VN: Quân đội làm kinh tế là ‘nhiệm vụ chính trị’

BBC

5-7-2017

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đồng tình về kết hợp kinh tế với quốc phòng, theo báo Quân đội Nhân dân. Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chính trị, không phải vì kinh tế đơn thuần, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam hôm 04/7/2017 dẫn lời một cựu Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng cho hay.

“Tôi đồng tình với nội dung các bài viết về vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng của Báo Quân đội nhân dân nêu lên gần đây. Cách đây ít lâu, khi thực hiện cuốn hồi ký “Đời chiến sĩ”, tôi cũng dành nhiều tâm sức tổng kết vấn đề này,” Đại tướng Phạm Văn Trà được dẫn lời nói trong bài báo ‘Kết hợp kinh tế với quốc phòng – nhiệm vụ chiến lược lâu dài: chủ trương lớn vẫn nguyên giá trị’.

“Tôi cho rằng, kết hợp kinh tế-quốc phòng (KTQP) với các cơ sở công nghiệp quốc phòng là ngoài sản xuất hàng quốc phòng, cần phải sản xuất hàng tiêu dùng, phát huy tính năng lưỡng dụng của cơ sở.

“Với các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thì tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội và tăng cường thế trận hậu cần nhân dân. Lực lượng khoa học kỹ thuật của quân đội có thể kết hợp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nếu thực hiện tốt, quân đội sẽ trở thành một trường học lớn của thế hệ trẻ.”

‘Là nhiệm vụ chính trị

Tướng Phạm Văn Trà trong lần tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tới thăm Việt Nam hồi tháng 6/2006. Ảnh: AFP

Tướng Trà nhấn mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị được nhận thức qua thời gian, ông nói:

“Ngay từ những ngày đầu làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tôi đã đưa vấn đề ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo bộ nhưng không phải ngay từ đầu đã có sự thống nhất. Có một số anh không đồng tình, cho rằng làm kinh tế là đi buôn. Nhưng dần dà, các anh ấy cũng nhận ra quân đội kết hợp kinh tế với quốc phòng là vì nhiệm vụ chính trị, chứ không phải là kinh tế đơn thuần.”

Tướng Trà cho rằng kết hợp kinh tế – quốc phòng là cách thức giúp ‘nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng’, nêu ra ba ví dụ về ba cơ sở công nghiệp và kinh tế quốc phòng mà theo ông là những ví dụ về thành công, thậm chí ‘có thương hiệu, uy tín quốc tế’, ông nói:

“Hiện nay, nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng của ta được trang bị máy móc tương đối hiện đại, nhưng nhu cầu sản xuất hàng quốc phòng chỉ 20-30%, không kết hợp sản xuất hàng dân dụng thì lấy gì để tồn tại, nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng?

“Nhà máy Z76 là một ví dụ, nhờ sản xuất hàng dân dụng mà doanh thu hàng nghìn tỷ, trở thành một thương hiệu có uy tín quốc tế đồng thời có tiềm lực đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhiệm vụ quân sự. Tổng công ty trực thăng Việt Nam, bằng vốn tự tích lũy qua sản xuất kinh doanh đã trang bị cho mình hàng chục chiếc máy bay trực thăng thuộc loại hiện đại nhất nhì thế giới.

“Tập đoàn Viễn thông Quân đội khi ra đời cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng qua thực tiễn hoạt động đã chứng minh là một mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước hiệu quả, xây dựng và nhân lên tiềm lực KTQP không chỉ trong lĩnh vực viễn thông,” cựu Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được dẫn lời nói.

Hồi tháng 10/2015, báo chí Việt Nam giới thiệu một nghị định mới về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Chính phủ Việt Nam ban hành, viết rằng:

“Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao quản lý và sử dụng phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.”

‘Thực hiện chủ trương Đảng’

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản của quân đội Việt Nam và là trách nhiệm chính trị của quân đội. Ảnh: Reuters/ Getty

Hôm thứ Tư, chuyên trang Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng bài viết của một Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng nêu quan điểm về sản xuất và xây dựng kinh tế của quân đội.

“Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế – xã hội là một chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế,” Thượng tướng Trần Đơn viết.

Tướng Đơn, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Tư lệnh quân khu 7, nhấn mạnh nhận thức ‘chính trị’ về quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, cảnh báo quan điểm ‘sai trái’ và sự chống phá của ‘thế lực thù địch’ làm suy yếu quân đội, đồng thời đề nghị đưa các hoạt động sản xuất, kinh tế nói trên ‘đi vào chiều sâu’, ông viết:

“Toàn quân phải thống nhất nhận thức: tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, là sự tiếp nối, phát huy tư tưởng, truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Tịnh vi nông, động vi binh” của dân tộc trong thời kỳ mới.

“Cùng với đó, chủ động, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề này, nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội và nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội, cổ súy cho việc xây dựng quân đội theo kiểu quân đội nhà nghề của các nước phương Tây.

“Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội tiếp tục nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội đi vào chiều sâu.

Có khác biệt quan điểm?

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, quốc phòng của quân đội Việt Nam đã đóng góp tốt cho nhiệm vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế của đất nước, theo một số quan chức quân đội nước này. Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP

Hiện chưa rõ các quan điểm nói trên trong giới chức cao cấp quân đội Việt Nam có gì mâu thuẫn hay khác biệt thế nào và vì sao, với một phát biểu trước đó của một Thứ trưởng Quốc phòng khác của Việt Nam về cùng chủ đề.

Hôm 23/6/2017, Thượng tướng Lê Chiêm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng, được báo Dân trí dẫn lời trong bài báo có tựa đề ‘Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: Quân đội sẽ thôi làm kinh tế’, nói:

“Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để “lăn tăn” các doanh nghiệp làm kinh tế…

“Đây là quan điểm của Quân ủy Trung ương… Cương quyết làm đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.”

Về dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Lê Chiêm được tờ báo dẫn lời nêu quan điểm:

“Dự án sân golf Tân Sơn Nhất có từ năm 2007, được 8 Bộ và Thủ tướng Chính phủ thời đó phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết.

“Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không, lấy đất làm sân bay”, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định.”

“Toàn bộ quỹ đất quốc phòng trên địa bàn TPHCM là rất lớn, có lịch sử để lại từ xa xưa. Theo yêu cầu, sắp tới cầu sẽ thanh tra toàn bộ đất Quốc phòng”, phát biểu của Tướng Chiêm được đưa tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, theo báo Dân trí của Việt Nam.

Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ hôm 06/7/2017 được phát vào lúc 19h00 giờ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi về đề tài này, mời quý vị đón theo dõi.

Bình Luận từ Facebook