“Tiền phạt” hay chuyện vui về “bệnh nghề nghiệp”

Văn Biển

7-7-2018

Lâu lắm chúng tôi mới gặp lại. Tôi rủ anh bạn ra quán làm chầu bia. Hàn huyên một lúc, anh bạn rỉ tai:

– Món đó ở đây có dễ kiếm không? Từ dạo ly dị tới giờ mình sống như thầy tu khổ hạnh.

– Thế ở vùng cậu công tác kiếm không ra à?

Khổ nỗi cậu biết đấy, làm cái nghề của mình nhất cử nhất động phải giữ gìn. Hàng trăm con mắt nhìn vào.

Tôi nháy mắt một anh chạy bàn.

– Này, anh bạn tôi mới ở vùng cao chân ướt chân ráo về, cậu xem món đó có dễ không, tìm cho một người.

Anh chạy bàn cười: 24/24. Lúc nào cũng sẵn. Chỉ mươi phút sau, anh ta dẫn tới một cô nàng xinh xắn. Vừa nhác thấy “đối tượng” mắt anh bạn tôi sáng lên, sau vài câu, họ dắt nhau đi.

Khoảng một tiếng sau hai người trở về. Họ không tới chỗ tôi mà ngồi ở một bàn khác. Quãng cách khá xa nên tôi không nghe họ nói gì với nhau. Nhưng thói quen nghề nghiệp, tôi không bỏ lỡ dịp quan sát. Hầu như chỉ có mỗi anh bạn tôi nói. Anh nói khá nhiệt tình sôi nổi.

Tôi đoán già đoán non, chắc anh bạn gặp được ý trung nhân và đang thuyết phục người đẹp về với mình. Tôi nghĩ ở trường hợp anh cũng phải thôi. Mới ngoài bốn mươi, bước thêm bước nữa là chuyện bình thường. Điều làm tôi quá đỗi ngạc nhiên nếu thực đúng như tôi nghĩ thì anh đã dũng cảm vượt qua mọi thành kiến, vượt qua ý thức hệ nghề nhiệp của mình. (Anh bạn tôi công tác ở ban Văn hóa Tư tưởng tỉnh): Lấy đĩ làm vợ. Điều đó xem ra không dễ đâu. Mặc dầu dân gian có câu: “Lấy đĩ làm vợ chứ không ai lấy vợ làm đĩ”.

Cuộc nói chuyện của họ đâu hơn nửa tiếng. Lúc đứng dậy chia tay, cô gái kỳ kèo điều gì đó, anh bạn tôi móc ví ra đưa tiền cho cô gái rồi trở lại chỗ tôi.

– Có phải vừa rồi cậu thuyết phục cô nàng góp gạo thổi cơm chung không? Nom cô ta có vẻ được đấy. Tôi nói.

Anh bạn tôi vẻ ngạc nhiên:

– Cậu nghĩ sao tớ lại làm chuyện đó.

– Vậy hai người nói với nhau những chuyện gì mà lâu vậy? Mình tưởng việc đó xong rồi, đường ai nấy đi. Tiền trao cháo múc. Mà cậu đưa cô ta tiền gì vậy?

– À… tiền ngồi thêm nửa giờ… 500.000đ.

– Nghe cô ta hát phải không. Nếu hát hay thì cũng được thôi. Vừa nhìn người đẹp vừa nghe hát. Rẻ chán.

– Không, chẳng hát với hò gì hết. Mình khuyên cô ta nên kiếm một nghề khác làm ăn sinh sống. Vừa tốt cho mình, vừa đẹp cho xã hội. Phải tạo một xã hội trong lành.

Chỉ mỗi chuyện đó mà sao phải mất hơn nửa tiếng?

– Chẳng dễ như cậu nghĩ đâu. Mình thông báo cho cô ta xã hội đang xuống cấp trầm trọng, đạo đức băng hoại. Mỗi cá thể chịu một phần trách nhiệm. Nếu ai nấy cứ “hồn nhiên” sống như mình muốn thì chẳng mấy hồi đất nước này tiêu tan.

– Cô ta chịu nghe chứ?

– Chẳng biết có nghe không, nhưng chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ.

– Chắc có hẹn khách.

– Chẳng biết. Nhưng mình phải nói cho hết. Còn nghe hay không là việc của cô nàng.

– Rồi sao?

– Cậu thấy đấy. Tới lúc nàng phải đi. Trước lúc đi cô ta đòi tiền. Lẽ ra mình đòi tiền cô ta thì ngược lại cô ta đòi mình trả tiền ngồi nghe. Mấy chục năm làm nghề tuyên huấn, nói hàng trăm nghìn lần, mấy triệu lượt người nghe có mất một xu nào đâu. Vô lý thật. Mất toi nửa triệu không tiếc, mà tức chuyện ngược đời.

Trông bộ anh bạn tôi vẫn còn hậm hực, khoản tiền tự dưng bị mất khống đó. Lại thêm tốn bao nhiêu nước bọt.

Tôi cố nín cười: Cô ả đòi tiền là đúng. Nếu là tớ, tớ phải đòi gấp đôi, gấp ba.

Cậu bảo đúng ở chỗ nào?

Cô ả đòi nộp tiền phạt.

Ô hay, ông bảo phạt, phạt gì?

Phạt cái tội… ngu. Đã chơi gái, chơi xong lại còn bắt người ta ngồi nghe rao giảng đạo đức. Lại giảng gần cả tiếng đồng hồ, có chết người ta không? Mà không biết chữ nghĩa ông ở đâu mà nhiều thế. Có phải chuyện trái khoáy không?

____

Tạp bút của Văn Biển. Mời đọc lại: Lịch sử là thằng nào mà ác thế?  —  Xin đừng biến nhân dân thành cái sọt rác  —  Câu hỏi vu vơ nhưng… câu trả lời chắc như đinh đóng cột  —  Bức chân dung đẹp nhất hay ông vua chột và họa sĩ  —  Các Mác và pho tượng của mình ở Đông Đức cũ —  Pho tượng Lê-Nin ở Hà Nội và chiếc bóng của mình — “Tiền phạt” hay chuyện vui về “bệnh nghề nghiệp” (TD).

Bình Luận từ Facebook