Bài hát của Phạm Tuyên, người hàng xóm nhà tôi

Dương Tự Lập

24-3-2019

40 năm trước chúng tôi đi đánh tan quân Trung Quốc cướp nước

Năm 1978 tôi cầm súng lên đường đi đánh giặc bành trướng Bắc Kinh xâm lược. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Sau ngày 17/2/1979 tiểu đoàn tôi kéo về bảo vệ sân bay Kiến An. Cứ hàng đêm sinh hoạt đại đội một tiếng đầu giờ tối.

Toàn, biệt danh của hắn là Toàn “toác”, bao giờ cũng được chỉ định lên phía trên ngồi bàn giở tờ nhật báo Nhân Dân đọc to cho đơn vị nghe tin tức thời sự báo Đảng trong ngày. Miệng hắn rộng ngoác, nói to, lưu loát, rõ ràng.

Những tin tức nóng bỏng biên giới phía Bắc mà giặc Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học như Đặng Tiểu Bình rêu rao tuyên bố ở các nước Đông nam Á và nước Mỹ nơi hắn ta đi làm ngoại giao trước khi đánh Việt Nam.

Báo Nhân Dân đến muộn thì coi như hôm ấy Toàn toác “thất nghiệp” và thay vào đó đại đội trưởng Hảo “đầu to” lên quán triệt tư tưởng chiến sĩ để tới đây quyết một trận sống mái với bọn giặc Trung Quốc man rợ nếu chúng đánh bằng đường không.

Đã thành lệ, trước khi vào sinh hoạt, trung đội trưởng của chúng tôi, thượng sĩ Sim “quay quay” đứng lên bắt nhịp bài hát: Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do, một ca khúc mới tinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã dày xéo mảnh đất tiền phương
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương…

Lúc đó tôi đâu ngờ đang hát bài hát của người hàng xóm nhà tôi. Bài hát ra đời đúng vào ngày máu lửa đầu tiên ấy. Đêm sinh hoạt nào chúng tôi cũng hát bài này không chán, thậm chí lời bài ca còn làm tăng sự hào hùng, tăng huyết khí nóng thêm trong người.

Thời ông cha tôi đi đánh Pháp huyết khí nóng thế nào? Thời anh trai tôi đi đánh Mỹ huyết khí nóng ra sao? Chứ thời chúng tôi đi đánh giặc Tầu thì sôi sục hờn căm lắm, bởi thằng Tầu này nó đã hàng nghìn năm trước thòm thèm muốn nuốt chửng nước Việt ta mà không sao nuốt nổi.

Chúng tôi ở đơn vị quân chủ lực pháo cao xạ 57 phòng không đánh máy bay địch tầm xa, tầm cao. Đơn vị đóng quân trên quả đồi trọc có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kiến An, một sân bay quân sự quan trọng phòng thủ phía Đông cửa biển từ hướng Quảng Ninh về Hải phòng.

Thiếu tá Bùi Thanh Liêm, người dự bị cho Phạm Tuân bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz, cùng phi công người Nga Viktor Gorbatko được chỉ định về làm quyền Trung đoàn trưởng sân bay. Không may ít lâu sau anh bị tử nạn rơi xuống biển vịnh Bắc Bộ trong một lần bay luyện tập Mig-21 do chính anh điều khiển vào tháng 9 năm 1981, thật tội.

Lúc đó chúng tôi tin như thế, sau này rò rỉ từ Trung đoàn bay không quân, mới biết máy bay anh lái đã bị bọn Trung Quốc bắn. Bốn năm sau tôi ra quân.

Rồi có một buổi chiều xuống chợ, nói là chợ nhưng nó là chợ cóc cũng nằm chung trong khu tập thể Khương Thượng – Đống Đa của tôi. Đang cúi lúi húi chọn mớ rau thì người phụ nữ trẻ bên cạnh ngoảnh sang ơ ơ anh.

– Ơ Tâm, sao đi đâu mà lại tới chợ này mua rau?

– Bố em có việc về muộn nên nhắn em lên nhà xem cơm nước cho ông.

Trả tiền rau xong, Tâm ngẩng hất đầu lên trên:

– Nhà em ở tầng 3 / A5 đây, anh lên chơi chẳng mấy khi có dịp.

Tôi không bận, đang có vẻ thắc mắc vì Tâm ở bên khu Kim Liên kia mà. Như đoán được ý tôi, Tâm nói:

– Nhà này của bố mẹ nuôi em, nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Tôi hơi ngỡ ngàng nhưng cũng đồng ý. Lên nhà, Tâm pha nước, hai đứa ngồi nói chuyện.

– Nhà bố mẹ nuôi em toàn vần T, bố Phạm Tuyên, mẹ Ánh Tuyết, hai cô con gái Hồng Tuyển, Hồng Tuyền (Thanh Tuyền) và em là con nuôi Hồng Tâm anh biết đấy. Đệm chữ Hồng tên em do bố mẹ đẻ em đặt, ngẫu nhiên thôi. Ông bố nuôi em không có con trai, ông là thứ chín trong gia đình có tới mười ba người con không tính ba người chết trẻ. Bố em là con nhà văn, quan đại thần triều Nguyễn, Cụ Thượng Thư Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh anh biết chứ?

Tôi không nhịn được cười vì câu hỏi rất thật thà của Tâm. Đang dở chuyện thì người đàn ông dỏng cao bước vào nhà chào khách.

– Vâng, cháu chào chú.

– Sao bố bảo về muộn? Tâm hỏi.

– Xe com-măng-ca cơ quan bị hỏng nên phải hoãn con ạ.

– Anh Lập bạn con, gặp dưới chợ con mời anh lên chơi. Nhà bên A8, bố anh ấy là bác nhà thơ trào phúng Dương Quân chắc bố biết, chú Tuyên gật gật đầu.

– Hóa ra anh Dương Quân cũng hàng xóm với nhà mình. Hồi nào tới giờ tưởng anh ấy ở bên Trung Tự. Đã có lần mình nghe chị họa sĩ Vũ Giáng Hương và anh Dương Viên nói về anh Dương Quân.

Ông thay Tâm tiếp tôi. Nhìn ông có khuôn mặt hiền lành, mắt sáng, cười tươi, nói hoạt, toát vẻ độ lượng. Nếu không được Tâm cho biết trước và thấy cây đàn piano nằm ở góc phòng phủ khăn mỏng thì tôi nghĩ ông là một công chức hơn là nhạc sĩ. Chắc chắn ông không ngờ tên ngồi đối diện với mình, người lính mới xuất ngũ mấy năm trước đã từng cùng đồng đội những đêm sinh hoạt hát vang bài ca hùng hồn của ông: Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do.

Chia tay ông và Tâm, xuống cầu thang trở về nhà, tôi cứ lấy làm lạ có người hàng xóm nhạc sĩ lại là con Cụ Phạm Quỳnh, Thượng Thư Bộ Lại, nhà báo, nhà văn, dịch giả, chủ bút Nam Phong tạp chí, nổi tiếng tài ba, nổi tiếng theo thực dân Pháp, nổi tiếng xây dựng đóng góp văn chương quốc ngữ cho nước nhà. Tội theo Pháp ông đã lĩnh đủ, còn công lao xây dựng “lâu đài” văn chương quốc ngữ, ai đền?

Ngày 23/8/1945 tại tòa biệt thự Hoa Đường, ngoại ô thành Huế. Có hai kẻ lạ mặt đeo cờ Việt Minh ở cánh tay, vai khoác súng tới nhà mời Phạm Quỳnh ra làm việc ở trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế. Ông nhanh nhẹn mặc áo quần đóng khăn tề chỉnh vui vẻ chào mọi người và hẹn chiều tối trở về.

Vợ ông, bà Lê Thị Vân chứng kiến sự việc mặt biến sắc hét lên một tiếng rồi khuỵu xuống. Bà tiên đoán điềm chẳng lành sẽ xảy ra và đúng là ông đã đi mãi mãi không trở lại. Chính những kẻ Việt Minh đó đã hạ sát ông mấy ngày sau khi lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9 ở Hà Nội, khai sinh một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới mẻ.

Trộm nghĩ: Phụ thù bất cộng đái thiên/ Tử đạo tu dương ái nhật. (Thù cha không đội trời chung/ Phận con ngày ngày nuôi dưỡng).

Phạm Tuyên thì ngược lại, ông không hờn căm Việt Minh mà còn một lòng một dạ vững tâm đi theo Cách mạng. Ngợi ca Đảng ngợi ca kẻ gián tiếp giết chết cha mình, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Mầu cờ tôi yêu”, “Ngày thống nhất Bác đi thăm”… là những ca khúc ông viết.

Hồ đã từng nói với hai người chị ruột của ông: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”. Lịch sử là những gì mà con người đã tạo ra nó trong quá khứ. Ông Hồ, kẻ quyền lực nhất lúc đó, ít ra từ sau ngày Độc lập 1945 bỏ qua không xem xét đánh giá lại cái chết oan nghiệt của Cụ Phạm thì đợi ai đánh giá nữa đây.

Hơn bảy mươi năm quá vãng thương đau, lịch sử và công lý nào cho vụ án Phạm Quỳnh, đàn em ông Hồ quên chuyện Cụ Phạm, thế hệ đó đã chết sạch sành sanh. Các đàn cháu Hồ sau này cũng chẳng ai nhớ tới chuyện Cụ Phạm nữa, thế hệ cháu cũng sắp sạch sành sanh chết. Cứ cái kiểu này chắc nỗi phong vận kỳ oan của Phạm Quỳnh nổi trôi theo lịch sử nước nhà đến muôn sau.

Phạm Tuyên, người con thứ chín của Cụ Phạm có lẽ trường hợp duy nhất chứ không có hai, thực sự khó hiểu. Tôi căm ghét Phạm Tuyên, đứa con bất hiếu. Càng căm giận ông hơn năm 1997 khi tôi sang Pháp được người bạn lớn tuổi cho xem hàng xấp bài báo, sách, viết về Phạm Quỳnh mà anh sưu tầm lưu giữ từ nhiều năm qua khi anh nương thân ở quê người.

Tôi chú ý nhiều tới cuốn: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh 1892 – 1992 Tuyển tập và Di cảo, xuất bản An Tiêm, 1992, bản quyền Phạm Thị Hoàn – Paris. Đại để trong đó ông tha thiết khuyến khích kêu gọi hô hào cổ vũ mọi người dưới các hình thức khác nhau hãy chăm lo vun đắp, hy vọng chữ quốc ngữ sớm vẹn toàn để văn chương Việt Nam phong phú hơn.

Chẳng trách giữa Hà Nội năm 1924 bài diễn thuyết đọc tại Hội Khai trí Tiến Đức ngày 8 tháng 9 mà ông là Tổng thư ký: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ”…

***

Anh Huỳnh Thạnh, người An Truyền, Hương Phú, Thừa Thiên Huế, học Trung học ở Quốc học Huế, rồi đại học văn khoa Huế. Giữa buổi giao thời can qua năm 1975 vượt biên, được tàu cứu vớt ngoài biển khơi đưa sang Pháp. Nay hành nghề taxi giữa thủ đô Paris nhưng vẫn giữ được cái máu văn chương yêu nước trong mình, là người cho tôi xem hết các tư liệu viết về học giả Phạm Quỳnh trên đây mà tôi vừa nói đến.

Anh kể biết cả chỗ hố chôn chung ba người bị coi là Việt gian nguy hiểm là Ngô Đình Khôi, nguyên Tổng đốc Quảng Nam là anh ruột Tổng thống Ngô Đình Diệm và con trai Ngô Đình Huân, trong đó Phạm Quỳnh ở khu rừng Hắc Thú cách kinh thành Huế rất xa. Phải tới mười một năm sau, 1956 người ta mới tìm thấy thi thể của ba nạn nhân. Sẽ là căm giận Phạm Tuyên mãi mãi nếu không được Hồng Tâm kể cho nghe câu chuyện sau đây về ông bố nuôi Phạm Tuyên của mình vào năm 2014:

– Lâu rồi, quãng năm 2009 gì đó, dịp kỷ niệm ba mươi năm chiến tranh biên giới, Nhà xuất bản thuộc bên Quân đội yêu cầu bố em sửa lại ca từ “quân xâm lược bành trướng dã man” để đỡ bớt sự hung hãn của giặc Trung Quốc và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Người ta dự định sẽ cho ra mắt một tuyển tập nhạc đồ sộ: “Những khúc quân hành vượt thời gian”. Ca khúc Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết trong đêm 17 sang ngày 18/2/1979 không thể bỏ qua. Nó không chỉ đơn giản là bài hát, mà còn là trang sử bi tráng quý giá sống động, chính xác hơn trăm vạn lần những trang sử dối trá khác của cuộc chiến tranh hào hùng đánh giặc Trung Quốc xâm lăng dân tộc đã bị tẩy xóa, giấu giếm, cắt xén, cấm đoán, thêm tốt bớt xấu cho Trung Quốc.

– Bố em cũng thẳng thắn trả lời: Bài đó ra đời ở một giai đoạn lịch sử nhất định, các anh có thể không dùng nó nữa cũng được, nhưng tôi cũng không thể sửa theo ý các anh. Mấy lần sau đó vẫn có vài ba người mang quân hàm chức vụ cao, chắc chắn có thằng phản động theo Tầu đến gõ cửa nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng quà và giấm giúi phong bao phong bì nài nỉ ông nên sửa lại. Ông vẫn lạnh lùng từ chối và từ chối cả quà tặng lẫn phong bì phong bao. Tất nhiên không thuyết phục được ông nên bài hát đã bị bọn phản động loại bỏ khi in. Ông không buồn, không tiếc.

Hồng Tâm cười nói tiếp:

– Cứ gì phải được in trong tập bài hát đó anh nhỉ, em nghĩ “Chiến Đấu Vì Độc Lập Tự Do” của bố em được in mãi mãi trong tim trong lòng hàng triệu triệu người dân Việt Nam yêu nước bảo vệ quê hương là quý lắm rồi, chẳng quý nào hơn thế phải không anh?

Nghe Hồng Tâm kể xong tôi buột miệng một câu Kiều: “Nền phú hậu, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Đây mới gọi là bản chất khí phách, cái tinh túy tinh hoa quý báu của học giả Phạm Quỳnh còn sót lại trong con trai của mình. Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Người hàng xóm nhà tôi.

Munich – Germany

Mùa xuân 1979 – 2019

Một số hình ảnh của tác giả gửi tới:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chao ôi, những bài hát của ông Tuyên này đã là cho nòng súng AK gặt hái bội thu mùa vụ của loài CS diệt chủng người Việt, làm cho những đường cắt bom đạn của MIC hiểm độc hơn. Sau 1975, đỏ cộng sản càng trở nên đỏ hơn trên từng nốt nhạc trá hình, theo tôi đây cũng là một dạng người bán nước không cần hóa đơn.

  2. Không có lệnh của Hồ Chí Minh, bố bảo đứa nào dám tùy tiện giết Phạm Quỳnh ?!

    Cho nên, không thể bảo Hồ Chí Minh là kẻ “gián tiếp”, mà phải nói là kẻ chủ mưu trong cái chết của Phạm Quỳnh, và Phạm Tuyên là đứa đã nhận kẻ thù “sát phụ” làm…….cha

    Thật là tởm lợm.

Comments are closed.