lành. Thức vì nhân để tốt cho quả là định vị, định hướng, định trí, định tâm của tuổi thanh xuân.
Dấn thân từ thiên tới nhiên
Không có nhân sinh quan nào cao, sâu, xa, rộng mà không được nâng bởi một thế giới quan hay, đẹp, tốt, lành. Không có thế giới quan nào bền-để-vững mà không được nâng bằng một vũ trụ quan có thiên nhiên chung sống với con người trong sự tôn trọng lẫn nhau. Có thể nhận ra trong thiên nhiên mang đa lực các sự sống của động vật, thực vật, với biết bao sự sống khác cùng chung sống với con người, tất cả đều có nhu cầu muốn sống, được sống và yên sống.
Có thể nhìn thiên nhiên qua cảnh quan đẹp, chính thiên nhiên trao tặng con người màu sắc rộng với cường độ hay và trình độ cao của nó, tất cả nhập hội để có một vũ trụ vừa sâu, vừa hay! Nhập hội trong hài hòa, đủ vai vóc tạo ra một lễ hội nếu biết nhìn và thấy, thấy và nhận qua mùa màng, qua vũ trụ quan làm đa sắc, đa diện, đa dạng… cho nhân sinh quan!
Có thể hiểu thiên nhiên qua “nắng sớm, mưa chiều”, hiểu vô thường của vũ trụ để hiểu vô ngã của cái tôi, cái ta, lắm lúc vô duyên trong ích kỷ, vị kỷ, vì quên vị tha… Không đủ tầm vóc thấu duyên với thiên nhiên, không có nội công nhân cách để chia duyên với vũ trụ. Có thể cảm thiên nhiên qua “sớm nở, tối tàn”, thấm vô thường của vũ trụ như thắm kiếp người sinh, lão, bịnh, tử, thấy tuổi già ngay trong tuổi trẻ, nên không để phí thời gian, vì đánh mất thời gian là đang thiêu hủy không gian trong vũ trụ quan, vì vũ trụ quan là gốc, rễ, cội, nguồn của kiến thức, của tri thức, của trí thức chế tác ra nhân sinh quan.
Có thể thấu thiên nhiên qua cảm biến nhiên, nghiệm biến nhiên để định nghĩa lại sự thông minh của con người, sống không phải để khai thác rồi thống trị thiên nhiên, mà phải là sự thông minh tôn trọng lẫn nhau với thiên nhiên, trong sống cùng, sống cạnh, sống chung với thiên nhiên.
Cuối cùng có thể nâng thiên nhiên nếu nhìn nó như một sự sống cao bằng người, có khi cao hơn cả người, đã cùng con người vượt bao biến nhiên, bao thử thách, bao thăng trầm, bao lần vào sinh ra tử với con người, để luôn có mặt trong cuộc sống của con người. Thông minh thiên nhiên làm đẹp vũ trụ hằng ngày của nhân sinh rộng, tạo được nhân tình đẹp, nhân cách cao, để người biết trồng cây, nâng hoa, nhận hương, yêu rừng, yêu biển, yêu cỏ cây, yêu muôn loài như yêu nhân loại. Hiểu thông minh thiên nhiên để thấu thông thạo biến nhiên, để nhận thông suốt thân–thiên–nhiên.
Dấn thân từ nhân
Nhân như tấm lòng vô biên, không bị vị kỷ giới hạn, không bị ích kỷ khung lại, không bị tư lợi mang lên cân, đo, đong, đếm… Giữ chữ nhân từ nhân thế tới nhân tình, từ nhân loại tới nhân tính… là chuyện khó thực hiện, vì rất khó lý luận. Các bạn trẻ nên suy nghĩ về chữ nhân khi ta phải tha thứ, tha lỗi, tha tội cho những ai phạm lỗi, phạm tội.
Nếu tha lỗi, tha tội để được sống yên thì thực sự không phải tha thứ. Nếu tha lỗi, tha tội để được luân lý và công lý bảo vệ thì cũng không phải tha thứ. Nếu tha lỗi, tha tội để có được hòa bình trong hòa giải, hòa hợp trong hòa khí thì cũng không phải tha thứ. Vì cả ba loại tha thứ trên: được sống yên, được bảo vệ, được giải hòa thì đây không phải là tha, mà là một chuyện có tính toán.
Khi Phật giáo dùng từ bi để tha thứ, nhưng Khổng giáo vận dụng pháp lý của công bằng để định vị chuyện tha thứ, tức là không thể lấy ân mà trả cho oán, mà phải để công lý can thiệp để chuyện tha phải là chuyện luật, ta cũng chưa có câu trả lời xác đáng! Vì cả hai Phật giáo và Khổng giáo, cũng như Lão giáo, kể cả Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, tức là không đạo giáo nào giúp các bạn trả lời thật sự chuyện tha thứ: tha thứ thật sự là tha thứ những chuyện không thể tha thứ được! Đó mới chính là tha thứ.
Các bạn trẻ phải vừa sống, vừa ngẫm chuyện này với tòa án lương tâm của chính mình, với các phiên tòa của lương tri của chính bạn, để chuẩn bị, để sẵn sàng, để trực diện với ẩn số của cuộc sống: tha thứ những chuyện không thể tha thứ được!
_____
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.