Tri luận: Nói chuyện với tuổi trẻ của Việt tộc (Phần 4)

GS Lê Hữu Khóa

7-1-2019

Tiếp theo phần 1  —  phần 2  —  phần 3

Tuổi…

Ta con phù du ao trời chật chội.

Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao.

Hoàng Cầm

không hề có nghĩa là không! Mà ngược lại là vô cùng, vô biên, vô tận, vô vàng, vô định… Bước khởi hành của tuổi trẻ là đi tìm tự do, và định nghĩa tự do để vượt qua mọi giới hạn, khuôn khổ, mô hình, rào cản… đi tìm vô như đi tìm các chân trời mới, cùng lúc đẩy các chân trời này rộng ra, dài ra, cao ra, xa ra… theo hướng vô.

Vô vàng… kiến thức

Kiến thức được thu thập trong tuổi thanh niên là kiến thức thường được thu nhận bằng ý thức, ý thức để thành tựu trong nghề nghiệp, thành công trong đời sống, thành đạt cho tương lai; nhưng cũng là ý thức về vai trò của mình trong các định chế, chức năng của mình qua chuyên môn, vị thế của mình trong xã hội. Ý thức nhận làm hải đăng cho kiến thức để trở thành nhận thức giúp một cá nhân, một thanh niên biết, hiểu, thấu, rõ về tương lai dân tộc mình, chân trời của đất nước mình, trong đó có số phận của chính mình luôn gần xa gắn bó với số kiếp của gia đình, của thân tộc, của nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Kiến thức thì vô biên, có mức khởi hành mà không điểm tới, không có biên giới theo một mô hình chính trị, không có lãnh thổ theo một khuôn mẫu ý thức hệ, mà luôn tăng trưởng ngày đêm theo ý nguyệný lực của kẻ muốn có kiến thức. E. Levinas đã đúc kết rõ chuyện này trong quá trình đi tìm kiến thức của mỗi cá nhân: “le désir reconnait le désirable” (sự ham muốn nhận ra cái mình muốn), cái mình muốn là cái mình muốn có, cái mình muốn được, cái mình muốn nhận, cái mình muốn sở hữu.

Như vậy, tất cả chế độ nào, chính sách nào, đường lối nào muốn giới hạn lãnh thổ của tin tức làm nền móng cho dữ kiện, biên giới của chứng từ làm cơ sở cho chứng minh, đều tới từ độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc đảng…), với ý đồ nuôi dưỡng ngu dân, kéo dài ngu dốt, đây chính là phản diện của kiến thức. Cụm từ vô biên kiến thức là thực thể, có một thực tế, tạo ra thực tại của một chủ thể biến kiến thức thành tri thức, tức là biến cái mình thấy thành cái mình hiểu, lấy cái mình hiểu để đưa vào cái mình sống cho chính mình, trong đó quy trình thấy-hiểu-sống để có thêm sáng kiến, sáng tạo. Chính quá trình sáng kiến-sáng tạo dựa vào kiến thức gầy dựng lên một quá trình khác là khai sáng-khai mở-khai phá (đây là định nghĩa lõi của sự phát minh), luôn làm tăng định vị-định thế-định chất về tự do của chủ thể. Sẽ không có chủ thể nếu không có kiến thức làm nên tri thức, không có tự do làm nên tự chủ!

Vô tận… tri thức

Tri thức, có chiều sâu, chiều rộng, chiều cao, chiều dài của sự hiểu biết sẽ làm cầu nối giữa kiến thứcý thức, nếu kiến thức là vô biên, ý thức là vô hạn, thì bản thân của tri thức sẽ vô tận! Tri thức tạo ra nền, móng, tường, mái cho nhận thức, giúp nhận thức có chỗ, có nơi để nhìn đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành), để nhận ra luân lý (bổn phận, trách nhiệm). Tri thức luôn là quá trình khai phá tới từ kiến thức, quá trình định hình của tri thức được khoa học xã hội và nhân văn, và gần đây nhất là thần kinh học (khoa học bộ óc), gân cốt của tri thức luận, xem như quá trình của nhân tri là một cuộc mạo hiểm đi tìm sự thật, đi tìm chân lý. Cuộc mạo hiểm của tri thức chính là cuộc mạo hiểm của cái tôi, nếu là mạo hiểm thì chắc chắn là có sự cố, có biến cố, làm thay đổi nhân sinh quan, làm biến đổi thế giới quan, làm “biến thiên” vũ trụ quan.

Xã hội học phân tích rằng: một cá nhân sống hoàn toàn biệt lập với đồng loại, không có ai chung quanh, thì sẽ không có kiến thức về cái chết! Chính nhờ sống chung với đồng loại, thấy tha nhân chết trước mắt mình, mới hiểu cái chết có thật; như vậy cái chết là kiến thức tới từ đồng loại, làm nên ý thức của cá nhân đó: một tri thức về cái chết trong kiếp người.

Tâm lý học nhận định: nếu khám phá của tri thức về cái tôi, thì đó chính là khám phá về bí mật của cuộc sống, trong đó có một khám phá về một quá trình cá nhân hóa của mọi cá thể: nhận diện dữ kiện bên ngoài làm nên nền móng cho ý thức bên trong, chính ý thức bên trong tạo ra tư duy của cá nhân suy tư về cuộc đời, chính tư duy của cá nhân phải đi khám phá quan hệ của mình với tha nhân, với đồng loại, mà đoạn đường đi này thì đúng là mạo hiểm: đầy ẩn số về hạnh phúc, đầy biến số về khổ đau… trong tình bạn, trong tình yêu… trong nghề nghiệp, trong xã hội…

Triết học lại quả quyết là chính tri thức tạo nên một phương trình rất mâu thuẫn trong cuộc sống! Một bên là sự hiểu biết tới từ cuộc sống, chính cuộc sống này cho ta những bài học, và ta dùng các bài học này để tạo ra cuộc sống của riêng ta, mà thấy là ổn định. Một bên là sự hiểu biết luôn tạo ra các bất ổn, các thay đổi, các chuyển biến, các đổi dời ngay trong cuộc sống, ngay trong cái ta, cái tôi, thì chính nó không thể nào ổn định; vì không toan tính được, không tính toán được, không “toán học hóa” được! Cho nên có cuộc đời lặng yên, cũng có cuộc đời bão nổi. Có những cá nhân an phận, cũng có những cá nhân làm được chuyện “đội đá vá trời” để “dời non lấp bể”!

Vô song… lý trí

Lý trí được thẩm định qua cái biết trên sự hiểu biết (đã có sẵn, hay mới khám phá ra), phân biệt cái biết của cá nhân và sự hiểu biết đã có sẵn trong xã hội, để làm rõ cái hiểu, vì hai cá nhân cùng nhau đứng trước một sự hiểu biết, mà cá nhân này hiểu, cá nhân kia không hiểu, thì cá nhân nầy có lý trí và cá nhân kia sẽ không có lý trí.

Lý trí luôn mang theo ba vấn đề: thực thể lý trí, nội dung lý trí, sinh hoạt lý trí. Ba vấn đề này theo ba quá trình: sự hình thành lý trí, sự xếp đặt quy trình của kiến thức, sự vận hành lý trí. Ba quá trình này mang theo ba kết quả (hiệu quả hoặc hậu quả): lý trí củng cố tri thức, lý trí giải phóng mê thức tới từ định kiến, mê tín, dị đoan, lý trí tạo tiền đề cho cách mạng trong lý luận, cải tổ trong trí tuệ. Ba kết quả này sẽ tạo ra ít nhất ba thay đổi: thay đổi giáo dục, thay đổi xã hội, thay đổi cơ chế… kéo theo nhiều biến đổi khác trên mọi sinh hoạt của tập thể, của cộng đồng. Lý trí là đất của tri thức, là nhà của trí tuệ, chắc chắn là “cơm bữa” của tư tưởng.

Miller nhận định lý trí là định hướng để vận hành tư tưởng cùng lúc xếp tư tưởng thành hệ thống. A.Turing nhận xét thêm: nếu lý trí là nội công của tư tưởng, thì lý trí sẽ giúp tư tưởng sàng lọc, tuyển chọn, xếp hạng các tin tức từ bên ngoài. Lý trí đóng vai trò khai mở-khai phá-khai sáng não bộ ta, trong đó bộ óc quản lý phương trình tri thức-ý thức-nhận thức:

*có vận hành của cơ khí học khi lý trí dùng kiến thức như nguyên vật liệu để vận hành nguồn máy;

*có sự tổ chức của sinh học khi lý trí dùng kiến thức như chất sống để luân chuyển sự sống tới các nơi cần nó;

*có tính linh động của môi trường học khi lý trí dùng kiến thức để thích ứng, để thích nghi, để sinh tồn qua các bối cảnh, các hoàn cảnh khác nhau.

Lý trí giúp trí tuệ: tiếp-đón-thu-trử đầy đủ các kiến thức, rồi phân-chia-đặt-xếp các kiến thức đó; lý trí không những phân tích được các dữ kiện, mà giải mã luôn các ẩn số, để giải thích các chứng từ, mà lý trí còn giúp trí tuệ thẩm định các chọn lựa, thẩm tra các kết luận, thẩm xét các quyết định. Lý trí thật luôn được sinh sản trong một môi trường ổn định bởi các lý trí thật khác: chính tông vì chính thống! Vì lý trí thật biết mở để đón các lý trí mới. Ngược lại, lý trí độc tôn vì độc tài, độc quyền vì độc trị, thì không phải là lý trí thật vì nó không phải là lý trí mở, vì nó đui, què, ngọng, điếc khi nó chỉ thấy có nó là lý trí độc nhất!

Vô biên… trí tuệ

Trí tuệ tri thức giờ đã mang tầm cỡ và vai vóc của lý trí, giới thiệu kiến thức bằng lý luận, giải trình ý thức bằng lập luận, giải nghĩa nhận thức bằng diễn luận; lấy để tách , lấy luận để gạt chấp, vì mê chấp tới từ vô minh, vô tri, vô giác, ngược với cái thức của trong trí tuệ, mà Phật học đặt tên là: tuệ giác. Trí tuệ theo một quá trình học để hiểu, hiểu để nắm, nắm để giữ, giữ để làm, để sống, để hành động, mỗi người có sở hữu chủ về trí tuệ của mình, như vậy chịu trách nhiệm về sự vận hành lý trí của mình trước các đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) thì không bao giờ chia đất, chia nhà với các việc xa đạo lý (xấu, tồi, tục, dở), lại càng không sống chung đất, sống chung nhà với các chuyện phản đạo lý (thâm, độc, ác, hiểm).

Trí tuệ sống hằng ngày trong ngôi nhà của tư duy, Hegel đặt tên cho nó là tư tưởng đang tư duy, khi tư duy thì chính mình xây dựng cho mình một hệ tư tưởng, một hệ phải luôn được hoàn chỉnh hóa từ tin tức tới dữ kiện, từ chứng từ tới chứng minh, để không có mâu thuẫn ngay trong lý trí, để không có xung đột ngay trong dự phóng, ngay trong định hướng trước cuộc đời.

Trí tuệ mang kinh nghiệm cụ thể của cuộc sống để tạo nên kiến thức cho tư duy, chính tư duy này là cầu nối giữa trí tuệ và thế giới bên ngoài, Husserl đề nghị đặt tên cho nó là hiện tượng luận (phénoménologie). Trong đó, trí tuệ là liên đới giữa thế giới bên ngoài và tư duy bên trong, luôn được kích thích bởi hệ ý muốn (intentionnalité), nội lực bên trong cá nhân luôn được nuôi nấng, giáo dưỡng, kích hoạt bởi ngoại lực của thế giới bên ngoài.

Trí tuệ, hiểu kiến thức vì muốn có tri thức, rồi biến tri thức thành chuyện khả thi, thành chuyện thực hành, cho nên vai trò của giáo dục, của học tập, của huấn nghiệp, của đào tạo, luôn mang theo nghiệp tính, cụ thể là chuyện “thay đời, đổi kiếp” ngay trong mỗi cá nhân. Nếu lý luận rằng trí tuệvô định, thì phải công nhận it nhất ba chuyện trong cuộc đời này: vai trò chủ đạo của kiến thức trong sự nghiệp của mình, chức năng tiên quyết của tri thức trên đường tiến thân của mình, vị trí của lý trí trong quá trình thành người của mình.

Vô hạn… tư duy

Tư duy mang trong hệ tư tưởng bên trong của cá nhân, trong đó trí tuệ đóng vai trò trung tâm, giúp lý trí điều khiển các quyết định của cá nhân, được trợ lực bởi tri thức để đưa quyết định đi tới phía hành động. Tư duy luôn mang theo quá trình sở hữu hóa kiến thức, khi kiến thức được minh chứng rồi thì tư duy sẽ chọn lựa các phương án để biến khả thi thành hành vi, có chỗ đứng vững trong việc thực thi các chỉ tiêu, các mục đích, các cứu cánh của cá nhân.

Tư duy trong cơ cấu của tri thức là sự định hình của quá trình nhìn-thấy-hiểu-biết để nhận-lấy-giữ-dùng, từ đây hình thành ý muốn-ý định-ý lực dùng kiến thức trợ lực cho nhận thức, trong đó nhận định tổng quan quá khứ-hiện tại-tương lai giúp mỗi cá nhân tạo vai trò ưu tiên của lý trí giữa các tri thức khác nhau để tư duy; (để tự suy nghĩ). Cụ thể là để: chọn lựa-quyết định-hành động; và sau đó, kết luận qua kết quả được nhận thức qua cân, đo, đong, đếm vốn-lời-lỗ trong tổng kết.

Tư duy mang tính thông suốt, nếu tri thức ổn định, trí tuệ tỉnh táo, lý trí sáng suốt, nếu không chỉ có kẻ bị xem là điên khùng, là rối loạn thần kinh mới không có tư duy, vì không có trí tuệ, lý trí, tri thức. Tư duy không chỉ ở bên trong nội giới, nội tâm, nội lý của cá nhân, mà là sự tự chủ của tư tưởng trước các sự cố, các biến cố ngoài đời, đủ sức hiểu các diễn biến của cuộc sống để có hành vi hợp lý, có hành động hợp cảnh với môi trường chung quanh.

Tư duy vô hạn vì tư duy luôn ngày ngày đưa vào các kiến thức mới, giờ giờ nhập vào các tri thức mới, chuyện này thật rõ qua các thí nghiệm đo lường về não bộ của thần kinh học, chứng minh mạch lạc là bộ óc của một cá nhân: trưa đã khác sáng, tối đã khác chiều… Tư duy nhận cái khác, cái lạ, cái mới để tự vận hành, để tự thích ứng, để tự chuyển biến với môi trường, với bối cảnh, với thời cuộc.

Tư duy mang theo cả tính tự vận hành biến: cái thấy, cái biết, cái hiểu trợ lực cho cái dụng, cái hành, cái tạo. Từ đây, tư duy qua các chặn đường thăm-tìm-dò-đoán ý muốn của tập thể, ý định của cộng đồng, ý đồ của các con tính chính trị, kinh tế, thương mại… Tư duy điều khiển cụ thể chuyện phát biểu trước quần chúng, chuyện phát ngôn trước đám dông, chuyện phát lệnh trước nhân viên của mình nếu mình là lãnh đạo.

Tư duy cũng để lộ ra một thực thể khác là quá trình cá nhân hóa, có cá nhân suốt đời bị cá thể hóa: “gió chiều nào, xoay chiều đó”, lại dạy đời kẻ khác là “qua sông phải biết lụy đò” (lụy đò là lệ thuộc mà cứ tưởng mình khôn). Có cá nhân khi vào tuổi thanh niên là vào thẳng quá trình chủ thể hóa: lấy kiến thức để tạo tự do cho mình, lấy tri thức để thăng hoa cho đồng bào mình, lấy trí tuệ để phục vụ đồng loại.

Vô cùng… chất sống

Chất sống, làm nên nội lựcnội công của cuộc sống, luôn được phương trình kiến thức-tri thức-ý thức-nhận thức thăng hoa, nên chất sống đã sống rồi, giờ trở nên sống động hơn, linh động hơn, chủ động hơn. Hãy nhận chất sống như một kho tàng: từ nghệ thuật qua khoa học, từ văn hóa tới văn minh, tự khám phá tới phát minh, tự sáng kiến tới sáng tạo… một kho tàng vô cùng… vô tận… vô biên… cứ lấy ra mà xài, mà sống, nếu không khai phá để dùng, không khai mở để thu, không khai sáng để hưởng thì là lỗi của bạn, không là lỗi của ai hết, vì xã hội xem bạn là thanh niên, tức là đã ở tuổi trưởng thành rồi!

Chất sống còn có một mãnh lực khác: nó luôn làm mới cuộc đời ta, với kiến thức mới, tri thức mới, ý thức mới, nhận thức mới. Cái mới là cái vừa khác, vừa lạ, có lúc tới từ xa, có lúc tới từ đột biến, cái mới trực diện với ta để thay đổi nhân sinh quan, để biến đổi thế giới quan, để chuyển đổi vũ trụ quan ta. Thí dụ cụ thể vẫn là: tình yêu, ta yêu một người vừa khác, vừa lạ, vừa xa, vừa bất chợt, nhưng làm thay đổi đời ta.

Chất sống còn có một xung lực nữa: tới từ tình thầy trò qua những tấm gương tốt, tới từ tình bạn qua thử thách, qua thăng trầm, tổ chức lại tư duy ta, làm rung chuyển thói quen ta, bó ta phải có lý luận mới sống động hơn, buộc ta phải có lập luận mới sinh động hơn, đưa ta tới các diễn luận mới chủ động hơn, hướng ta về các giải luận thông minh hơn, từ đạo lý tới luận lý, từ hành vi tới hành động.

Chất sống còn có một tiềm lực khác: nó giúp ta tiếp tục sống, nhưng sống sâu hơn, cao hơn, rộng hơn, nhờ kiến thức khoa học mới, nhờ các kinh nghiệm mới của đồng nghiệp, nhờ các so sánh chính ta tìm ra, lập ra để tăng trưởng hóa kiến thức đã có, để biết thêm trên những cái đã biết rồi, từ đó tổ chức chuyện đi tới, đi lên, đi xa, đi dài trong cuộc sống.

Chất sống còn có một thâm lực nữa: các tấm gương sống thành công chung quanh ta vừa là gương soi, vừa là con đường, trên đó ta có thể làm theo chúng hoặc làm khác đi, làm hay hơn, làm sâu hơn. Ta biến cái mới được giới thiệu thành cái mới trong tư duy, để tạo ra sáng kiến mới, giúp ta chuyển đời, đổi đời trên những chất sống trước mắt đã có trong cuộc sống, không lý thuyết, không trừu tượng, không mơ hồ, chất sống trước mắt đưa ta vào phương trình thấy được-hiểu được-làm được!

Không vô vốn… khi xây đời

Câu chuyện của chúng ta không phải đi tìm vốn để kiếm lời! Cũng không phải là chuyện vốn lời của tài chính, của kinh tế, của thương mại, của vật chất mà là câu chuyện vốn ngườivốn đời, ngay trong xã hội, ngay trong tuổi thanh niên, với vốn và lời tới từ các giá trị của kiến thức, của tri thức, của ý thức, làm sống động các giá trị đạo lý, làm sinh động các giá trị tâm linh, làm tinh thông các giá trị nhân tính. Cụ thể nhất là bắt đầu bằng vốn kinh tế tới từ vật chất của gia đình, của cá nhân, được tính bằng các đơn vị của tài chính, qua tiền tệ; nhưng chính gia đình cũng là nơi trao cho ta ít nhất là hai vốn quý khác: vốn đạo lý của tổ tiên (gia phong), vốn giáo lý gia đình (gia giáo), chính hai vốn này sẽ làm bàn đạp cho hai vốn khác: vốn giáo dục của học đường và vốn giáo dục qua nghề nghiệp.

Tổng kết các vốn này, xã hội học gọi là: vốn xã hội. Và vốn xã hội – có hay không, vắng hay đầy, thiếu hay đủ – chỉ cần xem qua quá trình xã hội hóa của mỗi thanh niên, mỗi cá nhân: qua thành công trong học đường, thành tựu trong nghề nghiệp, thành đạt trong kinh tế, thành vị trong xã hội.

Thăng hoa trong xã hội hay tụt hậu trong xã hội, không những là chuyện “leo lên” hay “tụt xuống” rất rõ qua cách xếp hạng trong văn hóa của một dân tộc: “con hơn cha là nhà có phúc”.

Không vô tâm… với vốn biểu tượng

Thành danh, thành tiếng trong xã hội sẽ tạo ra: vốn biểu tượng xã hội – nghèo hay giầu, khôn hay dại, thành hay bại. Vốn xã hội do xã hội trao tặng, mà kẻ nhận vốn biểu tượng xã hội sẽ được hưởng các thuận lợi sau đây:

  • Vốn biểu tượng xã hội tái tạo lại vốn xã hội, có rồi có thêm, có nhiều rồi có nhiều hơn, nên cứ được quyền “đứng núi này trông núi nọ”, thuận lợi trong chuyện ít vốn nhưng nhiều lời, tạo ra tư duy đầu tư giới hạn nhưng thu nhập vô hạn.
  • Vốn biểu tượng xã hội là chuyện thừa nhận cũng là chuyện tách biệt ngoài hạng vì ngoại hạng, không có chuyện “cá mè một lứa” trong đó ngoại hạng quan hệ với ngoại hạng, không có chỗ cho thường dân.
  • Vốn biểu tượng xã hội lấy kiến thức để củng cố quyền lực, lấy quyền lực xây dựng quyền lợi, quan hệ tương tác quyền lực-quyền lợi luôn được khai thác qua vốn biểu tượng xã hội (danh nhân, danh tiếng…) để mở các cửa quyền lực và quyền lợi mới.
  • Vốn biểu tượng xã hội còn mang tính hỗ tương giữa hiểu biết về xã hội và vị trí xã hội của một cá nhân, chính vốn biểu tượng xã hội làm cho cá nhân của nó di chuyển nhiều hơn, nhanh hơn, gọn hơn trong cửa nẻo của quyền lực và quyền lợi.
  • Vốn biểu tượng xã hội mang luôn cả “hiệu quả biểu tượng”, chỉ cần danh tiếng của một danh nhân trên thượng nguồn, thì hạ nguồn sẽ có điều kiện thuận lợi, hồ sơ trôi chảy, thời hạn nhanh chóng…
  • Vốn biểu tượng xã hội còn tạo ra “bạo động biểu tượng”, ngược hẳn với bạo động thể xác, nó loại là loại bạo động xã hội, rất kín trong phản xạ, rất sâu trong phản ứng của kẻ có quyền và có tiền, có vị và có danh, biến mọi kẻ chung quanh phải phục vụ, phục dịch mình qua lời lẽ của kẻ trên.

Có quyền thì được nói! Lúc thì nói kiểu “khẩu Phật, tâm xà”, lúc thì nói ngược lại kiểu “khẩu xà, tâm Phật”, lúc lịch sự lúc lỗ mãng, lúc tế nhị lúc thô lỗ, vì những kẻ có biểu tượng xã hội muốn nói gì thì nói, kể cả chuyện “đổi trắng, thay đen”. Loại “bạo động biểu tượng” này là hậu quả và hậu nạn của các bất công trong xã hội.

Không vô vị… giữa xã hội

Tuổi trẻ thấy mình trong xã hội, nhưng chưa chắc biết tổ chức của xã hội này tổ chức ra sao? Chưa rõ hệ thống, cơ cấu xã hội vận hành, tuần hoàn như thế nào? Muốn thấy mình thì phải biết chỗ của mình qua chức năng, vai trò, địa vị và sự lưu hành của mình trong các mạng lưới và định chế của xã hội đó. Tóm lại sẽ không thấy được bóng dáng của mình trong xã hội nếu không thấy quan hệ giữa mình và các định chế xã hội, đã và đang định vị mình trong đời sống xã hội đó.

Các định chế xã hội được chia ra từng khu vực không những có không gian, thời gian đặc thù mà còn là một thế giới riêng với tổ chức, với cơ năng, với sự vận chuyển riêng của nó.  Định chế văn hóa tổ chức không gian văn hóa với thời khắc, vận tốc, tụ điểm, trưng bày… rất khác với định chế chính trị tổ chức không gian chính trị với quyền lực, với so sánh lực lượng, với xung đột riêng của nó… Như vậy, định chế tôn giáo tổ chức không gian tôn giáo với tín ngưỡng, niềm tin, hành đạo… không liên quan gì tới định chế thương mại tổ chức không gian thương mại có cạnh tranh, có quảng cáo, có đấu giá…

Chuyện gốc, rễ, cội, nguồn ở đây là môt cá nhân, một thanh niên có thể sống và sinh hoạt trong nhiều định chế xã hội, nhiều không gian xã hội cùng ngày. Kết luận tiếp theo là một cá nhân, một thanh niên có thể có, có thể nhận nhiều chức năng, vai trò, địa vị, trong nhiều định chế xã hội, nhiều không gian xã hội khác nhau trong cùng một đời sống cá nhân. Câu chuyện cốt lõi vẫn là cá nhân sử dụng tự do cá nhân của mình để tạo xã hội vị cho chính mình!

Không vô cảm… khi tìm thơ

Hãy tìm thơ qua lời nói, hãy thấu thơ qua ngôn ngữ, đây là chất liệu và nguồn vốn của thi ca; ngôn ngữ trao tặng ta từ khi ta ra đời một bảo vật, như trao một tài sản chung cho nhân loại, mà thi sĩ sẽ sử dụng ngôn ngữ để trao lại ta một sáng tác, một chân dung của sáng tạo, có thể làm thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của chúng ta, mà trước đó ta chưa hề biết.

Đừng nhận định thi ca chỉ qua vần, điệu… mà hãy nhập nội vào thi ca như một cuộc dấn thân chống vô cảm. Sáng tác như sáng tạo để sáng chế ra một thông điệp về những sự thật mới của tâm linh, mà chính khoa học hay chính trị không sao chế tác ra được. Sáng tác trong thi ca qua ngôn ngữ để cùng chia sẻ số phận của một ngôn ngữ cùng lúc làm giầu vì biết làm rộng làm sâu, làm cao một ngôn ngữ, một văn minh, trong đó thi sĩ trao tặng nhân sinh một tạo phẩm, giờ đã thành tài sản của nhân tình.

Nhân loại muốn thưởng thức, tận hưởng thi ca lúc nào cũng được, chỉ cần có ngôn ngữ mà không cần phải đầu tư bằng tài sản. Ngược lại, chỉ một bài thơ được trao tặng, có khi nó thay đổi cả đời người, vì bài thơ này có thể làm đổi thay mọi dự phóng, làm xuất hiện những ý nguyện mới, rồi ý nguyện sẽ biến thành ước nguyền, có thể biến tình yêu riêng rẽ của lứa đôi thành tình thương yêu đồng loại, muôn loài (Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ, … Tôi yêu mọi người, cỏ cây, nhân loại, làm sao yêu hết cuộc đời… Trịnh Công Sơn).

Thi ca nói lên chân lý mới để ta khám phá ra những sự thật mới. Những chân lý, những sự thật của thi ca rứt ta ra khỏi các chủ kiến của cuồng đạo, bứt ta ra khỏi mọi cuồng tính của các ý thức hệ toàn trị. Sự thật của thi ca bật lên một ánh sáng mới trong tri thức ta, nhổ ta thoát khỏi gông cùm của định kiến. Thi ca biết cứu đời, vớt người, đưa ta ra khỏi các hoạn nạn vô hình, các hoạn nghiệp của vô cảm!

Thi ca trao tặng cho ta lòng thành để lòng thành sẽ thành lòng tốt, để lòng tốt thành lòng tin; dứt khoát cởi bỏ mọi vô cảm, vì thi sĩ là tác giả của tác phẩm thi ca: một khối nguyên sinh lòng thànhlòng tốtlòng tin, để trao tặng tiếp cho ta sự quả cảm trước các thử thách của nhân sinh, chất can đảm trước mọi thăng trầm của nhân thế; quả cảm sống trong can đảm đấu tranh để được sống với lòng tin, biết tin-sống vì biết tin-yêu.

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây