Chúng tôi Đại Đoàn Kết

FB Thận Nhiên

29-12-2018

Không dưng nhớ lại chuyện này vui, phải ghi lại, kể lại kẻo quên. Ba tôi là nhà giáo bị cho nghỉ việc sau 75. Ông sẵn sàng làm đủ nghề để phụ mẹ tôi, bà cũng nhà giáo, để nuôi bầy con đông.

Ông đi buôn than củi, gạo, rượu… từ miền Trung, miền Đông, bằng xe lửa, tàu chợ, về Sài Gòn, và miền Tây thì bằng xe đò nhưng khó khăn hơn nhiều vì hồi đó muốn mua vé phải có Giấy đi đường do công an cấp, mà ông đang bị họ theo dõi do là ngụy quyền và nghi ngờ ông có liên lạc với bạn ở ngoại quốc, thì làm sao xin được.

Tình cờ ông được bạn giới thiệu làm phát hành viên cho vài tờ báo, chủ yếu là tuần báo Đại Đoàn Kết. Công việc là mỗi khi báo ra, ông được nhận vài trăm hay cả ngàn tờ với giá rẻ hơn giá bán chừng 20%, mang về các tỉnh phân phối cho các cơ quan nhà nước và trường học, miễn sao bán hết số báo và trả tiền cho toà soạn. Họ còn cấp cho hợp đồng làm việc và giấy giới thiệu để mua vé xe.

Thời đó tôi và Khanh khoảng 15 tuổi, Khanh là cậu em kế, đã bỏ học, lăn vào đời kiếm sống. Hai anh em tôi thay phiên đi phụ với ba. Khi nhận mang về nhà, báo được ràng lại từng kiện nhỏ, bỏ vào bao bố. Chúng tôi thồ bằng xe đạp từ nhà ở Thanh Đa ra bến xe Miền Tây, hay bến xe Miền Đông tuỳ chuyến, sắp hàng mua vé và đi phổ biến kiến thức cho cán bộ và nhân dân ở vùng sâu vùng xa.

Đến vùng nào chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương và mang báo quảng cáo với cán bộ các cơ quan, mời họ mua. Ba tôi phải đọc nội dung tờ báo để nói cho hùng hồn, lưu loát những diễn biến xã hội và chủ trương của nhà nước. Hai anh em tôi cũng vậy. Sau khi bán hết báo thì về lại Sài Gòn, mà việc bán hết cả ngàn tờ báo thì rất khó, và nhọc. Thường chúng tôi phải xin trọ lại, mất mấy ngày mới xong việc. Trên đường về thì mua chừng chục ký gạo, vài ký thịt hay tôm khô, về bán lại.

Một hôm, người bạn đồng nghiệp bày cho ba tôi cách hiệu quả nhất để giải quyết số báo tồn đọng: bán báo cho các sạp hàng trong chợ để họ làm giấy gói hàng. Thật là tuyệt vì họ mua số lượng lớn với giá gần tương đương với phát hành bình thường.

Từ đó, tôi không phải đọc và học thuộc, rồi mang văn chương của Tố Hữu, Huy Cận, Bảo Định Giang, Trần Bạch Đằng, Vũ Hạnh… và chủ trương của đảng ra quảng cáo với các ông bà cán bộ và các bạn học sinh, sinh viên nữa; độc giả của họ là chư vị tôm khô, cá khô, mắm muối, vải vóc… ở các ngôi chợ xép từ Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu đến Phước Long, Xuân Lộc…

Sau đó, hình như ĐẠI ĐOÀN KẾT ngưng đoàn kết, chúng tôi lại thất nghiệp, khép lại một giai đoạn tồn tại trong đời và tiếp tục tìm đường ra đi (cứu nước?).

* Có vị nào nhớ thi sĩ Bảo Định Giang không nhỉ? Ông ấy là ai? Sau này thế nào?

Tôi nhớ Bảo Định Giang chuyên trị thể loại câu đối, vần vè ầu ơ trong các tờ báo Xuân một thời.

À, đây rồi: Bảo Định Giang – Con người, tác phẩm một thời nhớ mãi (ND).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây