Trương Minh Ẩn
21-2-2018
Mùng 2 Tết năm nào tôi cũng ghé thăm nhà người bạn, trước là chúc Tết gia đình, sau là thắp nén nhang nhân ngày giỗ của người em anh. Người đã hy sinh ở Campuchia, người lính ở Mặt trận biên giới Tây Nam.
Tình cờ, mùng 2 năm nay trùng ngày 17/02. Ngày này, cách nay 37 năm về trước, tức ngày 17/02/1979, Trung Quốc đã đưa quân xâm lăng nước ta ở biên giới phía Bắc. Quân Trung Quốc gặp phải sự chống trả kiên cường của Quân đội và Địa phương quân nước ta, nên không thực hiện được mưu đồ bành trướng, hay ý đồ ‘xóa sổ Việt Nam’ của Đặng Tiểu Bình.
Tuy vậy, chúng cũng gây nên tổn thất nặng nề, ít nhất là 10.000 quân ta đã hy sinh, chúng giết chết với nhiều hình thức dã man hàng ngàn người dân vô tội, nhiều làng mạc, thị tứ bị sang phẳng. Dĩ nhiên, quân chúng thương vong cũng nặng nề, còn hơn cả quân mình, có nguồn ước tính đã có ít nhất 20.000 quân bỏ mạng. Tôi phải nói như vậy bởi, hiện nay chính quyền bưng bít thông tin, không muốn nhắc tới vì “anh bạn vàng”, nên không có số liệu thống kê rõ ràng. Thậm chí, những người lên án, hoặc chỉ nhắc tới, sẽ đối mặt với tù tội.
Tôi khấn vái cho người em anh bạn, mời những người bạn của anh cùng chiến trường, nhân tiện khấn vái, mời các anh hy sinh ở Mặt trận phía Bắc nếu có “chu du” nơi này thì cùng hưởng chút hương hoa.
Và tôi gặp một Bà Má nhà hàng xóm, Má đem lỉnh kỉnh một mớ quà sang. Bà Má má anh bạn nói đùa: “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng qua thăm Bà Mẹ Việt Nam… ung hành”.
Bà Má hàng xóm đích thị là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng bà gạt phăng ngay: “Dạ, thưa chị, với tôi Bà Mẹ Việt Nam nào cũng anh hùng hết. Riêng tôi, chính tôi mới là ‘ung hành’ trong mắt chính quyền, trong mắt lũ cán bộ. Tổ cha lũ cán bộ thối tha, lũ tham lam vong ân bội nghĩa…”
Bà Má anh bạn hỏi: “Đem quà chi mà nhiều dữ, quà ở đâu nhiều vậy chị?”
Bà trả lời: “Thì của chính quyền, cơ quan đoàn thể đem lại. Nhưng tôi không có tiếp, tụi nó là những đứa cóc ké, bị bổn phận làm theo chính sách thôi, đâu có cái tâm chân thành. Những thằng cán bộ gộc mà ngày xưa mình nuôi nó, có thấy mặt mũi đứa nào đâu. Nhưng chị yên tâm, quà thì tôi lấy hết, ngu gì không lấy, lấy đem chia sớt cho mọi người, đó cũng là từ tiền của dân mà thôi, tôi không nhận thì chúng cũng chia nhau ăn hết”.
Uống ngụm nước trà, Bà tiếp: “À, chị đừng có giả bộ hỏi này hỏi nọ, muốn chặn tôi không nói chứ gì, đâu có được”. Bà nói một tràng liền nữa: “Những đứa cán bộ gộc bây giờ tới thăm bà Mẹ Việt nam Anh Hùng chẳng qua làm màu, lấy danh tiếng, chứ chẳng thật tâm. Thật tâm sao không lo cho đầy đủ hết. Biết bao đứa hy sinh ở khắp các nơi, ở miền Bắc, ở Campuchia, ở Hải đảo, sao không được đả động gì tới? Bà Mẹ những đứa này không anh hùng hay sao, như bà chị đây?
Tôi nói thật nghen, tôi có hai đứa con hy sinh thời đánh với Mỹ, đau điếng chứ nhưng ít ra mình nghĩ nó đã đóng góp để mang lại hòa bình cho đất nước, nên nỗi đau có vơi đi phần nào, làm sao đau bằng nỗi đau của các chị, khi tưởng đã hòa bình rồi, yên ổn rồi thì đùng cái lại xảy ra chiến tranh tiếp, mất mát tiếp, chắc chắn mỗi đau này phải đau hơn cả. Vậy mà còn bị bỏ rơi. Tất cả là ý đồ riêng của lũ cán bộ hết.
Ngày xưa, tôi ở vùng làng quê, người ta gọi là vùng ‘xôi đậu’, bị dụ dỗ tiếng ngon tiếng ngọt, phải theo, chứ biết được bô mặt thật xấu xa thì đã dẫn mấy đứa con bỏ đi như một số người, ngày đó mình còn chửi họ nữa. Tôi có anh hùng gì đâu, nghe nó kỳ kỳ. Tôi đã chứng kiến những Bà Mẹ, hy sinh hết bản thân mình lo cho con cái, thậm chí chứng kiến có người âm thầm đi bán từng giọt máu của mình để con cái được học hành tới nơi tới chốn, đứa thành bác sĩ cứu người, đứa thành kỹ sư giúp đời, những Bà Mẹ này quá anh hùng đi chứ…”
Trên đường về, giọng cùa Bà Má hàng xóm cứ văng vẳng mãi bên tai, và làm tôi cứ miên man suy nghĩ.
Bà không nhận mình là anh hùng, nhưng bà thật sự anh hùng. Cũng như bà nói, tất cả các Bà Mẹ đều anh hùng, đúng, rất đúng, trừ những người bất nhân mà ở đâu cũng có thì với những hành động khác nhau, tất cả các Bà Mẹ đều như vậy. Cho nên, thay vì phong anh hùng thì gắn huân chương, chẳng hạn như ‘Bắc đẩu bội tinh’ để ghi ơn cho các Bà Má chịu nhiều mất mát, đau thương, những Bà Má có công… thì đúng hơn.
Và, những hy sinh của tất thảy mọi người, vô tình góp phần cho sự cố tình của một nhóm người theo ‘chủ nghĩa cơ hội’ mà bây giờ đang nắm quyền hành. Làm gì có ‘chủ nghĩa dân tộc’ ở họ. Nếu có ‘chủ nghĩa dân tộc’ thì làm gì có chuyện họ bắt tay với kẻ xâm lăng, kẻ chà đạp dân tộc mình, thậm chí tôn kẻ thù ngàn năm của dân tộc làm đàn anh trong thế giới đại đồng. Làm gì có giải phóng để thực thi ‘chủ nghĩa xã hội’, giải phóng để thực thi công bằng xã hội, không, giải phóng để tạo thêm đầy rẫy bất công, để chỉ những nhóm người cơ hội này hưởng lợi lộc, hưởng quyền mà thôi.
© Copyright Tiếng Dân