Chưa phải là cơn bão cuối cùng (Kỳ 1)

13-8-2018

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của nhà văn Văn Biển gửi tới, liên quan tới bối cảnh và những rắc rối khi cho ra đời đứa con tinh thần của mình: “Que Diêm Thứ Tám“. Đây là phần đối thoại giữa nhà văn và Thế Dũng, nằm ở phần “Thay cho lời ngỏ gửi bạn đọc” trong quyển sách nói trên.

Do phần đối thoại này khá dài, nên nó sẽ được đăng thành nhiều kỳ để phục vụ độc giả.

***

Thế Dũng: Thưa anh từ tháng năm 1987, nhà văn Lê Phương, bạn thân của anh đã đề nghị tôi chuyển kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám của Văn Biển thành kịch bản điện ảnh trong thời gian 40 ngày tại Trại sáng tác của Xưởng phim truyện Việt Nam do Bộ Văn hóa tài trợ. Với tôi, đó là chuyện bất khả thi. Rốt cục, khi kết thúc Trại tôi đã nộp cho Lê Phương kịch bản điện ảnh Chuyện tình dở dang và Que diêm thứ Tám chỉ còn lại trong ký ức.

Ngót 30 năm sau, anh ủy thác cho tôi và Vipen bản thảo tiểu thuyết Que diêm thứ Tám để tôi có thể xuất bản nó tại Đức. Năm 2015, khi việc trình bày sách và thiết kế bìa cho Que diêm thứ Tám đã xong xuôi, chuẩn bị đưa vào nhà in, anh bỗng dưng đề nghị Vipen dừng lại việc xuất bản. Vì lý do cầu toàn theo tinh thần duy mỹ của Flobe hay do anh e ngại các con chữ của mình gặp tai nạn? Anh có thể chia xẻ sự cố này được không?

Sau này mỗi lần về nước, tôi đều hỏi thăm Que diêm thứ Tám, lần nào tôi cũng chứng kiến sự khắc khoải, day dứt của anh. Mãi đến bây giờ anh mới yên tâm để Que diêm thứ Tám bật sáng giữa đời vào lúc sắp 90 tuổi. Dù không phải do Vipen xuất bản ở Đức tôi vẫn chân thành mừng rỡ vì Que diêm thứ Tám không thể bật sáng chậm hơn nữa.

Anh nghĩ sao về sự muộn màng này?

Nhà văn Văn Biển

Nhà văn Văn Biển: Vẫn thường có những cái thai “khủng” không phải cứ đủ ngày đủ tháng là ra đời. Đúng như bạn nói, cần thêm thời gian để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Còn biết bao điều chưa nói hết.

Thời gian như dòng sông chở đầy phù sa ngày đêm bồi đắp đôi bờ trù mật. Cuốn sách theo năm tháng ngày một đầy đặn hơn, mang những chất liệu tươi rói của đời sống.

Còn lý do thứ hai e ngại các con chữ của mình gặp tai nạn, tôi sẽ nói ở phần cuối cuộc phỏng vấn.

Bây giờ xin đi vào các câu hỏi của anh.

Trước khi trả lời các câu hỏi tôi xin nói thêm, sau khi chuyển từ kịch bản sân khấu sang kịch bản phim truyền hình màn ảnh lớn của Thế Dũng không thành, kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám còn một lần tiếp theo chuyển thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập cho màn ảnh nhỏ. Công việc chuyển thể khá nhọc nhằn, cặm cụi cày mãi rồi cũng có được ngót 50 tập, gửi cho “chú em” xưa là “lính” của tôi trong Đoàn kịch thể nghiệm ở Lâm Đồng. “Em có một kênh trên Đài truyền hình Trung ương, anh cứ viết đi, em sẽ giúp…” gửi bản thảo xong, tôi kể chuyện này với Lê Phương. Lê Phương bèn bảo: Bạn gửi nhầm địa chỉ rồi. Trên bàn thờ gia đình cậu ấy trên lầu ba có thờ Ông Ba (tức Ba Duẩn). Hai đứa ôm nhau cười. Và rốt cục kịch bản không xuất hiện trên màn hình lớn cả màn hình nhỏ.

Nhưng không tốn công vô ích. Từ kịch bản sân khấu truyền hình màn ảnh nhỏ chuyển sang tiểu thuyết non 1.000 trang, công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Đó là khởi đầu các cuộc phiêu lưu của câu chuyện Que diêm thứ Tám. Bạn muốn biết số phận của kịch bản sân khấu, chắc cũng long đong không kém?

Vâng, khi kịch bản mang tới Nhà hát kịch, Giám đốc Mạnh Linh đọc xong bảo: “Nếu bên Nhà xuất bản Văn học in, Nhà hát sẽ dựng”. Đưa tới Nhà xuất bản, ở đó người ta lại chơi chữ kiểu nói ngược lại. Kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám đành an phận đắp chiếu ngủ, một giấc ngủ đâu khoảng ba bốn chục năm. Có khác nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng, kịch bản ngủ trong ngăn kéo cùng với một số kịch bản khác (Thành phố con tàu, Nàng Bạch Tuyết mới, Chiếc gương chàng Ngốc…) cùng chung số phận. Phải đợi tới sau 1975, vào một ngày đẹp trời, mở ngăn kéo phủ lớp bụi thời gian, đem tới Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với không chút hy vọng. Vậy mà chỉ sau mươi ngày có giấy của Ban văn nghệ Đài Truyền hình mời tới ký hợp đồng.

Trong bản hợp đồng có ghi: Ban văn nghệ Đài (gọi tắt là bên B) đồng ý sử dụng kịch bản Que diêm thứ Tám. Trong thời hạn ba năm bên A (ông Văn Biển) không được giao cho bất cứ đơn vị nào khác. Chờ gần ba năm vào một ngày chắc trời không được đẹp, nhận được giấy báo của Ban văn nghệ Đài muốn gặp tác giả để bàn về việc dàn dựng kịch bản. Ban văn nghệ của Đài cử một đạo diễn, hiệu trưởng hay hiệu phó Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh thành phố. Chúng tôi gặp nhau ở quán café Hoa Sen trên ngõ Nguyễn Huy Tưởng (Quận Bình Thạnh). Cuộc trao đổi ngắn gọn, ý của đạo diễn muốn kịch bản được sử dụng tác giả phải bỏ hoặc sửa mấy chỗ, ví dụ: …

– Nếu không sửa đổi hay bỏ thì sao, tác giả hỏi.

– Tác giả phải xin được chữ ký.

– Sao lại có chuyện phải xin xỏ ở đây, xưa nay sân khấu làm gì có cái lệ này. Gượng hỏi thêm. Vậy ông bảo xin chữ ký của ai?

– Của vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa hay vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tác giả bật cười nói đùa:

– Tôi chỉ ký cho người này người kia chứ không chịu khó đi xin chữ ký của ai để kịch bản được dựng và tôi cũng không muốn vì kịch bản của mình mà sinh ra một tiền lệ không hay.

Chuyện Que diêm thứ Tám lên sân khấu truyền hình bất thành. Tác phẩm ra đời không gặp ngày lành tháng tốt. Kết thúc cuộc phiêu lưu hay cuộc hành trình thứ nhất.

Xin được trả lời câu hỏi thứ hai.

Đáng lẽ cuốn tiểu thuyết cùng tên với kịch bản sẽ ra mắt ở Nhà xuất bản Vipen; lúc đó đã lên bìa rất ấn tượng: “Một cỗ máy Thời Gian đang vận hành”. Nhưng… như trên tôi đã nói. Đời luôn có chữ “nhưng” không thể lúc nào cũng vượt qua được. Và phải sáu bảy năm sau, hôm nay Que diêm thứ Tám, dưới hình thức tiểu thuyết tâm lý xã hội mang tính thời sự mới có dịp được ra mắt bạn đọc, qua không biết bao nhiêu lần viết đi viết lại để có được hình thù như bây giờ trên tay bạn đọc.

Thêm mấy dòng về chút kỷ niệm nhỏ trong các cuộc hành trình không may mắn trên. Khi tới Đài Truyền hình thành phố nhận lại kịch bản, thấy có bản nhận xét viết tay của một biên tập viên nữ: “Câu chuyện kịch rất lạ, trong một bối cảnh lạ, cách viết cũng lạ. Đối thoại hay… Trao đổi với tác giả sửa chữa vài chỗ để dùng…”.

Cuộc phiêu lưu tuy kết thúc buồn nhưng lại có “hậu” với những lời nhận xét này. Âu đó cũng là chút an ủi trong cuộc hành trình đầy gian khó… của người viết giữa thời buổi lưỡi kéo kiểm duyệt thành lưỡi dao oan nghiệt. Giết chết bao nhiêu tác phẩm một cách không thương tiếc. Dầu sách không in ở Vipen, tôi vẫn rất cảm kích sự quan tâm của bạn về cuốn sách sắp ra mắt này.

Thế Dũng: So với lần đầu tiếp xúc, nội dung bản thảo tiểu thuyết Que diêm thứ Tám năm 2017 đã khác xa với bản thảo kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám năm 1987 mặc dù hình thức kết cấu của nó dường như vẫn được duy trì. Anh vẫn giữ trục tự sự giữa cõi Âm và cõi Dương thông qua nhân vật Thần Chết để thực hiện muôn mặt của đời sống có cơ hội hiển lộ nguyên hình.

Anh có thể bật mí cho độc giả biết những biến hóa bút pháp của mình trong những năm qua để có được Que diêm thứ Tám như bây giờ?

Cho đến nay tôi vẫn gắn bó không rời với Que diêm thứ Tám. Đầu tiên là người chuyển thể bất thành vào năm 1987. Sau đó là người được ủy quyền xuất bản ở Nhà xuất bản Vipen. Và bây giờ là người trò chuyện với tác giả trước khi tiểu thuyết ra đời vào năm 2017. Quả thật giữa chúng ta có một nhân duyên bút mực thật kỳ lạ. So với lần đầu tiếp xúc tôi thấy nội dung hiện thời của tiểu thuyết Que diêm thứ Tám đã đa thanh và phức điệu hơn nhiều. Năm 1987, kịch bản Que diêm thứ Tám dường như chỉ là một câu chuyện tình bi thảm trong một thế sự bi đát khi các nhân vật của nó đều bất lực hoặc tuyệt vọng. Tiểu thuyết Que diêm thứ Tám năm 2017 thì khác hẳn. Chắc là anh cảm nhận rõ hơn ai hết điều này?

Nhà văn Văn Biển: Trên bàn viết trước mặt tôi có Que diêm thứ Tám, kịch bản sân khấu 4 màn giấy đã ngả màu. Có cảm giác lâu lắm mới gặp lại người bạn cũ năm nào. Mở trang đầu, trang giới thiệu các nhân vật chính và trang cuối, với dòng chữ: Tấm cửa đá kéo xuống như hai hàm răng nghiến chặt và hai chữ: Màn hạ, hầu như không khác mấy với tiểu thuyết Que diêm thứ Tám bây giờ, sau cuộc phiêu lưu trên dưới năm, sáu mươi năm.

Những nhân vật chính của kịch bản vẫn là những nhân vật chính của tiểu thuyết: Cụ già Thường trực, ông cụ Triết nhân, Thần Chết, anh chàng kỹ sư Đầu bò Khánh, người đẹp Hằng Nga, ông Tư, nguyên chủ tịch tỉnh và một số nhân vật khác. Chủ đề vẫn xuyên bám suốt trên cả hai thể loại.

Đúng như bạn nói, tôi vẫn giữ trục tự sự giữa cõi Âm và cõi Dương thông qua nhân vật Thần Chết để thể hiện muôn mặt của đời sống có cơ hội hiển lộ nguyên hình khi viết thành tiểu thuyết. Nhưng để trở thành từ kịch bản ngót nghét 48 trang, trở thành cuốn tiểu thuyết nặng ký gần 1.000 trang in, nó phải khác nhiều, thêm các tuyến, các nhân vật và có dịp để đưa các sự kiện đời thường, cùng với các nhân vật đầy quyền lực trên sân khấu chính trị trong suốt 70 năm Đảng Cộng sản nắm quyền.

Ở đây nhất định phải dùng bút pháp hiện thực, tất nhiên không phải phương pháp hiện thực một nửa, chỉ nói mặt tốt, còn mặt xấu che đi. Như vậy, tôi phải sử dụng bút pháp huyền ảo cùng với lối viết tả chân… Có người đọc cảm thấy có vẻ cộm, nhưng nhiều người lại chấp nhận cho đó là sự sáng tạo. Thật không biết làm sao khi phải làm dâu trăm họ. Thôi thì sức đến đâu làm đến đó.

Xin kể một mẩu chuyện vui. Khi bản thảo cuốn tiểu thuyết viết xong, tôi gửi cho một người bạn gái quen từ hồi nàng mới 20 (lúc này nàng đã ngoài 50). Người đẹp tốt nghiệp cử nhân văn chương. Chỉ vài ngày sau tôi nhận được mấy chữ của nàng qua email: “Xin nhà văn đừng buồn. Mới đọc được mấy trang đầu em phải bỏ tập bản thảo xuống, không thể nào đọc nổi tiếp. Thật tình mà nói, nhà văn không hiểu một chút gì về cõi bên kia. Em đã dành mười năm sau khi nghỉ hưu để tìm hiểu về thế giới đó”.

Mô Phật! Tôi mỉm cười. Dầu người đẹp có dành cả vài mươi năm tiếp theo cũng không bao giờ hiểu một chút gì về cõi âm. Cho tới bây giờ các nhà khoa học cũng chưa ai dám nói điều gì về thế giới bí ẩn bên kia, trừ khi chúng ta chết đi. Khổ một nỗi, hình như có một “đạo luật bất thành văn”, người chết (nếu có linh hồn) cũng không thể nói với người sống rằng mình đang “sống” ra sao sau khi rời khỏi cõi thế. Vì thế, lúc viết tôi tha hồ mặc cho ngòi bút tung hoành như hiệp sĩ múa gươm giữa chốn không người… chỉ trừ lúc phải nói chuyện trên trần thế. Phải nghiêm túc từng câu, từng chữ… Còn chuyện dưới cõi âm, không phải muốn viết gì thì viết, các mối quan hệ phải có lý, có tính logic của nó.

Do đó, có sự khác nhau giữa kịch bản Que diêm 48 trang với cuốn tiểu thuyết non 1.000 trang. Một bên phải gói ghém mọi vấn đề, các mối quan hệ chằng chịt cùng với những cuộc tình bi thảm (như Thế Dũng muốn nói) trong 2 tiếng đồng hồ. Còn cuốn tiểu thuyết non 1.000 trang, tất nhiên “đa thanh và phức điệu” hơn nhiều, với một cố gắng lớn của tác giả, không để người đọc bỏ dở cuốn sách nửa chừng.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây