Chưa phải là cơn bão cuối cùng (Kỳ cuối)

Thế Dũng Văn Biển

19-8-2018

Tiếp theo Kỳ 1  —  Kỳ 2  —  Kỳ 3

Vài câu hỏi phụ

Thế Dũng: Anh có thể kể vài “chuyện vui buồn” quanh kịch bản sân khấu và hai Đoàn kịch thể nghiệm của anh không?

Nhà văn Văn Biển: Như trên tôi đã nói, trong các loại hình nghệ thuật tôi chọn Sân khấu là nơi dấn thân, bày tỏ quan điểm, lập trường của mình. Khác với Đêm Stockhôn, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trong dàn đồng ca hợp xướng thời bấy giờ.

Một số kịch bản khác sau này dần manh nha những suy tư riêng, không theo truyền thống chung, vượt ra khỏi quỹ đạo hiện thực một nửa. (Mặt tốt được nhân lên, mặt xấu che đi). Sân khấu những thập niên trước có sức mạnh, sức lan tỏa nhanh chóng có hiệu quả ngay lập tức của nó.

Còn nhớ ở một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sau đêm diễn, khán giả ra về và biến thành cuộc biểu tình phản đối chính quyền lúc đó. Nó khác với các loại hình nghệ thuật khác. Cuốn sách dẫu hay tới mấy, người đọc có thể bỏ sách xuống làm việc khác. Còn sân khấu, mọi vấn đề dẫu lớn tới đâu chỉ gói gọn trong vài tiếng đồng hồ. Để gắn chặt khán giả trên ghế, kịch bản cần có mấy yếu tố. Chất thơ để tâm hồn người xem bay lên. Đồng thời phải có chất triết lý để tạo nên sức nặng, giữ người xem ở lại. Tất cả những điều đó phải nằm trong cốt truyện, trong tính cách nhân vật và đều được thể hiện qua đối thoại. Đối thoại bấy giờ như một trò chơi ảo thuật tung hứng đầy ấn tượng.

Bây giờ xin được kể qua vài mẩu chuyện vui quanh các vở diễn hoặc chưa diễn. Trước hết xin được kể về kịch bản đầu tay “Đêm Stockhôn”. Viết xong kịch bản, dò hỏi Giám đốc Nhà hát kịch. Người ta mách, ông Bích Lâm, người to như hộ pháp, ria mép đen như sâu róm, đi chiếc xe máy to (bấy giờ Hà Nội mới có ít xe máy) hay qua lại quảng trường Nhà hát lớn. Tôi kiên trì đón lõng và bắt được đúng người tôi mong.

– Chắc anh không biết tôi. Tôi có một kịch bản nhờ anh đọc giúp.

Bích Lâm vui vẻ cầm kịch bản và hẹn một tuần tới nhà tập thể Lê Văn Hưu.

Tới ngày hẹn, tôi tới gặp Bích Lâm; với tất cả hồi hộp. Giám đốc Nhà hát kiêm đạo diễn (học ở một nước Đông Âu về) tiếp tôi. Câu đầu tiên:

– Thú thật với anh, đọc kịch bản của anh khoảng ba trang đầu tôi phải dừng lại, tắm gội sạch sẽ và gần như trai giới suốt ba ngày sau đó mới đọc tiếp.

Đối với tôi lúc ấy quả là lời khen lạ lùng. Đạo diễn hứa sẽ dựng vở. Nhưng chắc có khó khăn gì đó nên vở chỉ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Các anh bên Hội nhà văn như Tế Hanh, Phạm Hổ đều tỏ ý khen. Lúc tôi đang ở Bulgari, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường trong phái đoàn văn nghệ sĩ miền Nam sang. Gặp tôi ở Hội nhà văn Bulgari, anh bắt tay tôi vui vẻ nói:

– Cảm ơn, ở rừng nghe “Đêm Stockhôn” của anh, anh em thích lắm.

Sau đó kịch bản được Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng in năm 1975. Kịch bản anh Bích Lâm sửa chữa đi nhiều với lời văn biền ngẫu đặc sệt giọng miền Nam của thế kỷ trước. Nguyên bản bị lạc mất. Cái được và cái mất của kịch bản đầu tay, nhưng dầu sao nó cũng mở rộng cánh cửa để mình đi vào Thế giới Sân khấu lấp lánh ánh đèn đầy ma lực của ngôn từ và hình ảnh. Một cuộc viễn du đầy thơ mộng và cũng quá nhiều sóng gió và có lẽ kéo dài cho tới suốt đời nếu không có những biến động xã hội. Vài thập kỷ trở lại đây Sân khấu không còn sức hấp dẫn của nó như thời hoàng kim trước đây.

Sau đây là đoạn trích cuộc phỏng vấn của Hà Mi với tác giả (trong Tạp chí Nha Trang).

“Tôi gặp Văn Biển trong một ngôi nhà có nhiều cây cảnh. Buổi sáng đầu hè ở Nha Trang bỗng dịu đi trong không khí bạn bè cộng với mùi hương tỏa dưới giàn phong lan đang ra hoa.

Như đã hẹn trước, muốn có một bài giới thiệu về Văn Biển với Sân khấu, tôi vào việc ngay.

Anh có thể kể ra một vài tác phẩm ưng ý đã được dàn dựng và những vở còn trong ngăn kéo?

Tác giả cười:

– Khoảng 5, 6 vở được trình diễn. Sau “Đêm Stockhôn” là “Chuyện cổ Bát Tràng”. Vở được chuyển thể dàn dựng ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn Kim Phụng và một vài đoàn dân ca Trung bộ. Tiếp theo là “Trăn trở” đạo diễn Dương Ngọc Đức dựng cho Nhà hát lớn, “Bất hạnh” ở Hải Phòng và một vài vở nữa. Nhưng những kịch bản còn trong ngăn kéo mới là những kịch bản tâm huyết.

– Anh có thể giới thiệu một vài vở?

Trầm ngâm một lát nhà văn nói:

Trong ngăn kéo còn lại năm, ba kịch bản. Kịch bản nào cũng có “vấn đề”. Chẳng hạn khi tổ chức đọc “Bạch Tuyết mới” ở Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh (thời anh Sáu Lăng còn làm Tổng Thư ký), có một tác giả (tôi nhớ là anh Minh Khoa) phát biểu: “Nhân danh là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi lên án tác giả có cái nhìn đen tối về chế độ”. Khoảng một năm sau, gặp lại ở 5b Võ Văn Tần, Minh Khoa bắt tay tôi, anh nói:

– Cảm ơn, anh đã báo trước!

Tôi cũng đưa “Bạch Tuyết mới” cho Bùi Hồng, bạn thân, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, người đỡ đẻ “Cô bê 20”. Đọc xong, anh nói thân mật: “Từ ngày “Cô bê 20” tới nay Biển đã khác đi nhiều. Biển có cái nhìn đen tối…”. Tôi cười buồn. Chẳng biết nói sao với bạn. Vài mươi năm sau nhắc lại chuyện này, bạn tôi phân trần: “Ở Biển có cái linh cảm về chính trị”.

– Trong kịch bản nhà văn viết những gì mà anh em phê phán dữ thế?

– À…, nhân vật nữ chính là một cô gái đẹp, ăn nhầm miếng táo có tẩm thuốc độc còn sót lại của mụ Hoàng hậu dì ghẻ, ngủ một giấc 50 năm. Lúc thức dậy, nàng bắn nhầm người yêu của mình là nhà bác học ở một thành phố biển. Con trai của Chủ tịch thành phố. Nàng tự mang súng tới nộp cho Công an nhận tội. Hôm mở phiên tòa xử, luật sư biện hộ:

– “Thưa quý tòa, viên đạn và khẩu súng này, chúng tôi đã giám định kỹ. Nó được chế tạo từ những năm 80, 90 của thập kỷ trước. Tội ác đã được mai phục từ trước đó”. Cô gái đã được xử trắng án. Còn tác giả thì bị… lên án là có cái nhìn lệch lạc.

Chúng tôi cùng cười cái trớ trêu giữa tác giả và tác phẩm.

– Còn kịch bản “Thành phố con tàu” nghe đâu cũng bị “mắc cạn”? Tôi hỏi tác giả.

– Vâng, kịch bản này tôi ngồi viết ở Quy Nhơn, sau một tháng lang thang khắp Bình Định với nhà thơ Thanh Thảo, kịch bản viết về Thành phố như con tàu bị mắc cạn, tất cả thủy thủ đã rời bỏ con tàu. Còn lại kỹ sư thiết kế tàu đánh cá. Anh ta không bỏ đi mà ngủ một giấc dài “trên con tàu thành phố” bị mắc cạn đó. Ba mươi năm sau thức dậy anh chẳng thấy có gì mới, còn người yêu ngày đó đã lấy ông Giám đốc xí nghiệp cá bảo thủ. Thay vào đó bây giờ là con gái của họ, một nữ thủy thủ đẹp thông minh, dũng cảm. Câu chuyện thơ mộng, nhiều tình tiết ly kỳ éo le. Tất cả nhằm nói lên một khát vọng đổi mới.

– Nghe anh em kháo nhà văn còn có kịch bản “Que diêm thứ Tám” lạ lắm. Chúng tôi gợi chuyện.

Nhà văn cười:

– Nếu nói lạ thì có lạ. Toàn câu chuyện của Thế giới bên kia. Chuyện của các linh hồn. Nếu nói không lạ thì cũng không có gì là lạ. Mượn chuyện linh hồn để nói về cõi người, cõi đời. Ở dưới đó có hai linh hồn, một cặp trai tài gái sắc gặp nhau. Họ bị chết oan uổng. Do sự can thiệp của vị Chủ tịch tỉnh vừa xuống dưới này với ông già Thường trực sinh từ thời ông Bành tổ, ngồi gác cửa giữa hai cõi xét duyệt cho đầu thai trở lại dương thế. Lúc hai linh hồn chuẩn bị trở lên thì có chuông điện thoại réo. Ông già Thường trực cầm máy nghe rồi thất vọng vứt ống nghe xuống đất. Chủ tịch chạy tới cầm ngay máy gọi:

– Alô, alô. Cho gặp văn phòng Ngọc Hoàng. Ông gào mãi, nhưng không có tiếng trả lời. Mãi một lát, ông già Thường trực mới buồn bã nói:

– Điện thoại một chiều. Rồi ông cụ nói với các linh hồn: Từ nay tấm cửa này chỉ mở cho người ta xuống chứ không còn một ai trở lên trên ấy nữa!

Văn Biển nói: Điều tôi muốn nói với các bạn là, đời người chỉ có một lần. Hãy sống sao cho có ích. Và cũng muốn nói với các vị lãnh đạo các cấp chính quyền, một phân vuông da thịt trên trần thế quý gấp vạn lần các linh hồn cộng lại…”.

HÀ MI

Còn vài kịch bản phát trên Đài hoặc dàn dựng trên Sân khấu cũng gặp khá nhiều trắc trở… vô duyên.

Trăn trở” viết về miền Nam sau những ngày đất nước thống nhất. Một vở diễn trên trăm đêm. Khi vào Huế đang diễn thì có tang lễ cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước. Ý định đi tiếp vô các tỉnh phía Nam thì Đoàn phải trở ra Bắc. Vở diễn gặp mấy sự cố: Lúc Đoàn đang diễn tại một tỉnh ở đồng bằng (Thái Bình hay Hưng Yên?) thì sau đêm diễn đầu tiên được chỉ thị của Bí thư tỉnh: Vở có vấn đề không được diễn tiếp. Hoàn toàn không có sự trao đổi giữa ông vua con một tỉnh với Ban lãnh đạo Nhà hát!

Lúc đang diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, tác giả ở Vũng Tàu nhận được điện phải ra ngay Hà Nội, vở có vấn đề. Theo chỉ thị của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tố Hữu phải sửa ngay: Không được để một nhân vật trong vở nói: “Chủ nghĩa xã hội là xếp hàng cả ngày”. Tác giả cố nín cười cầm bút xóa ngay. “Quả nhà thơ lớn” sống trên mây không biết ngoài “xếp hàng cả ngày”, chủ nghĩa xã hội còn có những biến tướng hay hơn: Xạo hết chỗ nói, xấu hơn cả ngụy, xóa hết chữ nghĩa, xuống hố cả nút... (Tất cả đều phản ảnh phần nào thực trạng xã hội lúc đó và cả sau này. Có cảm giác nhà thơ Tuyên huấn cầm kính hiển vi đi xem kịch.

Đó là mấy “chuyện vui” về vở diễn “Trăn trở”.

Xin kể thêm một chút về kịch bản: “Chiếc gương chàng Ngốc” phát trên Đài Truyền hình Trung ương (Kênh 3) sau 30 năm đắp chiếu ngủ trong ngăn kéo.

Khi được đạo diễn báo tin tối nay phát vở kịch của tác giả trên Đài, tôi hồi hộp ngồi chờ trước màn hình. Gắng ngồi xem 15 phút rồi tắt tivi đi ngủ. Kịch bản không còn là của mình nữa. Từ cái tựa đề “Chiếc gương chàng Ngốc” biến thành “Chỉ tại chiếc gương” ngay từ những phút đầu diễn ra trò lôi kéo rẻ tiền phản cảm, không có trong kịch bản…

Một hôm gặp nhà văn Nguyễn Quang Thân, bạn tôi nói:

– Mình xem tivi rồi. Nghe rất thời đại. Vấn đề cũng lớn. Dàn diễn viên cũng rất ấn tượng. Kể ra lâu lắm mới xem được một vở kịch truyền hình như thế. Nhưng đến đoạn kết thì đang chờ một cái kết ngân vang thì uỵch một cái, người xem rớt xuống đường phố. Cái bệnh ảo tưởng do gương thần mà chỉ cần một ông quan “sáng suốt” xử một buổi mà xuôi, cứ y như chuyện ông Dương ông Bằng “ai về nhà nấy” của “Gặp nhau cuối tuần” vậy.

Tôi kể lại cảm giác tối nọ xem vở diễn của mình trên tivi, nghe xong, bạn nói:

Như thế chẳng khác gì gọt chân cho vừa giày! Không những sân khấu mà sách vở cũng thế. Không hiểu sao cứ đến chỗ hay là người ta cắt và sửa cho dở đi. Để rồi thỉnh thoảng lại tổ chức hội thảo đua nhau đọc tham luận phân tích tại sao văn học không hay, sân khấu thì thụt lùi. Nhà văn bị trách đủ điều, nhất là tội “không ngang tầm thời đại”. Sao lạ vậy?

Văn Biển cười buồn: “Ông hỏi đạo diễn ấy”!

Bạn tôi alô cho ông Trần Đạo Khánh (Đạo diễn truyền hình), nói với ông chỗ bạn khen và chỗ bạn chê vở kịch. Ông Khánh nói: “Chúng tôi là truyền hình mà. Vở kịch có cao xa gì đi nữa thì cũng phải gò vào khuôn cho an toàn”.

(Lược trích: “Ông Văn BiểnNgười lãng mạn cuối cùng của Sân khấu”. Nguyễn Quang Thân – Báo Thể Thao)

Đó là những chuyện vui buồn quanh các kịch bản. Sau đây là chuyện về 2 Đoàn kịch thể nghiệm:

Năm 1978, sau khi xin được giấy phép thành lập Đoàn kịch thể nghiệm, anh em bàn nhau tổ chức một bữa tiệc trà, mời các văn nghệ sĩ tới chia vui. Khoảng gần trăm người. Tiệc đang vui, bỗng một vị quan khách đứng lên phát biểu:

– Tôi lấy làm lạ, tại sao dưới chế độ ta lại có thể có một Đoàn kịch tư nhân như thế này?

Tác giả câu nói đó chắc nay đã quên rồi nhưng nhiều người còn nhớ đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai của nhà văn hóa lớn Phạm Quỳnh bị chính quyền Huế xử tử hình năm 1945. Nhà văn Nguyễn Quang Thân kể lại. Một hôm có cuộc họp gì đó, tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên tình cờ ngồi một bên. Anh có nhớ làm được bao nhiêu bài hát về Bác Hồ không? Nhạc sĩ ngồi một lát hình như lẩm nhẩm tính thầm rồi lắc đầu: Mình không nhớ hết!

Câu hỏi của nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc đó không có gì lạ. Trong hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa không có nước nào có Đoàn kịch tư nhân.

Buổi ra mắt đầu tiên của Đoàn là vở Sami, tác giả Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn Nguyễn Đức Đọc diễn ở Nhà hát lớn. Cuối buổi diễn, tôi ra đứng ở cửa, chào cảm ơn các vị khách ra về. Ông Mai Vi – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Văn hóa (người ký giấy cho phép thành lập Đoàn) dừng lại hỏi tôi: Trình độ chính trị anh ở đâu mà anh cho dựng vở này?

– Xin lỗi anh, giờ tôi đang bận tiễn khách, anh chờ cho vài hôm tôi sẽ trả lời anh.

Nhưng tôi khỏi trả lời mà chỉ mấy hôm sau Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã trả lời hộ tôi. Đài cho phát nguyên cả vở diễn tối hôm đó.

… Đoàn đang tiếp tục tập vở khác bỗng một hôm nhận được giấy mời gặp ông Trần Độ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Độ tiếp tôi, lúc đó có thư ký ngồi một bên.

– Ở trên có ý kiến anh nên giải thể Đoàn kịch… Ông không nói rõ lý do, nhưng quay sang nói với người thư ký. Cậu thử liên hệ với các tổ kịch của các trường Đại học, anh Biển có thể tham gia.

– Cảm ơn ý định tốt của anh, tôi làm Sân khấu, chắc anh biết, không phải để chơi.

Thế là kết thúc “cuộc chơi” lần thứ nhất.

Gần một năm sau, một hôm thư ký của cụ Đồng tới nhà bảo tôi chuẩn bị sáng mai đi với cụ lên Đà Lạt.

Ngồi trong khoang riêng chuyên cơ lên Đà Lạt, cụ nói với tôi, chú đã làm việc với các anh lãnh đạo trên Lâm Đồng, Biển lên đây hợp tác với Sở Văn hóa thành lập Đoàn kịch. Đối với tôi lúc ấy quả là chuyện quá bất ngờ. Sau một buổi làm việc với Giám đốc Sở Văn hóa, tỉnh bố trí cho nơi ăn ở của diễn viên, sàn tập và 2 triệu (2 triệu lúc đó bằng 2 tỷ bây giờ) nhưng chỉ là trên giấy tờ. Hỏi, đều được trả lời: Ngân hàng chưa giải ngân được. Đành phải lấy tiền nhuận bút “Chuyện cổ Bát Tràng” đang diễn ở Nhà hát Trần Hữu Trang đêm nào cũng đông khách. Số tiền đó dùng cho Đoàn trong việc đón diễn viên, đón đạo diễn, tiền thù lao và trăm thứ bà rằn khác.

Giờ tới chuyện chọn vở. Chọn trong các kịch bản còn trong ngăn kéo, thấy kịch bản Thành phố con tàu là “hiền” nhất, đầy tính thơ mộng, tình tiết ly kỳ, anh em nhất trí, bèn mời đạo diễn Đoàn Bá từ Sài Gòn lên. Trước lúc tập, đạo diễn nói với các bạn diễn viên:

– Kịch của Văn Biển chỉ đọc lên nghe cũng sướng tai rồi, khỏi cần dựng. Thế mà khi duyệt (Ban duyệt gồm có Bí thư tỉnh Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch tỉnh Tám Cảnh và các quan chức đầu ngành)… tất cả đều im ắng. Có ai đó phát biểu: Vở này khó xơi đấy. Tác giả viết mạnh tay quá.

Xin mở một dấu ngoặc kể một mẩu chuyện vui. Sau buổi diễn trình duyệt, có người tìm gặp tôi. Đó là chị Hằng Nga kiến trúc sư, con gái ông Trường Chinh, lên Đà Lạt xây dựng sự nghiệp. Chị tới bắt tay tôi, cảm ơn tác giả và nói: “Lâu lắm mới được xem một vở diễn hay”. Sau này chị là một phần da thịt của nhân vật Hằng Nga trong kịch bản và cả trong tiểu thuyết Que diêm thứ Tám. Pho tượng người đàn bà bị trói trong tác phẩm cũng lấy nguyên mẫu từ tác phẩm của chị.

… Kịch bản sửa rồi duyệt, rồi sửa. Thậm chí mời một đạo diễn khác từ Hải Phòng lên. Nhưng rốt cục lúc ngồi duyệt các vị quan chức cứ ngồi liếc nhìn như thăm dò ý nhau. Hầu như tất cả đều có nỗi sợ bao trùm lan truyền từ người này sang người kia. Rốt cục vở diễn không được thông qua.

Nhà báo Thép Mới một lần xem duyệt vở này, bá vai tác giả đi dạo ngoài sân, giọng tâm sự:

– Đi trước một bước thì được. Dấn thêm nửa bước nữa là toi rồi.

Thép Mới ra đi đã lâu rồi. Nhà báo không được tận mắt chứng kiến những năm tháng gần đây. Nếu cán bộ, các quan chức “biết sợ” thì không có một xã hội hơn vài chục năm trở lại đây loạn mười hai sứ quân. Nếu ai cũng biết sợ thì sẽ không có chuyện phe nhóm, chuyện sân sau, sân trước, chuyện khủng hoảng ở các ngân hàng. Anh không được tận mắt chứng kiến người ta đang thi nhau xâu xé đất nước này. Mạnh ai nấy ăn. Ăn lấy được. Chưa có thời nào trước vành móng ngựa đông nhung nhúc sâu bọ cỡ bự. Toàn những vụ đại án, trọng án, kỳ án.

Ngoài chức năng giải trí, văn học nghệ thuật còn có chức năng dự báo báo trước những “cơn bão” sẽ tới. Như Nha khí tượng dự báo thời tiết nhưng nó đã không được làm nhiệm vụ đó. Các nhà lãnh đạo Đảng đã biến nó thành một công cụ rẻ tiền tuyên truyền cho đường lối của Đảng.

Kịch bản Thành phố con tàu và bao nhiêu tác phẩm khác mang tính dự báo phải nằm trong ngăn kéo… Một số tác phẩm của các tác giả tâm huyết khác cũng cùng chung số phận.

Lúc còn sống, nhà văn Nguyễn Quang Thân có nói: Các sách được in trong nước phần lớn không có cuốn nào đáng đọc cả…

Cuối cùng Đoàn sân khấu thể nghiệm ở Lâm Đồng sau mấy tháng kiên trì bám trụ tới lúc cũng phải nói lời cáo chung.

Trước mặt tôi hiện lên tấm biển đỏ: ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU CẤM ĐI!

Thế Dũng: Tôi biết trong ngăn kéo anh còn một số kịch bản đắp chiếu ngủ suốt mấy chục năm nay. Anh có ý định sẽ làm gì hay để nó mai một theo thời gian. Như vậy có lãng phí không.

Nhà văn Văn Biển: Đã có vài kịch bản đang chuyển sang tiểu thuyết hoặc phim truyền hình nhiều tập. Nhưng còn đang dang dở. Bây giờ đang ở ngưỡng cửa 90 chưa biết còn thời gian và sức để làm tiếp không? Nhiều lúc đã thấp thoáng bóng Thần chết đang ngấp nghé ngoài cửa…

Thế Dũng: Câu hỏi này có hơi tò mò một chút. Khi cụ Đồng đưa anh lên Lâm Đồng thành lập Đoàn sân khấu thể nghiệm, sau khi cụ biết Đoàn kịch thể nghiệm ở Hà Nội bị Lê Đức Thọ cấm, anh có hiểu vì sao cụ giúp anh việc này không? Và cụ có ý kiến gì về những kịch bản có vấn đề bị đắp chiếu ngủ trong ngăn kéo?

Nhà văn Văn Biển: Câu chuyện hơi dài dòng một chút. Có lần ông cụ khuyên mấy anh em tôi: Các cháu không nên dính vào chính trị. Tôi hiểu câu nói của cụ có lẽ không phải là né tránh chính trị mà không tham gia vào chính quyền, nơi luôn diễn ra những cuộc tranh giành quyền lợi, quyền lực. Một đấu trường khủng khiếp, thậm chí nhơ bẩn… Chuyện quay lưng lại với chính trị chắc không phải: Con người mở mắt ra là dính tới chính trị. Thậm chí bàng quan, lên núi sống biệt lập, để mặc cái ác lộng hành tác oai, tác quái cũng là một thái độ chính trị. Chắc cụ có đọc câu này của Naponeon: “Thế giới phải đắm chìm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà vì sự im lặng của những người tốt”.

Ngoài những kịch bản được dàn dựng, còn lại trong ngăn kéo là những kịch bản “có vấn đề” không nơi nào dám sử dụng. Bạn bè đọc cho là có cái nhìn lệch lạc, đen tối về chế độ. Những “của độc” đó tôi đều đưa cụ đọc. Cụ không lên án, chỉ nói: “Chú thấy không có vấn đề gì”. Tôi biết cụ có cái nhìn rộng rãi về vấn đề này. “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thủy bị cấm chiếu, khi xem xong, cụ bảo cho chiếu, càng nhiều càng tốt… Tới khi cụ lẳng lặng giúp tôi lên Lâm Đồng thành lập một sân khấu thể nghiệm khác. Tôi có cảm nghĩ một mặt nào đó chú ngầm “đồng hành” cùng tôi trong công việc chống lại cái xấu, mặt trái của xã hội lúc bấy giờ.

Tôi thường tự hỏi: Vậy chú là ai trong cái thế giới hỗn mang này? Có một lúc nào đó chú cảm thấy mình đã nhầm đường lạc lối trong khu rừng rậm. Trời về chiều, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời không thể tìm thấy lối ra… Sau này, có lúc tôi tự hỏi: Nếu giả sử chú đọc cuốn tiểu thuyết Que diêm thứ Tám chú sẽ có phản ứng gì vềđứa cháu nổi loạn”? Tôi nghĩ chú đã đọc kịch bản sân khấu “Que diêm thứ Tám” 50 năm trước, chú không lên án, thì nay đọc cuốn tiểu thuyết này chắc chú nghĩ đó là ý kiến, suy nghĩ, cách nhận định của mỗi cá nhân trong tình trạng xã hội trên đà suy thoái mọi mặt.

Mỗi người, nhất là các nhà văn đều có bổn phận nói lên những mặt trái của xã hội và báo trước những gì không hay sẽ xảy tới. Đó là thiên chức của người cầm bút. Cụ sẽ nghĩ không bao giờ có sự đồng thuận 100%. Im lặng, làm ngơ là đồng nghĩa với đồng thuận. Đồng thuận giữa một xã hội bát nháo, đồng nghĩa với sự hủy diệt, với sự đầu hàng góp phần tạo nên cái ác. Những ý kiến, những tư tưởng ngược chiều như những dòng chảy, dòng sông góp lại thành con thác, cuốn trôi đi những rác rưởi, những vật cản trên con đường đi của dân tộc thoát khỏi sự hiểm nghèo, có nguy cơ mất nước. (Trích Hồi ức về một người chú).

Thế Dũng: Cảm ơn về những lời tâm huyết của anh.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây