Khuất Đẩu
Thực ra, những việc làm gọi là tử tế đó, ở các nước khác chỉ là việc bình thường, giúp nhau một chút có gì ghê gớm lắm đâu mà phải vinh danh trên TV. Ngay cả ngài tổng thống ở một nước nam Mỹ, tự lái xe cũ của mình đi đến dinh tổng thống, trên đường đi chở gúp một người không có xe phải cuốc bộ đến sở làm, đài quốc gia của họ cũng đâu có đưa lên.
Trong khi ở nước ta, chủ tịch nước đến thăm một bà mẹ anh hùng hay một đồn biên giới, liền có cả một đạo quân truyền hình tháp tùng để kịp thời đưa lên những cảnh ôm hôn, tặng quà. Nhất là phải cho cả nước và cả thế giới thấy được cái thùng quà vừa to vừa đẹp, tức là thấy được cái lòng tốt của ngài, cũng to và đẹp như thế. Tiếc rằng, tiền mua quà không phải tiền của ngài mà là tiền thuế của dân.
Thế còn những việc không tử tế? Nhà đài có cho kẹo cũng chẳng dám đưa lên, chỉ tìm thấy trên mạng. Như việc giải tán biểu tình, chẳng những ném lên xe chở tù mà còn thòng chân đạp vào mặt. Hay một bà dân oan tự lột truồng để chống lại những kẻ cướp đất nhà bà. Thay vì dùng một tấm vải (hay chăn, mền) quấn quanh như cách đối phó của nhân viên an ninh các sân bóng đá khi có một cô em hay một ông ngất ngưởng tồng ngồng chạy vào sân, thì người ta lại đè xuống để mặc quần cho bà trong khi hai chân bà chòi đạp lung tung. Có mà đến tết Maroc mới mặc lại được. Không phải người ta không biết rằng làm như vậy là quá khó. Chẳng qua người ta muốn câu giờ, ngầm cho thiên hạ và chính mình có dịp chiêm ngưỡng cái dung nhan rồng lộn.
Những chuyện không tử tế đó, ở nước khác, nếu có, không phải bình thường mà là bất bình thường. Báo đài làm ầm ĩ đã đành, mà tòa án cũng thực thi cái chức năng của tòa: bỏ tù những kẻ xúc phạm thân thể và danh dự của công dân. Ở ta thì ngược lại: bỏ tù những ai chống người thi hành công vụ. Như dám chửi lại công an hay cả gan lột huy hiệu trên áo mũ. Tức là bỏ tù những ai không tử tế với chính quyền.
Tôi cũng muốn một lần trong đời ra thăm đất ngàn năm văn vật (chứ không phải thăm lăng Bác vì đâu phải ai cũng được vào thăm), nhưng nghe đứa cháu kể câu chuyện sau đây, tôi hết muốn. Chuyện rằng: cháu đi ăn phở, bị tính tiền gấp đôi. Hỏi, sao người kia có ba chục mà tôi đến sáu chục, cũng một tô phở như nhau. Thì chú quán cười khẩy bảo: tại vì mày là người miền Lam! Kiểu như trước đây, Việt kiều phải trả tiền vé xe lửa gấp đôi, khách sạn cũng vậy. Đó là phở quát. Còn cháo chửi, bún mắng nữa. Chưa hết, các người đẹp chỉ cần chân dài chứ không cần đẹp nết, cứ mở miệng ra là đéo biết, đéo thấy, nghe mà phát run.
Có lẽ vì chuyện tử tế dưới thời xã hội chủ nghĩa nó cực kỳ hiếm nên nhà đài mới mở ra một chuyên mục hằng ngày. Cuối tuần, lại nhờ khán giả bình chọn để tặng quà và gắn huy hiệu cho những ai được khen là tử tế nhứt.
Tôi có anh bạn nhà văn ngoài luồng phủ sóng, sáng chủ nhật nào cũng được công an phường mời đi uống cà phê. Như thế là tử tế quá, chuyện này hiếm à nghen, đáng được bầu chọn. Nhưng anh thở dài, bảo, nó sợ mình đi biểu tình chống Trung Quốc, giam lỏng đấy thôi! Hóa ra, khi chính quyền cư xử với dân một cách tử tế thì còn đáng sợ hơn là không tử tế. Cái xứ mình nó là vậy đó.