17-9-2021
Trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo loại bỏ tình trạng ban hành “luật khung”, “luật ống”.
Dân chúng thấy khoái vì Chủ tịch Quốc hội đã hạ quyết tâm loại bỏ những khuyết điểm lớn nhất trong khâu làm luật ở Việt Nam gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Thế nhưng dân chúng ngơ ngác không hiểu “luật ống” là gì, mà chỉ hiểu đại loại là Chủ tịch Quốc hội đang phê bình những cái không hay của luật. Nhiều người hỏi tôi về từ “luật ống”.
Chủ tịch Quốc hội không dùng thuật ngữ pháp lý hay từ ngữ quen thuộc, nên tôi cũng không hiểu thực sự Chủ tịch muốn ám chỉ tới cái tệ hại nào của các đạo luật hiện nay ở nước ta. Vì vậy tôi cắt nghĩa theo cách hiểu của tôi.
Cái ống nước là một thứ rỗng ruột.
Có lẽ Chủ tịch Quốc hội ngụ ý sự rỗng tuếch của các đạo luật, có nghĩa là đạo luật vô hồn, thiếu nền tảng, trôi tuột đi mà chẳng đọng lại điều gì cho xã hội.
Chủ tịch Quốc hội thâm thuý thật!
Đúng vậy, ngay đạo luật lớn nhất mà nhẽ ra phải mang nhiều triết lý nhất thì lại rỗng tuếch, ví dụ như Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chẳng hạn: khi xác định khái niệm pháp nhân (một chế định không thể thiếu trong đời sống xã hội), thì nhẽ ra Bộ luật Dân sự 2015 phải lựa chọn một học thuyết sẵn có nào đó để dựa vào hoặc phải sáng tạo ra một học thuyết mới để dựa vào, nhưng không hề, mà chỉ chép đại các qui định từ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 (trong Nghị định thi hành theo kiểu kinh tế kế hoạch hoá, tập trung) với một vài chỉnh sửa về từ ngữ.
Lưu ý rằng học thuyết luôn luôn làm nền tảng cho các khái niệm pháp lý và các qui định của luật lệ. Nó là yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Rõ ràng không chỉ Bộ luật Dân sự 2015 mới nói tới pháp nhân, mà toàn hệ thống pháp luật coi pháp nhân là chủ thể của pháp luật.
Vì thiếu học thuyết nền tảng nên giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Thương mại 2005… có đôi chút “lệch pha” khi qui định về pháp nhân.
Để chữa khuyết điểm lớn đó thì Chủ tịch Quốc hội cần phải đưa ra giải pháp cải cách khâu làm luật bằng cách trước hết là coi trọng khoa học pháp lý và hoạt động nghiên cứu để tránh viết luật ẩu và bừa bãi, rồi thông qua một cách vội vã vì thành tích.
Chủ tịch Quốc hội chắc không lạ gì Tiệp Khắc trước kia?
Khi tách ra, Cộng hoà Czech cải cách pháp luật để xây dựng kinh tế thị trường trước hết bằng cải cách tư duy pháp lý. Vì thế Bộ luật Dân sự Czech hiện hành bắt đầu ngay từ Điều 1 là phân biệt giữa luật tư và luật công (mà sự phân biệt này bị xoá bỏ trong pháp luật xã hội chủ nghĩa).
Có thể sách viết về “luật ông”, “luật khùng”, nhưng vì đọc sách bằng đèn đom đóm nên ngài chủ tịch quốc hội đọc nhầm chăng ?
Đúng là như vậy.