Tố tụng với những lời khai chết

FB Luân Lê

20-4-2018

Giám đốc sở ‘bị cưỡng đoạt’ không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong. Ảnh: Danh Trọng/TT

Đây là vấn đề đặc biệt lớn đối với cả một nền tố tụng của một quốc gia, vì nó đã được vận hành dựa trên những lời khai trên giấy và những người này thản nhiên có thể vắng mặt tại phiên toà chỉ với một lý do bận việc, khôn đủ sức khoẻ, hoặc là không cần thiết vì đã có các bản khai tại các cơ quan tố tụng từ trước.

Chính vì chỉ quan trọng lời khai được ghi lại trên những tờ giấy nên mỗi khi ra toà chẳng bao giờ có thể tranh tụng, vì làm gì có chứng cứ, làm gì có cách nào thẩm tra, đối chất và làm rõ những gì mà người ta đã khai, đã nói? Từ luật sư, đến kiểm sát và rồi đến hội đồng xét xử cũng chỉ chắt lọc các lời khai và tự suy diễn rồi xét đoán theo ý chí của mình để coi là những cứ lý để làm các diễn giải, phán quyết cho mình.

Tại phiên toà, nếu đúng nguyên tắc tranh tụng thì buộc lòng tất cả những người tham gia tố tụng phải có mặt để tham dự và đối mặt với quá trình tố tụng, mếu thiếu họ thì không được tiến hành xét xử, vì họ có mặt tại toà là để đảm bảo mọi sự thật sẽ được làm sáng tỏ và nó dẫn tới trách nhiệm pháp lý của họ một khi họ gian dối, man khai trong các lời khai; và hơn hết là mọi chứng cứ sẽ được thẩm tra trực tiếp, toàn diện, và từ đó việc tranh tụng mới được thực hiện đầy đủ và chuẩn xác trên thực tế. Lời khai chỉ là bản ghi nhận lại thông tin ở quá khứ chứ không phải tại thời điểm mà toà án đang cần và buộc phải xem xét, đánh giá và nhận định khách quan về mọi chứng cứ mà làm cơ sở ra bản án sau đó. Chứ tranh tụng không phải chỉ giữa luật sư với kiểm sát viên (công tố), mà lắm lúc công tố viên còn tuyên bố không tranh luận gì ngay tại phiên toà như một sự thách thức (hoặc à bế tắc, hoặc vì buộc phải làm vậy theo chỉ lệnh).

Chính vì sự vắng mặt được sự cho phép và đồng thuận rất dễ dàng của toà với tư duy là dựa vào các bản khai có sẵn của họ để xét xử, nên đó chính là lý do đưa tới tình trạng án tại hồ sơ, và từ đó dẫn đến oan sai là hoàn toàn có thể xảy ra dựa trên sự cố chấp thiếu hiểu biết của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hơn nữa, nó làm cho người ta, cả người vắng mặt lẫn những người có mặt, trở nên coi thường luật pháp, xem thường toà án và khinh khi sự thật cũng như giá trị công lý. Và nghiêm trọng hơn, nó cũng tạo ra tâm lý buộc tội đến cùng hay hành vi lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng khi cố gắng chỉ để buộc tội bằng được một ai đó bằng cách làm mọi biện pháp để xác lập các lời khai nhắm vào họ, vì lẽ, khi ra toà, những lời khai này được sử dụng một cách mặc nhiên và với sức mạnh vô cùng lớn, nó như nguồn chứng cứ duy nhất có giá trị hơn những chứng cứ khác cũng như mọi diễn biến có thể diễn ra tại phiên toà khi có mặt để thẩm vấn họ một cách trực tiếp.

Không thể tiến hành tố tụng theo kiểu “vắng mợ thì chợ vẫn đông, vắng cô lấy chồng thì chợ vẫn vui” như xưa nay vẫn coi là bình thường được. Nó là mối nguy hại đối với việc áp vận luật pháp, gây tổn hại lẽ công bình và rất dễ xâm hại vào những quyền bất khả của con người.

Muốn tranh tụng thì phải có mặt tất cả những người tham gia tố tụng tại phiên toà, và nếu vắng thì có thể dẫn giải tới, hoặc nếu họ từ chối thì có thể xử phạt từ hành chính đến hình sự. Vì những gì họ khai, họ nói, họ làm chứng đều có thể ảnh hưởng lớn đến những quyền lợi và số phận pháp lý của người khác đang đứng trước toà.

Ở hệ thống toà án kiểu Anh – Mỹ, luật sư cũng như các đương sự được tự mình chủ động tìm kiếm người làm chứng và dẫn đến phiên toà để tham gia tố tụng, nó khiến cho kết quả vụ án có thể hoàn toàn bị thay đổi và vì vậy nó mới đúng nghĩa là một nền tố tụng tranh tụng khoa học và văn minh.

Còn chúng ta thường thì rất xem nhẹ sự có mặt của những gười tham gia tố tụng, có khi luật sư đề xuất họ còn bác bỏ đi, với lý do những người này đã có những lời khai từ trước và sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến bản chất vụ án cũng như việc tranh luận tại phiên toà. Nhiều vụ án có khi chứng cứ còn không được trưng ra nghe, nhìn để thẩm tra. Thế nhưng vụ án vẫn hoàn tất mau lẹ và với những lời kết án hết sức đanh thép.

Tôi vẫn thấy tư duy luật pháp và tố tụng của đất nước ta còn quá tệ hại và sai lầm. Không biết bao giờ mới sáng sủa lên được cho người dân nương nhờ?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây