GS Lê Hữu Khóa
22-7-2018
Kiến thức về một xã hội bị u mê hóa
phải được dùng để đánh thức xã hội đó!
Một chế độ áp đặt chính sách ngu dân hóa không những chặn tin tức, ngăn truyền thông để phục vụ cho gọng kềm tuyên truyền một chiều qua nhồi sọ để xóa não, mà nó còn lập ra cả một không gian tà quyền, bằng tà thuật để xây nên một loại nhà tù chống tuệ giác của nhân tính.
Phản tri diệt thức
Không gian tà quyền này là kết quả của trọn ý đồ của tà tâm được xếp đặt, được dàn dựng, được bày biện như một hệ thống vừa toàn diện, vừa ngặt nghèo để truy diệt:
– Hệ thức, luôn bị truy lùng và bóp nghẹn bởi bạo quyền dùng ngu dân để cai trị, nó ngăn chặn kiến thức, để cầm tù tri thức, nó sợ trí thức đánh thức không những ý thức về công bằng, tự do, nên nó mất ăn mất ngũ với nhận thức phải đấu tranh vì dân chủ để có tâm thức vì nhân quyền. Nó đứng ngồi không yên với sự phối hợp muôn hình vạn trạng của phương trình kiến thức-tri thức-trí thức-ý thức-nhận thức-tâm thức làm nên tỉnh thức cho một dân tộc, đưa cái tà lẫn cái ngu vào tử huyệt.
– Hệ trí, là đối thủ trung tâm của các chế độ dùng ngu dân để thao túng xã hội, chính trí tuệ của dân tộc làm nên lý trí của dân chúng, chế tác ra dân trí để xây dựng nhân trí với thời gian, sẽ là nền móng cho một xã hội đi về phía phát triển, bước về hướng văn minh, phương trình linh hoạt của trí tuệ-lý trí-dân trí-nhân trí là dàn phóng để tạo nên sức bật của sự tỉnh giấc trong quần chúng, khao khát thoát khỏi kiếp nô lệ phản lý trí bằng ngu dân hóa.
– Hệ luận, là sự trưởng thành của của hệ thức, là bản lĩnh của hệ trí, dùng dữ kiện của sự thật để lý luận, dùng chứng từ của chân lý để lập luận, dùng luân lý của lẽ phải để giải luận, từ đó xây dựng nên diễn luận để tìm đường đi nước bước cho tương lai, trong đó luận được trợ lực bởi lý và trí. Phương trình vừa tri thức, vừa lý trí của hệ luận: lý luận-lập luận-giải luận-diễn luận trong giáo lý của tổ tiên Việt dạy con cháu là so ra mới biết ngắn dài, luôn đi trên vai, trên lưng, trên đầu mọi chế độ ngu dân hóa. Vì tà quyền dùng ngu dân để bịt mắt, bịt tai, bịt miệng nhân dân, nên nó tránh lý luận, né lập luận, trốn giải luận, lách diễn luận để dễ bề tuyên truyền một chiều, nhồi sọ một lượt, xóa não một lần, cho nên tà quyền sợ phân tích chi ly để giải thích cặn kẽ, sợ lý giải chỉnh chu để phê bình tận gốc.
– Hệ thông, lúc đầu là đối địch, lúc sau là thù địch của tà quyền dùng ngu dân để bưng bích sự thật, vùi lấp chân lý, bóp nghẹt lẽ phải; tà quyền ngại các thành phần thông thái trong xã hội, tà quyền sợ các tầng lớp thông minh trong quần chúng, khi cả hai hùng lực thông thái và thông minh kết hợp lại được, thì dân tộc sẽ thông suốt mọi ý đồ của tà quyền, đó là ngày báo tử của một chế độ dùng ngu dân để thao túng dân tộc.
– Hệ sáng, đây là sung lực của thông minh, là cường lực của thông thái, để có sáng kiến tìm lối thoát ngu dân, để vượt thoát ngu dốt, rồi vượt thắng tà quyền chỉ biết lấy tuyên truyền một chiều để bịt mắt, bịt miệng, bịt tai nhân dân. Chính sáng kiến để cải tổ, cải cách dọn đường cho sáng chế, tức là những hành động phát minh cụ thể để thay đổi tức khắc đời sống đầy khuyết tật tới từ ngu dân hóa. Và, ý thức của sáng kiến kết hợp với hành động của sáng chế làm nên sáng tạo như sự thông minh được áp dụng vào thực tế để thay đời đổi kiếp vì biết diệt ngu dân. Chính phương trình sáng kiến-sáng chế-sáng tạo vừa là động cơ mà cũng vừa là bảo táp quét chớp nhoáng mọi hệ lụy ra từ ngu dân, nơi mà tà quyền làm đui, què, câm, điếc nhân tính; làm xấu, tồi, tục, dở nhân tri.
– Hệ công, trong đó tà quyền chôn sống công bằng, thủ tiêu công lý để xiết cổ cho tới ngộp công pháp; phương trình công bằng-công lý-công pháp là nền của công tâm để giữ lương tâm cho nhân loại luôn có nhân tri, là gốc của công minh để giữ lương tri cho nhân tính luôn có nhân trí. Sự kết hợp ở thế liên hoàn 5 hùng lực công bằng-công lý-công pháp-công minh–công tâm thường làm nên những trận đại hồng thủy mà không có một thành lũy tà quyền nào có thể đứng vững được.
– Hệ lương, trong đó lương tâm là rễ của đạo đức, và lương tri là cội của đạo lý, khi mà lương tri đã trở thành tri thức của lương tâm, thì nó đã là nguồn sống của luân lý lương thiện, chống ngu dân vì ngu dân là xảo trá, chống tà quyền vì tà quyền diệt nhân tri lẫn nhân trí, hủy nhân lý lẫn nhân tính. Phương trình lương tâm-lương tri-lương thiện chính là phương trình đạo đức-đạo lý-luân lý của một dân tộc, của một xã hội được thừa hưởng những giá trị tâm linh cao đẹp của tổ tiên. Tà quyền không có giáo dục của lương tâm, nên sẽ không thấu hiểu là lương tri là sự thông minh chớ không phải sự dại khờ để dễ bị ngu dân hóa, nên không biết lương thiện là sự thông thái chớ không phải sự ngây ngô để dễ bị thui chột hóa.
– Hệ giáo, nơi mà hệ thống giáo dục dựa vào giáo lý vững để có giáo khoa hay, giáo trình tốt, giáo án lành, làm nên sung lực của giáo dưỡng sâu, biến một cá nhân lành thành một công dân tốt, thành một chủ thể cao có sáng tạo trong xã hội để thăng hoa cho chính mình, cùng lúc đưa dân tộc vào hướng của văn minh, biến văn hóa của tổ tiên thành văn hiến cho nhân loại. Tà quyền khi thao túng, giật dây quần chúng qua ngu dân đã biến một xã hội mang khuyết điểm thiếu tri thức thành một xã hội mang khuyết tật ngay trong nhân tri, nơi mà dân tộc bị tật nguyền ngay trong nhân trí. Chính tà quyền luôn biến giáo dục thật-giáo lý thật-giáo khoa thật-giáo trình thật-giáo án thật-giáo dưỡng thật thành quái thai mà xã hội Việt, dân tộc Việt đang phải gánh chịu với học giả-thi giả-bằng giả, với cử nhân giả, cao học giả, tiến sĩ giả, chui rút trong ngu dân, mà không dám lộ đầu trực diện trong học thuật thật-nghiên cứu thật-phát minh thật để có tư duy thật-tư tưởng thật.
– Hệ nhân, chính tà quyền dùng ngu dân để thui chột hóa nhân tính trong nhân tình, để què quặt hóa nhân lý trong nhân thế, để câm điếc hóa nhân quyền trong nhân sinh. Nhưng cũng chính tà quyền sẽ tự khai tử nó, cùng lúc đào mồ chôn chủ nghĩa ngu dân hóa do nó chế tạo ra để vùi dập dân tộc của nó, khi nhân đạo sẽ mở đường cho nhân tri đi tìm nhân trí. Vì tà quyền là loại khôn quá hoá dại, miệng lanh nhưng đầu khờ, khi dùng cả vú lấp miệng em, vì muốn ăn trên ngồi trốc, mà không đủ nhân từ tới từ nhân nghĩa mà tổ tiên đã dạy cho con cháu: sống có nhân mười phần không khó. Tà quyền không bao giờ có tuổi thọ cao vì nó không có thời gian để hiểu: sống lâu mới biết lòng người có nhân.
Giáo ngu dưỡng mê
Khoa học xã hội và nhân văn phân biệt hai quá trình ngu dân khác nhau bị khai thác bởi tà quyền:
– Ngu dân qua ngu dốt (ignorance), cụ thể là cấm học hoặc không cho đi học bình thường, đàng hoàn, tử tế, mà chuyện học thuật vì chuyện thức khuya mới biết đêm dài, phải có giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án trong cái đau đáu và đằng dẳng của giáo dưỡng, mà tà quyền không bao giờ dùng thời gian để học tập mà chỉ dùng thời gian để gian lận, xảo trá, ngụy biện, vo tròn bóp méo từ kiến thức tới tri thức, diệt trí thức để hủy ý thức, ngăn nhận thức để xiết ngộp tâm thức, nhờ vậy nên quá trình ngu dân hóa của nó mới tồn tại được.
– Ngu dân qua mê thức (méconnaissance), tà quyền chặn thông tin để què quặt hóa tin tức, ngăn truyền thông để thui chột hóa chứng từ, cấm kiến thức để diệt tri thức. Tà quyền chém sự thật để sự thật không toàn vẹn, tà quyền chặt chân lý để chân lý không nguyên hình, tà quyền đốn lẽ phải để lẽ phải bị khuyết tướng. Tà quyền vùi thực tế để lấp thực trạng. Đưa không đủ tin tức, giao không đúng thông tin, trao không trọn truyền thông nên phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải luôn bị tà quyền làm đui, què, câm, điếc để thế vào đó một phương trình ngược lại gian dối-xảo trá-lừa bịp, nó chính là một loại quái thai xa lạ với nhân tính.
Thượng nguồn của mọi cuộc cách mạng thật sự tích cực, làm thay đời đổi kiếp của nhân loại vì nhân phẩm, đưa nhân sinh vào hướng nhân tính, đưa nhân tình vào phía nhân trí, luôn bắt đầu bằng cách lột mặt nạ tà quyền trong ý đồ tổ chức chế độ ngu dân hóa của nó, từ đó đưa vào lý trí của nạn nhân bị ngu dân hóa 3 phân tích chủ lực để nạn nhân rời bỏ kiếp ngu dân, dứt kiếp nạn nhân, để đối diện với tà quyền:
- Phân tích khách quan (chống chủ quan) qua các dữ kiện của quá trình ngu dân hóa.
- Phân tích trung tính (chống quá khích) qua các chứng từ của ngu dân hóa.
- Phân tích khoa học (chống tuyên truyền) qua các hậu quả ngu dân hóa.
Chính 3 phân tích này sẽ tạo tiền đề cho 3 tư duy mới, từ đó sinh ra hành động tích cực để thoát kiếp làm nạn nhân trong một chế độ ngu dân:
- Ý thức biết mình là nạn nhân của một ý đồ thâm độc là ngu dân, đã cướp đi không những nhân trí mà cả nhân lý làm người bình thường.
- Nhận thức mình bị thao túng, giật dây bởi một tà quyền dùng chế độ ngu dân qua tuyền truyền một chiều để chỉ phục vụ tư lợi của nó, không những cướp mất nhân tri, mà còn đoạt luôn nhân phẩm của mình.
- Tâm thức bằng ý nguyện để biến thành ý lực phải thoát kiếp ngu muội, phải vượt số phận nạn nhân của ngu dân, để bền bỉ đòi hỏi nhân cách, bền chí đấu tranh vì nhân tính, vượt thoát ngu dân để vượt thắng tà quyền.
***
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm các lập luận qua nghiên cứu của VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa) qua www.facebook.com/vungkhaluan/
____
Mời đọc lại các bài khác của tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc — Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt! — Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN — Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối! — Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? — Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1) — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2) — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3) — Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1) — Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2) — Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) — Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2)