Những chuyện chưa quên (phần 15)

Hồ Phú Bông

Phần 15: Hiến điền về quê

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7, phần 8, phần 9, phần 10, phần 11, phần 12, phần 13phần 14

Cầm lá thư Nghiêm trên tay, Hoàng khóc. Hoàng đã tự nhủ phải cứng rắn, không khóc, thế nhưng nước mắt từ đâu cứ chảy ra liên tục. Những giọt nước mắt mà Hoàng cố giấu trước mọi người. Những giọt nước mắt thường chỉ lặng lẽ chảy về đêm làm ướt đẫm áo gối. Cái gối mộng của một tình yêu đang độ, của một cuộc hôn nhân chưa tròn hai tuổi bỗng chốc trở thành cái gối để giấu che dòng nước mắt âm thầm.  

Khung trời kỷ niệm còn đó. Đà Lạt đang độ mùa hoa quỳ vàng ối khắp các lối đi, những cánh hoa vàng lấp lánh trong nắng chiều vàng. Những bước chân sóng đôi trên từng lối mòn heo hút. Ôi những cánh hoa quỳ Đà Lạt. Ôi những lối mòn đầy hoa cỏ dại là những kỷ niệm của một trời thu nhớ. Mùa thu ngọt ngào quyến rũ mang những dấu chấm của bức tranh tình yêu tuổi học trò. Em và anh, chàng và nàng như những cây cọ đầy màu sắc cùng nhau vẽ nên bức tranh tình yêu. Từng nét, từng chấm li ti trên khung đời mộng như là những mảnh linh hồn trao gởi.  

Khuôn viên viện đại học Đà Lạt còn đó. Khuôn viên trường Đại học Chiến tranh Chính trị còn đó. Buổi hẹn hò đầu tiên nơi đại giảng đường, đêm mừng sinh nhật tập thể còn đó. Cảnh vật còn đó nhưng vành trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!  

Hai mươi lăm cây số từ Bồng Lai về Đà Lạt bây giờ là con đường dài như vô tận. Con đường của ngút ngàn kỷ niệm ngày xưa và con đường của mù khơi tương lai còn lại. Định mệnh sẽ đưa anh về đâu? Định mệnh sẽ đưa em về đâu? Sẽ đưa chúng mình về đâu?

Trước mắt Hoàng không còn khuôn viên đại học. Không còn cảnh vừa tan trường ra đã thấy chiếc xe gắn máy màu đỏ của Nghiêm đứng trơ trọi bên gốc thông già, là dấu hiệu để báo cho Hoàng biết có Nghiêm đến đón. Còn Nghiêm thì ngồi ở lưng chừng đồi nhìn nắng vàng dưới lũng sâu.  

– Đón con người ta mà làm như cực khổ lắm!

Từng cái vờ vĩnh giận hờn, chợt đến, chợt đi. Chợt tan như nắng vội. Chợt buồn như mưa bụi làm đẫm ướt bờ mi.   

Hoàng còn nhớ khi xe Nghiêm vượt qua đám sinh viên cùng lớp, Nghiêm vô tình cứ băng băng nhìn phía trước nhưng Hoàng thì nhìn lại đàng sau. Đám bạn nói, cười, vẫy tay Hoàng và Nghiêm nhưng Hà thì cắm cúi bước. Những bước chân đau buồn lặng lẽ. Những bước chân đơn độc âm thầm.

Hoàng cứ nghĩ tuổi thanh niên thường tự tạo ra cho mình một nét đặc biệt giữa đám đông và Hà tự tạo ra cái âm thầm đơn độc ấy. Những mảnh giấy nho nhỏ, những dòng chữ mang nội dung đặc biệt của Hà cứ vô tình sót lại trong tập vở Hà mượn của Hoàng. Hoàng hiểu. Nhưng cái âm thầm của Hà vẫn là của Hà. Hoàng không thể chia sẻ cái âm thầm lẻ loi đó.

Vài lần Nghiêm bận công tác không đến đón, Hà lại lúng túng thả bộ theo Hoàng trên con đường về nhà. Hà không bao giờ hội nhập với đám đông học trò. Với đùa giỡn, chọc phá ồn ào. Trái lại Hà luôn luôn ấp úng đến tội nghiệp. Hà vừa tách biệt bí ẩn, vừa mặc cảm lẻ loi. Thứ mặc cảm của một người luôn luôn thấy mình cứ lẽo đẽo đàng sau trên con đường tình ái.

Và bây giờ mọi người lại ngạc nhiên. Hoàng cũng ngạc nhiên. Hà là Bí thư đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lâm Đồng – Đà Lạt!

Lá cờ đỏ sao vàng run phần phật trong gió. Từ ngày xuất quân cho đến bây giờ lá cờ luôn luôn theo toán công tác thủy lợi, được cắm ngay ở vị trí cao nhất tại hiện trường lao động. Lá cờ là niềm tự hào của đảng viên đang lãnh đạo công trường, là quyền lực của chế độ nhưng là niềm lo lắng của những tấm lưng còng thiếu dinh dưỡng, đang lao động quần quật. Đảng đang đứng canh chừng phía sau lưng!

Công trình dẫn nước từ thác Prenn về Định An và hai xã K’Long A,  K’Long B đang được thực hiện. Câu khẩu hiệu đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên (!) nhắc nhở mọi người, dù thành phần lao động cho công tác nầy không phải chỉ dành cho thanh niên, là thành phần trong trắng, nhiệt tình và luôn luôn được ca tụng, vẽ vời, bằng đủ loại chữ nghĩa! Chính quyền địa phương huy động toàn bộ nhân lực từ Bồng Lai trở lên, kể cả đàn bà, con gái có con mọn như Hoàng.

Và ngày mai, ông Bí thư đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ xuống thăm công trường!

Thư Nghiêm không viết về bản thân. Nghiêm viết cho người ở lại với những lo lắng, sắp xếp. Lá thư được viết từ miền Bắc xa xôi như một lời trăn trối. Hoàng làm sao có thể bước thêm bước nữa(!) khi Nghiêm gợi ý đừng phí phạm tuổi xuân(!) Hai con là lẽ sống của Hoàng làm sao Hoàng có thể gửi lại cho nội để đi lấy chồng khác? Hoàng không đau đớn trách cứ vì những gửi gắm của Nghiêm với cha mẹ hai bên. Nghiêm chấp nhận hy sinh cho tình yêu, Hoàng cũng thừa nghị lực như vậy. Nghiêm hy sinh cá nhân cho Hoàng và Hoàng cũng hy sinh cá nhân cho con.  

Lúc nầy không phải là sự thổn thức của trái tim nhưng cần nghị lực để sống!

Lúc còn ở trung học trong giờ Việt văn, một lần cô giáo chia lớp học ra làm hai để tranh luận về thái độ của Loan, nhân vật chính trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh: Khóc lóc hay rên rĩ là yếu hèn! Phải nhìn sự thật bằng đôi mắt ráo lệ, không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống! Lần đó Hoàng thấy thương Loan quá. Một mình phải đương đầu với thói lề xã hội, một xã hội phong kiến! Hoàng biết đâu chính Hoàng đang phải đương đầu với xã hội hiện tại! Một xã hội nhân danh lao động nhưng trấn áp người lao động.  Một chế độ nhân danh chống áp bức bóc lột nhưng công khai trù dập và cướp đoạt tài sản của người dân! Hoàng biết rất rõ, Hoàng không có được cái can đảm làm cuộc cách mạng xã hội như Loan. Hoàng nhỏ bé hơn, yếu đuối hơn. Hoàng chỉ cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình của riêng mình, của hai con. Cơn cuồng phong của xã hội có dữ dội nhưng đôi cánh nhỏ nhoi của con gà mẹ vẫn đem hết sức lực để bảo vệ đàn con!

Khi tất cả những thành phần ưu tú của đất nước không xu nịnh chế độ mới, đều là “phản động” (!) phải tập trung cải tạo thì thân phận nhỏ nhoi của Hoàng chỉ như cỏ rác, có đáng gì! Nhưng thà như cỏ để tồn tại trước cơn bão dữ. Là cỏ của suy tư. Là cỏ của nhân chứng. Không mạnh mẽ như Loan nhưng phải bền vững. Nghiêm ơi, nếu định mệnh đã chia cắt vĩnh viễn chúng ta thì em phải tồn tại. Em phải là nhân chứng! Nếu cuộc đời chúng ta đã qua đi thì con chúng ta phải tồn tại. Cây hy vọng phải được lớn lên. Lớn lên từ sự nhẫn nại kiên trì. Em không hận thù vì cuộc đời vốn quá ngắn. Em không sợ hãi vì chẳng còn gì để sợ nhưng kinh ngạc trước sự vong thân đạo đức của chế độ!   

Ngày mai Hà sẽ xuống thăm công trường thủy lợi. Một Hà tách biệt thầm lặng ngày trước có khác với một Hà Bí thư đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện tại không? Hà có nhận ra Hoàng trong đám lao động ở công trường? Một Hoàng khép nép trong chiếc áo dài với cái huy hiệu tròn có chữ Thụ nhân của viện đại học Đà Lạt cài trên tay áo ngày trước? Hoàng nhìn lại chính mình bây giờ. Hốc hác. Gầy. Đen. Áo quần chính hiệu nông dân! Một Hoàng ngồi khum lưng trên đất nhóm lửa, thổi tro bay đầy đầu. Mười ngón tay búp măng thường đan vào nhau mà Nghiêm đã nâng niu chìu chuộng bây giờ chai cứng sần sùi. Hoàng bất giác thở dài. Chút mặc cảm về nhan sắc hiện về. Hoàng soi lại dung nhan mình trên tấm kiếng thời gian. Từ cô nữ sinh yêu đời dệt mộng đến ngày tháng nổi trôi buôn bán chợ trời. Rồi từ chợ trời đến nông dân. Và bây giờ đang lao động khổ sai trên công trường thủy lợi! Khoảng thời gian thật ngắn nhưng đã làm đảo lộn mọi giá trị. Xã hội bật gốc. Ước mơ bị hủy diệt. Một giai cấp mới đang thống trị với hỗn mang và vô học. Những người dân lương thiện thiếu ăn, bị cưỡng bức nai lưng đào đất vét mương, để xây dựng một thiên đường ảo tưởng!

Bạn Hoàng đang dạy ở trường Văn Học Đà Lạt kể cho Hoàng nghe câu chuyện về gia đình Hà. Hà kết hôn với Diễm cũng là bạn học chung của hai đứa. Diễm có người yêu là dân Võ Bị trước kia nhưng sau năm 75 đã mất liên lạc và nghe đâu cũng đang cải tạo ở ngoài Bắc. Khi Diễm có thai đứa con đầu lòng, Diễm ngạc nhiên trước sự hờ hững và lạnh lùng của Hà. Một tuần lễ sau Hà ép Diễm đi nạo thai. Không ai biết rõ lý do kể cả Diễm. Miền Nam mấy ai biết chính sách ba khoan trong thời gian chiến tranh ở ngoài Bắc. Chưa yêu thì khoan yêu. Nếu đã yêu thì khoan cưới. Nếu đã cưới thì khoan có con! Diễm chỉ mơ hồ là có con trong lúc nầy không đúng lúc, Hà chỉ nói có vậy. Phải chăng nhận được chỉ thị từ trên và vì địa vị của Hà hiện tại nên cần phải làm gương? Nhẹ việc nhà, nặng việc Đảng(?) bí ẩn chỉ có Hà biết. Với rất nhiều dư luận trong số ít bạn bè còn lại cho biết Diễm bị mất bình thường sau đó. Hoàng nghe và thấy lạnh cả người! Ý định nếu gặp Hà, Hoàng sẽ xin Hà giúp đỡ cho Nghiêm sớm được về, Hoàng bỏ ngay từ đó.

Khi đứa con đầu lòng của Diễm phải hy sinh thì chút tình bạn ngày trước có giá trị gì?

Tình cảm không còn là thiêng liêng thì con người như một cỗ máy.

Cứ để kỷ niệm cũ tồn tại. Cứ để một Hà ấp úng ngày xưa tồn tại. Tránh cho mình khỏi mặc cảm. Tránh cho Hà khỏi khó chịu. Hoàng khai bệnh lánh mặt.

Hoàng từ giã Sài Gòn và gia đình Nghiêm để lên Bồng Lai theo kế hoạch di tản dân ra khỏi thành phố. Chính sách kinh tế mới của chính phủ bắt mọi người dân trở về nông thôn, đặc biệt vợ con của những người đi cải tạo thì được nhà nước hứa hẹn sẽ sớm cho trở về sum họp. Cô sinh viên đang ngỡ ngàng trước những biến động to lớn của lịch sử, của xã hội và chưa bao giờ đối diện với thực tế ghê rợn như lúc nầy, lại đang được chính phủ hứa sẽ sớm cho chồng về sum họp tại kinh tế mới. Mục đích đời sống trước mắt của Hoàng là sum họp gia đình cùng lo nuôi dưỡng hai con còn thơ dại. Mọi chuyện đều vứt bỏ lại phía sau. Tương lai là cái gì còn trừu tượng, xa vời. Phải nắm bắt thực tế. Đảng đã khẳng định là đường lối chính sách trước sau như một, như vậy thì đi. Không cần biết tương lai. Phải đi. Đi để Nghiêm được trở về. Lời hứa của Đảng, của chế độ mới là một bảo đảm! Giá trị đạo đức của một cá nhân thì có thể nghi ngờ nhưng đạo đức của một đảng đang lãnh đạo, của một chế độ mới, một chính phủ mới phải chắc chắn! Phải thành tín!

Đi.

Bỏ tất cả lại đàng sau!

Những chuyến xe đầy ắp người đi kinh tế mới được cổ vũ. Tiễn đưa rầm rộ. TV, đài phát thanh thi nhau làm phóng sự. Và Hoàng phải đi.

Hoàng lặng lẽ cùng một số người trong gia đình Nghiêm sửa soạn rời Sài Gòn. Gia đình phải chia làm đôi, một nửa ở lại, một nửa ra đi. Bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt phía sau. Bỏ lại những tháng ngày ngược xuôi, buôn bán chợ trời, kiếm sống phía sau. Hai đứa con còn thơ dại, đứa con gái lớn chưa đầy hai tuổi gửi lại cho bà nội, cho cô chú, còn đứa nhỏ đang bú sữa mẹ, Hoàng đem theo. Không có tiền để mua sữa cho con nên Hoàng cho con bú sữa mẹ. Thân xác mẹ thiếu dinh dưỡng vì phải ăn bo bo, khoai bắp, rau đậu nhưng Hoàng vẫn hy vọng sức trẻ của chính mình sẽ cung cấp đủ nguồn sữa cho con. Không thể tìm nguồn trợ cấp từ bên ngoài thì đem thân xác ra, rút sinh lực ra lo cho con!  

Từ bé cho đến lúc nầy Hoàng chưa bao giờ biết lao động tay chân cho dù có con nhưng Hoàng vẫn còn trên ghế nhà trường. Công khó của cha, công khó của mẹ là nuôi hy vọng cho con tốt nghiệp đại học, vì đây là bước căn bản để tiến thân trong xã hội ngày một đòi hỏi thêm kiến thức nhưng công khó đó đã bị gãy đổ bất ngờ theo vận mệnh miền Nam.

Mọi việc ra đi phải được sửa soạn, chuẩn bị trước. Đứa con gái chưa đầy hai tuổi, đang chập chững đi. Rờ rẫm. Phá phách. Nó cũng lăng xăng tới lui, thích thú trước các đống đồ đạc ngổn ngang đang được sắp xếp, nào dao, cuốc, rựa, liềm… dụng cụ nhà nông. Hoàng ứa nước mắt nhìn con. Tuổi thơ đâu biết rằng nó sắp phải xa mẹ! Đâu biết rằng từng bước chuẩn bị là từng bước cách xa! Xa mẹ chắc nó sẽ khóc vì nhớ một thời gian nhưng con nít sẽ chóng quên. Chỉ có Hoàng, ngay từ lúc quyết định rời xa thành phố là lúc đã bắt đầu đau đớn, xót xa. Giấc mơ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ xây một mái ấm gia đình tại Đà Lạt, có căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trên một triền đồi với những ngọn thông cao không còn nữa. Tiếng thông vi vu trong gió là nhạc khúc êm đềm trong những giấc ngủ bình yên khi vợ chồng mới cưới nhau không còn nữa. Căn nhà nhỏ nằm giữa rừng thông ở đường Yersin không còn nữa. Những cây thông đẹp đã bị đốn đi để biến thành củi ngo đem bán và nấu bếp. Tiếng thông reo trong gió, bây giờ là những tiếng u uẩn, xót xa trong đêm dài của những con người không còn tương lai, không còn hy vọng.  

Suốt đêm Hoàng không thể ngủ. Mới 3 giờ sáng mọi người trong gia đình đã thức dậy. Không ai nói với nhau nhưng hình như trắng đêm không ai ngủ được. Riêng Hoàng trằn trọc nằm giữa hai con. Xoay qua bên nầy, nhìn con gái. Xoay qua phía bên kia, nhìn con trai. Nhìn giấc ngủ thiên thần của trẻ thơ mà tan nát lòng. Đứa con gái khi cựa mình để cái ti rơi xuống một bên má, bàn tay tí hon của nó lại quờ quạng lượm nhắt lại vô miệng. Nhìn đôi môi múm mím, chùn chụt từ nhịp nhanh rồi chậm dần, rồi ngưng hẳn chìm lại vào giấc ngủ. Cái ti lại tụt xuống..!  Bàn tay nhỏ nhắn của đứa con trai còn đang bú sữa mẹ lại mò mẫm, luồn trong áo tìm vú mẹ. Nó biết bầu vú sữa là của riêng nó nhưng khi mơ ngủ nó vẫn muốn kiếm tìm, gìn giữ. Từng dòng nước mắt lại lặng lẽ rơi trên gối. Cái gối đã ướt đẫm không biết bao nhiêu đêm dài. Nghiêm đang ở đâu? Bặt tin Nghiêm gần nửa năm rồi! Nghiêm ơi, Nghiêm có biết hoàn cảnh hiện tại của mẹ con em không? Em đang nằm đây giữa hơi ấm của hai con mà có cảm tưởng đã xa vời vợi, đã ngoài tầm tay với!  

5 giờ sáng phải lên đường, bà nội ẳm cháu trai ra cửa tiễn. Bà yêu cháu nhất nhà, bà hít hà mùi thơm da thịt trẻ thơ của cháu nhưng bà không thể giấu được nước mắt.  Bà khóc. Quay qua nói với Hoàng đang đứng bên cạnh như để an ủi chính mình và động viên Hoàng:

– Đi đi con. Còn má ở lại, không sao đâu. Con cố gắng sớm ổn định trên đó rồi má sẽ đem chúng lên với con.

Hoàng yên lặng quay trở vô nhà. Lại đến giường vén mùng nhìn con gái đang say ngủ. Hoàng sờ tấm tả đã ướt. Cô Tư đứng sau lưng lên tiếng:

– Chị đi đi, để em thay tả cho.

Hoàng không trả lời. Nước mắt rơi từng giọt. Hoàng muốn kéo dài thêm từng giây phút với con gái. Hoàng muốn tự tay thay tả cho con lần cuối. Tấm tả có mùi ngai ngái, Hoàng nói trong lòng:

– Mùi nước hoa hảo hạng của má đây mà!  Mùi Immortel số 5.

Vừa xa con trai, bầu vú sữa Hoàng căng cứng và chảy ướt đẫm áo, Hoàng đau xót nhớ con nên dứt khoát quay về ngay để đem con lên ở với mình. Năm sáu tháng trôi qua. Năm sáu tháng Hoàng cố gắng trong đời sống nhà nông, cuốc đất, làm cỏ, gieo giống… chăm sóc con, không có việc nào Hoàng không làm nhưng Hoàng chưa thể thích nghi. Đứa con trai ngày một lớn, nhu cầu dinh dưỡng ngày một nhiều hơn nhưng sức khỏe Hoàng ngày càng xuống dốc. Nguồn sữa khô cạn dần. Có trái cây gì, có quả trứng nào Hoàng chắt chiu, bù đắp cho con và quên hẳn nhu cầu bản thân. Mớ kiến thức học được ở trường không có nơi áp dụng và còn phải tự giấu nhẹm. Người ta đang kỳ thị trí thức! Thỉnh thoảng về đêm Hoàng lại phải ẳm con tham gia học tập. Những dè bỉu, ngụy quân, ngụy quyền cứ xoáy lấy trong từng chữ, từng ánh mắt của người dân trong vùng, một vùng thuộc loại “xôi đậu” trước kia. Mười mẫu đất vườn và cà phê đang độ cho sản lượng của ông bà Năm, ba má Hoàng, người đã bỏ công khai phá và gầy dựng bây giờ là một miếng mồi ngon mà nông dân trong vùng thèm muốn. Họ là những người vừa là hàng xóm, vừa được ông bà Năm thuê mướn trước kia đã trở thành những người đang quyết định số phận của gia đình ông bà Năm. Thôn xóm đã vào qui hoạch thành tập đoàn sản xuất! Ông tập đoàn trưởng, người quen biết với ông bà Năm trước kia là một cán bộ nằm vùng. Ông không đến nỗi là người quên dĩ vãng, nhưng trào lưu cách mạng (!) của nông dân rất mạnh. Họ không có chút kính nể ông tập đoàn trưởng thì có thể ông bà Năm đã bị ghép nhiều thứ tội! Điều họ ham muốn họ không nói đến. Họ chỉ nói là gia đình có con, rể là sĩ quan ngụy. Tình chòm xóm trước kia xa lạ rất nhanh. Sự nhờ vả, vay mượn nhau trong thời còn xôi đậu cũng là của dĩ vãng! Chiếc xe đò Minh Trung chạy tuyến đường Đà Lạt – Sài Gòn của ông bà Năm đã nhiều lần giúp đỡ việc đêm hôm tăm tối chở người bệnh đi cấp cứu, sinh đẻ cũng chỉ là sự “che đậy của bọn tư bản”! Bọn giả nhân nghĩa! Không, bây giờ không còn loại dĩ vãng đó. Bây giờ không còn loại tình nghĩa cũ đó.

Thời đại mới. Tình nghĩa mới. Quan hệ mới. Tiếng nói của những người có công với cách mạng đang lãnh đạo, đang định hướng cho xóm giềng! Đó là những tiếng nói có trọng lượng. Đó là đạo đức mới, con người mới của cách mạng!

Mười mẫu vườn là do bóc lột mà có! Chiếc xe đò là do bóc lột mà có! Tất cả tài sản là do lạm dụng quyền thế của con cái mà có! Mấy mươi năm lao động cần mẫn của ông bà Năm trong phút chốc là con số không. Lại mang thêm một cái tội lo gầy dựng gia đình, nuôi dạy mười ba người con có chút học thức, có chút địa vị trong chế độ “Mỹ-Ngụy”!

Những đêm bình công điểm lao động là những lúc Hoàng phải đối diện với thực tế phủ phàng:

– “Chị Hoàng làm không có năng suất nên không thể tính là công lao động chính mà chỉ như công phụ mà thôi.”

Hoàng ôm đứa con trai vào lòng ngồi yên lặng trong bóng tối của ánh đèn không đủ sáng, nghe họ nói về mình. Hơi ấm từ con là nghị lực giúp Hoàng vượt qua giá băng của hoàn cảnh. Hoàng buông xuôi. Sự khác biệt giữa công chính và công phụ là để được chia thêm chút khoai bắp cũng chẳng đủ vào đâu. Cả tương lai của Hoàng và gia đình người ta còn trù dập, cướp đi thì chút khoai bắp có giá trị gì? Đứa con trai nhoài người ra khỏi lòng mẹ, xòe tay bi bô và nở nụ cười thơ dại với người ngồi bên cạnh, những nông dân của Đảng đang hừng hực ganh tị và căm thù mẹ nó!

Không khí ngột ngạt. Căng thẳng.

Một buổi tối, ông tập đoàn trưởng đến nhà ông bà Năm. Sau khi nhấp tí nước trà cho thấm giọng, ông mở lời:

– Anh chị Năm biết rồi. Biết hết rồi. Người trong xóm đang tìm mọi cách để thưa lên xã hoặc lên huyện về tình trạng gia đình của anh chị. Như ông Điền, có đất liên ranh với anh chị, lại bè bạn với nhau từ hồi nảo hồi nào, bi chừ lại trở mặt vu oan anh chị giành lấn đất, cũng may anh chị còn giữ được mấy miếng giấy viết tay từ hồi mới khai phá rừng chứng minh, chớ không cũng mệt dữ lắm, chớ chẳng chơi đâu. Bi chừ họ áp lực ngầm lên tui. Mà lòng dạ tui đâu có khuất tất gì, cho nên anh chị suy nghĩ kỹ đi. Cái chính sách đất đai đều thuộc của nhà nước, thì sớm muộn gì đất đai anh chị cũng thuộc về nhà nước, chớ chẳng chơi đâu. Lúc đó thì liệu anh chị có còn giữ được nhà, được xe, hay lại bị gởi đi nơi khác?

Ông tập đoàn trưởng né tránh chữ cải tạo, nhưng ông bà Năm thấm ý.

Ông tập đoàn trưởng nói tiếp:

– Tui cũng bất nhẫn trong mấy cái chuyện như thế nầy lắm nhưng ở trên không ai nghe tui, mà không chừng mấy ổng sẽ thay thế tui bằng người khác thì dẫu sao anh chị cũng mất đi một tiếng nói đã giúp đỡ anh chị…

Tiễn ông tập đoàn trưởng ra cửa, ngọn gió đêm buốt lạnh tràn vào. Đêm bên ngoài đen như mực. Không còn loại đêm yên bình ngồi ngắm sao một thuở! Đêm bây giờ là bóng tối đang đè nặng lên tâm tư ông bà Năm. Là con quái vật sẵn sàng nuốt chửng chút hạnh phúc mong manh của tuổi xế chiều mà ông bà đã đắp xây hơn mấy chục năm qua. Ông bà Năm nhìn nhau. Lòng dạ ông tập đoàn trưởng không tệ! Ông ấy cũng không ham cái chức vụ nầy. Ít ra trong số bạn bè lối xóm cũ cũng còn lại một người: ông nằm vùng đang vỡ mộng!  

Tuần lễ sau, ông tập đoàn trưởng đưa ông bà Năm lên xã, nộp tờ đơn xin tình nguyện hiến điền (!) để về quê!  

Ông Đặng, Bí thư xã, tiếp khách:

– Hai bác biết chuyện, giác ngộ sớm như vậy là rất tốt. Đảng và nhà nước lúc nào cũng khoan hồng cho người biết ăn năn, hối cải và thay mặt Đảng, tôi chấp thuận thỉnh nguyện hiến điền của hai bác. Còn lúc nào hai bác về quê, chính quyền sẽ sẵn sàng cấp giấy tờ để hai bác di chuyển không gặp trở ngại.

Ra khỏi trụ sở xã Hiệp Thạnh gần ngả ba Phi Nôm, nắng buổi sáng chưa xuyên thủng được những mảng mù sương còn lãng đãng trên cây cỏ. Cây cổ thụ vẫn đứng đơn độc bên kia vệ đường, lối về Đơn Dương. Nhìn nắng hanh hao trên ngọn đồi trơ trọi phía bên kia cầu, bà Năm bật khóc. Bà Năm đã cố kiềm giữ không khóc trước mặt ông bí thư, nhưng cho đến giờ phút nầy sức chịu đựng của bà đã cạn. Bà như kiệt sức, không còn cầm giữ được nước mắt. Một tay bà cầm cái túi nylon, có mấy miếng cau trầu, tay còn lại bà nắm lấy bàn tay sần sùi của ông, là chỗ bám víu cuối cùng. Đây không phải là thói quen của bà từ thời còn trẻ cho tới nay:

– Mình rời Sài Gòn, từ lúc mới có hai đứa, con Hai với con Ba! Hơn ba mươi năm nay rồi, bây giờ biết quê ở đâu mà dìa?

Ông Năm cầm bàn tay khẳng khiu của bà. Giọng ông chẫm rãi và bình tĩnh. Ông biết tuổi già của ông bà rất rõ nhưng gắng an ủi bà:

– Thì lúc mình mới lên đây, hai vợ chồng cũng hai bàn tay trắng vậy. Nhân nha rồi cũng có chỗ để mình xin dìa quê mà!

Mẹ trông con qua cầu Ái Tử,

Vợ trông chồng đứng núi vọng phu,

Một mai bóng xế, trăng lu,

Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu cho gặp chàng!

Lời câu ca dao tha thiết. Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Từng chữ như ngấm vào trong máu, trong tim. Biết mấy thu cho gặp chàng! Nghiêm ơi!

Đoạn đường mịt mù đang ở trước mặt. Đương đầu với nghịch cảnh hay buông trôi? Hoàng phải đương đầu như thế nào để tồn tại, để mong ngày được gặp lại Nghiêm?  

Gia đình ba má Hoàng, ông bà Năm, phải bỏ của chạy lấy người! Gia sản mấy mươi năm cần cù lao động bây giờ phải xin tình nguyện dâng hiến cho chính phủ, chính phủ nhân danh người lao động!

Ông bà đã bán chiếc xe, gom góp tiền đi tìm quê mới để về! Hoàng và gia đình Nghiêm cũng phải tìm nơi mới. Đường trở về Sài Gòn đã cụt! Hộ khẩu đã bị cắt. Người không có hộ khẩu là thành phần cư trú bất hợp pháp, đồng nghĩa với bất lương, tội phạm, vì người bị ghép vào thành phần cư trú bất hợp pháp có thể bị bắt bất cứ lúc nào, dù chính mình đang sinh sống trong căn nhà mang tên mình là chủ đã mấy mươi năm! Đây là điều lạ lùng nhất về thủ tục hành chánh của chế độ, một chế độ tự xưng là đỉnh cao trí tuệ của loài người! Hộ khẩu là sợi dây thòng lọng. Sợi dây không còn lơ lửng trên đầu nhưng đã tròng vào tận cổ và nhà nước đang từ từ đẩy cái ghế dưới chân ra.

Đi về đâu?

Ông bà Năm tìm về Châu Phú tỉnh An Giang, một nơi hoàn toàn xa lạ. Thế nhưng là về quê! Hoàng và gia đình Nghiêm sẽ đi vùng kinh tế mới ở Lộc Ngãi. Một năm trước, Hoàng rời Sài Gòn với hy vọng Nghiêm được sớm trở về đoàn tụ. Và bây giờ Hoàng phải rời bỏ đây để đi kinh tế mới vùng khác vì không còn con đường nào để đi.

Nhà cửa, đồ đạc, tháo dở ngổn ngang. Mọi người đang lo thu dọn, sắp xếp, chợt thấy ông Chín Hổ, công an xã, cỡi chiếc Honda đàn bà màu xanh khá bóng láng, chạy đến. Mọi việc bỗng dưng khựng lại. Lòng dạ ông bà Năm bồn chồn, lo lắng. Chắc có chuyện rắc rối nữa đây! Ông Chín Hổ ngừng xe, vẫn ngồi trên yên. Hai chân ông bỏ thõng hai bên. Nhìn quang cảnh rồi ông đánh diêm hút thuốc. Ông ngậm điếu thuốc đầu lọc làm cặp môi thâm sì của ông hơi trễ xuống. Ông vẫy vẫy ông bà Năm lại gần:

– Cháu hẹn bác trai, trưa lên xã lấy giấy đi đường nhưng tiện thể qua ngã nầy nên cháu đem đến đây cho hai bác luôn.

Ngôn ngữ thật tử tế, lịch sự nhưng ông bà Năm không mảy may xúc động. Ông bà đang hồi hộp đợi chờ để biết cái gì ở đàng sau câu nói và hành động hiếm hoi nầy!

Vừa nói, ông Chín Hổ vừa móc xắc cốt lấy giấy tờ đi đường ra đưa cho ông bà Năm.

– Đồ đạc bác nhiều dữ rứa? Phải mà bác cho cháu bớt mấy miếng tôn. Cái chái chuồng heo nhà cháu cần hai miếng.

Bà Năm rối ruột, đưa hai tay nhận tờ giấy cho phép đi đường quên cả tiếng cám ơn. Hàng chữ in đậm nét:

  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

           Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

đang nhảy múa trước mắt bà!

Những con người cần cù, lương thiện, bị cướp giật săn đuổi đến cùng đường!

_____

[1] Kiều.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây