Ghi chú vài thiết chế về nguyên thủ hiện nay

FB Nguyễn ChươngMt

5-10-2018

Kỳ 1

1/ Cấu trúc “DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN”: tức Quốc hội bầu ra nguyên thủ quốc gia (người dân bầu các đại diện vô Quốc hội, sau đó Quốc hội bầu nguyên thủ, thành thử mới gọi là “dân chủ đại diện” hoặc dân chủ gián tiếp).

Nguyên thủ quốc gia, đồng thời nắm quyền lực cao nhứt, trong “dân chủ đại diện”, gọi là: THỦ TƯỚNG (Prime Minister).

– Hoặc chỉ có Thủ tướng (không có Tổng thống), như nước Anh với Thủ tướng Theresa May.

– Hoặc có thêm chức danh Tổng thống (President), nhưng Tổng thống trong thiết chế “dân chủ đại diện” mang tính nghi thức nhiều hơn, quyền lực cao nhứt vẫn nằm ở Thủ tướng. Như nước Đức với Tổng thống đương nhiệm Frank-Walter Steinmeier, trong khi quyền lực cao nhứt nằm ở Thủ tướng Angela Merkel.

2/ Cấu trúc “DÂN CHỦ TRỰC TIẾP”: tức người dân bầu trực tiếp chọn nguyên thủ quốc gia (không thông qua Quốc hội). Nguyên thủ quốc gia, đồng thời nắm quyền lực cao nhứt, trong “dân chủ trực tiếp”, gọi là: TỔNG THỐNG (President).

– Hoặc chỉ có Tổng thống (không có Thủ tướng), như nước Mỹ với Tổng thống Donald Trump.

– Hoặc có thêm chức danh Thủ tướng (Prime Minister), nhưng Thủ tướng trong thiết chế “dân chủ trực tiếp” mang tính chất điều hành chuyên môn, quyền lực cao nhứt vẫn nằm ở Tổng thống. Như nước Pháp với Thủ tướng đương nhiệm Édouard Philippe, trong khi quyền lực cao nhứt nằm ở Tổng thống Emmanuel Macron.

3/ Chức danh “Chủ tịch nước” (President), “Thủ tướng” (Prime Minister) ở CHND Trung Hoa, ở CHXHCN Việt Nam đều thuộc type “dân chủ đại diện” bởi vì cả hai chức danh này đều do Quốc hội chọn (chớ không do người dân bầu trực tiếp).

Như đã nêu trên, quyền lực trong thiết chế “dân chủ đại diện” thuộc về Thủ tướng. Nhưng… ở Trung Quốc quyền lực cao nhứt lại thuộc về Chủ tịch nước Tập Cận Bình, vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường “kém thế” hơn hẳn.

4/ Tương quan giữa nguyên thủ quốc gia với chức danh lãnh đạo đảng chính trị:

* Trong cấu trúc “dân chủ trực tiếp”, nguyên thủ quốc gia do người dân bầu chọn trực tiếp. Quyền lực của Tổng thống (President) được thủ đắc bởi ý nguyện và ý chí của toàn dân chớ không phải ý đảng. Thành thử ứng viên đắc cử Tổng thống không buộc phải làm lãnh đạo của một đảng phái nào đó, thậm chí là ứng viên tự do không thuộc đảng nào hết ráo cũng có quyền chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống!

Ông Donald Trump chỉ là một ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa chớ ông không làm chủ tịch đảng CH (Mỹ). Ông François Hollande, tổng thống Pháp trước đây, là một đảng viên đảng Xã hội chớ ông không phải lãnh đạo đảng XH.

* Trong khi đó, ở cấu trúc “dân chủ đại diện”, Thủ tướng cũng là người lãnh đạo của một đảng phái nào đó. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng thời là chủ tịch đảng CDU (Liên minh dân chủ Kitô giáo), Thủ tướng Anh Theresa May đồng thời làm chủ tịch đảng Bảo thủ. Vì sao?

Thứ nhứt, chức danh Thủ tướng sẽ thuộc về đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn đối thủ trong Quốc hội. (Mở ngoặc: các ứng viên tự do không thuộc đảng nào có thể được dân bầu vô Quốc hội, nhưng nghị viên tự do không tài nào giành ghế Thủ tướng vì số lượng ít hơn so với những nghị viên thuộc các đảng phái).

Thứ hai, Thủ tướng là Nguyên thủ quốc gia, có quyền lực cao nhứt nước (trong thiết chế “dân chủ đại diện”) thì không thể đi “xin ý kiến chỉ đạo” từ người nắm chức cao hơn trong đảng, coi dị hợm lắm luôn. Thành thử đảng nào chiếm đa số ghế trong Quốc hội thì họ bầu cho chủ tịch đảng của họ làm Nguyên thủ quốc gia luôn (khỏi mất công…”xin ý kiến chỉ đạo”).

5/ Về mặt lý thuyết bầu cử mà nói: Mr A dù làm lãnh đạo đảng cao chót vót nhưng vẫn không thể trở thành nguyên thủ quốc gia nếu … người dân không bầu Mr A vô Quốc hội.

Kỳ 2

Có lập luận cho rằng, sự nhứt thể hóa Tổng bí thư đảng với Chủ tịch nước làm một (như Tập Cận Bình bên TQ), là phỏng theo mô hình “bán tổng thống” (semi-presidential system). Thưa rằng: KHÔNG đúng, đó không phải là “bán tổng thống” gì ráo trọi, đừng đánh tráo khái niệm ở đây!

1. Ở Trung Quốc, Chủ tịch nước (President) lẫn Thủ tướng (Prime Minister) đều do Quốc hội bầu ra (chớ dân không bầu trực tiếp), tức dựa trên mô hình “dân chủ đại diện”.

Mà ở các nước theo thiết chế “Dân chủ đại diện” (dân chủ được thực thi thông qua Quốc hội), vai trò nguyên thủ quốc gia cao nhứt được giao cho THỦ TƯỚNG. Như ở Anh, Nhựt. Cũng dựa trên “Dân chủ đại diện”, có một biến thể là có thêm chức danh “Tổng thống” như ở Đức, Ý nhưng cầm trịch quyền lực quốc gia vẫn nằm ở Thủ tướng.

Bên… Trung quốc thì không giống ai hết ráo, dù theo mô hình “dân chủ đại diện” nhưng Thủ tướng lại không cầm trịch quyền lực đất nước, mà vai trò chóp đỉnh thuộc về Chủ tịch nước.

2. Mô hình “bán tổng thống” (semi-presidential system) là một biến thể của thiết chế “Dân chủ trực tiếp”. Nhắc lại, ở thiết chế “Dân chủ trực tiếp” thì Nguyên thủ quốc gia do dân bầu (không thông qua Quốc hội), và vai trò nguyên thủ cao nhứt được giao cho TỔNG THỐNG, như Mỹ với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Dựa trên nền tảng thiết chế Tổng thống, ở nước Pháp còn có thêm Thủ tướng, và mô hình này gọi là “bán tổng thống” (semie-presential system), nhằm chia sẻ quyền lực nhưng quyền lực cao nhứt vẫn nằm ở Tổng thống.

Như vậy, dù cho mô hình “bán tổng thống” đi nữa, vai trò nguyên thủ quốc gia cao nhứt (“Tổng thống”) là do dân trực tiếp bầu ra. Còn “Chủ tịch nước” đâu phải dân bầu trực tiếp (do Quốc hội bầu), mà nói phỏng theo mô hình “bán tổng thống” là trật lất!

3. Nhứt thể hóa giữa vai trò nguyên thủ quốc gia với vai trò lãnh đạo đảng?

Trong thiết chế “dân chủ trực tiếp” (gồm cả biến thể “bán tổng thống”) thì Nguyên thủ quốc gia không đồng nhứt, không kiêm nhiệm vai trò lãnh đạo đảng, mà Nguyên thủ quốc gia đứng cao hơn lãnh đạo đảng.

Như ở Mỹ, ứng viên Donald Trump là đảng viên đảng Cộng hòa, nhưng khi ông Trump trở thành Tổng thống thì vai trò tổng thống là cao nhứt, đứng trên cả lãnh đạo đảng của ông. Thì đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa, gọi tắt “Chủ tịch đảng CH”, là ông Reince Priebus. Sau khi ông Donald Trump làm Tổng thống, ông Trump đã giao cho Chủ tịch đảng R. Pierbus làm Chánh Văn phòng giúp việc cho Tổng thống!

Chỉ có “dân chủ đại diện” (như Anh, Nhựt) thì Thủ tướng mới đồng thời làm đảng trưởng, làm lãnh đạo đảng. Bà Thủ tướng Theresa May đồng thời là Chủ tịch đảng Bảo thủ.

Nhưng… coi qua TQ, Thủ tướng đâu được kiêm nhiệm tổng bí thư, đâu làm lãnh đạo đảng cao nhứt, mà Chủ tịch nước kiêm luôn vai trò tổng bí thư.

THAY LỜI KẾT

Thành thử, như đã trình bày trên đây, “nhứt thể hóa Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước” không thuộc mô hình “dân chủ trực tiếp”, mà cũng không hẳn thuộc mô hình “dân chủ đại diện”!

Mắc giống gì có những người làm xiếc ngôn ngữ cho rằng việc nhứt thể hóa này là “mô hình bán tổng thống” (!). Để chi? Là nhập nhằng khái niệm, ra vẻ cũng hội nhập, cũng giống như một số nước trên cõi đời.

Không phải. Khác lắm, khác hoàn toàn!

Các nước trên thế giới dù “dân chủ trực tiếp” hoặc “dân chủ đại diện”, hết thảy họ đều đa đảng. Họ khác hẳn với CHND Trung Hoa (Trung quốc), CHXHCN VN chỉ duy nhứt có một đảng lãnh đạo. Do đó, việc nhứt thể hóa “Tổng bí thư làm một với Chủ tịch nước” theo một mô hình không giống gì ráo với đa phần thế giới xung quanh.

Mô hình nào? Mô hình được gọi là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Mà “dân chủ xã hội chủ nghĩa thì tốt gấp triệu lần dân chủ tư bản”, không nghe nói như vậy à?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây