Phỏng vấn nhà báo Đoan Trang sau khi bị công an câu lưu hôm 16-11-2017

LTS: Sau cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Liên minh châu Âu với các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam sáng 16/11/2017, nhà báo Đoan Trang đã bị an ninh bắt cóc, đưa vào đồn công an phường Cống Vị “làm việc” và câu lưu suốt nhiều tiếng đồng hồ. Blogger Đinh Thảo có cuộc phỏng vấn nhà báo Đoan Trang sau cuộc bắt bớ này, kính mời quý độc giả lắng nghe audio phỏng vấn:

Đinh Thảo: Chị có thể nói ngắn gọn về cái cuộc bắt bớ ngày hôm qua được không ạ?

Đoan Trang: Cuộc bắt bớ ngày hôm qua diễn ra sau khi tôi ở trong cuộc họp với EU, với phái đoàn EU ra. Ra ngoài thì CA thường phục họ cứ xô vào rồi bắt đi thôi. Họ đẩy vào ô tô và đi thôi. Nó chỉ đơn giản là vậy, họ đưa vào đồn. Họ nói là, làm việc.

Đinh Thảo: Đồn là ở đâu hả chị, đồn ở số bao nhiêu chị có biết không?

Đoan Trang: Phường cống Vị, số 144. Đường … đường gì? Phường Cống Vị là ở đường (không rõ) đường Đống Ngữ à 144, phường Cống Vị …

Đinh Thảo: Chị làm việc với họ tất cả trong bao nhiêu lâu ạ?

Đoan Trang: Từ 11:30 trưa cho đến khuya. Lúc buổi khuya thì mình không rõ, nhưng có lẽ trước 12 giờ, trước 11 giờ.

Đinh Thảo: Trước 11 giờ tối ạ, 11 giờ đêm?

Đoan Trang: Vâng, coi như là 12 tiếng.

Đinh Thảo: Trong quá trình làm việc với chị, họ có sử dụng bạo lực không?

Đoan Trang: À, không.

Đinh Thảo: Ngay kể cả những lời nói đe doạ?

Đoan Trang: À đe doạ thì nhiều, nhưng làm gì nhau. Đe doạ thì kiểu như là, tất cả những đứa có bằng chứng thì đều đi bóc lịch rồi, còn chị thì cũng sắp thôi. Cứ chờ đấy, sắp thôi. Nhanh lắm.

Đinh Thảo: Dạ

Đoan Trang: Rồi thì là, những cái thành phần kiểu như chị thì chúng ta còn lạ gì nhau, cho nên là, gọi là, nếu khôn hồn thì hợp tác còn không thì đại khái họ cũng đe doạ nhiều, không thì còn lâu lắm đấy, các thứ. Thật ra tôi không, nói chung thì vì đối với tôi thì nó không có tác dụng gì nên tôi cũng không nhớ lâu. Chỉ buồn cười.

Đinh Thảo: Trong suốt thời gian từ lúc chị về nước đến giờ hoạt động, đặc biệt trong năm vừa qua, chị đã bị bắt bớ rất nhiều lần và mỗi lần đều có thể là lần bị bắt cuối cùng. Vậy thì chị đã chuẩn bị tinh thần cho mình như thế nào ạ?

Đoan Trang: Tôi thì bất kể khi nào lên đồn, thì tôi không bao giờ nghĩ là sẽ về cả, luôn luôn nghĩ rằng đây có thể là lần cuối cùng, mình vào là sẽ bị bắt. Tức là vào là sẽ không bao giờ trở ra cả. Cho đến ngày hôm qua, khi họ đưa tôi về nhà bằng ô tô của họ, thì tôi luôn luôn nghĩ là họ có thể chuyển hướng lái, tức là không phải lái về phía nhà tôi mà đi về một phía khác, B14 hoặc một nơi nào khác ngay lập tức, bất thình lình. Vì, bên họ rất là thích chơi, chơi những cái bài gọi là gây bất ngờ, yếu tố bất ngờ. Gọi là ụp lấy bất ngờ.

Ví dụ như là, lúc nào họ cũng bảo không có gì đâu, không có gì đâu, rồi đột nhiên một đám bật cửa, cánh cửa bỗng bật tung ra và một đám công an thường phục xông vào, mặt nghiêm, tay cầm máy quay phim giơ lên và dõng dạc đọc, “đây lệnh bắt đây”. Và nó đọc lệnh bắt và sau đó là hai mươi mấy ông ấy, ụp vào, chộp lấy mình đẩy ra xe đưa đi. Khi đi đến nửa chừng lại đổi xe, qua một xe khác phóng rất nhanh về phía trại giam. Tức là họ luôn luôn gây yếu tố bất ngờ và họ muốn gây cảm xúc sợ hãi, nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất cho người bị bắt. Tôi trải qua rồi, nên tôi thấy không bao giờ được có cái tâm lý choáng bất ngờ.

Thành ra, tôi cứ xác định là đã vào là sẽ không ra nữa. (chuckles) Và khi họ bảo là không có gì đâu, thì cứ nghĩ là sẽ có. (chuckles) Vâng, vì thế, sẽ chẳng có cái tâm lý sốt ruột, muốn về. Mệt, đói, muốn về. Thôi, cứ nói cho xong rồi về. Không được sốt ruột. Cứ xác định là ngồi rất lâu. Tỷ phú thời gian. (chuckles). Có thể không ra nữa, và thời gian khi ra có thể là 10 năm, 20 năm. Biết đâu đây.

Đinh Thảo: Nếu trong trường hợp tình huống xấu nhất là chị bị bắt và bị kết án như là 10 năm, 20 năm như chị vừa nói, thì chị suy nghĩ sao về tình huống này và có điều gì là điều mà chị muốn chia sẻ lại với mọi người và đặc biệt là người trẻ không ạ?

Đoan Trang: Tôi có quá nhiều công việc để làm cho nên rõ ràng nếu phải mất một thời gian lớn như thế cho một việc vô tích sự như là ngồi tù, là điều tôi cũng không muốn vì mình còn quá nhiều việc để làm ở bên ngoài. Có thể nói tôi là một dạng người chả bao giờ hết việc cả, luôn chân luôn tay. Đầu óc luôn chân luôn tay, thành ra đi tù là một điều gì đấy rất không mong muốn.

Nhưng mà đương nhiên, không thể để cái chuyện đấy trở thành một nỗi sợ cản trở mình được. Quan điểm của tôi là, chừng nào còn sợ, bất kể cái gì, thì chẳng làm được cái gì cả, trong cái chuyện hoạt động này. Không nói các chuyện khác, nhưng trong chuyện đấu tranh dân chủ ấy, không thể để một nỗi sợ nào len vào người. Đừng sợ nhỏ nhất, ví dụ như sợ bẩn, sợ đói, sợ làm tổn thương mẹ hay là người thân. Tức là còn cái gì vương vấn ấy, kể cả gia đình, còn là nỗi sợ, còn là cái cản trở, thì mình không làm được gì cho ra hồn, lúc nào cũng phải giữ. Mà công an họ biết được cái đấy nhanh lắm, họ phát hiện ra những cái điểm cản trở mình, các khe hở để họ nhắm đánh vào nhanh lắm. Cho nên đi theo con đường này không được sợ. Không được sợ cái gì cả.

***

Đinh Thảo: Sau vụ bắt bớ ngày hôm qua, cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến tình hình của chị. Chị có lời nào muốn chia sẻ đến họ không ạ?

Đoan Trang: Tôi luôn mong muốn CĐQT đừng quan tâm đến tôi hay bất kể một cá nhân nào với tư cách cá nhân. Tức là tôi không cần sự quan tâm đến một cá nhân, tôi muốn họ quan tâm đến những vấn đề lớn hơn. Bởi vì từ trước đến giờ các bạn đều thấy có một hiện tượng mà chính quyền độc tài như VN hay lợi dụng, đó là nó dùng nhân tâm, và dùng cá nhân, dùng sinh mạng cá nhân, thân phận cá nhân để làm các vật mặc cả với quốc tế. Và rồi họ lờ những cái quan trọng.

Chẳng hạn, thay vì xóa bỏ điều 258, thì họ chơi cái trò là họ thả người theo điều 258, đúng không ạ? Thả người theo lời yêu cầu của nước ngoài, đổi lấy một số cái hiệp định, điều khoản, hiệp định hay một cam kết quốc tế nào đấy có lợi cho họ, một cái lợi ích kinh tế nào đấy. Đẩy một ông tù nhân lương tâm đi nước ngoài thế là xong. Những cải cách lớn về pháp luật, thể chế họ lờ hết. Họ không bao giờ thay đổi luật theo hướng chúng tôi đề nghị, theo hướng các nhà hoạt động đề nghị cả. Họ thay đổi theo hướng là quản lý chặt hơn và có lợi cho họ hơn.

Đó là cái ý tôi muốn nói ở đây, là cái bẫy của chính quyền VN, của các nhà độc tài. Tức là dùng những sinh mạng cá nhân, các thân phận cá nhân để làm con tin hoặc con bài mặc cả với phương Tây, và lờ những cái cải cách lớn đi.

Và tôi không muốn phương Tây như vậy, không muốn cộng đồng quốc tế như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không cần họ phải quan tâm đến từng cá nhân ấy đâu hay theo khía cạnh quan tâm cá nhân. Mặc dù điều đấy rất là tốt, và chúng tôi phải nói là chúng tôi rất cảm ơn. Nhưng tôi mong muốn những thứ lớn hơn, chúng tôi mong muốn những sự thay đổi về thể chế, về các thiết chế.

Chúng tôi mong muốn là họ nhìn nhận rằng chính quyền VN hiện giờ là một chính quyền độc đảng và độc tài. Chứ nó không như họ vẫn nói rằng, chính quyền VN là một chính quyền chính đáng, có đủ tính chính danh. Nhưng, tôi nghĩ vấn đề quan trọng cần được thừa nhận đó là một chính quyền độc tài. Nó không chấp nhận có một lực lượng cạnh tranh nào trong nước cả, nửa thế kỷ nay.

Thế thì, khi họ công nhận nó, công nhận tính chính danh của nó, cũng có nghĩa là họ không công nhận tính chính danh của một thế lực nào khác, một lực lượng nào khác, họ không công nhận một cơ hội nào khác cho người dân VN, cá nhân tổ chức nào khác của VN được tham gia chính trị cả. Họ luôn nhìn nhận những người hoạt động dân chủ, chính trị, hoạt động chính trị cạnh tranh với đảng cộng sản như là những nhà hoạt động nhân quyền, những cá nhân cần được giúp đỡ, những nạn nhân. Và tôi nghĩ là điều đó về mặt nhân đạo là tốt, nhưng đó không phải là ý mà chúng tôi muốn. Chúng tôi muốn chúng tôi là một lực lượng góp phần thay đổi VN theo hướng dân chủ hóa và muốn họ nghiêm khắc hơn với chính quyền VN, vì rõ ràng đây là một chính quyền độc tài.

***

Đinh Thảo: Có còn điều gì mà chị muốn nhắn nhủ nữa không ạ?

Đoan Trang: Tôi tin rằng sự thay đổi nó sẽ đến với VN trong … dưới năm năm nữa, năm sáu năm nữa. Trong vòng năm hay sáu năm nữa. Thay đổi đó là thay đổi mà tôi không biết là do nguyên nhân gì, nó có thể là một cái chính biến, có thể là, thậm chí là một thiên tai, địch hoạ hoặc một cái biến cố gì đấy, xấu, có thể thế. Tôi chỉ biết là sẽ có thay đổi.

Và, cái quan trọng là những người nghĩ rằng là mình có trách nhiệm với đất nước, mình là lực lượng tạo nên thay đổi, thì họ phải chuẩn bị cho việc đó. Các nhà hoạt động chính trị, tức là mảng dân chủ và nhân quyền, những người muốn thay đổi VN theo hướng tốt đẹp hơn ấy, đều phải tính đến chuyện chuẩn bị cho thay đổi đó. Ví dụ, đơn giản nhất là chuẩn bị làm sao cho đến khi đó, ví dụ, thiên tai xảy ra chẳng hạn, thì mình làm thế nào đảm bảo an ninh lương thực cho người VN? Đơn giản như vậy thôi. Tức là, đơn giản là tôi muốn nói, cần phải có chuẩn bị.

Cần chuẩn bị cả về mặt thể chế. Ví dụ như là, cần hiến pháp, cần các đạo luật căn bản của đất nước, đạo luật căn bản cần thiết nhất của đất nước. Cần những luật về môi trường.

Các bạn biết là riêng nước Mỹ, trong thế kỷ 20 sau cuộc cách mạng công nghiệp, trong thời đỉnh cao của cách mạng công nghiệp hóa và khoảng năm 50-60 trở đi ấy, thì nước Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến môi trường hơn. Và đã có đến 7 đạo luật lớn về môi trường. Họ điều chỉnh, điều tiết cả về thuốc trừ sâu, hóa chất, rồi thì là thực phẩm, dược phẩm, nước sạch, không khí sạch, rất là nhiều chứ không phải chỉ có một luật về môi trường.

Tất cả những cái đó, một đất nước VN trong tương lai đều cần phải có cả. Và chúng ta không nên nghĩ rằng những việc đấy để đến sau này làm. Tại sao không làm bây giờ? Không chuẩn bị từ bây giờ? Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cái sự chuẩn bị cho một tương lai khác, chúng ta phải hành động để có tương lai khác bởi vì chúng ta phải chuẩn bị cho sự thay đổi đó. Vâng.

Đinh Thảo: Cảm ơn chị rất là nhiều.

Bình Luận từ Facebook