Tin Biển Đông
Khoảng 10 giờ sáng 6/3/2019, một tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Tàu cá QNg-90819 của ngư dân Nguyễn Minh Hùng “bị tàu Trung Quốc có số hiệu 44101 đâm chìm tại khu vực cách phía đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý, nằm ở khu vực đảo Đá Lồi, quần đảo Hoàng Sa”.
Sau khi bị đâm, tàu cá QNg-90819 chỉ còn nổi được phần mũi tàu. Năm ngư dân đã cố bám vào đó và được tàu cá QNg-90620 của Quảng Ngãi tiếp cận cứu vớt“.
Đây không phải lần đầu tiên tàu 44101 của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Trong bài viết ngày 7/6/2014: Vạch mặt sự côn đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, Infonet cho biết, tàu 44101 của TQ đã đâm vào tàu Cảnh Sát biển Việt Nam hôm 23/5/2014, là thời điểm TQ đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN: “Ngày 23/5, tàu Hải cảnh 44101 của Trung Quốc xoay mũi tăng tốc đâm với tốc độ cao vào tàu CSB 2016”.
Không chỉ tàu 44101 mà rất nhiều tàu Trung Quốc đã thường xuyên tuần tra Biển Đông trong nhiều năm nay, sẵn sàng đâm chìm nhiều tàu cá Việt Nam, tạo nên tâm lý lo sợ để người Việt phải dần từ bỏ ngư trường truyền thống.
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin về kỳ họp thứ 9 Ủy ban hỗn hợp hợp tác song phương Việt Nam-Philippines. Hai bên đã “trao đổi sâu và cùng chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Trong cuộc họp này, Việt Nam và Philippines thông qua kế hoạch hành động 5 năm, RFA đưa tin. Kế hoạch hành động này kéo dài từ năm 2019 đến năm 2024, gồm “những cam kết cụ thể mà hai phía sẽ cùng nhau thực hiện trong các lĩnh vực gồm chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa”.
Trước áp lực và những hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nước Mỹ vẫn duy trì những cuộc tuần tra trên không và trên biển để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh. Gần đây, Không quân Mỹ đưa B-52 đến gần các “điểm nóng” trên biển Đông, theo báo Người Lao Động.
Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết về cuộc diễn tập B-52 ngày 4/3/2019: “Một chiếc tập luyện gần biển Đông trước khi trở về Guam. Chiếc còn lại tập luyện gần Nhật Bản cùng với Hải quân Mỹ và không quân Nhật Bản trước khi quay lại Guam”.
Hai tàu tự vệ biển của Nhật thăm Đà Nẵng, theo RFA. Đó là các tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản với 390 sĩ quan, thủy thủ, vừa cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm Thành phố Đà Nẵng, dự tính kéo dài từ ngày 6 đến ngày 9/3.
Mời đọc thêm: Một tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa (TP). – Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có mặt tại Philippines, bàn về Biển Đông (MTG). – Việt Nam – Philippines bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông (DT). – Việt Nam – Philippines quan ngại diễn biến gần đây ở Biển Đông (TT).
– Philippines cáo buộc Trung Quốc ngăn ngư dân tiếp cận đảo Thị Tứ (VNE). – Quân đội Philippines không thấy tàu cá Trung Quốc, Mỹ điều B-52 (ĐV). – ‘Pháo đài bay’ B-52 của Mỹ bay gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông (Zing). – Oanh tạc cơ B-52 của Hoa Kỳ lại bay qua Biển Đông (RFA). – Mỹ lại điều pháo đài bay B-52 đến thị uy trên Biển Đông (RFI). – Tương quan lực lượng Mỹ-Trung trên biển Đông: Mỹ e ngại điều gì nhất? (TP).
Sai phạm đất đai
UBND TP HCM vừa giao Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra 2 dự án bất động sản ở TP.HCM bị dân tố nhiều sai phạm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. “Đó là dự án The Park Residence thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Valencia thuộc phường Phú Hữu, quận 9”. Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và quận 9 là hai khu vực bị dính rất nhiều vụ điều tra sai phạm đất đai trong năm qua.
Vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân: Cảnh sát kinh tế Bình Dương vào cuộc, theo báo Một Thế Giới. TAND quận 7, TP.HCM vừa nhận được đơn của Công ty Thiên Phú kiện Công ty dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, “đề nghị Tòa tuyên hủy kết quả bán đấu giá Khu dân cư Hòa Lân, tuyên vô hiệu hóa hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017”. Công ty Thiên Phú cho rằng, “ngân hàng Agribank Chợ Lớn đã đo đạc thiếu hơn 8.400m2 đất dự án, đưa sai giá khởi điểm tại cuộc đấu giá lần 2”.
Phú Yên: Vụ cưỡng chế 9.700 m2 đất của nguyên Bí thư huyện: Tự nguyện giao đất, báo Dân Trí đưa tin. Chiều 6/3/2019, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Phú Yên, cho biết: “Sau khi tổ chức họp báo (ngày 1/3) thông tin về việc chuẩn bị cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn… Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động… Đến chiều ngày 4/3, gia đình ông Sơn đã thống nhất ký vào biên bản bàn giao”.
Mời đọc thêm: Thông tin mới vụ cưỡng chế đất của cựu bí thư huyện Sông Hinh (PLTP). – Nguyên bí thư huyện giao 9.700m2 đất cho chính quyền trước ngày bị cưỡng chế (TT). – Ai được hưởng lợi từ việc làm khuất tất của Công ty Nam Sài Gòn? (KT). – Thanh tra Bộ Tư pháp nói gì về vụ đấu giá dự án dân cư nghìn tỉ? (LĐ). – Sở xây dựng Quảng Nam kết luận gì xung quanh dự án bất động sản “bán lúa non”? (BVPL). – Bất thường đất thổ cư khi bồi thường biến thành đất lấn chiếm (VTV). – Vi phạm xây dựng tràn lan, nhiều cán bộ bị xem xét kỷ luật (VTC).
“Công bộc” của dân?
Trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin: Bí thư Chi bộ thôn dẫn người hành hung hàng xóm nhập viện. Con rể ông Trần Văn Thám, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đậu xe chắn lối vào gia đình một người hàng xóm nên xảy ra mâu thuẫn. Ông Thám đã kéo người nhà sang hành hung, có dấu hiệu bị chấn thương sọ não, khiến người hàng xóm này phải nhập viện.
Mẹ của nạn nhân cho biết: “Khi tôi cùng con trai (ông Đoán) đi chúc tết hàng xóm về gần tới cổng nhà thì bất ngờ con tôi bị ông Thám cùng người nhà lao vào đánh đập dã man, do quá bất ngờ nên con tôi không kịp chạy mà bị đánh nằm gục xuống lề đường”.
Mời đọc thêm: Viết tiếp vụ “Đánh người có tính chất côn đồ” ở Nam Trực – Nam Định: Lãnh đạo Công an xã Tân Thịnh nói gì? — Nam Trực – Nam Định: Cần làm rõ một vụ đánh người có tính chất côn đồ (NĐ&ĐS). – Kỷ luật một bí thư huyện ủy vì kê khai tài sản không trung thực (TN).
Chủ tịch HĐND TP Kon Tum cướp vợ dân
Ngày 6/3/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, cơ quan chức năng tỉnh đang làm rõ việc Chủ tịch HĐND TP. Kon Tum bị tố quan hệ bất chính với phụ nữ đã có chồng, báo Giao Thông đưa tin. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó BTG tỉnh, cho biết: “Giải trình của anh Xem thì hoàn cảnh của anh này vợ đã mất 3 năm. Nên anh Xem có ý muốn xây dựng gia đình chứ không phải anh ấy muốn quan hệ bất chính”.
Ông Phạm Minh Xem, Chủ tịch HĐND kiêm Phó bí thư Thành ủy Kon Tum khẳng định có quan hệ bất chính với vợ người khác do nhầm lẫn, theo báo Pháp Luật VN. Ông Xem trình bày với lãnh đạo tỉnh rằng ông “có quen biết và tìm hiểu bà P. vì bà này nói đã ly hôn. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018 thì ông đã chủ động chấm dứt mối quan hệ này” khi phát hiện bà P. vẫn chưa ly dị chồng, nhưng chồng của bà P. khẳng định, họ vẫn qua lại với nhau.
Mời đọc thêm: Chủ tịch HĐND TP Kon Tum bị tố quan hệ bất chính (VNN). – Bị “tố” quan hệ bất chính với phụ nữ có chồng, Chủ tịch HĐND TP Kon Tum giải trình thế nào? (ĐS&PL). – Chủ tịch HĐND TP Kon Tum quan hệ bất chính với vợ người khác do “nhầm lẫn” (?) (NLĐ). – Phó bí thư Thành ủy bị tố quan hệ bất chính: UBKT Tỉnh ủy vào cuộc (DV). – Người chồng tố Chủ tịch HĐND TP có quan hệ tình cảm với vợ mình được mời lên làm việc (TQ).
Đất nước thời “tận thu”
Báo Người Lao Động đưa tin: Giá điện dự kiến tăng 8,36%. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa thông báo bộ này “đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và được Chính phủ chấp thuận. Theo phương án này, từ cuối tháng 3, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến tăng từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh”.
Đại diện BCT giải thích, “hiện mức tiêu thụ tăng 10%, trong khi các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than”.
Báo Lao Động viết: “Truy tìm” nguyên nhân giá điện dự kiến tăng 8,36% trong tháng này? Thứ trưởng BCT Hoàng Quốc Vượng phân tích, mức giá điện hiện nay ở Việt Nam “là 7,4 cent một kWh và sẽ tăng lên khoảng 8 cent sau điều chỉnh tới đây, thì giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, thế giới” như Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Indonesia… Lãnh đạo Bộ CT cố ý “quên” rằng, mức sống hiện tại của người dân Việt Nam đều thua các nước này!
Móc túi dân, nhưng Bộ Công Thương nói tăng giá điện là để lành mạnh hóa tài chính của ngành, báo Một Thế Giới đưa tin. Không chỉ tăng giá điện, mà con tăng giá các loại phí, giá dịch vụ như y tế đến các loại thuế đất, thuế tài nguyên môi trường trong giá xăng… đều được lãnh đạo CSVN gán cho những nguyên nhân rất “tốt đẹp”, còn chuyện người dân bị bóc lột, đời sống ngày càng nghèo hơn, bị bần cùng hóa, thì bị lãnh đạo làm ngơ.
Hệ quả tất yếu của chuyện tăng giá điện: Doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù chi phí giá điện tăng, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, cho biết: Với những nhà máy lớn, tiêu thụ nhiều điện như sắt thép, xi măng, chuyện tăng giá điện “chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất. Nếu giá điện tăng hoặc các chi phí nhiên liệu sản xuất như xăng, dầu… tăng, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán để bù lại nên chính người tiêu dùng phải gánh chi phí này”.
Mời đọc thêm: Giá điện có thể tăng vào tuần tới (Zing). – Giá điện dự kiến tăng hơn 8% ngay trong tháng 3 (TN). – Giá điện tăng ngay tháng 3: Kế hoạch đã sẵn sàng (VNN). – Giá điện chính thức tăng lên 1.850 đồng/kWh (MTG). – Giá điện dự kiến tăng 8,36%: Điện bán lẻ được tính như thế nào? (LĐ). – Vì sao giá điện phải tăng lên mức trên 1.864 đồng/kWh? — Giá điện Việt Nam sẽ bằng với Trung Quốc, Ấn Độ (TT). – Lý do khiến giá điện tăng 8,36% trong tháng 3 (VNE). – Tăng giá điện thêm 8,36% để lành mạnh hóa tình hình tài chính cho ngành điện (Viet Times).
Tài xế vs BOT
Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vừa lên tiếng thừa nhận họ đã bắt giữ ông Hà Văn Nam, tài xế nhiều lần tham gia đấu tranh phản đối các trạm BOT “móc túi” dân. Họ gán cho ông Nam tội “Gây rối trật tự công cộng” ở trạm BOT Phả Lại. Báo Tiền Phong đưa tin: Tài xế Hà Văn Nam bị bắt để điều tra hành vi gây rối.
LS Trần Thu Nam cho biết: “Anh ấy khẳng định với tôi không dùng xe của mình để gây tắc đường hoặc gây rối, cản trở giao thông. Anh Nam chỉ muốn trạm BOT Phả Lại đứng ra đối thoại như ở Nam Định hay Thái Bình”.
VOA có bài: Dù bị bắt, Hà Văn Nam được nhiều người ủng hộ vì chống BOT bẩn. Bài báo cho biết: “Công chúng Việt Nam trở nên bất bình từ mùa hè 2017, sau khi những cuộc điều tra độc lập của một số nhà báo và người dân cho thấy một số trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép”. Từ tháng 2/2019 đến nay, mâu thuẫn giữa giới tài xế và các lực lượng an ninh, công an, các quan chức bảo vệ BOT, tiếp tục dâng cao.
Nhóm đếm xe BOT Ninh Lộc bất ngờ dừng việc kiểm đếm số lượng xe, theo báo Lao Động. Ông Trần Vũ Việt, một thành viên của nhóm, nói: “Nhóm chúng tôi tổ chức kiểm đếm ghi vào 32 tờ trong 7 ngày, nhưng bị mất hết chỉ còn lại 2 tờ. Mặt khác, nhóm nhận thấy việc kiểm đếm thủ công sẽ khó thuyết phục được cơ quan chức năng. Vì vậy, nhóm tạm ngừng để bàn tính tìm ra phương án kiểm đếm phù hợp nhất cho đợt kiểm đếm lại”.
Trang Kinh Tế Đô Thị dẫn lời LS Trần Đình Dũng: “Đếm xe trạm BOT là thực hiện quyền công dân”. LS Dũng nhận định: “Nhiều ý kiến trên diễn đàn xã hội cho rằng, pháp luật không có điều khoản nào cấm, nên công dân cứ thực hiện, miễn sao có mục đích tốt. Đúng vậy. Hành vi này không những pháp luật không cấm mà pháp luật còn khuyến khích. Tôi cho rằng, đếm xe trạm BOT là thực hiện quyền công dân”.
Mời đọc thêm: Băng nhóm tội phạm bắt cóc, đánh đập Hà Văn Nam là ai? (FB Lê Dũng Vova/TD). – Khởi tố, tạm giam đối tượng có hành vi gây rối tại Trạm thu phí Phả Lại (ANTĐ). – Bắt tạm giam tài xế gây rối tại trạm thu phí BOT Phả Lại (GT). – Tạm dừng việc tự đếm xe ở trạm BOT Ninh Lộc (DV). – Mất dữ liệu đếm xe qua BOT: BOT Ninh Lộc nói gì? (ĐV). – Niềm tin của người dân với chính quyền nhìn từ các chốt chặn BOT (MTG).
Tin nhân quyền
UBND TP Hà Nội không cấm ghi hình nhưng cấm livestream trong lúc tiếp dân, báo Một Thế Giới cho biết. Theo quy định mới, lãnh đạo Hà Nội “cho phép công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc nếu công dân có đề nghị, chấp hành đúng các quy định về tiếp công dân… Vị trí ghi âm, chụp ảnh, quay phim được hai bên thống nhất trước buổi tiếp, đảm bảo không làm lộ bí mật người tố cáo, thông tin tài liệu tố cáo của công dân khác”.
Mấu chốt của quy định này là chuyện cấm livestream, vì dữ liệu livestream được truyền trực tiếp đến người xem theo thời gian thực, người ngoài không thể can thiệp, chỉnh sửa. Còn những video được quay xong rồi mới đăng thì hoàn toàn có thể bị can thiệp, sửa đổi, thậm chí chưa chắc người quay phim được bình yên mang video đó về nhà để đưa lên mạng.
Mời đọc thêm: Hà Nội đề nghị không livestream, gí camera vào mặt cán bộ tiếp công dân (TT). – Hà Nội cấm livestream buổi tiếp công dân (VNE). – Hà Nội cấm livestream hình ảnh tiếp công dân (VNN). – Hà Nội cấm dân ‘livestream’ lúc cán bộ tiếp dân (NV).
Giáo dục VN: Băng hoại
Sáng 6/3/2019, UBND huyện Việt Yên tổ chức họp báo công bố thông tin kết quả điều tra vụ ông Dương Trọng Minh, GV chủ nhiệm lớp 5A của Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang, xâm hại hàng loạt nữ sinh. Trái với sự mong đợi của nhiều người, công an và lãnh đạo huyện cho rằng, “chỉ sờ mông, sờ đùi”, chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo dâm ô học sinh, Infonet đưa tin.
Theo đó, “kết quả điều tra cho thấy, thầy D.T.M chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh nữ của lớp 5A … việc thầy M. sờ vào vùng nhạy cảm của hai em N. và em Tr, thì các em cũng chỉ nói thầy M. sờ vào vùng nhạy cảm không nói rõ được là vùng nào”. Vì các em chưa đủ ý thức nhận ra mình bị xâm hại nên ông Minh… được xem là vô tội.
Zing có bài: Công an kết luận thầy giáo Bắc Giang không dâm ô hàng loạt nữ sinh. Bài viết lưu ý: “Cháu Nguyễn Thị T. nói bị thầy Minh sờ vào vùng nhạy cảm nhưng công an huyện không thể lấy lời khai của cháu do bố cháu kiên quyết không cho tiếp xúc”. Do một số phụ huynh thiếu ý thức về chuyện con cái của mình bị xâm hại, nên “thầy giáo” ấu dâm này thoát tội.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Hành vi “sờ đùi, sờ mông” học sinh của thầy giáo được gọi là gì? Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, thừa nhận, “mức độ hành vi của thầy Minh đã có tính chất xâm hại đến thân thể của học sinh. Nhiều học sinh nói thầy véo tai rất đau, khiến các em sợ hãi”.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: “Sờ mông, sờ đùi trẻ em”, không phải dâm ô thì là gì? Bài viết dẫn lời một độc giả phân tích: “Ở nước ngoài, chỉ cần đối tượng tàng trữ hình ảnh khiêu dâm của trẻ đã có thể bị bắt để ngăn chặn các hành vi có thể đe dọa trẻ em. Ở đây, cần thấy trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm, bảo vệ, việc một thầy giáo có những hành vi sờ mông, sờ đùi có thể coi là quấy rối”.
Công an Thừa Thiên – Huế vừa khởi tố nguyên hiệu trưởng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan điều tra cho biết, cựu hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hợp lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 900 triệu đồng, là tiền “chạy chức” giáo viên không thành cho nhiều người.
Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa vừa cảnh cáo thầy giáo dùng thước đánh nữ sinh hàng chục cái, theo báo Tuổi Trẻ. Trước đó, ngày 19/1/2019, ông Lê Trường Thọ đã phạt đánh bằng thước một nữ sinh 100 cái vì không thuộc bài, “từ chức” và nói tục. “Thầy Thọ đánh em T. được khoảng 10 thước thì em khóc nên nhiều bạn khác lên chịu thay, sau đó em T. bị thầy Thọ đánh tiếp. Em T. và các bạn bị đánh khoảng 72 thước”.
Chuyện ở Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh: Nghi án dùng thịt lợn có sán chưa dứt, trường mầm non bị tố nhập thịt gà hôi thối, theo VietNamNet. Hiệu trưởng trường này đã bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày, công an huyện “cũng tạm dừng toàn bộ mọi hoạt động nhập thực phẩm từ công ty TNHH Hương Thành và đóng cửa bếp ăn bán trú của trường trong 2 tuần”.
Mời đọc thêm: Công an Việt Yên: Chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo dâm ô 15 học sinh tiểu học (MTG). – Phó chủ tịch huyện Việt Yên, Bắc Giang: Thầy giáo trường Tiên Sơn ‘không dâm ô hàng chục học sinh’ (VTC). – Vụ thầy giáo sàm sỡ hàng loạt học sinh lớp 5: Sờ mông, đùi, má có phải là hành vi dâm ô? (NĐT). – Luật sư phân tích về hành vi” sờ mông, sờ đùi” của thầy giáo với nhiều học sinh tại Bắc Giang (PL Plus). – Liệu có vội vàng khi kết luận thầy giáo ở Bắc Giang chưa có hành vi dâm ô? (Infonet). – “Sờ mông sờ đùi trẻ em không phải dâm ô”: Gia đình có thể khiếu kiện (DV).
– Khởi tố nguyên hiệu trưởng lừa hơn 900 triệu chạy việc (Zing). – Bắt giam nguyên hiệu trưởng chiếm đoạt hàng trăm triệu của đồng nghiệp để chạy việc — Vụ thức ăn nghi nhiễm sán tại trường mầm non ở Bắc Ninh: Công an vào cuộc điều tra (NĐT). – Nghi án thực phẩm bẩn tuồn vào trường học ở Bắc Ninh: Đình chỉ công tác hiệu trưởng (Thanh Tra). – Bếp ăn trường mầm non ở Bắc Ninh sử dụng thịt kém chất lượng (VNE).
Lâm tặc hoành hành
Trang Pháp Luật VN có bài: Tan hoang rừng cổ thụ tại huyện Đăk Tô vì lâm tặc. Bài báo mô tả vụ phá rừng ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, Kon Tum: “Khu vực bị tàn phá trải rộng khắp cánh rừng, tại nhiều địa điểm. Những khu vực có cây gỗ cổ thụ, đường kính lớn thì bị cưa nhiều. Để phục vụ cho việc kéo gỗ dễ dàng, lâm tặc còn chặt bỏ cây có đường kính nhỏ ven đường. Chính vì thế khung cảnh khu rừng trở nên nham nhở, tan hoang”.
Vụ phá rừng với quy mô lớn như vậy, nhưng ông Phạm Văn Bình, Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô lại nói: “Hiện tại, tôi chưa biết vụ phá rừng trên địa bàn quản lý như thông tin PV nêu”, dù ông này thừa nhận trách nhiệm quản lý phần rừng nói trên.
Báo Tuổi Trẻ viết: Tây Giang gìn giữ rừng xanh – Kỳ 1: Sáu năm một vụ phá rừng. Theo bài viết, “ở nhiều nơi, những vụ án phá rừng được ngành nội chính xét xử như cơm bữa nhưng ở Tây Giang, việc phá rừng lại được xem là… chuyện hiếm”. Trong thập niên vừa qua chỉ có một vụ phá rừng ở đây bị xử rất mạnh tay vào 6 năm trước, “bị cáo là người nhà của bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ríu Liếc” nhưng chính ông Liếc, người Cơ Tu, đã thúc đẩy quá trình điều tra vụ án.
Mời đọc thêm: Vụ phá rừng nghiêm trọng ở Kon Tum: Gần 40 gốc cây cổ thụ bị xẻ thịt (Infonet). – Sau tố cáo phá rừng, về nhà thấy vườn tiêu, cao su bị chặt phá (LĐ). – Bình Phước: Người tố cáo phá rừng bị chặt cao su và tiêu để trả thù? (KTĐT). – Gia Lai tan hoang rừng biên giới (TN). – Chùm ảnh: Tan hoang rừng biên giới Gia Lai (VOV).
***
Thêm một số tin: Du khách Mỹ và Canada kể chuyện bị tấn công tại Hà Nội (BBC). – Ý nghĩa các xác ướp lãnh tụ cộng sản (VOA). – Cướp hoa sau hội nghị thượng đỉnh, xử lý sao? (PLTP). – Vụ đánh bạc nghìn tỉ: Muôn vàn lý do viết đơn kháng cáo (MTG). – Đầu tháng 4, tiếp tục xét xử phúc thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương (DV). – Đoàn xe ‘siêu tải” đại náo đê Hữu Hồng: Liệu có sự tiếp tay? (GTVT).