Ta chống ta, dân chống lũ!

Lò Văn Củi

26-6-2018

Anh Bảy Thọt mở đầu câu chuyện bữa nay:

– Đảng ta lại mở hội nghị tìm cách ta chống ta ha.

Anh Sáu Nhặt hông hiểu:

– Là sao ta? Đảng ta một lòng lắm mà, sao ta chống ta?

Vụ này chưa cần tới ông Thầy giáo, anh Năm Ba gác đáp lời thay được rồi:

– Hổng nghe ông tổng bí thơ nói a, chống tham nhũng là ta đánh ta á, tham nhũng thì ai vô đây? Dân tham nhũng được sao? Nếu chẳng phải cán bộ có chức có quyền, lại là đảng viên thì tham nhũng cách nào ? Vậy thì ta đánh ta là ngay chóc, và có đánh thì có chống, ta chống ta chứ gì nữa.

Anh Sáu hiểu ra:

– À, à, hiều rồi. Ý chú Bảy là sáng ngày 25/6 có hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội, ông tổng Lú chủ trì, ông ta là trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng mà.

Ông ta thao tao bất tuyệt: “Vì cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía. Cho nên, tôi nói hội nghị của chúng ta quan trọng là vì vậy. Mong rằng sau hội nghị này, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước chuyển tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn… Xin chúc hội nghị của chúng ta thành công, thành công theo nghĩa cuối hội nghị này, phải mang lại bước chuyển biến thật sự mới trong đời sống xã hội, một hội nghị phải có ý nghĩa bổ ích, thiết thực, chứ chung chung là không thành công… ”

Ông Hai Xích lô bừ môi:

– Hội nghị nào mà hổng thành công, thành công vượt bực là đằng khác. Có bao giờ thấy hổng thành công đâu.

Anh Ba Thợ xây tiếp lời:

– Hội nghị làm màu làm mè thì sao hông thành công được. Báo cáo những con số đẹp tuyệt trần gian cho nó xôm tụ chứ.

Bà con cô bác tỏ ý giống như ý ông Hai và anh Ba. Bây giờ ông Thầy mới nói:

– Bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng rất khó bởi kẻ tham nhũng rất xảo quyệt, kết bè kết phái tìm mọi cách chống nhau… thì đúng là cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ… một phía chứ chẳng có rất nhiều phía nào như ông tổng Lú nói cả. Một phía là chính ngay các ông lớn này chống chính mình.

Ta hãy dòm cái hội trường to đùng dùng làm hội nghị đi, trong đó trang hoàng có khác nào cung đình của thời phong kiến ngày xưa đâu. Trang hoàng toàn gỗ quý là chắc chắn, những cái bàn những cái bục nói theo cách bây giờ là quá ư hoành tráng, cái bục phát biểu bự kinh khủng, chễm chệ một góc sân khấu, trang trí hoa văn họa tiết cầu kỳ, những cái ghế đỏ lòm, vàng chóe chẳng khác những ngai vàng của những ông vua ngầy xưa, từ phông màn trên sân khấu cho tới cánh gà đều phải lộng lẫy… Tham nhũng ngay tận gốc là đây chứ đâu nữa. Hơn nữa, kinh thiên hơn nữa là tham nhũng quyền lực, ngồi ở nơi này dễ tỏ rõ uy quyền, hổng tham quyền cố vị mới là lạ.

Thời đại bây giờ, người ta trang trí càng đơn giản càng tốt, càng tiến bộ. Các ông ta càng thủ cựu. Như vậy là chống lại mình không nổi thì chống ai? Chống trên giấy để lừa mị, và chống phe phái để tiếp tục giữ những cái ghế “vàng”, tiếp tục tham nhũng quyền lực và vật chất mà thôi.

Bục bệ, bàn ghế hoành tráng trong hội nghị. Ảnh: báo TN

Ông Thầy nói có sách mách có chứng, khó có ai phản bác được, ngay cà ông Ba Hưu trí cũng tâm phục khẩu phục. Anh Bảy tiếp tục câu chuyện:

– Bởi vậy, các ông ta mới chăm bẩm tập trung trong hội trường máy lạnh cho sướng rân người, chứ có nghe ai nhắc tới gì trận lũ kinh hoàng vừa xảy ra hai ngày trước ở miền núi phía Bắc đâu, có ai bước chưn lên đó coi tình hình ra sao đâu.

Mưa lớn hai ngày 23 và 24/6 và xả lũ vô tội vạ của thủy điện gây nên trận lũ làm chia cắt, tê liệt, thiệt hại vật chất ở miền núi phái Bắc. Thiệt hại nặng nề là ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên. Đau thương quá sức là đã làm 19 người thiệt mạng, 11 mất tích.

Lũ cuồn cuộn đổ về. Ảnh: Nguyễn Đăng Hiển/ TN.

Chú Tám Thinh thở dài nghe não nùng:

– Họ mụ mị hết rồi, vô cảm hết rồi. Họ mạnh miệng chống này chống nọ, còn chịu và chống lũ là của dân đen thôi. Ngay cả cái ban Phòng chống thiên tai cũng chẳng làm nên cơm cháo gì cả. Một điều đau đớn nữa là gây ra thảm cảnh lại có “góp công” từ chánh sách của họ. Những chánh sách, những kiểu quản lý để tàn phá tài nguyên, nhứt là tàn phá rừng, xây thủy điện tràn lan, và giáo dục đào tạo nên những con người vô cảm.

Bà con cô bác nghẹn lời, hết nói gì nổi nữa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây