Bản tin ngày 18-5-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

BBC đặt câu hỏi về Biển Đông: Việt Nam không nên xây sân bay ở đảo Lý Sơn? Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Tôi đã đến đảo Lý Sơn rồi, tôi đồng ý với các ý kiến là cần rất thận trọng với các đề nghị xây sân bay ở đây. Bởi vì đảo Lý Sơn rất nhỏ, nếu xây dựng sân bay sẽ tốn rất nhiều đất trên đảo. Vả lại số người qua lại trên đảo Lý Sơn chỉ là một số lượng nhất định. Hiện nay từ cảng Sa Kỳ sang Lý Sơn có đường biển, đi lại rất thuận tiện”.

Ông Doanh nói thêm: “Về nguyên tắc, các sân bay ở Việt Nam đều có thể sử dụng cho mục đích quân sự được. Trên quần đảo Trường Sa theo như tôi biết, hiện cũng có đường băng rồi. Do đó, tôi nghĩ quy hoạch sân bay cần được xem xét, thảo luận với các cơ quan có trách nhiệm, có chuyên môn. Nên tránh việc đề xuất xây dựng sân bay trong khi mật độ sân bay tại Việt Nam đã khá dày đặc. Về mặt kinh tế, theo tôi không nên xây sân bay ở Lý Sơn”.

VietNamNet có bài: Nguy cơ Mỹ-Trung va chạm do máy bay không người lái. Sau sự kiện Hải quân Mỹ triển khai hai UAV trinh sát MQ-4C Triton từ căn cứ Guam tới căn cứ Misawa, miền bắc Nhật Bản, giới chuyên gia quân sự bình luận, các UAV trinh sát của Mỹ tăng tần suất hiện diện xung quanh TQ khiến nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington-Bắc Kinh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng.

Hải quân Mỹ đã triển khai UAV để trinh sát TQ, đến lượt Không quân Mỹ cũng thông báo kế hoạch tương tự. Người phát ngôn của Không quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ chuyển các UAV Global Hawks từ căn cứ Andersen, Guam tới Yokota, Nhật Bản bởi thời tiết vùng Kanto trong mùa mưa bão khá ôn hòa, cũng như tối đa hóa khả năng hỗ trợ trong các nhiệm vụ”.

VTC đưa tin: Tổng thống Philippines cấm nội các thảo luận công khai về Biển Đông. Sau khi Ngoại trưởng Philippines và các thành viên trong nội các TT Duterte phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu “dân quân biển” TQ ở Đá Ba Đầu, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua, Tổng thống Rodrigo Duterte nói: “Đây là mệnh lệnh đối với nội các. Tất cả mọi người không được thảo luận về Biển Đông với bất kỳ ai. Nếu có trao đổi, chúng ta sẽ nói chuyện nhưng sẽ chỉ trong nội bộ”

Lâu nay, ông Duterte thể hiện thái độ “sáng nắng, chiều mưa”. Phát biểu trên truyền hình ngày 5/5, ông gọi phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài thường trực 2016 là “giấy lộn”. Đến ngày 11/5, người phát ngôn của ông Duterte cho rằng, Philippines “không sở hữu” Đá Ba Đầu. Trong khi người dân Philippines cần một lãnh đạo kiên định, trong tình hình TQ đang tìm cách thu tóm đá Ba Đầu, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Một số thành viên nội các của ông Duterte, bao gồm Phó Tổng thống Philippines, đều lên tiếng phản đối thái độ thiếu nghiêm túc về chủ quyền của người đứng đầu quốc gia. Ngày 14/5, ông Duterte lại đổi sang giọng đối đầu với TQ: “Tôi sẽ không rút lui. Ngay cả khi bạn giết tôi. Tình bạn của chúng ta kết thúc ở đây”. Bây giờ ông Duterte “bịt miệng” nội các của ông, không được phát biểu công khai về Biển Đông, đúng thời điểm Philippines phải phản ứng bằng mọi cách khả dĩ, nếu muốn giữ Đá Ba Đầu. 

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn tin từ South China Morning Post: Mỹ có thể rút quân khỏi Philippines vào tháng 6 hoặc tháng 7. GS Renato De Castro, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH De la Salle ở Manila tiết lộ, Mỹ có thể sẽ rút khoảng 400 binh lính và các nhà thầu quốc phòng đã triển khai ở miền nam Philippines trong vòng vài tháng tới, nếu hai bên không đạt được Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) mới. Ông De Castro cho biết, nguồn tin đến từ một tùy viên quân sự Đông Nam Á.

Đầu năm 2020, ông Duterte đơn phương thông báo, sẽ hủy bỏ VFA, khiến thỏa thuận này chỉ kéo dài tới tháng 8/2020. Nhưng, ông lại đột ngột tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ hai lần, vào tháng 6 và tháng 11/2020, nên thỏa thuận VFA vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8/2021. Mỹ rút quân khỏi Philippines, sẽ giúp TQ hoàn thành mong muốn thu tóm các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa nhanh hơn.

Mời đọc thêm: Tổng thống Duterte ra lệnh cấm về biển Đông với nội các (NLĐ). – Tổng thống Philippines cấm nội các bàn công khai về Biển Đông (VNN). – Tổng thống Philippines chỉ đạo nội các không thảo luận vấn đề Biển Đông với bất kỳ ai (TĐ). – Chuyên gia: Mỹ sẽ tăng cường sử dụng drone do thám Trung Quốc (VietTimes). 

Tin nhân quyền

Cơ quan An ninh điều tra công an TP Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và 3 đồng phạm, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Theo thông tin từ công an, tháng 3/2020, ông Trương Châu Hữu Danh đã đến gặp một số người dân ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, những người bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới Thới Lai và livestream hình ảnh “phản ứng tiêu cực” của người dân, viết bài kèm hình ảnh minh họa đăng lên trang Facebook cá nhân.

Nhà báo Trương Châu Hữu danh. Ảnh: Facebook nhân vật

Cơ quan ANĐT nhận định, do ông Danh từng công tác ở nhiều cơ quan báo chí nên rất có kinh nghiệm, “khôn khéo trong việc sử dụng những câu, chữ, hình ảnh minh họa… trong việc viết, đăng tải” nhằm đối phó với pháp luật và “lôi kéo, tác động, kích động” dư luận mạng xã hội phản ứng theo hướng bất lợi cho chế độ. 

Công an thực hiện lệnh bắt bị can Đoàn Kiên Giang. Ảnh: PV/PLTP

VietNamNet có bài: Kết luận điều tra vụ Trương Châu Hữu Danh và nhóm ‘Báo Sạch’. Khởi đầu vụ việc, công an chỉ nhắm vào vụ dự án đô thị Thái Lai, nhưng trong quá trình mở rộng điều tra, công an nhắm đến ba người trong nhóm Bá Sạch là các ông Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã. Công an chỉ ra, nhóm 4 người đã lập trang Facebook Báo Sạch để viết, đăng tải nhiều bài viết, video về các chủ đề như vụ án Hồ Duy Hải, Đồng Tâm, Trường ĐH Tôn Đức Thắng…

Theo thông tin từ công an công bố, trong quá trình điều tra, “các bị can đều thừa nhận đa số các bài viết sử dụng thông tin chưa được kiểm chúng”, nhằm làm cho các độc giả hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tham gia bình luận tiêu cực, khiến niềm tin của người dân đối với đảng bị suy giảm, xúc phạm uy tín, danh dự của một số cán bộ lãnh đạo TƯ và nhiều địa phương. 

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Nhóm bị can Trương Châu Hữu Danh nhận số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc, thông qua hoạt động của trang Báo Sạch, các bị can đã “nhận tiền để làm truyền thông, quảng bá thương hiệu và tư vấn pháp luật cho 8 doanh nghiệp, cá nhân ở nhiều nơi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng”. Nhưng không thấy công an cung cấp bất kỳ hình ảnh hóa đơn, chứng từ nào chứng minh số tiền 2,8 tỉ này. 

Báo Tuổi Trẻ có bài: Hữu Danh và nhóm ‘Báo Sạch’ đăng thông tin sai lệch ở 4 tỉnh. Ngoài thông tin đã công bố ở những tờ báo kể trên, bài báo này còn đề cập tới tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 337 BLHS năm 2015. Nhưng vụ này được tách ra, xác minh, khởi tố điều tra, xử lý trong một vụ án khác.

Bài báo cho biết: “Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phát hiện, thu giữ 9 văn bản đóng dấu ‘MẬT’ và ‘TỐI MẬT’ và một văn bản không đóng dấu mật nhưng ghi là tài liệu tối mật tại nhà của các bị can. Hành vi này của các bị can có dấu hiệu vi phạm tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ theo điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015“.

RFA đưa tin: Ông Lê Trọng Hùng từ chối nhận quà thăm nuôi, gia đình nghi ông đang tuyệt thực. Bà Lê Na, vợ TNLT Lê Trọng Hùng, kể về việc chồng mình từ chối nhận đồ thăm nuôi từ gia đình:

“Thường khi anh Hùng nhận tiền hoặc quà thì anh Hùng sẽ ký vào phiếu đã nhận tiền, nhận quà thì gia đình mới biết được rằng anh Hùng có ở đó hay không, và còn khỏe mạnh để mà ký được, nhưng đằng này anh Hùng từ chối một cách cực đoan như vậy và có đủ giám thị, nhân viên giữ tiền lưu ký cộng với người làm chứng để lập biên bản này bản thân tôi đang suy nghĩ rằng, có thể có một việc gì đó rất là hệ trọng đã xảy ra trước đó”.

Mời đọc thêm: Đề nghị truy tố bị can Trương Châu Hữu Danh và các đồng phạm (Tin Tức). – Đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh cùng 3 đồng phạm (NLĐ). – Cú hích mới cho việc thực thi quyền tiếp cận thông tin? (RFA). 

Công an “nhân dân”

VTC đưa tin: Tài xế taxi trọng thương phải tự vật lộn bắt cướp, dù có công an và đông người. Vụ việc xảy ra vào chiều 16/5 ở TP Hà Nội, trong lúc điều khiển xe taxi G7, tài xế Nguyễn Trần Minh bị khách đi xe là Đặng Phạm Sáu, tội phạm giết người, bị truy nã đặc biệt, dùng dao tấn công. Dù bị đâm trọng thương nhưng ông Minh vẫn cố gắng vật lộn và khống chế với tên cướp có hung khí, trong khi đại úy Nguyễn Văn Lâm, cán bộ công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, đứng gần đó… thản nhiên nói chuyện điện thoại. 

Tài xế Minh kể về thời khắc vật lộn với tội phạm: “Lúc lôi được hắn ra đường, tôi vừa vật lộn để chống trả vừa hô to để cầu cứu người xung quanh. Dù thời điểm đó có nhiều xe cộ qua lại nhưng không có ai dừng để giúp đỡ tôi. Một số người dân đứng gần đó còn cầm điện thoại để chụp ảnh, quay phim”.

Dù nhiều người dân chứng kiến vụ việc và công an có mặt tại hiện trường nhưng tài xế taxi người dính đầy máu vẫn phải tự mình vật lộn, khống chế tên cướp hung ác. Ảnh: VTC

Công an TP Hà Nội đã điều chuyển đại uý công an ‘đứng nhìn tài xế taxi bị đâm’, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc theo quy định. Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại uý Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện. Nghĩa là, đại úy Lâm được chuyển từ công an xã lên làm công an huyện.

VietNamNet có clip: Điều chuyển công tác đại uý công an đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với tên cướp

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Người dân nói về mức kỷ luật đại úy ‘đứng nhìn tài xế bị đâm’. Bài báo cung cấp nhiều bình luận của các độc giả, thể hiện sự phản đối mức “kỷ luật”, trong đó có bình luận: “Nếu suy nghĩ đơn giản về công an, người ta luôn nghĩ là bảo vệ dân, trấn áp tội phạm,… Thế nhưng việc thờ ơ một cách lạnh lùng của một sĩ quan công an khi đứng nhìn người dân đang vật lộn với tên cướp có vũ khí thì khó có thể chấp nhận. Cảnh cáo và lại điều chuyển công tác đến đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là quá nhẹ!”

Trang Kinh Tế Đô Thị có bài: Bộ Công an gửi thư khen tài xế taxi Nguyễn Trần Minh bắt đối tượng truy nã. Ông Minh đã phải làm thay nhiệm vụ của “công an nhân dân”, bị đâm trúng bụng nhưng vẫn phải ráng vật lộn với tội phạm bị truy nã và chỉ được tấm giấy khen. Ngoài ra, không còn lời giải thích nào khác từ lãnh đạo Bộ Công an về những cán bộ trong đội ngũ của họ. 

Mời đọc thêm: Đại uý đứng nhìn tài xế vật lộn với kẻ bị truy nã có xứng đáng là chiến sĩ CAND? (NLĐ). – Kẻ bỏ mặc dân vật lộn với tên cướp hung ác không xứng đáng là công an (VTC). – Kỷ luật đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi bị thương vật lộn với tên cướp (DS). – Vụ tài xế taxi bị đâm: Điều chuyển đại uý công an từ xã lên huyện (GT).

Bộ Công an lên tiếng về mức kỷ luật đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi bắt cướp (GĐ). – Chuyên gia lý giải sự vô cảm, thờ ơ, không tham gia bắt cướp taxi của Đại úy Công an (BVPL). – Đại uý công an nói gì khi đứng gọi điện thoại trong lúc tài xế taxi vật lộn với tên cướp trước mặt? (SS). – Tài xế bị tấn công bằng dao kể lại lúc vật lộn với hung thủ (PLTP). 

Cập nhật tình hình Miến Điện

Hôm nay, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện (AAPP) thông báo, hơn 800 người Myanmar thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, VnExpress đưa tin. Theo AAPP, tính đến ngày 17/5, có 802 người Miến Điện đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh nước này. Đại diện AAP ra tuyên bố với báo giới: “Đây mới là con số được AAPP xác minh, số người chết thực tế có thể cao hơn rất nhiều”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Hôm nay ĐHĐ LHQ bỏ phiếu ngưng chuyển vũ khí cho Myanmar. Nguồn tin từ hãng AP cho biết, Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi “đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp vũ khí và đạn dược” cho nhà nước quân phiệt Miến Điện trong ngày 18/5, giờ địa phương.

Trước đó, dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi các lực lượng vũ trang Miến “ngừng ngay lập tức mọi hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, thành viên các tổ chức xã hội, phụ nữ, thanh niên, cũng như trẻ em và những người dân khác”. Đại hội đồng LHQ cũng thúc giục quân đội Miến chấm dứt ngay các cuộc tấn công, nhắm vào lực lượng y tế, công đoàn, báo chí và truyền thông, và lệnh hạn chế mạng internet.

BBC có clip dẫn lời người dân Myanmar: ‘Họ có súng nhưng chúng tôi có người dân’.

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: 16 quan chức cấp cao Myanmar và thành viên gia đình hứng lệnh trừng phạt. Nguồn tin từ AFP cho biết, hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 16 quan chức cấp cao của Miến Điện, cùng các thành viên trong gia đình họ với lý do, họ ủng hộ “các cuộc tấn công bạo lực và gây chết người” của chế độ quân phiệt Miến kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.

Trong số những người bị đưa vào “danh sách đen” của Bộ Tài chính Mỹ, có 4 thành viên thuộc Hội đồng Quản lý Nhà nước của quân đội Miến, 7 Bộ trưởng, cùng Chủ tịch Ủy ban Bầu cử do quân đội kiểm soát và Thống đốc Ngân hàng TƯ Miến Điện. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới sẽ cấm các cá nhân và công ty Mỹ, gồm các ngân hàng có chi nhánh tại Mỹ, làm ăn với các đối tượng trong “danh sách đen”.

Báo Tiền Phong có bài: Rộ tin Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar bị truy nã khẩn cấp sau khi ‘cầu cứu’ tại Miss Universe. Chính quyền quân phiệt Miến Điện đã ban hành lệnh truy nã khẩn cấp đối với cô Thuzar Wint Lwin, Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar, sau khi cô giơ cao thông điệp “cầu cứu” trên sân khấu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) 2021.

Trong phần thi “Trang phục dân tộc”, cô mặc trang phục đại diện cho cho Hakha, thủ phủ của bang Chin, mang theo tấm bảng ghi dòng chữ “Cầu nguyện cho Myanmar”. Đài NPR bình luận, Mexico thắng cuộc thi, nhưng các thông điệp chính trị, xã hội là tâm điểm trong cuộc thi này.

Hoa hậu Hoàn vũ Miến Điện giơ tấm bảng “Cầu nguyện cho Myanmar”, trong phần thi Trang phục dân tộc tại Miss Universe 2021 và đã giành chiến thắng trong phần thi này. Ảnh: TP

Mời đọc thêm: Nhiều nước trừng phạt bổ sung Myanmar (Tin Tức). – Mỹ, Anh và Canada áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar (TG&VN). – Đại hội đồng Liên Hợp quốc cân nhắc cấm vận vũ khí với Myanmar (KTĐT). – Hoa hậu Myanmar bị truy nã (NLĐ). – Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar và một Miến Điện không gục ngã (PLTP). – Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar lo sợ sau cuộc thi, cư dân mạng kêu gọi “Hãy bảo vệ Miss Myanmar” (TP).

***

Thêm một số tin: Bầu cử Quốc hội: Ta có quyền hy vọng gì? (LK). – Gần 200 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Tây Nguyên (RFA). – Dân Việt Nam ‘xài đồ chùa’ trên Internet đứng hạng 3 ASEAN (NV). – Tướng Lương Xuân Việt ‘chấp nhận thử thách’ khi là nguồn cảm hứng cho người gốc Á (VOA).

Bình Luận từ Facebook