Việt Nam vẫn không đáp ứng những yêu cầu của Đức để hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước

Hiếu Bá Linh

28-1-2018

“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng báo chí quốc tế không được cho phép [tham dự phiên tòa xét xử] và nữ luật sư Đức của ông Thanh đã bị từ chối không cho nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cho phép báo chí quốc tế tham dự phiên tòa thứ nhất và phiên tòa thứ hai cũng như cho phép nữ luật sư Đức của ông Thanh được nhập cảnh”.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel bên lề Hội nghị ASEM lần thứ 13, hồi tháng 11/2017. Ảnh: TG&VN

Mới đây, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao CHLB Đức cho biết:

Cho tới nay Đại sứ quán [Đức tại Hà Nội] cũng đã có thể quan sát phiên tòa thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh. Như vậy Việt Nam đã tạo ra sự minh bạch trong vụ án có tầm quan trọng đối với nước Đức.

Trong một số phần của phiên tòa [thứ nhất] đã được nhận thấy rằng có sự cố gắng áp dụng những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Đồng thời có những khía cạnh của phiên tòa mà chúng tôi thấy đáng phê bình.

Chúng tôi đã yêu cầu có một phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh theo những chuẩn mực nhà nước pháp quyền và đã nhiều lần trao đổi với Chính phủ Việt Nam về yêu cầu này.

Chúng tôi lấy làm tiếc rằng báo chí quốc tế không được cho phép [tham dự phiên tòa xét xử] và nữ luật sư Đức của ông Thanh đã bị từ chối không cho nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cho phép báo chí quốc tế tham dự phiên tòa thứ nhất và phiên tòa thứ hai cũng như cho phép nữ luật sư Đức của ông Thanh được nhập cảnh.

Kể từ vụ bắt cóc, chúng tôi đã tiến hành một quá trình trao đổi chặt chẽ với phía Việt Nam. Họ biết rõ phải làm gì để sửa chữa những thiệt hại gây ra cho mối quan hệ song phương.“

Thực tế cho thấy, đến nay Việt Nam vẫn không đáp ứng phần lớn những yêu cầu của phía Đức đưa ra để hàn gắn những đổ vỡ trong mối quan hệ giữa hai nước do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.

Trong phiên tòa thứ hai xét xử Trịnh Xuân Thanh, báo chí quốc tế vẫn không được cho vào tham dự. Cụ thể là Việt Nam đã nhiều lần từ chối không cho hãng thông tấn Đức DPA tham dự, kể cả phiên tòa thứ hai.

Chính phủ Đức đã lên tiếng phản đối về việc Việt Nam từ chối không cho bà Schlagenhauf, luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh nhập cảnh vào Việt Nam; và yêu cầu Việt Nam cho bà luật sư Schlagenhauf vào để có thể tiếp cận tốt với thân chủ của bà. Nhưng cho đến nay, yêu cầu này vẫn không được phía Việt Nam đáp ứng.

Được biết, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM tại Myanmar vào ngày 20/11/2017 Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đưa cho Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh lộ trình (roadmap) để hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Như vậy, thiện chí của phía Đức – Việt Nam biết rõ phải làm gì để sửa chữa những thiệt hại gây ra cho mối quan hệ song phương – đã bị rơi vào khoảng không.

Cho đến nay phía Việt Nam không những không đưa ra một lời xin lỗi phía Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà cũng không đáp ứng những yêu cầu nêu trên của phía Đức (ngoại trừ không tuyên án tử hình đối với Trịnh Xuân Thanh) về việc xét xử Trịnh Xuân Thanh theo những chuẩn mực nhà nước pháp quyền.

Con đường bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức còn rất dài và đầy chông gai.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây