Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng!

Bùi Minh Quốc

6-9-2018

Những tiếng ấy vang lên, cách đây hơn 242 năm, từ văn bản lập quốc công bố ngày 4/7 năm 1776 của một quốc gia trẻ nhất hành tinh vào thời đó – Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ – cũng là quốc gia thiết lập chế độ dân chủ đầu tiên, mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại – kỷ nguyên dân chủ, tự do. Sau Hoa Kỳ 13 năm – ngày 14/7 năm 1789, cuộc cách mạng Pháp chấm dứt chế độ quân chủ hằng ngự trị đất nước này tưởng đến muôn đời, lập nên chính thể cộng hòa với tiêu ngữ của chế độ mới: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI.

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng!

Mấy tiếng ngắn gọn ấy khẳng định chắc nịch rằng đây là một quyền tự nhiên, đương nhiên, một lẽ phải hiển nhiên không ai chối cãi được. Không một yếu tố khác biệt nào – dân tộc, quốc gia, chủng tộc, màu da, giai cấp, đẳng cấp, tôn giáo, tài sản, giới tính, tuổi tác, thể lực, thể hình, học vấn, nghề nghiệp… – có thể thay đổi, đảo lộn bản chất, vị thế bình đẳng giữa con người này với con người khác.

Từ xưa, minh triết dân gian Việt Nam đã khẳng định một cách hình tượng điều tương tự:

Hơn nhau tấm áo manh quần

Cởi ra mình trần ai cũng như ai

Theo suy nghĩ của riêng tôi thì kể từ khi tìm ra lửa và nhờ vậy thoát khỏi thời mông muội ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi, đây là lần thứ hai con người tìm ra lửa, một ngọn lửa mới – ngọn lửa tinh thần – thắp lên soi đường đột phá để tự đưa mình thoát khỏi cái đêm trường dày đặc hằng tồn tại như một định mệnh truyền kiếp chồng chất vô vàn những tư tưởng, tâm lý, thái độ và hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử giữa con người với con người. Từ đây, mỗi con người cần phải ý thức được rằng nó bình đẳng với tất cả mọi con người khác. Với tư cách con người, nó đứng ngang hàng với tất cả mọi con người khác trên mặt đất này. Nó cần phải có lòng tự trọng và đồng thời phải biết tôn trọng người khác vì họ cũng là con người như mình và trước hết chỉ vì lẽ đó mà thôi.

Mọi tư tưởng, thái độ và hành vi kỳ thị phân biệt đối xử với con người vì lý do dân tộc, quốc gia, chủng tộc, màu da, giai cấp, đẳng cấp, tôn giáo, tài sản, giới tính, tuổi tác, thể lực, thể hình, học vấn , nghề nghiệp… (thậm chí ở nhiều quốc gia đã trở thành chính sách của kẻ cầm quyền gây ra biết bao tội ác kéo dài bao năm) đều là phi nhân, dứt khoát không thể chấp nhận được, dứt khoát phải tìm mọi cách loại bỏ, thanh toán dần những trở lực hữu hình và vô hình ấy trên con đường tiến lên của từng con người, của toàn nhân loại.

Hành trình loại bỏ, thanh toán ấy đương nhiên là dài, dài lắm.

Lâu dài, bởi vì xét cho cùng thì trở lực nằm ngay trong chính bản thân con người. Hình như người ta chẳng mấy ai tránh được cái thói xấu – gần như một thứ bản năng – ỷ mạnh hiếp yếu, cậy giàu khinh nghèo. “Đồ khố rách áo ôm!” là câu đầu miệng của không ít những kẻ khá giả, giầu có khi nói về lớp người bần cùng trong xã hội. “Đồ ngu, đồ vô học!” là câu đầu miệng của không ít những kẻ có chút chữ nghĩa khi nói về những người thất học, ít học. Khó lường được chỉ nội mấy lời ấy thôi – phát ra một cách bình thường như sự hít thở – cũng đủ gieo vào lòng đối tượng bị xúc phạm một mối hận thù âm thầm dai dẳng và dẫn đến những xung đột xã hội ghê gớm đến thế nào. Trên phạm vi toàn cầu thì nước lớn, nước mạnh ăn hiếp, xâm lược nước nhỏ, nước yếu. Và trớ trêu thay, hành vi ăn hiếp, xâm lược lại xuất phát từ ngay cả những nước đi đầu giương cao ngọn cờ bình đẳng, tự do.

Lâu dài, bởi vì trong con người, cùng với khát vọng tự do, bên cạnh cái bản năng ỷ mạnh hiếp yếu, cậy giàu khinh nghèo lại có một cố tật – cũng gần như một thứ bản năng – là tính nô lệ (đại văn hào Nga An-tôn Sê-khốp cuối thế kỷ 19 đã phát hiện ra trạng thái bi thảm đó và nói – đại ý – rằng con người cần phải nỗ lực từng ngày từng ngày một tự vắt ra khỏi bản thân nó từng giọt nô tính).

Lâu dài, bởi vì con người phải làm sao tự chuyển hóa được cái chân lý “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳngtừ một nhận thức lý trí trở nên nhuần nhuyễn trong bản thân nó thành một tâm lý, một tập quán mới, một bản năng mới. Chủ nghĩa nhân văn mới hẳn không thể thiếu cái nội dung quan trọng thậm chí rất cơ bản này là từng ngày từng giờ nhẫn nại ươm mầm, bồi dưỡng cho con người một bản năng mới – bản năng tôn trọng lẫn nhau. Một thực tế sờ sờ ai cũng thấy: sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì diễn ra với tốc độ vũ bão nhưng sự tiến triển của tố chất nhân văn biết tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người và giữa các quốc gia, nhất là giữa nước lớn nước mạnh đối với những nước nhỏ yếu thì hết sức chậm chạp, trồi lên trụt xuống, nhiều khi tiến được vài ba tấc thì lại thụt lùi dăm bảy mét.

Quan trọng bậc nhất trong quyền bình đẳng là bình đẳng về quyền tự do suy nghĩ và tự do phát biểu trung thực điều mình nghĩ, nói cho gọn là QUYỀN MỞ MIỆNG. Đây là một quyền tự nhiên, con người sinh ra là có. Và là một quyền thiêng liêng.Khi lọt lòng mẹ, con người cất tiếng khóc chào đời là hành vi đầu tiên nó tự thực hiện quyền mở miệng, đồng thời cũng là quyền thông tin – con người thông báo về sự có mặt của cá nhân nó trên thế gian này. Hành vi bịt miệng con người không cho họ nói lên trung thực điều họ nghĩ, họ biết, họ thấy, là một tội ác, thậm chí là một tội ác bao trùm (im lặng nuôi dưỡng tội ác!– François Mitterand, cố tổng thống Pháp).

Mỗi con người tự bịt miệng mình phải im lặng trước những sự thật không được phép im lặng thì mang tội với chính bản thân mình và với cộng đồng. Trong các chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ độc tài toàn trị cộng sản – một kiểu chế độ quân chủ tân trang – thì bịt mồm bẻ bút là quyết sách chiến lược, đồng thời nó dùng mọi thủ đoạn trắng trợn và tinh vi, trấn áp đe dọa và mua chuộc để buộc các thần dân của nó phải tự bịt miệng và tự bẻ, tự uốn cong ngòi bút. Cần phải liệt cái quốc sách bịt mồm bẻ bút vào hàng tội ác chống nhân loại.

Gắn quyện mật thiết với quyền bình đẳng là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Xưa nay, nói đến hạnh phúc, phần đông người ta thường chỉ nhăm nhăm trước hết mưu tính sự giầu có về vật chất. Dĩ nhiên nếu con người không được đảm bảo những nhu cầu vật chất thiết yếu thì không thể nói đến hạnh phúc, nhưng một cuộc sống thừa mứa về vật chất mà thiếu vắng tự do và sự tôn trọng lẫn nhau là một cuộc sống bất hạnh. Cái lòng tham vô đáy khiến con người mê muội không thấy được một lẽ phải đơn giản này : đời người là hữu hạn, sự hưởng thụ vật chất là hữu hạn, sự hưởng thụ về tinh thần là vô hạn. “Vua ngô ba mươi sáu tàn vàng/Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì” – ca dao Việt Nam từ lâu đã khẳng định sự thật hiển nhiên đó. Thường chỉ đến khi sắp mãn đời, người ta mới ngộ ra sự giầu có về tâm hồn, trí tuệ, tình yêu thương của mình với mọi người và mọi người với mình mới là thứ hạnh phúc đích thực đáng để mưu cầu.

Cái gốc sâu bền của một cuộc sống tinh thần hạnh phúc là tự dosự tôn trọng lẫn nhau. Tôi cho rằng chuẩn mực hàng đầu của một thế giới hạnh phúc chưa hẳn là sự dồi dào về vật chất mà là sự tôn trọng lẫn nhau giữa những con người tự do tự chủ tự lập và giữa các quốc gia độc lập, còn về vật chất thì chỉ cần đảm bảo đủ dùng và dư dả một chút phòng khi cơ nhỡ cho tất cả mọi người – vâng, xin phép nhấn mạnh: cho tất cả mọi người.

Trong sự tôn trọng lẫn nhau thì tôn trọng ý kiến riêng và quyền được nói lên ý kiến riêng của nhau là điều hệ trọng nhất, hệ trọng không kém gì tôn trọng mạng sống của nhau.Mỗi con người đều có cái đầu với những suy nghĩ riêng, với tư duy độc lập của mình.Tư duy độc lập chính là sinh mạng tinh thần của mỗi người. Nhân loại đã có những bài học đắt giá ghê gớm về giá trị của ý kiến riêng, của tư duy độc lập của cá nhân ngay cả trong trường hợp nó bị thiểu số tuyệt đối. Ga-li-lê bị thiểu số tuyệt đối với toàn bộ phần nhân loại còn lại khi khẳng định rằng trái đất quay quanh mặt trời, nhưng cái tiếng nói của con người bị thiểu số tuyệt đối và bị tòa án dị giáo buộc tội phải quản chế suốt đời ấy lại là chân lý khoa học.

Cần phải tôn trọng ý kiến riêng ngay cả đối với một em bé. Tiếng reo hồn nhiên của em bé: “Ô hô! Kìa, nhà vua cởi truồng!” (trong truyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” của Hans Christian Andersen) nói lên cái sự thật trần truồng về nhân vật quyền lực tối cao, một sự thật ai cũng thấy mà không ai dám nói. Tôi cho rằng tất cả mọi người, trước hết là những người có quyền, từ các bậc cha mẹ trong một gia đình đến những người cầm quyền trong một quốc gia cần phải khắc cốt ghi tâm lời này của nhà văn nữ nổi tiếng người Anh Evelyn Beatrice Hall: Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó. Nhưng thế giới mà tôi đang sống, và nhất là đất nước tôi, sau một cuộc chiến tranh dài vẫn đang đầy rẫy áp bức bất công. Giai cấp thống trị – bọn to mồm hò hét xóa áp bức bất công nhưng thực chất chỉ là bọn lấy xương máu nhân dân đúc thành ngai ghế vua quan – hàng ngày hè nhau ra sức cướp đất dân, bịt miệng dân. Có thể nói, chúng tiến hành một cuộc chiến tranh (không tiếng súng) đơn phương chống lại nhân dân.

Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh

cuộc chiến tranh một phía

người sống sót trở về oằn lưng suu thuế

bọn lấy máu đúc vàng

độc quyền ngự trị nghênh ngang

độc quyền nghĩ

độc quyền nói

độc quyền ráo trọi

dân đen chỉ mỗi quyền được đói

và thêm nữa là quyền

sợ hãi

triền miên…!

Thời trẻ, tôi rất tâm đắc hai câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Đình Thi – được coi là một trong những nhà thơ cách mạng vào hàng tiêu biểu :

Còn một em bé rách

Chúng ta còn phải đi

Tôi đã mạn phép anh linh nhà thơ đàn anh, nương theo hai câu thơ trên mà thay lại mấy chữ để ký thác một tâm nguyện gan ruột của riêng mình :

Còn ai bị bức

Thì tôi còn phải đi

Và đây là TUYÊN NIỆM THƠ của tôi:

Thơ tôi tiếp lửa cho người bị áp bức

Từng ngày từng ngày

Cho sớm đến một ngày

Không còn ai cần đọc thơ tôi.

Đó là cái ngày mà đại đa số nhân loại, trên con đường dài tự hoàn thiện bản thân, đã mang trong mình một bản năng mới – bản năng tôn trọng lẫn nhau để tiến vào kỷ nguyên phi bạo lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng đối thoại ôn hoà, bình đẳng, bình tĩnh lắng nghe lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, tiếp nhận và làm phong phú lẫn nhau, cùng nhau hợp tác phát triển trong hoà bình.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bản nhân cám ơn Bùi Minh Quốc/Dương Hương Ly vì ông đã viết bài này với tư cách là nó cổ động cho một xã hội tự do và dân chủ, cái xã hội mà ai cũng làm hết sức để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng của mình.
    Nhưng, bản nhân còn băn khoăn một vài điểm:
    * Ông có tin vào sự bình đẳng giữa sao to và sao nhỏ (cờ của Tầu đấy) không hay là sự nuốt chửng các sao nhỏ của cái sao lớn dưới chiêu bài “đại chúng”?
    * Ông có tin vào vào sự bình đẳng của kẻ mà một chữ ký của nó có thể kiếm được rất nhiều tiền, và đương nhiên, lớn hơn rất nhiều thu nhập mà người dân lương thiện bằng sức lao động của mình có thể kiếm được?
    * Và nữa, một con đĩ chỉ cần dạng háng một đêm sẽ có thu nhập cao rất nhiều lần cho với chính cha mẹ nó, những người xoắn váy quai cồng, bán mặt cho đất bán lưng cho giời để kiếm miếng ăn, thì, ông có tin vào sự công bằng từ người con chuyển cho cha mẹ chúng hay không?
    Bởi thế, cái tiêu đề của bài viết chỉ đúng với những xã hội công dân, còn, ở những xã hội thần dân hoặc do bọn kẻ cướp và bọn đĩ làm chủ thì…. ô hô… ai tai…dduwfng bàn đến làm gì cho mất công!

  2. “Cho sớm đến một ngày/Không còn ai cần đọc thơ tôi”

    Ui thơ các bác chỉ cần không đưa vô sách giáo khoa là đủ để mọi người không ai muốn/cần/thích đọc . Ngoại trừ các bác đọc cho nhau nghe rồi tấm tắc khen nhau “tuyệt vời”.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây