Tri luận: Nói chuyện với tuổi trẻ của Việt tộc (Phần 5)

GS Lê Hữu Khóa

8-1-2019

Tiếp theo phần 1  —  phần 2  —  phần 3  —  phần 4

Tuổi… công

Đất nước ơi, tôi mến người như khi nhìn em bé ngủ.

Tôi thương người như thương mẹ ốm.

Vì đâu người khoát manh áo đỏ.

Thừa sai – cũn cỡn. Tủi nhục tháng ngày. Long đong chiều sớm.

Phùng Cung

Công… tâm

(từ công cộng riêng tới công dẫn tư)

Công dẫn , lấy chung dắt riêng, lấy công cộng riêng để cùng nhau vượt thoát và vượt thắng mọi bất bình đẳng, mọi bất công. Nếu lấy công tâm để bảo vệ quyền lợi tập thể, thì cái chung luôn ở trên cái riêng, cộng đồng ở trên cá nhân, ở trên vì quyền lợi tập thể này cao hơn, rộng hơn, sâu hơn tư lợi cá nhân: quyền lợi tập thể này có thể làm trọng tài cho mọi xung đột về tư lợi, mọi mâu thuẫn về quyền lợi trong hệ vấn đề sở hữu chủ, quyết định mọi lý luận về tư quyền.

Thí dụ cụ thể là có ba cá nhân trước một căn nhà: cá nhân A luôn ở trong một căn nhà, B là đứa em nghèo nhất đang cần nhà để ở, C là anh cả là kẻ xây nhà này, vậy căn nhà này do ai có quyền sỡ hữu chủ? Câu trả lời không thể thuần túy là trả lại nhà cho C, cũng không phải là để yên cho A sử dụng vĩnh viễn, cũng không thể tặng cho B, mà quên AC.

Như vậy, phải chuyển quyền tư hữu qua quyền được sử dụng căn nhà, công tâm là khả năng định nghĩa công bằng, qua định côngđịnh dụng, cụ thể là cho cả ba cùng có tự do sử dụng căn nhà, và căn nhà này được bảo quản bởi quyền lợi tập thể, vượt qua tư lợi cá nhân, nhưng vẫn tôn trọng mọi cá nhân qua quyền sử dụng nó.

Như vậy, quyền sử dụng dựa trên công, cùng lúc dựa trên tâm phải được xếp ngang hàng với quyền tư hữu, và nó có thể thông minh hơn quyền tư hữu,quyền sử dụng thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của mỗi cá nhân, mà ai cũng biết là mỗi cá nhân luôn có nhu cầu riêng của mình.

Những gì chúng ta đang chứng kiến hằng ngày trên đất nước Việt thì hoàn toàn ngược lại: chính quyền cướp đất dân, bứng nhà dân, bằng cách đổi luật: đất là của công, của chính phủ, và không công nhận quyền tư hữu. Nhưng khi cướp đất dân rồi, bứng nhà dân xong, thì quy hoạch để lại bán lại cho bọn buôn đất, để chúng bán lại qua các công trình bất động sản này với giá gấp trăm, gấp ngàn lần số tiền mà chúng bồi thường cho dân.

Như vậy, qua trung gian của bọn buôn đất, bán nhà trong các công trình bất động sản, bọn tham quan-tham nhũng-tham ô đã cướp dân đến hai lần: cướp quyền tư hữu, và cướp quyền sử dụng của dân. Chúng ta gọi họ là dân oan, vì họ bị oan ít nhất là hai lần!

Công… lý

(từ tâm lý vì công lý tới công lý dựa trên công bằng)

Công lý không tự nhiên mà có, không phải trên trời rơi xuống, công lý tới tự thâm tâm của con người yêu quý và mến trọng công lý: tâm lý vì công lý có trước hiện thực của công lý. Một tâm lý muốn tôn vinh công lý qua công bằng. Công bằng từ lao động tới quyền lợi, từ bổn phận tới trách nhiệm, từ phân phối tới phân chia của cải và công sức trong sinh hoạt xã hội.

Trong xã hội công lý dựa trên công bằng này sinh ra lý thuyết luận công lý có mặt trong luật họctriết học, trong đó công pháp học không tách rời đạo đức học, để khẳng định thái độ chống lại các cá nhân lợi dụng cộng đồng, bóc lột tập thể, qua ăn bám, ăn lừa, ăn hại. Nếu chúng ta không dứt khoát trên quan điểm này thì chính các lực lượng ký sinh trùng sẽ tạo ra các bất công mới, làm trì trệ mọi thăng tiến của kinh tế, làm ngưng trệ mọi tiến hóa của xã hội.

Nhưng nếu quý yêu công lý, mến trọng công bằng thì phải nhận ý tưởng giờ đã thành lý luận trong xã hội học chính trị: công bằng-và-công lý-đểcông nhận cái đúng của bất bình đẳng. Cái đúng này công nhận “làm nhiều, ăn nhiều”, “làm nhiều, lương nhiều”, “làm nhiều, lợi nhiều”. Tức là chính thức công nhận việc “thức khuya dậy sớm”, “một nắng hai sương”, “dãi nắng dầm mưa” là phần thưởng xứng đáng trong thành công trong nghề nghiệp, trong thành đạt trong kinh tế, thành tựu trong xã hội. Tất cả các thành công-thành đạt-thành tựu này chính là thành quả của một cá nhân, của một gia đình, của một tập thể, của một cộng đồng, của một dân tộc, của một sắc tộc, của một văn hóa phải được hợp lý hóa để được chính thức hóa, phải được công lý hóa để được cơ chế hóa qua pháp luật. Vì đây là công bằng của công bằng.

Trong tình hình hiện nay của Việt tộc, cái đúng của thành công-thành đạt-thành tựuthành quả sẽ là công cụ chống tham quan, có công dụng chống tham quyền, phải thành công luật để chống tham nhũng, phải là công pháp để chống tham ô. Vì bọn tham quan-tham quyền-tham nhũng-tham ô trong xã hội Việt Nam hiện nay chúng vừa “ăn không ngồi rồi”, vừa “ăn trên ngồi trốc”, bản chất của chúng là: “cướp ngày là quan”, chúng không hề thiết tha tới “lao động sớm chiều”, không hề biết hệ vấn đề thành công-thành đạt-thành tựuthành quả là chuyện “mồ hôi nước mắt” của kẻ lao động. Chúng chỉ biết trộm-cắp-cướp-giật, vơ vét để nuốt chửng tiền của nhân dân, tài nguyên của đất nước, sinh lực của đồng bào. Khi chúng ta tâm niệm câu của tổ tiên trong cái đúng của thành công-thành đạt-thành tựuthành quả: “có làm thì mới có ăn”, thì bọn tham quan-tham quyền- tham nhũng-tham ô hiện nay -như ma bùn, ma xó- chúng làm ngược lại “không làm nhưng vẫn có ăn”, đây không phải là lỗi, mà là tội trước công lý, trước công pháp!

Công… bằng

(Từ cái đúng của công bằng tới ý thức đúng hành động đúng)

nguyên tắc chung để phân chia, trong đó chia đều, chia ngang hàng chưa chắc là công bằng, mà phải có pháp của luật, có đạo của lý, cái tốt trước hết phải là cái đúng, từ công tâm tới công trạng, từ công bằng tới công lý. Cái đúng phải từ ý thức đúng để có hành động đúng, từ đạo lý đúng tới luân lý đúng, mô phạm đúng để có mô hình đúng, để tạo ra cơ chế đúng trong một xã hội đúng. Một xã hội đúng là một xã hội tạo được sự hợp tác giữa các cá nhân, cùng lúc giới hạn được sự xung đột, tới từ vị kỷ, có từ tư lợi của các cá nhân đó. Cơ sở của cái đúng tạo ra được công bằng, được công lý công nhận là hợp pháp, vì vừa hợp lý, vì vừa đúng luật. Cái đúng không phải chính trị hóa cái tốt, nó càng không phải thần học hóa cái lành của các tôn giáo, nó cũng không phải là cái trúng của toán học.  Mà nó tới từ thỏa hiệp qua thỏa thuận của một cộng đồng có ý thức từ ý niệm tới thực hiện hệ vấn đề công bằng trong những lãnh vực rộng nhất, sâu nhất trong các sinh hoạt xã hội.

Cái đúng của công bằng phải được thể nghiệm, thực nghiệm, thực hiện trong đối thoại của đa nguyên để luôn tạo ra đa năng, đa hiệu, đa tài để bảo đảm tính đa dạng của nhân sinh. Như vậy, sẽ không có cái đúng trong một xã hội độc tài, độc quyền, độc trị tức là độc đảng, vì không có cái đúng nào chịu nằm yên thụ động trong một mô hình ý thức hệ, như nằm ngủ ngu dại trong một nhà tù tuyên truyền chính trị một chiều. Vì cá nhân ngày càng nhiều nhu cầu, tập thể ngày càng nhiều đòi hỏi, xã hội ngày càng nhiều dự phóng. Cầu tạo ra cung, mà nhu cầu con người thì có rồi lại muốn có thêm, có thêm rồi lại muốn có nhiều hơn. Cho nên, cái đúng đa dạng cần cái đa lực, đa chiều, đa dạng của đa nguyên. Cái đúng của chia đều, chia đồng theo phản xạ dễ dãi và vô trách nhiệm “cá mè một lứa” không hề là cái đúng được định vị bởi quyền lợi cá nhân, bởi tư lợi. Nhưng cái đúng của tư lợi phải được dựa vào một cái lý đúng, hoặc nhiều cái đúng, để làm tiền đề cho công bằng phải luôn dựa vào một cái lý công bằng đúng, hoặc nhiều cái công bằng đúng, trong đó nhu cầu mới sẻ sinh ra cái lý mới để tạo ra một loại công bằng mới.

Công… pháp

(Từ công lao qua công lý tới công pháp)

Công pháp phải có nền dựa trên công lý, công lý phải có gốc trong công bằng. Công bằng có công hành trong chia đều để tránh bất công, nhưng cũng phải giữ thế thăng bằng, trong đó côngquả phải được phân định rõ ràng, công nào của nấy phải được tôn trọng để tránh bất công. Cụ thể tránh ăn bám, tránh ăn nhờ, tránh ăn xin, để tránh chính thức hóa, tránh công pháp hóa chuyện biếng nhát, làm cho kẻ biếng lười được hưởng công lao của kẻ lao công. Chống lại chuyện sống thản nhiên trong kiếp ký sinh trùng, bắt xã hội phục dịch mình, bó nhân quần phục vụ nhu cầu riêng tư của mình. Từ công lao qua công lý luôn là nỗi thao thức của nhân tri, luôn là nỗi đau đáu của nhân trí, để có được một xã hội mà không ai bỏ rơi ai, nhưng phải là một xã hội có công pháp, không ai được bóc lột ai! Như vậy công bằng phải đi tìm chỗ dựa là công tâm. Mặc dù công bằng đã từ phạm trù của luân lý đã vào sâu trong phạm trù của công pháp, mà triết học chính trị đã biến nó thành hải đăng của công pháp để tìm đường đi đúng cho nhân loại. Nhưng muốn trúngđúng thì không được quên tính trong công tâm!

Nhưng muốn đúng trong nhân loại thì phải trúng trong nhân sinh. Trong lý thuyết luận về công lý, Rawls đề nghị lấy cái trúng (về lượng lẫn phẩm) để làm chỗ dựa cho cái đúng, khi đã có cái trúng đẩy cái đúng, thì lúc đó mới có thể nói tới cái lành (đúng về quyền lợi, trúng về trách nhiệm). Chính cái lành làm sáng cái tốt qua đạo lý lấy đoàn kết để tạo ra tương trợ, lấy cả hai đoàn kết để và tương trợ để loại đi cái ích kỷ; bỏ vị kỷ để nhận vị tha, từ giáo dục tới tổ chức cơ chế, từ phân phối của cải trong xã hội tới tổ chức từ thiện trong sinh hoạt xã hội. Cụ thể là đưa công bằng vào công lý, đẩy công lý vào công pháp, trao công pháp để nhận công tâm trong tất cả quan hệ xã hội.

Công… quyền

(từ công bằng qua công lý tới công quyền)

Công bằng qua công lý để đến công quyền, chúng ta phải trở lại định nghĩa của đạo lý giữ cho bằng được những cái hay, đẹp, tốt, lành để tạo ra luân lý biến mô phạm thành mô hình của trách nhiệmbổn phận giữa cá nhân, gia đình, tập thể, cộng đồng, dân tộc, xã hội, nhân loại.Công bằng qua công lý trong đó mọi quyền lợi của cá nhân, cũng như trách nhiệmbổn phận của cá nhân đó đối với gia đình, tập thể, cộng đồng, dân tộc, xã hội, nhân loại phải được cụ thể hóa qua luật pháp, hợp thức hóa qua hành chính, công khai hóa qua cơ chế, trong đó pháp quyền bảo vệ luật pháp, bảo trì hành chính, bảo hành cơ chế, để định vị công quyền. Công quyền qua tam quyền phân lập, trong đó tư pháp đại diện cho công bằng qua công lý, không bị hành pháp khống chế, không bị lập pháp thao túng. Trong khi đó với chế độ độc đảng, tạo ra độc tài đã nô lệ hóa tư pháp, sinh ra độc trị, đã vô hiệu hóa phương trình công bằngcông lý, luôn là gốc, rễ, cội, nguồn cho một cơ chế pháp quyền, được xây dựng trên công quyền.

Công quyền qua cơ chế pháp quyền luôn là chỗ dựa và cũng là sức bật của công bằng qua công lý; chính nhờ các cơ chế pháp quyềncông bằng qua công lý đã trở thành công bằng bằng công lý, trong đó cơ chế được luật pháp bảo trợ biến công bằng bằng công lý thành giá trị cốt lõi trong quan hệ giữa người và người luôn cần bảo vệ. Giá trị này luôn là giá trị đôi: giá trị của công lý (có nền là luật pháp), và là giá trị của luân lý (có cội là đạo lý), chính giá trị này biến mong muốn của nhân sinh thành ý nguyện của nhân tính, tạo ra ước nguyền của các thế hệ, và làm cầu nối giữa hiện tại và tương lai, vì cuộc sống thật sự đáng sống khi nó có công bằng, nhân tình thật sự đáng tin khi nó có công lý. Nhưng đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành phải hợp lý để trở thành hợp pháp không những phải qua công lý mà còn phải qua các cơ chế pháp quyền của công quyền. Bi kịch của Việt tộc hiện nay, dưới quyền cai trị của của ĐCSVN qua độc đảng-độc tài-độc quyền-độc trị là vở hài kịch của tư pháp -như một loại công pháp giả, mạo danh- đang làm lao nô cho ĐCSVN, trong một xã hội mà lãnh đạo của ĐCSVN vừa được ra luật cùng lúc được lách luật, vừa được đổi luật cùng lúc vừa được xé luật!

Công… lợi

(Từ hợp đồng xã hội tới ý thức xã hội hóa)

Công bằng luôn được tính toán qua công lợi, mà công lợi không thể thuyết phục được, nếu không định vị đúng thế nào là tư lợi (như quyền lợi của cá nhân trong xã hội). Ở đây, nguyên tắc phân chia quyền lợi qua công bằng được bảo trợ bởi công lý, phân phối tư lợi qua luật pháp được công nhận bởi công quyền. Hợp đồng xã hội (contrat social) của Rousseau được trợ lực bởi cái đúng của ý thức xã hội hóa (conscience de sociabilité) của Kant, trong đó cá nhân biết đạo lý lẫn luật pháp để tự điều chế hành động của mình, để các hành động đúng (luật) có từ ý thức đúng (lý). Rawls đưa thêm vào hai lập luận này hai lý luận khác trong lý thuyết về công lý của ông:

* Khi cá nhân mong muốn sống chung với xã hội thì cá nhân đó biết sử dụng quyền tự do của mình để giới hạn chính quyền tự do đó, để nhận bổn phận và trách nhiệm trước cộng đồng.

* Nguyên tắc công bằng trong xã hội phải là nguyên tắc công bằng trước các dịp may, cơ may có được do cơ chế xã hội tạo ra cho các thành phần xã hội rất khác nhau ngay trên thượng nguồn: trong giáo dục, trong đào tạo, trong huấn luyện.

Từ đây, chúng ta không quên việc tôn trọng các nguyên tắc xã hội về sự khác biệt (giới tính, sắc tộc, văn minh, kinh tế…) giữa các thành phần rất khác nhau trong xã hội ngày càng lớn, ngày càng rộng, ngày càng nhiều về lượng lẫn chất, trong đó nguyên tắc của công bằng phải là hành động của công lý bảo vệ kẻ yếu, kẻ kém, không để họ là nạn nhân của thảm kịch “cá lớn nuốt cá bé”, của cái vô cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay là “khôn nhờ, dại chịu”, để sinh ra cái vô tình “ai chết, mặc ai”. Như vậy, nếu có lời trong ngân sách thì nên nghĩ đến kẻ yếu, nếu muốn có lợi trong chính sách thì nên nghĩ đến kẻ kém. Công lợi ngược lại với thâm ý “ăn cổ đi trước, lội nước đi sau”, mà nó là tâm cảnh của chuyện “bầu ơi thương lấy bí cùng”,nhân cảnh của “một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ”.

Công… giáo

(Từ liêm sỉ giáo dục tới giáo dưỡng tri thức)

Công… giáocông sức giáo dục, dù là thủ công hay trí thức, trong quy luật “trường nào trò nấy”, phải thấy được là công giáo luôn dựa vào sự hiểu biết về cái đúng, và từ cái đúng đó khai phá qua phát minh cái hay, đẹp, tốt, lành cho cộng đồng, qua những bậc thang giá trị về công giáo, từ sáng kiến tới sáng tạo, được tập thể định vị trong đó vai trò của giáo dục cốt lõi. Mỗi xã hội có nhận định, có đáng giá riêng các bậc thang giá trị về công giáo luôn mang tính đặc thù riêng của mình; có xã hội chăm lo công giáo để tạo tiền đề cho công trạng trong khoa học, kỹ thuật; cũng có xã hội chăm lo công giáo nhưng lại hướng công trạng về sáng tạo nghệ thuật. Nhưng các xã hội thật sự chăm lo công giáo, luôn chăm lo chu đáo từ y tế tới nhân sinh, từ sáng kiến để tích cực hóa cơ chế xã hội tới sáng tạo để thăng hoa các phát minh.

Giáo dục luôn là thượng nguồn để định vị những bậc thang giá trị về công lao, bi kịch trầm kha của Việt tộc hiện nay (như một ung thư tập thể) mang tính bạo bịnh liên thế hệ từ khi ĐCSVN quản lý giáo dục sau 1975, đó là hậu quả (giờ đã thành hậu nạn cho kiếp sau) học giả-thi giả-bằng giả. Từ đó kéo theo một hệ thống giáo dục tư nằm ngoài, nằm nghiên, nằm ngược mọi bậc thang giá trị về công giáo. Không biết giá trị về giáo dục thì sẽ không có giá trị về đạo lý, luân lý, đạo đức. Hiện nay, hệ vấn đề hàng hóa hóa giáo dục đã dẫn tới tiền bạc hóa bằng cấp, khi đã tín dụng hóa kiến thức giáo dục thì sẽ buôn lậu hóa các cơ sở giáo dục, trong khi liêm sỉ giáo dục là phải giữ trách nhiệm giáo dưỡng tri thức, có bổn phận giáo hành trí thức. Bi kịch của bi kịch là gần đây ta thấy một số đại học tư Việt Nam mang ra bán cho thương gia Trung Quốc, mang cơ sở đào tạo nguyên khí quốc gia ra để bán cho Tàu tặc, một chuyện chưa hề có trong lịch sử Việt tộc biết “tôn sư trọng đạo”, có luân lý “tầm sư học đạo”, vì có đạo lý “một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa”. Bọn “mang voi dày mồ tổ” này đang và đã làm chuyện “mang tà giặc về dày não bộ thanh niên”!

Muốn xác định rõ các giá trị về giáo dục, thì “phải lần cho tới tận nguồn lạch sông” (Nguyễn Du), trong đó hệ dây chuyền của kiến thức-tri thức-trí thức, chính là phương trình giáo dục, nơi mà học vị có được qua học hàm phải được định lượng và định chất qua học lực. Cái lý đúng trong giáo dục là con tính trúng trong giáo dưỡng, từ khả năng qua kỹ năng, từ hiệu năng tới hiệu quả: Công… giáo (công sức giáo dục) không thể chấp nhận chuyện”đánh lận con đen”!

Công… trị

(Từ chính trị công minh, tới chính sách công bằng với chính giới công tâm)

Bất bình đẳng có thể tới từ các nguyên nhân thuộc về cá nhân, một kẻ nghèo có thể vì do biếng lười, nếu đúng như vậy thì là lỗi của kẻ đó. Nhưng nếu một người nghèo, đến khổ cực, vì các cơ chế từ kinh tế tới giáo dục, từ hành chính tới chính trị không tạo điều kiện thuận lợi, mà ngược lại còn gây bao trở ngại để người này không được tiến thân, không được thoát khỏi kiếp nghèo, không ra khỏi cùng quẩn thì đây không phải lỗi của người đó. Mà đây là lỗi –và tội- của chính quyền, của chính phủ tạo ra rào cản để người này không thoát và không thắng kiếp cơ cực của mình.

Mê tín lẫn tướng số, dị đoan lẫn định kiến không đóng được một vai trò gì tích cực trong chuyện “chống đói, giảm nghèo” này, mà chỉ có chính trị công minh, dựa trên chính sách công bằng, với chính giới công tâm mới xử lý được hệ vấn để bất bình đẳng, để tạo lại công bằng trong xã hội. Trong đó vai trò chính quyền là tiên quyết, từ giáo dục tới tổ chức kinh tế, từ đào tạo tới quản lý, từ giáo dưỡng đạo lý dân tộc tới giáo hành luân lý quần chúng.

Vai trò đầu tiên của một chính quyền, chức năng ưu tiên của một chính phủ là sử dụng lại nguyên tắc phân phối đầu tiên do thị trường quyết định để lập ra các chính sách phân phối lại cho đại chúng, trong đó tái tạo lại thế quân bình giữa giầu nghèo, tái lập lại thế thăng bằng giữa ít củanhiều của, trong đó “kẻ có của, người có công” luôn được công lý bảo trợ, luôn được pháp luật bảo vệ. Từ đây, chúng ta thấy rõ được thảm trạng của Việt tộc hiện nay, là kẻ nào được ĐCSVN bảo kê, từ đảng viên tới tham quan, từ lãnh đạo tới gian thương sống nhờ lãnh đạo, thì kẻ đó dùng tiền của để sống tách biệt, cách xa với dân chúng đang trong quá trình dân đen hóa.

Như vậy, ĐCSVN đã và đang đi ngược-đi lách-đi ngang-đi chéo quá trình chính trị công minhchính sách công bằngchính giới công tâm. Có nhiều phương pháp luận để tổ chức chính sách phân phối lại cho đại chúng, bằng ngân sách, qua các dịch vụ chính thức phục vụ đại chúng, qua trung gian của công pháp, qua cầu nối của công sở, qua mạng lưới của cộng đồng, trong đó hai dịch vụ tối thượng-vì-tối hậu là: y tế và giáo dục, sau đó huấn luyện và đào tạo, kế đến bảo hiểm xã hội đi đôi bảo trợ các công trình nhân đạo… tất cả đây đều là: lương tri của một chính sách, lương tâm của một chính phủ, lương thiện của một chính quyền! Khốn nạn là Việt tộc hiện nay không hề được hưởng ba chữ lương này!

Công… trí

(từ nguyên tắc quân bình lại tới năng động tính của công bằng)

Sự sáng suốt trong phân tích, sự tỉnh táo trong diễn luận, hướng chúng ta về một định đề chung là luôn luôn có bất bình đẳng trong mọi xã hội, nhưng trên hệ bất bình đẳng vai trò của chính quyền, chức năng của chính phủ là phải tạo điều kiện để quân bình lại, để có thăng bằng trong xã hội, từ thăng bằng tiến tới công bằng cho đại đa số quần chúng: đại chúng.

Tạo điều kiện để quân bình lại cho đại đa số chưa phải là công bằng. Vì, công bằng là phạm trù có thể định lượng được, tức là cân, đo, đong, đếm được qua các đơn vị của toán học, được dùng để đo đạt lương bổng, tài chính, kinh tế… Ngược lại, tạo điều kiện để quân bình lại là phạm trù của luân lý, dùng luân lý để tạo công bằng, thì đây lại không thuộc vấn đề định lượng, tức là không cân, đo, đong, đếm được. Thí dụ tạo điều kiện thuận hơn cho kẻ tàn tật được dễ dàng hơn trong các cuộc thi tuyển; tạo điều kiện thuận hơn cho người lớn tuổi được dễ dàng hơn trong di chuyển với vé giá thấp; tạo điều kiện thuận hơn cho phụ nữ được dễ dàng hơn trong ngành nghề trước đây thuộc về nam giới với các ưu tiên khi tuyển dụng…

Tạo điều kiện để quân bình lại chế tác ra tiền lệ rồi tiền đề phục vụ cho năng động tính của công bằng; và đây là thực chất của các xã hội văn minh, thật sự lo cho dân chúng, cho quần chúng, cho đại chúng; vì không thể có một xã hội văn minh, nếu xã hội đó không tạo tiền lệtiền đề giúp kẻ yếu, đỡ người kém. Tạo điều kiện để quân bình lại là tìm mọi cách để kẻ có ít được có nhiều hơn so với kẻ đã có nhiều rồi, để khoảng cách giữa ítnhiều không phải là khoảng cách của bất công không vượt qua được.

Có thể vượt qua bất công bằng cách tranh đấu chống bất bình đẳng bằng liên minh giữa năng động tính của công bằng và nguyên tắc tạo điều kiện để quân bình lại cho đại đa số. Chính bất công sẽ tạo ra bất bình đẳng ngày càng sâu, ngày càng rộng; không chóng thì chầy sẽ sinh ra: mâu thuẫn quyền lợi trong cộng đồng, xung đột tư quyền trong tập thể, giành giật ưu đãi bất chính trong xã hội.

Đây chính là thảm kịch của Việt tộc hiện nay, dưới chế đô độc quyền tham quyền của ĐCSVN, trong khi dân chúng ngày càng nghèo cực, ngày càng nheo nhóc, một bộ phận không nhỏ đã thành dân đen; nếu mất nhà, mất đất thì thành dân oan. Cùng lúc, thì tầng lớp lãnh đạo tham ô, cán bộ tham nhũng, thì ngày càng giầu, ngày càng lắm bạc nhiều tiền, ngày càng “nhà cao cửa rộng”. Chính ĐCSVN phải chịu trách nhiệm trước vận số của Việt tộc trong thảm kịch “dầu sôi, lửa bỏng” sẽ diễn ra trong những ngày tháng tới!

Công… lực

(bất nhẫn chống bất công)

Công bằng luyện tâm và luyện lý để chế tác ra công lý, mà công lý chính thống nhất, liêm chính nhất là công lý tôn trọng cái đúng để tạo tác ra cái hay, đẹp, tốt, lành cho xã hội, cho dân tộc, trong đó thượng nguồn của mọi lý luận là: tự do, trong đó tự do cá nhân phải luôn được tôn trọng và tôn vinh, nhất là tự do được thành công-thành tựu-thành đạt trong giáo dục, trong xã hội, qua trường đời.

Nếu không có lý luận về tự do này thì sẽ không có cái đúng, và cũng sẽ không có luôn công bằngcông lý. Nhưng nguyên tắc tự do cá nhân chỉ đúng khi nguyên tắc về cơ may để tạo nghiệp phải đồng đều cho mọi cá nhân. Cụ thể là nguyên tắc về cơ may để tạo nghiệp, có lý luận để đòi hỏi: mỗi cá nhân đều phải được những tiền đề-tiền lệ thuận lợi để thể hiện-thực hiện quyền tự do của mình.

Nếu tự do du lịch mà tùy thuộc vào khả năng kinh tế, tài chính rất khác biệt giữa các cá nhân, kẻ có tiền được đi du lịch, kẻ không có tiền không thực hiện được quyền tự do du lịch, thì thực sự không có cơ may để tạo nghiệp trong du lịch. Chuyện này càng đúng trong giáo dục hiện nay, cha mẹ lầm than trong lao động mà không đủ tiền đóng học phí cho con cái; trong khi đó con cái của bọn tham quan thì được làm quan tham, mà không cần chi trả gì cả!

Như vậy, nguyên tắc về cơ may để tạo nghiệp chính là đòi hỏi quyền bình đẳng trước mọi dịp may, mọi cơ hội, mọi bối cảnh, mọi thời cuộc…. và nếu có cùng một điều kiện xã hội, giáo dục thì sẽ có cùng một cơ may thành công-thành tựu-thành đạt trong xã hội, trong giáo dục, sau đó là nhận được thành quả trong nghề nghiệp, trong kinh tế. Đó mới là thể hiện công bằng! Đó mới là thực hiện công lý!

Hãy cùng nhau khẳng định -không nhượng bộ và không thỏa thuận- là chuyện “con vua thì được làm vua” là bất công! Hệ “thái tử đảng”, con lãnh đạo được làm lãnh đạo, như chuyện tự nối ngôi nhau, để tham quyền tạo ra tham quan, tham ô sinh ra tham nhũng chính là bất công của tất cả bất công! Vì chính chúng là bọn “sâu dân, mọt nước! Chính chúng đang tiêu diệt các nguyên tắc tự do, chính chúng đang tận diệt các nguyên tắc về cơ may để tạo ra nghiệp hay, đẹp, tốt, lành của bao nguyên khí, của bao tiềm năng của Việt tộc!

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây