Tập tranh cãi để chuẩn bị tranh cử tự do

Nguyễn Quang Duy

5-10-2019

Các ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ tranh luận trên truyền hình. Ảnh: ABC

Ở Việt Nam chính trị là chuyện quốc cấm, càng cấm bà con ta càng tụm 5 tụm 7, người nói, người nghe thường tâm đắc nên tranh cãi chính trị ít khi xảy đến.

Ở hải ngoại có tự do ngôn luận trăm hoa đua nở, tranh cãi chính trị bùng nổ mọi nơi, bất đồng chính kiến sinh sôi nẩy nở, rồi đi đến bất hòa, gây gỗ, thậm chí đánh nhau, đưa nhau ra tòa.

Mạng toàn cầu phát triển, tranh cãi chính trị như rơm gặp lửa bùng lên trên mọi diễn đàn và trên từng Facebook cá nhân.

Ở các quốc gia tự do người ta cũng tranh cãi, nhưng từ nhỏ họ được dạy cách tranh luận, nên tranh cãi thường dẫn đến đồng thuận.

Còn Việt Nam, văn hóa Đông Phương kềm hãm tự do ngôn luận, người Việt lại không biết cách tranh luận, nên tranh cãi ít mang lại kết quả cụ thể.

Tranh luận và tranh cãi lại là phương tiện để hòa giải bất đồng chính kiến, rất cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, vì thế xin được ngắn gọn đưa ra phương pháp giảm thiểu tình trạng này để sửa soạn cho tranh cử tự do.

Tranh luận khác với tranh cãi

Tranh luận chỉ xảy ra giữa những cá nhân hay tổ chức có cùng chung mục đích, mục tiêu, đúng thời điểm, đúng người và đúng phương cách.

Mục đích là những gì chúng ta muốn đạt tới. Mục đích rõ ràng giúp một tổ chức xây dựng triết lý chính trị và chiến lược.

Mục tiêu gồm những bước hành động cụ thể cho từng giai đoạn, gồm chính sách và chiến thuật hành động, để đạt tới mục đích.

Cùng chung một việc làm như đấu tranh chính trị, có tổ chức vận động nhân quyền, có tổ chức lại đấu tranh thay đổi thể chế, có tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ.

Cùng một việc làm nhưng 3 tổ chức có 3 mục đích khác nhau, do đó mục tiêu cũng khác nhau.

Có cùng một mục đích là mang lại tự do cho Việt Nam, nhưng Cộng Đồng là tổ chức dân sự (non profit organisation) phải chặt chẽ tuân theo luật pháp địa phương nên chỉ giữ vai trò yểm trợ.

Đấu tranh giải thể cộng sản là vai trò của các tổ chức đấu tranh chính trị vì thế mục tiêu và phương cách hành động cũng phải khác nhau.

Khi có chung mục đích và mục tiêu, tranh luận tập hợp được được kiến thức và kinh nghiệm riêng của các thành viên thúc đẩy tổ chức tiến bộ và phát triển.

Nếu không hội đủ một trong những yếu tố, chung mục đích, chung mục tiêu, đúng thời điểm, đúng người và đúng phương cách, tranh luận dễ dẫn đến tranh cãi.

Tranh cãi cũng vô cùng cần thiết, nhờ đó mới thấy rõ hơn sự khác biệt mục đích và mục tiêu của mỗi tổ chức.

Ngay trong nội bộ một tổ chức mục đích và mục tiêu cũng cần nhiều tranh luận để hoàn chỉnh, hợp tình, hợp lý và hợp thời cuộc.

Người Việt từ nhỏ đã không được huấn luyện nên văn hóa tranh luận hay tranh cãi vẫn chưa được phát triển.

Bởi thế thay vì tranh luận để tìm ra hướng đi tốt đẹp cho cả tổ chức, thường chỉ tranh cãi, rồi biến thành phê bình, chỉ trích, gây tình trạng phân hóa tập thể.

Có tổ chức còn bộc lộ tình trạng thiếu dân chủ và thiếu văn hóa tranh luận nên chụp mũ nhau là có cộng sản nằm vùng.

Các tổ chức đều chia 5 xẻ 7, không ai chấp nhận ai, không ai đối thoại với ai, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, gây mất niềm tin nơi đồng bào quốc nội và đồng hương hải ngoại.

Tranh cử ở Mỹ

Nước Mỹ đang trong thời điểm tranh cử Tổng Thống, các ứng cử viên đảng Dân Chủ đang cạnh tranh ủng hộ của cử tri thuộc đảng Dân Chủ.

Mỗi ứng cử viên đều có một ban tham mưu đưa ra chiến thuật và chiến lược riêng, các chính sách đối nội và đối ngoại, kế hoạch gây quỹ, thu hút cử tri trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trực tiếp gặp cử tri.

Ban tham mưu này không ngừng tranh luận mọi vấn đề có liên quan đến cuộc bầu cử, tranh luận cả kỹ thuật gây tranh cãi trong quần chúng cử tri.

Các cử tri thì tranh cãi về chính sách, về các ứng cử viên và làm sao để đảng Dân Chủ được thắng cử.

Đây là điểm ưu việt của hệ thống bầu cử Mỹ, đa số cử tri đều tích cực ủng hộ từ tài chánh đến tinh thần và nhiệt tình tranh cãi chính trị.

Chính việc tranh cãi đã tạo thành một nét đặc thù văn hóa, nhờ thế dân Mỹ rất quan tâm chính trị và biết rõ chính sách và giám sát việc làm của từng dân cử, văn hóa này giúp nước Mỹ ngày một tiến bộ giữ vai trò cường quốc số 1 trên thế giới.

Nói tóm lại tranh luận thường trong nội bộ, còn tranh cãi là bên ngoài với đối thủ, kỹ năng tranh luận và tranh cãi vì thế đều rất quan trọng cho việc tranh cử tự do.

Xây dựng lại từ nhỏ…

44 năm qua, người Việt hải ngoại thường chọn tham gia các phong trào đấu tranh, nhưng phong trào muốn phát triển tốt, tổ chức phát động phong trào cần công khai mục đích, chính sách và chiến lược.

Đáng tiếc các tổ chức đấu tranh đều thiếu công khai và minh bạch nên hầu hết các phong trào đều sớm nở tối tàn, không mang lại kết quả cụ thể.

Có phong trào còn gặp mâu thuẫn giữa tổ chức phát động và người theo phong trào.

Để có được một tổ chức tốt mọi thành viên cần phải nắm vững nội quy tổ chức và thường xuyên có cơ hội tranh luận việc sửa đổi nội quy cũng như chính sách sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu ngắn hạn.

Nhờ mục đích rõ ràng và nắm được đường hướng, thành viên mới có thể tự tìm tòi học hỏi trau dồi kiến thức phát triển khả năng tranh luận nội bộ, tranh cãi với những cá nhân ngoài tổ chức và thuyết phục quần chúng ủng hộ.

Khi đó, tranh luận và tranh cãi sẽ trở thành nghệ thuật thuyết phục quần chúng, để đối chọi với tuyên truyền cộng sản.

Như mọi nghệ thuật, thuyết phục quần chúng đòi hỏi các thành viên tổ chức phải luôn mở mang kiến thức, kiên nhẫn tập luyện và thường xuyên thực hành.

Mỗi thành viên khi đó sẽ trở thành một cán bộ dân vận vừa đóng góp cho tổ chức vừa đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa Việt Nam.

Thực tế trước mắt

Ở hải ngoại ngày nay hầu hết các tổ chức đấu tranh chính trị đều rơi vào bế tắc.

Nhưng nơi nào cũng phát triển Cộng Đồng với nhiều tổ chức hội đoàn và hầu hết đều mong muốn đóng góp cho Việt Nam tự do.

Còn trong nước việc thành lập tổ chức có mục đích và nội quy rõ ràng bị hạn chế rất nhiều.

Thành lập nhóm là tốt nhất, vài ba người cùng tâm huyết ngồi lại trao đổi về đường hướng sinh hoạt và hành động, đồng thời tìm kiếm bạn bè, tổ chức cùng chí hướng là việc rất cần làm.

… nhỏ hợp thành lớn.

Khi các tổ chức, các nhóm nhỏ đã hoạt động tốt gặp điều kiện thuận lợi tiến đến kết hợp hay liên minh tạo sức mạnh tổng hợp.

Tại Hoa Kỳ hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ bao gồm hàng ngàn tổ chức chính trị, kinh tế, tôn giáo, nghiệp đoàn và dân sự lớn nhỏ cùng hàng chục triệu đảng viên cá nhân không tham gia tổ chức.

Cứ đến mùa tranh cử các tổ chức lại tranh luận nội bộ để chọn lựa ủng hộ và gia nhập một trong hai đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa.

Chừng 3 triệu người Việt Nam đang sống và hằng trăm ngàn sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ đã biết về hệ thống tranh cử Mỹ.

Nhiều người Việt tích cực tham gia các sinh hoạt chính trị và có nhiều kinh nghiệm trong việc vận động tranh cử tại Mỹ.

Phải chăng tranh cử ở Mỹ là một phương cách khả thi cho tranh cử tại Việt Nam hậu cộng sản?

Tranh cử tự do

Khi Việt Nam có tự do chính trị mọi công dân đều cơ hội bình đẳng về chính trị, luật pháp không thể cấm các cựu đảng viên đảng cộng sản đi bầu hay lập đảng mới ra tranh cử.

Nhiều đảng viên cộng sản giờ đã thành đại gia, có tiền, nắm thông tin, có ảnh hưởng, có sẵn bè nhóm, sẵn quan hệ rộng rãi nên có nhiều cơ hội thắng cử hơn các thành phần khác trong xã hội.

Thêm vào đó người ngoại quốc có thể sẽ can thiệp hay ảnh hưởng vào kết quả tranh cử và hệ thống chính trị của Việt Nam.

Muốn Việt Nam có tự do dân chủ thực sự cần có các đảng chính trị hoạt động hiệu quả để nhanh chóng thích ứng vào giai đoạn chuyển tiếp, vận động cử tri tham gia bầu cử và bầu cho tổ chức mình.

Bởi thế tranh luận và tranh cãi chính trị cần được xem là cốt lõi của tự do và dân chủ.

Bình Luận từ Facebook