Chuyện trong tuần thứ 2 tháng 7

Lò Văn Củi

16-7-2018

Anh Bảy Thọt mời bà con cô bác về nhà dự đám giỗ. Nổi bật trong bàn tiệc là cặp gà. Nhơn tiện, ông Hai Xích lô… bẻ cái đầu rồi đổi danh anh Bảy thành Bảy Cà khịa, cho nó nhẹ nhàng như trời Sài Gòn mấy bữa nay cũng có mùa thu.

Sáng nay trời vẫn còn đẹp, anh Bảy… vẫn khịa, bởi trời đẹp chứ quan có đẹp đâu, anh nói:

– Mấy ông quan chức nước ta là chúa lừa đảo. Nay lừa dân mình coi bộ khó rồi, dân đã sáng mắt ra nhiều. Nhưng quan đâu có dễ từ bỏ, tánh nào tật nấy, lại tiếp tục thủ đoạn lọc lừa.

Anh Sáu Nhặt thắc mắc:

– Lừa ai nữa đây?

– Lừa “hai ông”… El Niño, La Niña – Anh Bảy đáp.

Anh Sáu hiểu nhưng vẫn còn thắc mắc:

– À, “hai ông” có họ chung là biến đổi khí hậu, hai ông hông nói hông rằng nên dễ bị lừa đó hen. Hổm ông đứng đầu ngành Tài – Môi của thành Hồ, lừa vụ bãi rác Đa Phước, nay ông nào nữa vậy? A, Tài – Môi dịch nôm na cũng hay hay, ‘Môi mỏng Tài lanh’, hoặc ‘Môi dày ăn hết trọi Tài nguyên’.

Bà con cô bác cười hehe. Anh Bảy trở lại câu chuyện:

– Hổng chịu lép vế với thành Hồ, ông đứng đầu ngành Xây dựng của Hà thành là Lê Văn Dục cũng “chơi” một phát tương tự. Cuối tuần trước kéo qua mấy ngày đầu tuần này, cá chết trắng và gây hôi kinh khủng ở Hồ Tây, ước lượng phải tới 20 tấn. Ông ta phát biểu tại hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm: “Cá chết có thể do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng”.

Anh Năm Ba gác hất đầu, nói cáy:

– Nói từa lưa, lừa lọc vậy cho khỏe, còn né được ô nhiễm môi trường nữa chứ.

Cá chết trắng Hồ Tây. Ảnh: Báo Thanh Niên

Anh Bảy tiếp tục:

– Cũng vào đầu tuần và lại là cá chết hàng loạt, nhưng là cá nuôi lồng của bà con nông dân mới tội làm sao. Cá được nuôi trên sông Đà, tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ở huyện này, các nông dân nuôi hàng trăm lồng cá rô phi, cá lăng, diêu hồng, trắm cỏ… số lượng chết hông phải ít, từ một phần ba tới một nửa mỗi lồng. Các loại cá lăng đã lớn cỡ 1 đến 1 ký rưỡi rồi, cá trắm thì đã từ 2 đến 3 ký lô.

Bà con nông dân nghi ngờ cá chết do xả lũ từ thủy điện Hòa Bình. Hồi năm ngoái cũng vậy, nhằm lúc xả lũ như bây giờ, cá cũng phơi trắng bụng ra ngáp ngáp, rồi chết queo gần hết trọi. Bà con bị nợ nần do cá chết năm ngoái chưa trả hết, thì năm nay lại càng điêu đứng, nợ chồng thêm nợ thấy rõ.

Bà con cô bác nghi thì nghi, nhưng lũ cũng đâu biết nói, các ông quản lý thủy điện thì… ngu sao nói, nói lòi tội ra sao, các nhà khoa học thì một số cũng ngu sao nói, nói lòi cái… ngu ra à, một số thì ngậm tiền đành ngậm hột thị, im như thóc. Trăm dâu đổ đầu tằm, bà con nông dân phải gánh chịu.

Anh Ba Thợ xây thêm câu chuyện cũng dính dáng tới “hai ông Nô – Na”:

– Dân mình bị cướp đất nông nghiệp quá trời, thiếu đất canh tác lắm. Nhưng dân ở khúc đường từ thị trấn Quán Hành thuộc huyện Nghi Lộc tới Diễn Châu, Nghệ An, thì chẳng phải lo nữa, đã có đất công bù vô rồi.

Chú Tám Thinh bật lên tiếng:

– Bớt giỡn đi Ba, nghe nói cái thấy vật đổi sao dời luôn.

Anh Ba cười khì:

– Dạ thiệt mà, bà con ở đây đang đi mua dây khoai lang giống, hom khoai mì giống… về trồng trên các vồng ngoài đường lộ á.

Chú Tám nãy người:

– Trời! cái thằng, thì ra là vậy, là cái đoạn đường quốc lộ này nó hư nát bét, lên vồng lên luống hết trơn. Đường khánh thành năm 2015, đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, đến nay chưa hết bảo hành, còn gần cả năm nữa mà đã như vậy. Trơ tráo hơn là làm xong, gây nên con đường khốn khổ nhưng chẳng chịu sữa chữa, mặc kệ nó như thế. Cái ông Nguyễn Quế Sự, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh này, trong buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh, cũng noi gương hai ông Hà thành, Hồ thành, bên cạnh việc đổ cho xe nhiều, xe quá tải thì đổ thêm tại… trời nắng nóng. Sự nên lý sự kiểu trên trời.

Ông Thầy giáo lắc đầu:

– Tội nghiệp cho… “hai ông – Nô, Na” ghê.

Bà con cô bác thì cười khà khà.

“Vồng khoai” trên quốc lộ còn bảo hành. Ảnh: Soha

Thành Hồ là thành phố lớn nhứt, nên hầu hết nhiều vụ lớn nhứt đều nằm ở đây, cả hay cả dở, bây giờ thì dở nhiều, hay đếm trên đầu ngón tay. Nhưng giống kiểu thành Hà, cạnh tranh cho bằng chị bằng em, nhiều nơi quyết chạy theo cho kịp, cho có tiếng. Anh Bảy kể tiếp chuyện ở Quảng Ngãi:

– Ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, có bãi khác gây ô nhiễm chẳng kém gì bãi rác Đa Phước, thành Hồ. Ô nhiễm kinh khủng, người dân ở đây nói là phải sống chung với rác.

Bữa 10/7, các cơ quan chức năng của tỉnh mở cuộc đối thoại. Dân chúng bức xúc nói, nó đã thành cái núi rác chứ chẳng còn là bãi nữa và hỏi quan chức:Ruồi nhặng từ bãi rác tấn công vào nhà, bu bám đầy vào mâm cơm. Nhìn thấy là ớn, không ai ăn nổi. Chúng tôi mua thịt, cá mời các anh về nhà chúng tôi ăn cơm đầy ruồi nhặng xem các anh có ăn được không?”

Chú Tám Thinh lại bật lên tiếng:

– Ăn cái khỉ mốc, quan mà bén mảng tới là tui đi đầu xuống đất, quan phải ăn ở phòng lạnh. Nội ở cuộc đối thoại dòm đã thấy ghét, quan ngồi trong mát, bàn ghế sang trọng, nước nôi đầy đủ, nói chung chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu hoa hòe hoa sói nữa thôi. Trả lời câu hỏi của dân thì… trả lời lấp lửng, lòng vòng quanh co, không chịu trách nhiệm, toàn là để báo cáo lại cấp trên.

Anh Năm Ba gác nhún vai:

– Quan ngồi mát ăn bát vàng chứ, hơi đâu lo cho dân, đối thoại để làm màu mà thôi. Nhiều lần đối thoại rồi mà có giải quyết gì đâu. Nên cũng nhiều lần dân chặn xe rác hông cho vô bãi. Ngay bữa 10/7, ngao ngán cách trả lời cùng hứa và hứa, nên bà con cô bác bỏ ngang cuộc đối thoại để ra chặn xe tiếp.

Bà con cô bác đồng tình bởi đây là cách chẳng đặng đừng. Nhưng về lâu về dài thì hông có được, nên ông Thầy giáo nói:

– Bà con cô bác mình làm sao như “hai ông Na – Nô”, biến đổi những kẻ quan chức thành… rác, thì mới được yên ổn làm ăn, mới có cuộc sống đàng hoàng.

Bàn ghế gỗ sang, nước nôi đầy đủ… để quan “đối thọi” với dân. Ảnh Hiển Cừ/ TN
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây