Các quan chức nào đã quyết định chọn “Hãng hàng không Bikini Việt Nam” để chở đội tuyển U23 về nước

Hiếu Bá Linh

29-1-2018

Sự phẫn nộ của hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong và ngoài nước là đúng và chính đáng, nhưng họ trút cơn giận dữ, ném đá vào các cô người mẫu và hãng hàng không Vietjet Air là không đúng chỗ.

Hôm qua, những hình ảnh phản cảm của màn trình diễn bikini trên chuyến bay của hãng hàng không Vietjet chở đội tuyển bóng đá U23 về nước, đã gây bức xúc trong dư luận cả nước. Sự phẫn nộ của hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong và ngoài nước là đúng và chính đáng, nhưng họ trút cơn giận dữ, ném đá vào các cô người mẫu và Vietjet là không đúng chỗ.

Những cô gái mặc bikini trên chuyến bay của Vietjet Air đón thầy trò Park Hang-seo của đội tuyển U23

Màn trình diễn bikini trên máy bay đã từ lâu là một chiến thuật marketing của hãng hàng không Vietjet Air. Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã không giấu giếm gì về việc dùng chiến thuật tiếp thị này với đài truyền hình CNBC (CNBC là kênh chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ, được phát sóng 24/24. Hiện nay, kênh có tới 390 triệu khán giả trên khắp thế giới) và đài CNBC đã gọi Vietjet là “Hãng hàng không Bikini Việt Nam”:

Video clip đài truyền hình CNBC phỏng vấn Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thuần về phương diện kinh doanh bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một doanh nhân thành đạt. Cách đây 1 tuần theo cập nhật mới nhất của tạp chí danh tiếng Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản 3,1 tỷ USD xếp hạng ở vị trí thứ 780 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Thành công của Vietjet Air đã giúp bà Thảo là trở thành nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á.

Màn trình diễn Bikini trên các chuyến bay của Vietjet đã có ít nhất từ hơn 5 năm nay, đây là một thí dụ vào tháng 8 năm 2012:

Video clip màn trình diễn Bikini trên chuyến bay của Vietjet.

Nói tóm lại, Hãng hàng không Vietjet đã từ lâu có những màn trình diễn bikini trên các chuyến bay; Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã công khai, không giấu giếm chiến thuật marketing này và qua đó Vietjet được mệnh danh là “Hãng hàng không Bikini Việt Nam” (Vietnam’s Bikini Airline).

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐ Việt Nam) ra công văn xin huỷ vé của Vietnam Airlines (từ Thường Châu – Hà Nội) để nhận tài trợ của “Vietnam’s Bikini Airline” chở đoàn bóng đá U23 về nước. Những ai ở LĐBĐ Việt Nam đã ra quyết định thay đổi vào giờ chót như thế này? Và lý do tại sao?

Công văn của LBBĐVN huỷ vé của Vietnam Airlines từ Thường Châu – Hà Nội để nhận tài trợ của Vietjet Air.

Một câu hỏi cũng được đặt ra, những ai ở Tổng cục Thể dục Thể thao (TCTDTT) đã quyết định chấp thuận đơn xin này? Các quan chức trong LĐBD Việt Nam cũng như trong TCTDTT ra quyết định vào phút cuối này có được Vietnam’s Bikini Airline “tài trợ” riêng không? Thậm chí, liệu rằng vụ việc này có thể có liên quan đến cấp cao hơn nữa hay không?

Như vậy, từ hôm qua đến nay cơn thịnh nộ của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước đã trút nhầm chỗ.

Bình Luận từ Facebook