Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

31-10-2023

Tiếp theo Kỳ 1

Bến xe đò ở Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1965. Ảnh trên mạng

Cứ nghĩ miền Bắc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà còn thế thì miền Nam bị giày xéo dưới “gót giày Mỹ ngụy” không thể nào khá nổi. Chắc đám phóng viên phương Tây kia đã “tô hồng” khung cảnh xe cộ, đường sá ở miền Nam, nhất là phố phường Sài Gòn.

Nhiều bức ảnh, ngay từ những năm 1957-1958 đường Sài Gòn đã nhan nhản xe taxi. Thập niên 1960, ô tô chạy như mắc cửi. Cũng có xe đạp, xích lô, tuy nhiên xe máy Vespa, Honda mới là đội ngũ chiếm lĩnh mặt đường. Công chức, giáo viên, nhân viên sở này sở nọ đều ngự trên xe Vespa Super hoặc Vespa Sprint. Thầy Võ Thanh Long dạy cùng trường với tôi chỉ xài rặt loại Vespa. Thầy kể, từng mua chiếc Super từ hồi học đại học, mà gia đình ở miền Trung cũng chỉ “gia tư thường thường” chứ không phải hạng giàu có.

Sinh viên học sinh ai cũng có xe đạp, nhiều đứa còn được cha mẹ mua cho xe máy đi học. Những cô gái Sài Gòn mặc áo dài chạy xe Honda Dame lượn trên phố trông đẹp như từ thế giới khác chứ không phải nơi đang có cuộc nội chiến. Taxi đậu dài chờ khách trên những đường phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Tổng Đốc Phương…, bất cứ người bình dân nào cũng có thể sử dụng ô tô 4 chỗ, không phải thứ đặc quyền cho đẳng cấp trên, như ở miền Bắc.

Và phổ biến, phổ thông nhất là xe đò. Nếu xe khách là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân miền Bắc thì xe đò trong Nam lại hoàn toàn khác. Những hãng xe đò Hưng Long, Hưng Phú, Phi Long, Thuận Thành, Thuận Hiệp, Tân Hưng, Phước Hòa, cơ man là hãng tư nhân, đếm không xuể… đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về phương tiện giao thông công cộng này. Ngay năm 1977, khi công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã gần như xóa sổ những vàng son kinh tế của miền Nam, khi xe đò Hưng Long, Phi Long đã bị đẩy vào cơn hấp hối, thì tôi vẫn kịp bước lên xe một số chuyến đường dài của Hưng Long đi Mỹ Tho và cảm nhận được giá trị vì con người của nó.

Ông anh vợ tôi kể, hồi còn chiến tranh, ổng học hết tú tài 1 thì nghỉ để đi làm, vừa tránh quân dịch, vừa kiếm tiền phụ ba má nuôi các em. Làm thư ký một hãng buôn trên Kon Tum, xa quê chút nhưng lương hậu. Chỉ là anh cạo giấy quèn, nhưng mỗi kỳ nghỉ bắt xe đò Long Xuyên – Sài Gòn, sau đó mua vé máy bay Sài Gòn – Kon Tum, không lăn tăn gì. Chưa hề phải xếp hàng mua vé xe, cứ tới bến là đám tài xế lơ xe đủ các hãng ùa ra săn đón mời chào, kéo thốc lên xe, bưng bê giùm hành lý. Nhà xe chiều khách hơn chiều vong. Xe rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, chạy đúng giờ. Suốt hành trình lên thành phố, chỉ sợ mỗi Việt cộng, nhất là trên quốc lộ 4 (giờ là quốc lộ 1), đặc biệt đoạn qua Long An, giáp Sài Gòn bị đắp mô, đào rãnh chặn xe, gài mìn. Việt cộng phục kích xe quân sự nhưng đã không ít lần xe đò chịu cảnh “không phải đầu cũng phải tai”, chết cả tài xế lẫn khách.

Sau biến cố tháng 4.1975, anh tôi mất việc, về quê làm ruộng. Không còn lần nào đi máy bay nữa. Vài bận từ Long Xuyên lên Sài Gòn (hồi ấy quen gọi lên thành phố) thăm người nhà, mua vé rất khó khăn bởi mua phải trình công lệnh, giấy đi công tác, ít nhất là giấy giới thiệu xác nhận của địa phương (chẳng hạn đi chăm người bệnh), chứ người bình thường không được đi xe đò do nhà nước độc quyền thâu tóm, lên xe thì bị hành như con lợn (anh tôi bảo lợn còn sướng hơn), chen chúc, xô đẩy, ngột ngạt. Chỉ gần 200 cây số mà không ít lần mất hơn một ngày mới tới nơi, anh tôi than thở “chẳng thà các ông đừng giải phóng”.

Những chuyện bãi bể nương dâu, đảo lộn tang thương như thế, có kể cả tháng cũng không thể nào hết được. Tôi chỉ lục lọi biên những điều mắt thấy tai nghe trực tiếp trong đời mình về chuyện đi lại thời khốn nạn.

Có những thứ, những điều tưởng đã được đào sâu chôn chặt trong ký ức, bỗng hôm nào đó tự dưng bị ai cầm cái mai, cái thuổng, phóng một nhát thật mạnh vào, thế là chúng lại bật văng lên. Tôi từng bị rất nhiều lần như vậy. Cũng tại cái số mình vất vả, không thể dễ quên đi như người ta.

Bồi hồi nhớ lại những năm xa, mà thật ra chưa xa lắm, mới cách vài chục năm, trong cái hồi mà ta quen gọi thời bao cấp. Nhát mai nhát thuổng ấy, lâu lâu được dịp lại cắm vào đầu, chả hạn hôm rồi thấy tivi chiếu bộ phim đen trắng cũ xì “Chuyến xe bão táp”. Bây giờ, coi nó cũng giống đọc lại chuyện cổ tích, chỉ có những ai, thế hệ sống vào những năm tháng ấy mới thấy rợn người.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Xin được phép, thêm tí mắm muối vào bài của bác cho nó thêm mặn mòi . Hồi thập niên 60s, chiếc Honda Dame giá 29 ngàn ( 29.000 đồng dồng bạc VNCH ), còn chiếc SS.67 giá 31 ngàn đồng, Vespa hơn một trăm ngàn, thuộc loại sang .
    Vào sân trường ĐH Văn Khoa SG thấy bãi giữ xe của sinh viên chừng vài ngàn chiếc, đủ loại, từ Vélo solex đến Vespa Spint . . ., nhiều cô tiểu thư đi học bằng xe con ( tức xe du lịch ) sang phết ! . Có điều khá vui mắt là, giáo sư người Việt đi toàn xe con, còn giảng viên người nước ngoài đi bằng . . .xe đạp ( bởi họ thích thế ) . Đường Thống nhất, đường Cường Để nối dài Nguyễn Bỉnh Khiêm đẹp như mơ , đi bộ cũng vui .
    Thầy , cô giáo đi coi thi Tú tài I, II được hoán chuyển khắp nước ( nước của người dân mN, tới vĩ tuyến 17 thôi mà ) . Chỉ cần đi coi thi tới Ninh Thuận, Nha Trang thôi, được cưởi máy bay mà đi , cứ xuất trình Sự vụ lệnh là ưu tiên lấy vé ( sau đó, tính công tác phí được Nha Trung học trả lại không thiếu một xu ) .
    Sau 1975, giáo viên ( GV ) chỉ coi thi tốt nghiệp THPT trong tỉnh . Một tỉnh gần TP.HCM khá rộng có 12 huyện ( hai huyện sát biên giới Campuchia ), GV được “ưu tiên” đi bằng xe đạp khắp các huyện, không có xe đò .
    Anh chị nào còn xe Honda cũng vội vàng bán tống, bán tháo , vì theo lời các anh bộ độ mB nói, xe Honda chỉ để kê lên trồng hành chứ xăng đâu mà đi ( ?! ) . Quả đúng vậy, Ban Giám hiệu đi họp Sở GD phải xin phiếu, chỉ mua được hai lít xăng đổ vô bình nhựa móc tòn ten theo, chiều có mà về .
    Như tác giả NT nói, đây là câu chuyện dài, kể hàng tháng cũng không hết . Người dân hồi tưởng lại, mối biết rằng quý ngài lãnh đạo lúc đó là những ông chúa, ông trời ban cho phận con dân sống tới đâu thì vui mừng tới đó :
    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao ( Kiều- ND )

    • Ông này Lú mà sao viết đúng và trúng quá….tôi sinh vào giữa thập niên 50, đến nay cũng chứng kiến nhiều cuộc bể dâu …..!!!!

  2. Công bằng mà nói thì phải thừa nhân nhà báo NT. tuy xuất thân từ XHCN. nhưnng viết
    thật và chính xác như trên cũng là người biết nhận thức và có tư cách hơn nhiều người
    vì họ vẫn còn bị nhồi sọ chưa tẩy não hết được như HL. trên kia !

Comments are closed.