Báo Thanh Niên có bài: Ý đồ của Trung Quốc khi điều 16 máy bay quân sự đến Biển Đông sát Malaysia. TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, nhận định, sự kiện TQ triển khai 16 máy bay vận tải Y-20 và Il-76 đến gần Cụm bãi cạn Luconia ở phía nam Biển Đông, khu vực mà Malaysia tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này, là để làm nhụt chí các bên tranh chấp khác.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm hôm nay giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng nhiệm TQ Lý Khắc Cường, nói về tầm quan trọng của hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, cùng kế hoạch thúc đẩy ký kết Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt – Trung.
Tình hình chống dịch ở Việt Nam hơn một năm qua bằng các phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết… có thể thấy, phương pháp này chỉ có thể làm chậm sự lây lan của virus, chứ không thể dập được dịch. Trong khi các nước trên thế giới tìm mọi cách để mua vaccine chống dịch, lãnh đạo CSVN quá tự tin với phương pháp chống dịch của mình, bất cần vaccine, để rồi bây giờ tụt xuống cuối bảng so với các nước láng về chiến dịch chích ngừa cho dân.
Báo Thanh Niên có bài: Nguy cơ Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. TS Satoru Nagao ở Viện Nghiên cứu Hudson chỉ ra hai nguy cơ TQ gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. Thứ nhất, TQ đã triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 và một số dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm như J-10, J-11 ở Biển Đông. Các loại máy bay này đều có thể mang theo bom, tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ phát triển phiên bản tên lửa đạn đạo DF-21 có thể được phóng từ máy bay H-6.
Dù đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 đã cho thấy hàng loạt lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch từ Bắc vào Nam, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước có tổng số ca nhiễm dưới 10.000 và tổng số ca tử vong dưới 50, nhờ kết quả tương đối “khả quan” của 3 đợt phòng dịch trước đó (tuy có sự nghi ngờ, kết quả khả quan như vậy là do chính quyền kiểm soát số liệu).
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Ra mắt giàn khai thác khổng lồ ở Biển Đông, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh?Vụ TQ sắp triển khai giàn khoan nửa chìm nửa nổi lớn nhất thế giới ở Biển Đông trong tháng này, TS Nguyễn Thành Trung phân tích, dù vị trí giành khoan mà họ định đặt chưa vi phạm chủ quyền VN, nhưng giàn khoan này giống như một “lãnh thổ di động” của TQ, nên VN cần theo dõi sát di chuyển của nó.
TS Trung nhận định: “Trung Quốc muốn cho khu vực quen thuộc với hình ảnh của giàn khai thác biển sâu này, phô trương sự vượt trội về mặt kỹ thuật và kích thước của nó. Sau này, khi Trung Quốc kéo vào khu vực tranh chấp sẽ hạn chế các phản ứng gây xung đột mạnh mẽ”. Giàn khoan này dự kiến cung cấp 3 tỉ m3 khí tự nhiên mỗi năm cho TQ.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lại video của CGTN, giới thiệu giàn khoan khai thác “Biển sâu số 1”, nặng hơn 100.000 tấn của TQ:
Một số ý kiến lo ngại TQ sẽ đặt giàn khai này trong lãnh hải VN, nhà nghiên cứu Song Phan cho biết: Vị trí các mỏ Lăng Thủy đều nằm phía lãnh hải TQ. Trừ khi TQ nói một đằng làm một nẻo, đưa giàn “Biển sâu số 1” tới vị trí khác ngoài cụm mỏ Lăng Thủy, hoặc hoạt động khai thác ở Lăng Thủy gây tổn hại nguồn tài nguyên của VN, thì phía VN lên tiếng.
VOA đưa tin: Hải quân Việt Nam và Trung Quốc thành lập đường dây nóng giữa xung đột Biển Đông. Ngày 28/5, chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, tư lệnh Hải quân VN đã có cuộc điện đàm với Đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh Hải quân TQ. Hai tư lệnh đồng ý thiết lập đường dây nóng, trong một diễn biến được xem như “nỗ lực quản lý nguy cơ xung đột về các tuyên bố chủ quyền của hai nước trên Biển Đông”. Hai đô đốc cũng cam kết tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình trên biển và các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Vụ 16 máy bay vận tải TQ có hành động khiêu khích, Malaysia triệu Đại sứ Trung Quốc về nhóm máy bay xâm nhập không phận, trang An Ninh Thủ Đô đưa tin. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo, nước này sẽ đưa ra công hàm phản đối ngoại giao và yêu cầu Đại sứ TQ tại Malaysia giải thích về hành vi “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”.
Ngoại trưởng Hishammuddin nói: “Lập trường của Malaysia là rõ ràng. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về an ninh quốc gia của mình”. Còn Đại sứ quán TQ tại Malaysia thanh minh, các máy bay của họ đã thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, không vi phạm không phận của nước khác.
Vụ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Campuchia: Căn cứ hải quân Ream được nhắc tên, báo Thế Giới và VN đưa tin. Ngày 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R Sherman đến thăm Campuchia một ngày và hội kiến Thủ tướng Hun Sen tại Phnom Penh. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, bà Sherman đã đề cập vụ Campuchia phá bỏ 2 tòa nhà do Mỹ tài trợ tại căn cứ Ream, mà không thông báo hay giải thích.
Cũng trong cuộc gặp, bà Sherman cảnh báo, một căn cứ quân sự của TQ ở Campuchia “sẽ làm suy yếu chủ quyền của nước này, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Campuchia”. Một quan chức Campuchia giấu tên cho biết, bà Sherman đề nghị đến tìm hiểu thực tế ở căn cứ Ream và được Thủ tướng Hun Sen đồng ý.
VOV đưa tin: Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định sức mạnh liên minh trong đảm bảo an ninh biển. Bộ Ngoại giao Nhật thông báo, trong cuộc hội đàm ngày 1/6 với Đô đốc Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi chia sẻ mối lo ngại, trước tình hình TQ liên tục tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định, trong bối cảnh hiện tại, tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật lớn hơn bao giờ hết.
VOV đặt câu hỏi: Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc? Theo kế hoạch đóng tàu mới nhất của Lầu Năm Góc, tổng số tàu chiến của Mỹ sẽ tăng lên tới 316 chiếc vào năm 2026, 355 chiếc vào đầu thập niên 2030 và 400 chiếc vào đầu thập niên 2040. Ông John Gumbleton, Phó trợ lý Bộ trưởng Hải quân phụ trách ngân sách, lo ngại lộ trình như vậy không bảo đảm duy trì ưu thế Hải quân Mỹ.
Ông Gumbleton phân tích: “Tất cả mọi thứ đều phải tính quân bình. Nếu chúng ta có một hạm đội gồm 30 tàu chiến có tuổi thọ 30 năm thì chúng ta cần phải tái cơ cấu với việc bổ sung thêm 10 chiếc mỗi năm. Vì thế, việc mua mới 8 tàu chiến mỗi năm sẽ không đáp ứng được mục tiêu đặt ra”.
Diễn biến mới vụ 43 ha ‘đất vàng’: Khởi tố, bắt giam Nguyễn Đại Dương ‘New Century’, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ sai phạm này bắt đầu từ năm 2010, Tổng công ty Bình Dương, tức Tổng Công ty 3/2, góp vốn với Công ty BĐS Âu Lạc thành lập Công ty Tân Phú. Đến năm 2017, Tổng công ty Bình Dương xin thoái vốn khỏi Công ty Tân Phú, dẫn đến vụ thất thoát 43 ha “đất vàng” vào tay công ty Âu Lạc. Tháng 4/2020, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án.
Một trong 2 bị can vừa bị khởi tố, trong quá trình điều tra mở rộng vụ 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương, là Nguyễn Đại Dương, còn gọi là Dương “New Century”. Dương từng là GĐ tai tiếng của vũ trường New Century ở Hà Nội, trong vụ án tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và kinh doanh trái phép xảy ra tại vũ trường này vào giai đoạn 2007 – 2009, nhưng được miễn trách nhiệm hình sự.
Cũng liên quan đến vụ án “đất vàng” nói trên, Bộ Công an bắt con rể cựu chủ tịch vụ ’43ha đất vàng’ tại Bình Dương, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bị can Nguyễn Đại Dương chính là con rể của ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2, đã bị khởi tố từ trước. Người còn lại vừa bị khởi tố là Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Công ty BĐS Âu Lạc, là doanh nghiệp mua lại 43 ha “đất vàng” từ Tổng công ty 3/2.
Hai bị can Nguyễn Đại Dương, Nguyễn Quốc Hùng cùng bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tới nay, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 12 bị can liên quan đến vụ án 43ha đất vàng và các khu đất có liên quan do Tổng công ty 3/2 quản lý.
Báo Lao Động có bài: Khu “đất vàng” hãng phim truyện Việt Nam bị thúc thu hồi sau cổ phần hoá. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, liên quan đến kết luận thanh tra sau cổ phần hóa Hãng phim truyện VN. Mảnh “đất vàng” này có diện tích gần 5.500 m2, từng là “đại bản doanh” của Hãng phim truyện VN, công cụ tuyên truyền đắc lực của chế độ.
Báo Công an Nhân dân đưa tin: Tuyên truyền chống phá Nhà nước, lĩnh 7 năm tù. Đó là anh Đặng Hoàng Minh, sinh năm 1993, bị TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên “án bỏ túi” 7 năm tù và 2 năm quản chế, với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng của VKS, từ tháng 6 đến tháng 12/2020 , trên Facebook cá nhân, anh Minh đã đăng một số bài viết bị cáo buộc “có nội dung sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân; xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh; kết luận, tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng và Nhà nước”. Báo “lề đảng” không cho biết ông Minh bị bắt vào thời điểm nào và có được luật sư bào chữa hay không.
Tin không vui cho những người đã mất thời gian cho ít nhất 16 năm học trong nền giáo dục VN: Dự báo đội quân thất nghiệp từ nhóm ngành ‘nóng’, báo Tiền Phong đưa tin. TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, phân tích, các trường ĐH đang mở quá nhiều mã ngành liên quan kinh tế, dẫn đến những “rối loạn” không cần thiết cho thí sinh. Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, chỉ ra, nhiều sinh viên nhóm ngành kinh tế đang thất nghiệp, còn nhóm ngành công nghệ kỹ thuật đang rất đắt hàng thì lại thiếu nhân lực được đào tạo bài bản.
TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cảnh báo, VN hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo về kinh tế, cung cao hơn cầu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Ông Vinh cho rằng cần có sự điều tiết của Nhà nước, khi nhận thấy vấn đề cung cầu có sự chênh lệch lớn, Bộ GD&ĐT có thể điều tiết bằng cách ban hành các tiêu chuẩn để các trường thực hiện, thay vì làm ngơ tình trạng “mạnh ai nấy dạy”.
Báo Giáo Dục VN có bài phân tích về điểm mờ của Thông tư 03: giáo viên hạng 2 cũ nơi sang ngang, nơi xuống hạng 3. Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 03/2021, trong đó quy định các trường hợp bổ nhiệm, điều chuyển chức danh GV cấp THCS. Một trong những bất cập khi thực hiện chuyển xếp lương theo thông tư này là, thông tư có một số vấn đề chưa thống nhất, cách hiểu khác nhau thì vận dụng khác nhau.
Tác giả phân tích, trường hợp một GV đang hưởng lương hạng 2 cũ, hệ số lương 2,34 đến 4,98, thời gian giữ hạng 2 cũ, tương đương với hạng 3 mới, là 6 năm. Dù GV này có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương, nhưng khi thực hiện phương án bổ nhiệm, điều chuyển theo thông tư mới thì có địa phương sẽ cho chuyển xếp sang hạng 2 mới, lại có địa phương khác cho chuyển lương hạng 3 mới, do sự mập mờ của thông tư 03/2021. Kết quả là, giáo viên bị mất lương thâm niên, dù đã dạy lâu.
Chuyên trang Hoa Học Trò của báo Tiền Phong đưa tin: Phụ huynh học sinh bức xúc vì Hà Nội vẫn chưa chốt phương án thi vào 10, bàn rút giờ thi. Vì chưa quyết định được phương án thi tuyển sinh lớp 10, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo các trường thăm dò ý kiến của GV dạy lớp 9, học sinh và phụ huynh học sinh có con thi vào lớp 10 để chọn lựa giữa 2 phương án.
Một phụ huynh có con sắp thi vào lớp 10 chia sẻ: “Năm nay dịch bệnh diễn ra đúng vào mùa thi, các con ôn luyện, học tập cũng khó khăn, vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vậy mà giờ Sở lại thay đổi phương án dự thi thì đúng là ‘làm khó’ cho phụ huynh và học sinh quá. Dồn lịch mà giữ nguyên thời gian làm bài thi thì tạo ra nhiều áp lực cho các con”.
Báo Giáo Dục VN có bài về việc Hiệu trưởng kiêm nhiều chức danh: Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì Hội đồng trường có cũng như không. Một số chuyên gia trong ngành Giáo dục phản ánh, điều 16 của Luật GD đại học 2018 và Nghị định 99 chưa phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng của trường đại học công lập, dẫn đến hiện tượng Hiệu trưởng của một số trường cao đẳng kiêm luôn chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng trường.
VnExpress có bài phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: ‘Nếu mất Biển Đông là có tội’. Thứ trưởng “Ba Không” Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận: “Nhìn một cách hình thức, có thể thấy Trung Quốc rất mạnh và đã làm nhiều việc trên Biển Đông. Quyết tâm, tham vọng của họ ngày càng lớn. Chưa kể, họ vô cùng kiên trì để dần dần đạt được tham vọng chủ quyền của mình. Họ không e ngại dư luận nên khó có thể nói không lo lắng. Cả thế giới lo chứ không riêng chúng ta”.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố kết luận điều tra bổ sung vụ án SAGRI: Đề nghị truy tố thêm 3 bị can, trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin. Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), do ông Lê Tấn Hùng từng là Tổng giám đốc, hôm nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra bổ sung vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trung Quốc kéo giàn khoan lớn nhất thế giới ra Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo dẫn nguồn tin từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương TQ (CNOOC), thông báo, việc lắp đặt các thiết bị lên giàn khoan “Biển sâu số 1” đã hoàn tất vào ngày 29/5, đồng thời tuyên truyền rằng đây là giàn khoan khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới.
Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận bắn đạn thật 4 ngày ở vịnh Bắc bộ. Theo thông báo trên website của Cục Hải sự TQ (MSA), quân đội nước này (PLA) đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 4 ngày ở vịnh Bắc bộ, từ 8h ngày 27/5 đến 18h ngày 30/5.
Hơn một năm rưỡi qua kể từ khi đại dịch xuất hiện, Covid-19 liên tục xuất hiện các biến chủng mới, lây lan nhanh hơn, sở hữu độc lực mạnh hơn. Một số khu vực trên thế giới đã lần lượt ghi nhận các biến chủng mạnh của virus này như Brazil, Anh, Nam Phi, Ấn Độ… Riêng biến chủng Ấn Độ đã được WHO thừa nhận là “mối lo ngại toàn cầu”, bởi khả năng dễ lây và lây lan nhanh hơn, cũng như độc lực mạnh hơn. Hiện virus biến chủng này tiếp tục lây lan mạnh hơn ở VN.
Báo Thanh Niên có bài: Tàu tác chiến cận bờ Mỹ ‘phá hoạt động của Trung Quốc’ ở Biển Đông. Phát biểu tại hội thảo về công nghệ thủy lôi quốc tế ngày 27/5, phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết, khi tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tạm dừng hoạt động trong 3 tháng vào năm 2020 vì Covid-19, có 2 tàu tác chiến cận bờ (LCS) là USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords đã hoạt động tích cực và “đã kiểm soát Biển Đông tương đối tốt”, đồng thời “ngăn cản mỗi hoạt động của Trung Quốc”.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng ở VN, các quan chức cấp cao ngày càng nhắc nhiều đến vaccine. Hôm 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân, cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đóng góp để Chính phủ có tiền mua vaccine, nhiều người lo ngại, tiền sẽ rơi vào túi quan tham, bởi chính phủ VN nổi tiếng với tham nhũng. RFA có bài: Phản ứng trước kêu gọi kiều bào đóng góp để mua vaccine phòng COVID-19 mà Thủ tướng đưa ra.
Gần một tháng bùng phát đợt dịch thứ 4 ở VN, tính đến sáng nay, cơ quan chức năng đã ghi nhận thêm hơn 3.000 ca lây nhiễm cộng đồng, theo thống kê của VnExpress. Con số này tương đương một nửa của tổng số các ca nhiễm ở VN (6086 ca, rạng sáng nay). Nghĩa là, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 này đã tạo ra số ca lây nhiễm cộng đồng bằng tất cả các ca trong 3 đợt dịch trước cộng lại, cộng thêm cả các ca dương tính do người VN từ nước ngoài về được cách ly.
Báo Thanh Niên có bài: Trò hai mặt của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước khi TQ công bố thông tin về cuộc tập trận ở Biển Đông có sự tham gia của hàng chục tiêm kích bom JH-7, TS Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông đã có bài viết kêu gọi ASEAN hợp tác với TQ ở Biển Đông. Họ Ngô đổ lỗi cho Mỹ, là một “thế lực bên ngoài” tìm cách can dự vào tình hình nội bộ ở Biển Đông, trong khi TQ luôn chìa “cành oliu” với các nước ASEAN.
Báo Thế Giới và VN có bài của nghiên cứu sinh Phạm Duy Thực, Viện Biển Đông, Bộ Ngoại giao, bàn về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu. Theo tác giả, tất cả các điểm yếu đều liên quan đến vấn đề nội các của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục có những phát biểu không thống nhất trong vấn đề Biển Đông, lúc “nóng”, lúc “lạnh”, khi thì nhân nhượng, thậm chí ngầm đầu hàng, lâu lâu lại “cương” với TQ.
VnExpress có bài: Ý đồ của Trung Quốc khi điều 300 tàu ở Biển Đông. Nguồn tin từ lực lượng tuần tra thuộc nhóm chuyên trách Biển Đông của Philippines cho biết, tính đến ngày 9/5, đã có 287 tàu “dân quân biển” TQ phân tán tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa, các cụm tàu lớn xuất hiện tại các đảo nhân tạo do TQ bồi đắp phi pháp ở khu vực này. Hai tháng trước, chỉ có khoảng 200 tàu.
Báo Tiền Phong đưa tin: Thủ tướng Anh nhắn nhủ Trung Quốc trước khi tàu sân bay đến châu Á. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói về chuyến hải trình đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến châu Á: “Một trong những điều chúng tôi đang làm một cách rõ ràng là thể hiện với những người bạn ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin vào luật pháp quốc tế trên biển. Và theo một cách tin tưởng chứ không phải đối đầu, chúng tôi sẽ thể hiện điều đó”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thông báo, tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền VN nhưng bị TQ đánh chiếm đầu năm 1974. Tàu USS Curtis Wilbur chính là tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 18/5 theo luật quốc tế, khiến Bắc Kinh “nóng mặt”, nay lại gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách phi lý của Bắc Kinh.
Báo Thanh Niên đưa tin: Mỹ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, khẳng định cam kết với khu vực. Reuters dẫn nguồn từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur, thực hiện chuyến hải trình qua eo biển Đài Loan ngày 18/5. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết, tàu chiến của Mỹ đã đi xuôi về phía nam xuyên qua eo biển và “tình hình vẫn như bình thường”.
BBC đặt câu hỏi về Biển Đông: Việt Nam không nên xây sân bay ở đảo Lý Sơn? Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Tôi đã đến đảo Lý Sơn rồi, tôi đồng ý với các ý kiến là cần rất thận trọng với các đề nghị xây sân bay ở đây. Bởi vì đảo Lý Sơn rất nhỏ, nếu xây dựng sân bay sẽ tốn rất nhiều đất trên đảo. Vả lại số người qua lại trên đảo Lý Sơn chỉ là một số lượng nhất định. Hiện nay từ cảng Sa Kỳ sang Lý Sơn có đường biển, đi lại rất thuận tiện”.
RFA đưa tin: Hai ngư dân Quảng Bình mất tích trên biển khi tàu cá bị một tàu lạ đâm chìm. Chiều qua, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, xác nhận, một tàu cá ở Quảng Bình có 5 thuyền viên trên tàu đã bị một tàu hàng không rõ số hiệu tông chìm, khiến 2 ngư dân mất tích. Bộ đội biên phòng Quảng Bình vẫn đang tìm kiếm 2 người mất tích sau vụ đâm chìm tàu.
Báo Thanh Niên đưa tin: Chuyên gia thân Trung Quốc liên tục ‘lên gân’ về Biển Đông. Hôm qua, TS Mark J.Valencia, thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia của TQ về Biển Đông, công bố hai bài viết trên Asia Times và South China Morning Post, tiếp tục tuyên truyền các quan điểm nhằm về “chủ quyền” phi pháp của Bắc Kinh đối với Biển Đông, như một phần trong “chiến tranh thông tin” của thế lực bành trướng Bắc Kinh.
Sau sự kiện các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Úc tổ chức tập trận chung, Bắc Kinh gọi cuộc diễn tập của Mỹ, Nhật, Pháp, Úc là ‘phí dầu’, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Theo báo South China Morning Post, hôm qua, TQ mô tả cuộc diễn tập của Mỹ, Nhật, Pháp và Úc “là một sự lãng phí nhiên liệu”, còn giới quan sát nhận định rằng, cuộc tập trận có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ thắt chặt liên minh trong khu vực.
Trong buổi họp báo chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc tiếp tục điều tàu đến đá Ba Đầu, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ TQ tiếp tục triển đưa thêm tàu đến khu vực đá Ba Đầu, nâng tổng số tàu hoạt động tại đây lên gần 300 chiếc, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lực lượng chức năng VN luôn theo dõi sát diễn biến ở Biển Đông.
Lời người dịch: Bà Liz Cheney có thể sẽ bị bầu loại ra khỏi vị trí quyền lực thứ ba trong Đảng Cộng hòa, trong khi hơn 100 đảng viên Cộng hòa, những người quan tâm đến sự tồn vong của đảng này, bao gồm các cựu thống đốc và các nhà lập pháp, đang đe dọa thành lập một bên thứ ba nếu đảng Cộng hòa không tách khỏi Trump.
Zing dẫn nguồn tin từ Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin: Trung Quốc đưa thêm tàu tới đá Ba Đầu. Ngoại trưởng Philippines thông báo, TQ đã triển khai thêm tàu “dân quân biển” tới khu vực đá Ba Đầu. Số tàu dân binh TQ hiện diện ở khu vực này hiện lên tới gần 300 chiếc, trong khi cuối tháng 3 chỉ khoảng 200 chiếc. Philippines đang cân nhắc tiếp tục phản đối chính thức TQ.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đối phó Trung Quốc, Nhật lần đầu tập trận trên không, trên biển lẫn trên bộ với Mỹ, Pháp. Nguồn tin từ hãng tin AFP cho biết, hôm nay, các binh sĩ Nhật Bản, Mỹ và Pháp đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên ở khu vực tây nam Nhật Bản. Cuộc tập trận được tiến hành trên không, trên bộ và trên biển, kéo dài một tuần, với sự tham gia của 300 binh sĩ. Một tàu hải quân Úc cũng tham gia.