Những chuyện chưa quên (phần 14)

Trại cải tạo – hình trên internet

 

Hồ Phú Bông

Phần 14: Ông trại trưởng

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7, phần 8, phần 9, phần 10, phần 11, phần 12phần 13

Nhìn dáng của ông chín ngón đứng trên bờ hồ cá có thể thấy được phần nào những diễn biến trong trại trong những ngày sắp tới. Cái năng nổ, tự tin như đã mất trong ông tự bao giờ, ông không hay biết. Những bước đi vững chắc, giọng nói oang oang, gãy gọn và dứt khoát của ông đã thay đổi  Giọng ông bây giờ lại phân vân, lưỡng lự vì một câu hỏi lớn trong đầu ông chưa có câu giải đáp.

Bây giờ hàng ngày khi mở radio, ông nghe ra rả luận điệu kích động và lên án bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh bọn Sô vanh nước lớn nhưng luận điệu nầy chỉ mới xảy ra mấy tháng trước đây thôi. Còn từ trước đó ông chỉ nghe nói đến tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững! Ông đã nghe không biết bao nhiêu lần, đến độ thuộc nằm lòng câu môi hở răng lạnh của lãnh tụ Trung Quốc hậu thuẫn cho Đảng trong thời gian chiến tranh với miền Nam. Ông chỉ nghe mọi người đều dùng những danh từ trang trọng nhất để gọi các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc vĩ đại. Ông tin Đảng. Đảng vĩ đại. Đảng là đỉnh cao trí tuệ của loài người nên đã đánh thắng cả hai đế quốc sừng sỏ nhất. Đảng mang đôi hia bảy dặm. Có đôi mắt nhìn suốt được chiều dài của lịch sử. Đảng đã ca ngợi thành đồng Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô, người anh em vĩ đại Trung Quốc. Đảng không thể nào sai. Nhưng hôm nay cũng Đảng, lại đả kích Trung Quốc như là kẻ thù nguy hiểm nhất, ác độc nhất, chắc hẳn Đảng cũng không thể nào sai. Đảng ca ngợi Trung Quốc, Đảng đúng. Đảng kết án Trung Quốc, Đảng cũng đúng. Đảng nói như thế nào cũng đúng nhưng có lẽ lỗi là tại chính ông. Ông không hiểu được cái đúng mới nhất mà Đảng đang kích động quần chúng, nhân dân đấy thôi. Đảng đang kích động chính ông nữa nhưng ông chưa theo kịp cái nhìn mới của Đảng. Cái tội không phải là Đảng thay đổi lập trường xoành xoạch, nhanh như trở bàn tay, nhưng cái tội là ở ông. Ông chưa bắt nhịp được sự chuyển hướng mới của Đảng để đưa dân tộc đi lên cho kịp nhịp bánh xe của thời đại mới, của ba dòng thác cách mạng. Ông như người ăn cơm mắc nghẹn. Ông phải ráng nuốt. Chỉ cần nín thở mà nuốt. Nuốt đánh ực cái là xong. Là ông sẽ thấy ngay vận hội mới của dân tộc và của bản thân ông!

Hôm qua đi họp ở trung đoàn, ông chính ủy ban lệnh phải thu gọn lại mọi kế hoạch của các trại, càng nhanh càng tốt. Thế mà chỉ hai tháng trước đây thì đặt kế hoạch trường kỳ, bung ra càng nhanh càng tốt! Cái hồ cá khang trang, ông đã nuôi bao nhiêu mộng. Ba mươi ngàn con cá trám cỏ thả xuống đợt đầu, chỉ cần bảy tám tháng nữa thì sẽ thành một số vốn khổng lồ. Mọi công khó đã xong xuôi, bây giờ chỉ cần cho tù cắt cỏ, xắt lá sắn quăng xuống hồ hằng ngày và đợi thời gian thu hoạch. Cơm đang lùa tới miệng chỉ đợi nuốt, thế mà ông chính ủy bắt phá đập bắt cá! Khi họp, ông chín ngón cứ tưởng ông chính ủy quên mất kế hoạch mà ông đã trình lên trước kia và được chính ông chính ủy biểu dương trước trung đoàn, nên có ý nhắc khéo ông chính ủy:

– Thưa anh, cái hồ cá của trại tôi đang phát triển rất thuận lợi, chỉ đợi ngày thu hoạch.

Thế nhưng ông chính ủy tảng lờ:

– Theo lệnh trên, mọi kế hoạch đều phải thu vén lại trong thời gian ngắn nhất và chờ đợi.

Ông chín ngón đau lòng lắm nhưng không dám đặt câu hỏi để biết cho được nguyên nhân. Cái nguyên nhân ác ôn nào đã giết giấc mơ và niềm hy vọng của ông. Đất nước đã thống nhất, đã hòa bình rồi cơ mà! Người anh em Xã hội Chủ nghĩa môi hở răng lạnh vĩ đại lại đang ở bên cạnh, nhưng cái hồ cá vẫn không yên!

Ngoài trách nhiệm của một quân nhân, ông còn mang bổn phận của một đảng viên, cho nên ông chỉ phải thi hành. Chấp hành tuyệt đối. Mọi người chỉ có bổn phận phải thi hành lệnh Đảng và bảo vệ bí mật. Phải thi hành. Khóc mà thi hành. Tức tưởi mà thi hành. Ông chín ngón tan nát lòng mà thi hành. Đảng là bộ óc của ông. Ông không có quyền khác ý kiến. Ông phải nhất trí. Phải nhất trí!

Ông chính ủy ở xa nên ra lệnh cho ông rất dễ vì không thấy trước mắt, nhưng ông chín ngón lại phải trực tiếp ra lệnh cho ông quản giáo cho một đội phá đập. Ông phải trực tiếp nhìn dòng nước ồ ạt chảy, chảy cuốn băng băng mang đi niềm mơ ước của ông với bùn đất. Ông thi hành nhưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ông chỉ lờ mờ nhưng không hiểu. Không hiểu nhưng ông phải nhất trí. Ông có biết đâu cấp trên của ông và chính các ông lãnh tụ Đảng cũng không hiểu, không biết phải làm gì để xây dựng đất nước, để đưa dân tộc ra khỏi nghèo đói và lạc hậu, để hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù giữa hai miền Nam Bắc mà Đảng đã dày công tạo ra trong thời gian chiến tranh. Các ông chỉ quen việc gây chia rẽ và hận thù nên không có trái tim biết đoàn kết và yêu thương đồng bào. Đàng sau khẩu hiệu đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết là sự khô cứng về tư duy và khốn cùng về ý thức. Các ông lãnh tụ chỉ biết Liên Xô vĩ đại, Trung Quốc vĩ đại, và Đảng cũng vĩ đại, nhưng là loại đàn em nên có bổn phận phải phục tùng! Cái khổ là hai người anh em vĩ đại nầy đang xung khắc nhau và bây giờ đến lượt xung khắc với Đảng! Vì đã đụng đến Đảng nên các ông phải quyết tâm bảo vệ, bảo vệ quyền lợi Đảng. Quyền lợi Đảng trên hết. Trên tổ quốc và xương máu nhân dân!

Đảng treo bó cỏ trước mắt con ngựa, bắt con ngựa phải chạy. Chạy vả cả mồ hôi, chạy đến sùi bọt mép, nhưng bó cỏ vẫn luôn luôn ở trước mắt. Nên, nếu cần hy sinh, đã có dân, những con ngựa bị khớp mõm! Nếu cần chiến đấu, đã có quân đội, quân đội đang mang tên nhân dân! Đảng là chủ nhân ông. Chủ của người dân. Chủ của quân đội. Chủ cả cánh đồng cỏ xanh tươi.

Giao việc cho ông quản giáo Hương dùng một đội phá đập. Xả nước từ từ, chờ hai ba ngày sau khi cạn nước thì tăng cường một đội nữa để tìm cách thu hồi số cá. Ông chín ngón lại nôn nóng đi thanh tra hiện trường cưa xẻ.

Cây gỗ lớn đã dứt ra thành nhiều đoạn ngắn. Ban đầu, ông nghĩ kế hoạch còn lâu dài, nên cho xẻ thành ván những đoạn nhỏ trước, vừa để tù cưa xẻ học việc, vừa cho đội mộc đóng một số bàn ghế gia dụng, sau đó ông cho xẻ ván các đoạn gỗ lớn, vì lúc nầy tù cưa xẻ đã có tay nghề khá hơn, nên ván của các đoạn gỗ lớn sẽ rất rộng bản và có giá trị. Ông đã lên kế hoạch và liên lạc mối lái về thành phố. Trung đoàn sẽ cho xe chở đi tiêu thụ. Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp nhưng đến đây thì bị đảo lộn. Ông chín ngón phải cho tù xẻ ngay gỗ rộng bản. Ông cho tăng tiêu chuẩn ăn của tù cưa xẻ lên 21 cân và tuyển chọn thêm tù, tăng cường cho toán. Điều quan trọng trong lúc nầy là lưỡi cưa không được ngưng! Cứ luôn phiên nhau cưa từ sáng đến chiều. Ông cắt hai vệ binh trực tiếp canh giữ.

Lưỡi cưa nhất định phải rèn rẹt. Rèn rẹt liên tục như cưa được thời gian và vặn ngược được kim đồng hồ!

Linh tính cho Tố Nga biết toán cưa xẻ thế nào cũng cắt Nghi đi xuống suối lấy nước, nên Tố Nga quanh quẩn nơi dòng suối chờ đợi. Cô ẩn hiện, rình rập, như một con chồn nhỏ tinh khôn chờ cơ hội, dù Tố Nga cũng biết cơ hội có thể không còn nữa.

Buổi sáng hôm qua Tố Nga đã thấy một người xuống lấy nước nhưng không phải là Nghi và có một ông vệ binh đi theo nên Tố Nga thất vọng, lặng lẽ quay về nhà. Mang trở về gói thực phẩm cô đã nấu cho Nghi nhưng không gặp, lòng cô buồn vô hạn. Cô mở gói thực phẩm chính cô nấu với tất cả thương yêu trao gửi trong đó, rồi ngồi nhìn nó thẫn thờ. Cô muốn ăn nhưng không còn tha thiết nữa. Lần đầu tiên cô thấm thía câu ca dao:

Mâm đồng chùi sáng

Để dưới ván thấy hình

Cháo đậu xanh kia, đường cát nọ,

Nhớ mình, quên ăn!

Người ta thì nhớ mình, nhớ người chồng đến quên ăn, còn Tố Nga? Tố Nga biết mọi diễn biến đang thay đổi rất nhanh. Có thể cô sẽ không bao giờ còn có cơ hội gặp lại Nghi, nên cô chuẩn bị một cách thật tình cờ để gặp ông vệ binh tại dòng suối, nơi hàng ngày toán cưa xẻ xuống lấy nước.

Hôm nay Tố Nga đi rừng, mệt và ngồi nghỉ thỏa mái nơi bến nước của dòng suối. Cô không có cái hồi hộp, rình rập và sợ sệt như ngày hôm qua. Tình cờ, cô nhất định phải tình cờ gặp ông vệ binh và một người tù lấy nước tại đây. Những câu hỏi, câu nói, cô đều chuẩn bị sẵn để cố moi cho được tin tức trong trại.

Từ xa cô đã thấy Nghi đang đi xuống. Cái dáng dấp đi rừng của Nghi cô không thể nhầm lẫn với ai được. Nó không có vẻ cực khổ, lam lũ của một người sống ở rừng cho dù Nghi tiều tụy, rách nát! Nghi vẫn có cái nét nào đó của một tài tử đóng phim trong rừng. Cô cũng không có cái nét của một người đang sống ở rừng, điều mà chính cô không hề hay biết. Tố Nga bối rối, quên cả mọi chuẩn bị phải đối phó như thế nào với ông vệ binh đeo súng đang lẽo đẽo theo sau Nghi. Cô quên hết. Cô sững sờ khi thấy Nghi. Trái tim cô đập lên thình thịch.

Nghi thấy Tố Nga. Nghi biết có thể gặp Tố Nga trong giây lát ở một nơi nào đó nhưng không ngờ lại gặp ở đây. Nghi biết cái khôn ngoan, nhanh nhẹn của Tố Nga, dù thế nào cô cũng dàn cảnh để thấy nhau trong chốc lát trước khi chia tay. Nghi cần phải bình tĩnh, nên khi vừa thấy Tố Nga, Nghi đi chậm lại đợi ông vệ binh đến gần. Nghi muốn dựa theo phản ứng của ông vệ binh khi thấy có Tố Nga nơi suối để có phản ứng riêng. Ông vệ binh lên tiếng:

– Có dân nhỉ?

Rồi ông nhận ra người quen:

– À, chào cô Tố Nga, ngọn gió nào đưa cô đến đây sáng nay?

– Dạ, chào anh Quân. Anh đang dẫn đối tượng đi đâu đấy?

– Đi lấy nước. Tôi được tăng cường coi toán cưa xẻ hôm nay.

– Dạo này chắc anh bận nhỉ?

– Vâng, toàn trại đang phải tập trung nhân lực để dứt điểm một số vụ việc…

– Thảo nào không thấy các anh ghé nhà chơi như trước kia.

– Vâng, bận lắm. Và không biết bao lâu mới lại có giờ rỗi rảnh đây.

Ông vệ binh quay qua nói với Nghi, hơi lớn tiếng để kín đáo khoe tí oai quyền:

– Cho phép anh nghỉ giải lao mười lăm phút, nhưng đừng đi đâu xa nhé.

– Dạ, cám ơn cán bộ.

Trong lúc ông vệ binh và Tố Nga nói chuyện, Nghi men theo bờ suối, đi về phía ngả ba, giao điểm của hai dòng nước, nơi Tố Nga đã hẹn Nghi trước kia. Vừa đi, vừa suy nghĩ làm thế nào để Tố Nga biết và nhận được mảnh giấy Nghi đã chuẩn bị sẵn mang theo trong người mấy hôm nay. Đến nơi, Nghi nhìn quanh rồi ngồi xuống dở một viên đá nhỏ, lật ngược lên, để tạo chút khác biệt và giấu mảnh giấy bên dưới. Nghi bẻ thêm một nhánh cây nhỏ vứt bên lối đi, thân của nhánh cây hướng về viên đá như một mũi tên định hướng. Nghi hy vọng cái thông minh của Tố Nga giúp cô nhận ra được.

Mười lăm phút sau Nghi quay lại. Nghi biết Tố Nga thế nào cũng kín đáo quan sát anh. Ông vệ binh chào Tố Nga. Nghi cúi xuống xách thùng nước lên, một nhánh cây vô tình cài vào quai xách, Nghi bẻ nhánh cây vứt tại chỗ rồi xách nước lên đồi. Nghi hy vọng hình ảnh nhánh cây gãy là lời nhắn khéo cuối cùng cho Tố Nga.

Bỏ lại Tố Nga, bỏ lại dòng suối phía sau lưng Nghi mang thêm một nỗi buồn. Thêm một lần chia ly, thêm một lần mất mát trong đời! Tố Nga lặng người. Gặp nhau không dám nhìn. Không dám nói. Yên lặng xót xa. Yên lặng đau đớn. Tố Nga bước xuống suối rửa mặt, cố giấu những giọt nước mắt nhạt nhòa. Dòng suối ơi. Dòng suối ơi!

Hồ cá đã cạn. Trời lại đang mưa phùn. Gió bấc thổi từng cơn. Rét, lạnh và sình lầy nhầy nhụa. Ông quản giáo Hương mang đôi ủng, khoát áo mưa. Rất đông vệ binh đội mưa, đi đi lại lại trên bờ hồ, chỉ huy cả hai đội tù bắt cá. Tiếng chỉ trỏ, kêu réo, khá ồn ào huyên náo. Đa số tù không có tay nghề bắt cá nên những chú cá cứ vẫy vùng từ nơi nầy đến nơi khác. Tù lại một phen tắm sình.

Hình ảnh của những chú cá không còn lối thoát nhưng cố vẫy vùng tìm cách thoát thân cũng giống như đám tù cùng đường trong ao tù chế độ.

Tù cùng nhau yên lặng hành động. Những chú cá lớn lớn phải bóp đầu cho chết và dìm xuống sình, rồi tìm cách nhét vào túi áo quần. Những Tôn Ngộ Không ứa máu, trong lần dỡ sắn ba tháng trước đây lại hiện về nhưng thời điểm đã khác nhau. Ngày đó trại thi hành kỷ luật khắt khe, nhưng hôm nay là hoạt cảnh chợ chiều ba mươi Tết. Ông chín ngón và các ông quản giáo lo tìm cách thu vén và bảo vệ quyền lợi cá nhân nên không ông nào còn nghĩ đến chuyện kỷ luật đối với tù.

Tiêu ướt sũng, tái mét, run rẩy giao cho Nghiêm gô cá đầy ắp rồi vội vã ra suối tắm. Cái lạnh đã quá sức chịu đựng nên cần phải tắm nhanh rồi tìm ấm. Nghiêm ra suối làm cá. Nhìn đám tù sình lầy, đen đủi, trần truồng, xương xẩu, chen lấn nhau tắm giặt, cũng huyên náo, ồn ào như một bầy khỉ ở Phi Châu đang tranh nhau trong vũng nước. Có phải đây là đám vượn người thời tiền sử của Darwin và chủ nghĩa duy vật?  

Thủy tổ của nhân loại, của Karl Marx-Lenin lại tái xuất hiện vào cuối thế kỷ 20!

Đảng Cộng sản Việt Nam thật có công lớn khi đưa lịch sử nhân loại đi một vòng tròn trở về thời kỳ nguyên thủy!

Hai tuần lễ sau khi họp ở Trung Đoàn thì có lệnh chuyển trại. Ông chín ngón dậy thật sớm.  Ông kéo một hơi thuốc lào thật sâu, rồi ngồi trầm ngâm ở văn phòng. Tất cả nhân viên của ông đều đang bận chuẩn bị cho việc chuyển trại, trừ ông.

Mới tờ mờ sáng, tù đã bắt đầu lũ lượt rời trại, trong màn sương trắng như màu sữa loãng. Những con vượn người lại thêm một bước văn minh, biết gồng gánh, khiêng vác hành trang cá nhân của mình! Thứ hành trang tù thật đơn giản, gọn nhẹ nhưng thật sự không nhẹ chút nào với tình trạng sức khỏe cạn kiệt và đường xa. Chỉ cần đi bộ không thôi, trên mấy chục cây số cũng đã là một việc khó rồi. Ông chín ngón đứng nhìn theo cho đến người tù cuối cùng rời khỏi trại. Một cảm giác trống vắng thật khó tả trong ông. Những sinh động của một trại tù giờ đây không còn nữa. Cái ồn ào, nhộn nhịp trong thời gian qua không còn nữa. Núi rừng lại trở về với cái im vắng mênh mông của nó. Ông rơi vào nỗi cô đơn lạ lùng.

Chờ nắng lên, ông một mình đi lang thang trong trại. Ông nghe cả âm thanh của những chiếc lá khô vàng quyện theo bước chân ông. Từng dãy lán nằm im lìm như còn vương vấn hơi tù. Ông bước vào hội trường, một cảm giác thật khó tả. Mới hôm nào ông đứng trên bục giảng, hùng hồn thuyết về chủ nghĩa, đường lối chính sách, về nội quy, kỷ luật. Những khuôn mặt tù hốc hác, tai tái, chì chì, nhìn ông trong sợ hãi. Những ánh mắt đó cho ông có cảm tưởng ông cao lớn hơn, oai quyền hơn, nhưng bây giờ thì tất cả không còn nữa.

Xuống trại mộc, những sản phẩm chưa kịp hoàn tất, đang còn ngổn ngang ra đó. Căn nhà ông ấp ủ, bàn ghế ông mơ ước đang ở trước mắt ông nhưng sao lại xa vời. Đến bên suối, nhìn những lối mòn, những tảng đá nhẵn bóng vì sinh hoạt của tù và dòng nước vẫn róc rách trôi. Không một ai chung quanh ông. Ông trở về con người thật của ông, bản chất của ông. Ông đứng đái trên dòng nước.

Về lại bộ chỉ huy, sau khi giao việc cho mấy ông vệ binh coi giữ trại, ông chín ngón đi ra hiện trường cưa xẻ. Đến hồ cá ông dừng lại. Mặt hồ nước rộng mênh mông, xanh biếc không còn nữa. Cái kiếng thần vĩ đại, phản chiếu cả màu trời và ước mơ của ông không còn nữa. Mặt hồ bây giờ sâu hoắm, lỗ chỗ, xấu xí. Một lớp nước mỏng trên mặt sình chì xám, với những hang hốc quanh bờ, đều phô bày ra, xám xịt khó coi. Ông chín ngón bước đi, bước chân nặng trĩu.

Những ngày trước kia, trên đường đi kiểm tra toán cưa xẻ, cũng núi rừng, cũng suối nước, cũng cái yên vắng muôn đời của rừng già nhưng ông chín ngón thấy nó linh hoạt và sống động mà sao bây giờ lại như một bức tranh tĩnh vật?

Tố Nga ngồi yên trên mặt phẳng của khúc gỗ cưa còn dở dang. Cô chết lặng đi với nỗi nhớ. Những sinh hoạt tại đây cô chưa bao giờ đặt chân đến nhưng cô biết rất rõ. Cái chòi lá sơ sài, trống trải nhưng là nơi che mưa nắng của toán cưa xẻ. Mấy chạng ba của mấy cây trụ lều là nơi móc quần áo, gô, coóng. Những que củi còn chụm đầu lại trong đống tro bếp đã nguội lạnh, những chiếc lá cháy nám lăn tăn trên nền đất theo cơn gió nhẹ. Sinh hoạt của tù cưa xẻ còn rõ ràng nhưng không có một dấu vết đặc biệt nào của Nghi. Tố Nga chỉ cần dấu vết của Nghi.

Cô đã nhận được mảnh giấy của Nghi nơi dòng suối, những lời dặn dò làm cô khóc khô cả nước mắt. Tố Nga cũng viết sẵn một lá thư hồi âm, cô dự trù sẽ giấu gần nơi Nghi đã gửi mảnh giấy cho cô. Không cần dặn dò, không cần chỉ điểm nhưng khi hai trái tim tìm nhau, hướng về nhau thì sẽ nhận diện được dấu vết của nhau. Loài thú khi yêu nhau cũng bắn tin nơi cành cây, hốc đá để biết và tìm đến nhau. Ôi chao khi hai người yêu nhau lại phải làm theo dấu thú.  

Tố Nga đã đến dòng suối nhưng dòng suối vắng lặng. Tố Nga lại tìm đến nơi cùng Nghi hò hẹn trước kia nhưng chỉ thấy cây lá vô tình. Không có một dấu vết nào của Nghi. Cô lần lên lưng chừng đồi, với hy vọng được nghe tiếng rèn rẹt quen thuộc thân yêu. Tiếng lưỡi cưa ăn vào gỗ là tiếng khổ sai của tù nhưng cũng là tiếng hy vọng của Tố Nga. Thế nhưng bây giờ mọi nơi đều yên vắng. Yên vắng hoàn toàn. Đi nhanh hơn. Nhanh hơn, nhưng nhóm cưa xẻ không còn nữa. Tất cả đã biến mất. Khi Tố Nga thấy căn chòi trống trơn, vắng lặng, cô bật khóc. Khi loài thú xa nhau còn có những tiếng kêu đặc biệt nhưng khi con người xa nhau, sao yên lặng ngập tràn?

Nga khóc. Cô nghe tiếng thổn thức của chính mình. Tiếng kêu của chính mình. Tiếng kêu tuyệt vọng trong một cuộc tình câm nín. Bước chân tù của Nghi đã đi về đâu. Bước chân người ở lại như cô sẽ về đâu?

Tố Nga nuối tiếc. Nếu hôm qua Tố Nga ra đây, biết đâu cô có thể gặp Nghi lần cuối? Tố Nga đem lá thư cô viết cho Nghi ra xem lại. Không gửi được cho anh, không trao được đến tay anh, thì em ngồi đây đọc cho anh, cho cây cỏ, núi rừng lắng nghe chúng sẽ chuyển đến anh…

Ông chín ngón ngạc nhiên. Không phải là thú rừng. Không phải là bóng ma. Là người sao lại xuất hiện ở đây? Câu hỏi đến đột ngột trong ông. Có thể có người đã biết tù di chuyển nên đến đây tìm cách ăn cắp gỗ của ông. Ông bước nhanh hơn.

Thấy có người đi đến, Tố Nga giật mình lo sợ. Cô gấp vội lá thư bỏ vào túi thì ông chín ngón đã đến gần. Ông ngạc nhiên nhưng chưa lên tiếng. Đôi mắt ông dừng lại nơi tờ giấy vừa gấp lại vội vàng. Ông là con cáo già. Ông có câu hỏi khôn khéo, để thăm dò:

– Chào cô Tố Nga, cô ngồi nghỉ lâu chưa? Đây là khu vực quân sự của chúng tôi đấy.

Tố Nga bối rối như một người bị bắt quả tang vì phạm tội. Cô lúng túng tìm cách trả lời:

– Chào thủ trưởng, tôi đi rừng đang lúc mệt, lại thấy có mặt gỗ bằng phẳng nên ngồi nghỉ ấy mà! Tôi không biết đây là khu vực quân sự của thủ trưởng.

Ông chín ngón tiếp:

– Đây là nơi làm việc của tù, dân không có quyền lui tới.

Tố Nga xuống nước tìm kế thoát thân:

– Tôi không biết thủ trưởng ạ chỉ mới ngồi nghỉ chốc lát ấy mà!

Ông chín ngón không để cho Tố Nga rút yên được. Ông tiếp:

– Tôi chịu trách nhiệm ở khu vực nầy và mọi việc liên quan đến tù. Tuy cô đến đây một mình không thấy có liên hệ nào với tù nhưng về mặt an ninh tôi cũng phải hỏi. Tôi chỉ muốn giúp cô bảo vệ an ninh cho chính cô. Bọn tù nầy rất nguy hiểm nếu vô tình gặp chúng cô có thể bị mất mạng đấy!

– Dạ, cám ơn thủ trưởng mách bảo. Xin phép thủ trưởng tôi đi và sẽ chẳng bao giờ trở lại khu vực nầy đâu.

– Tôi đã bảo với cô, tôi chịu trách nhiệm an ninh trong khu vực nên cô có thể cho tôi xem mảnh giấy cô vừa cất vào túi được không?

Tố Nga bối rối ra mặt. Cô tìm cách chống chế. Cô cố biện minh để thoát khỏi sự nghi ngờ của con cáo già nầy.  Tố Nga nói:

– Đấy là bài hát, vật riêng tư cá nhân thủ trưởng xem làm gì.

– Xin lỗi cô, tôi đã bảo vì an ninh cơ mà!

Tố Nga phản ứng:

– Tôi không có quan hệ gì với các đối tượng. Tôi không có gì sai quấy cả. Thủ trưởng không có quyền tra xét tôi.  

– Tôi đã bảo, phải bảo vệ cô cũng như người dân trong vùng nầy. Đó là trách nhiệm của tôi.

Vừa nói, ông chín ngón vừa trờ tới. Tố Nga đứng dậy, thối lui, cô cố thoát tay ông chín ngón. Nhưng ông chín ngón không còn là ông thủ trưởng nữa, ông là con gấu khổng lồ tấn công Tố Nga tới tấp. Chỉ trong giây phút Tố Nga đã bị khống chế hoàn toàn. Ôm và vật Tố Nga trên đất một cảm giác mới bừng bừng trong ông. Mảnh giấy không còn là mục tiêu nữa. Cơ thể một người đàn bà ấm áp, đương độ và sinh động đang nằm trong vòng tay ông. Điều mà trong những giấc mơ, cứ đêm đêm hiện về quậy phá giấc ngủ của ông. Run rẩy và thèm khát. Giọng ông hấp tấp:

– Sẽ không có một ai biết chuyện nầy đâu Tố Nga. Em kêu lớn cũng vô ích. Mảnh giấy em đang giữ chắc chắn có liên quan đến tù. Em sẽ bị liên hệ. Em sẽ bị điều tra. Cái án cải tạo… tôi sẽ bỏ qua..

Tố Nga không còn nghe rõ. Cô chỉ cố vùng vẫy. Vùng vẫy trong tuyệt vọng. Đến khi cô biết thì đã muộn. Cô không thể đi rừng một mình. Đi đêm có ngày gặp ma! Cô có thể bị giết chết và chôn giấu tại đây  mà không ai có thể tìm được xác. Bản năng sinh tồn trỗi dậy. Cô gắng sức vùng vẫy, chống trả. Nhưng vô vọng. Càng chống trả, quần áo cô càng xốc xếch, xô lệch.

Ông chín ngón không còn nghe bất cứ tiếng than van, xin xỏ nào của Tố Nga. Ông như con vật đang say mồi. Tố Nga tuyệt vọng. Cô kêu cứu, nhưng tiếng kêu của cô mất hút giữa núi rừng mênh mông và làm cô mất thêm sức. Cô tự nhủ, phải bình tĩnh trong lúc nầy. Cô cần phải sống. Phải nhận diện dấu vết rõ ràng nơi ông chín ngón. Từng dấu vết nhỏ nhất trên cơ thể ông cô phải ghi nhớ. Cô sẽ đưa ra pháp luật dù cô thừa biết thứ pháp luật của người cai trị. Hai tay cô bị bẻ ngoặc ra phía sau. Cả thân người đồ sộ của ông chín ngón đè lên cô. Bàn tay còn lại của ông tung hoành trên cơ thể cô. Những mảnh vải tối thiểu trên người cô lần lượt đều bị ông chín ngón tháo bỏ. Chính hai cái tay áo sơ mi của cô trở thành sợi dây buộc hai cánh tay cô. Ông chín ngón trút bỏ áo quần của ông trước đôi mắt kinh hãi của Tố Nga. Rồi cơ thể ông đổ lên người cô. Cô nhắm mắt. Nước mắt ràn rụa. Nghi ơi. Nghi ơi!

Bình Luận từ Facebook