Tại sao Mỹ phải trở lại vai trò lãnh đạo?

Foreign Affairs

Tác giả: Joseph R. Biden

Trần Ngọc Cư trích dịch

Lời người dịch: Khả năng rất lớn là cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ trong những ngày sắp tới. Chúng tôi mạo muội trích dịch một phần trong bài tiểu luận “Why America Must Lead Again” [Tại sao Mỹ phải trở lại vai trò lãnh đạo], đặc biệt có liên quan đến chính sách mậu dịch và nhân quyền đối với Trung Quốc, điều mà nhiều người Việt Nam có lẽ đang thắc mắc.

***

Một chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu

… Chính quyền của tôi sẽ trang bị cho người Mỹ thành công trong nền kinh tế toàn cầu — với một chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành lấy tương lai trước Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác, Hoa Kỳ phải mài giũa lợi thế đổi mới của mình và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới để chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế và giảm bất bình đẳng.

An ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Chính sách thương mại của chúng ta phải bắt đầu từ trong nước, bằng cách củng cố tài sản lớn nhất của chúng ta – đó là tầng lớp trung lưu – và đảm bảo rằng mọi người đều có thể chia sẻ thành công của đất nước, bất kể chủng tộc, giới tính, mã vùng, tôn giáo, khuynh hướng tình dục hoặc khuyết tật.

Điều đó sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng của chúng ta — băng thông rộng, đường cao tốc, đường sắt, mạng lưới năng lượng, thành phố thông minh — và giáo dục. Chúng ta phải cung cấp cho mọi sinh viên những kỹ năng cần thiết để có được một công việc tốt trong thế kỷ XXI; bảo đảm mọi người Mỹ đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giá cả phải chăng; nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ; và dẫn đầu cuộc cách mạng nền kinh tế sạch để tạo ra mười triệu việc làm mới, tốt – bao gồm cả việc làm có công đoàn – ở Hoa Kỳ.

Tôi sẽ coi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là nền tảng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, để Hoa Kỳ dẫn đầu về đổi mới. Không có lý do gì chúng ta lại tụt hậu so với Trung Quốc hay bất kỳ ai khác khi nói đến năng lượng sạch, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, đường sắt cao tốc, hay cuộc chạy đua chấm dứt bệnh ung thư như chúng ta biết đến. Chúng ta có các trường đại học nghiên cứu lớn nhất trên thế giới. Chúng ta có một truyền thống mạnh mẽ về chế độ pháp trị. Và quan trọng nhất, chúng ta có một lượng lớn những người lao động và những nhà phát kiến phi thường, những người chưa bao giờ để đất nước chúng ta thất vọng.

Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu cũng sẽ hoạt động hữu hiệu để bảo đảm các quy tắc của nền kinh tế quốc tế không bị gian lận, gây bất lợi cho Hoa Kỳ – bởi vì khi các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi công bằng, họ sẽ thắng. Tôi tin vào thương mại công bằng. Hơn 95% dân số thế giới sống bên ngoài biên giới của chúng ta — chúng ta muốn khai thác các thị trường đó.

Chúng ta cần có khả năng xây dựng những thứ tốt nhất ở Hoa Kỳ và bán những thứ tốt nhất trên khắp thế giới. Điều đó có nghĩa là dỡ bỏ các rào cản thương mại có hậu quả trừng phạt chính người Mỹ và chống lại sự trượt dốc nguy hiểm trên toàn cầu dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Đó là những gì đã xảy ra một thế kỷ trước, sau Thế chiến thứ nhất — và nó làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái và dẫn đến Thế chiến thứ hai.

Điều sai lầm có thể phạm phải là vùi đầu vào cát và từ chối các hợp đồng thương mại. Các quốc gia vẫn sẽ mua bán với nhau dù có hoặc không có Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là: Ai là người viết ra các quy tắc chi phối thương mại? Ai sẽ bảo đảm các luật lệ bảo vệ người lao động, môi trường, tính minh bạch và mức lương của tầng lớp trung lưu? Hoa Kỳ, không phải Trung Quốc, phải dẫn đầu nỗ lực đó.

Trong cương vị tổng thống, tôi sẽ không tham gia bất cứ hiệp định thương mại mới nào cho đến khi chúng ta đầu tư vào người Mỹ và trang bị cho họ thành công trong nền kinh tế toàn cầu. Và tôi sẽ không đàm phán các thỏa thuận mới mà không có các nhà lãnh đạo lao động và môi trường tham dự một cách đáng kể ở bàn thương thuyết và không đưa vào các điều khoản thực thi mạnh mẽ để ràng buộc các đối tác của chúng ta vào các thỏa thuận mà họ ký kết.

Trung Quốc là một thách thức đặc biệt. Tôi đã dành nhiều giờ với các nhà lãnh đạo của nó, và tôi hiểu những gì chúng ta đang chống lại. Trung Quốc đang chơi cuộc chơi dài hơi bằng cách mở rộng phạm vi toàn cầu, thúc đẩy mô hình chính trị của riêng mình và đầu tư vào các công nghệ của tương lai. Trong khi đó, Trump đã chỉ định hàng nhập khẩu từ các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ — từ Canada đến Liên minh châu Âu — là mối đe dọa an ninh quốc gia để áp đặt các mức thuế gây tổn hại và liều lĩnh. Bằng cách tách rời chúng ta khỏi ảnh hưởng kinh tế của các đối tác, Trump đã gây tổn thương cho đất nước chúng ta trong khả năng đối phó với mối đe dọa kinh tế thực sự.

Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc làm theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và các công ty Mỹ. TQ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp để tạo cho các doanh nghiệp nhà nước của mình một lợi thế không công bằng — và nâng cao vị thế thống trị của chúng đối với các công nghệ và ngành công nghiệp trong tương lai.

Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề mà lợi ích đôi bên hội tụ, như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, và an ninh y tế toàn cầu.

Riêng Hoa Kỳ đại diện cho khoảng một phần tư GDP toàn cầu. Khi chúng ta tham gia cùng với các nền dân chủ khác, sức mạnh của chúng ta tăng lên gấp đôi. Trung Quốc không thể bỏ qua hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu. Điều đó mang lại cho chúng ta đòn bẫy đáng kể để định hình các quy tắc về đường lối giải quyết mọi vấn đề, từ môi trường đến lao động, thương mại, công nghệ và tính minh bạch, để chúng tiếp tục phản ánh các lợi ích và giá trị dân chủ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Người VN ở miền Nam VN.đã phải “chết” vì những lời lẽ lịch sự,đầy tình người
    và hoà nhã của cán bộ CS.như thế này,nhưng vẫn chưa…mở mắt ư ?
    Đúng là “mật ngọt chết ruồi” !

  2. Ngả Xanh hay ngả Đỏ : Nevada – Tiểu bang chó ăn đá gà ăn muối tạo nên Mỹ Sử hôm nay ?
    ****************************************************

    Nevada bang chó ăn sỏi gà ăn muối
    Đất khô cằn người sống buồn không nguôi
    Dân khai mỏ nuôi gà mở Las Vegas sòng bạc
    Nevada – Bang ra đời trong Nội chiến xa xôi !
    Nay giờ 6 lá phiếu cuối cùng đang kiểm đếm
    Bang Nevada lãng quên quên lãng bỗng Xuân hồi
    Hồi Xuân quyết định Ai chắc là Tổng thống Mỹ
    Nevada – Chiến địa ‘chinh chiến kỷ nhân hồi !’
    Bỗng hồi Xuân Nevada lãng quên quên lãng :
    Nước Mỹ bên bờ Hố thẳm phân cực chia đôi !
    Hoa Kỳ trước ngưỡng cửa Thế sử Mỹ sử Sử lịch
    Phân ly sâu sắc cử tri dao động Buổi Giao thời !
    Lại định đoạt Tổng thống cho Tương lai Nước Mỹ
    Định mệnh chớ trêu Nevada vài ngàn phiếu tạm thế thôi ! .. ..
    Như bi hài kịch Shakespeare nửa nụ cười nửa giọt lệ :
    Đất Mỹ lò súp hiệp chủng như chảo lửa dầu sôi ! .. ..

    TỶ LƯƠNG DÂN

  3. Nói thì hay lắm, lên làm tổng thống thì làm ơn nhớ đến những gì đã nói khi tranh cử. À mà chương trình của ngài tân tổng thống cũng mù mờ quá, thôi hãy cứ chờ xem ông ấy làm như thế nào. Nếu để thằng Tập nó bắt nạt thì coi như xong luôn cái vị trí siêu cường nhường chỗ cho thằng siêu chôm.

Comments are closed.