Việc phổ biến vũ khí hạt nhân có trở lại không?

Project Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

5-3-2024

Bất chấp những lo ngại chính đáng về việc các cường quốc hạt nhân đầy tham vọng như Iran, điều đáng để ghi nhớ là vẫn chỉ có chín quốc gia có vũ khí hạt nhân, ít hơn nhiều so với hai chục quốc gia mà John F. Kennedy dự đoán là sẽ có vào thập niên 1970. Khi việc không phổ biến vũ khí hạt nhân được ưu tiên hoá, thì nó sẽ vận hành.

Liên Hiệp Quốc đang chuẩn bị tiến hành cho Hội nghị năm 2026 về việc duyệt xét Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (the Non – Proliferation of Nuclear Weapons, NPT) của các bên tham gia mà lúc đầu đã được ký kết vào năm 1968. Nhiều người mong đợi về một biến động gây tranh cãi. Một số quốc gia đang nghĩ lại nguyên tắc trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi vì họ tự hỏi, liệu xem Nga có xâm lược Ukraine vào năm 2022 không, nếu Ukraine còn giữ vũ khí hạt nhân còn thừa hưởng của Liên Xô. Đổi lại, những minh chứng phản thực tế như vậy đã làm tái diễn nỗi sợ hãi của những nước khác trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên, những lo ngại này không phải là mới lạ. Trong cuốn hồi ký của tôi, “A Life in the American Century, tôi nhớ lại một giai đoạn cũng đầy tranh cãi trong thập niên 1970, khi tôi phụ trách về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter.

Sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa năm 1973, sự hiểu biết thông thường là thế giới đang cạn kiệt dầu mỏ và cần phải chuyển sang năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, người ta cũng tin một cách khá phổ biến và lầm lạc rằng, thế giới đang cạn kiệt uranium và do đó sẽ phải dựa vào plutonium tái chế (một sản phẩm phụ của uranium được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân).

Theo một số dự báo, vào thời điểm đó có tới 46 quốc gia sẽ tái chế plutonium vào năm 1990. Tất nhiên, vấn đề là, plutonium là vật liệu có thể sử dụng như vũ khí. Một thế giới tràn ngập việc buôn bán plutonium sẽ có nguy cơ cao hơn nhiều về việc phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố hạt nhân.

Năm 1974, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên nằm ngoài năm quốc gia được liệt kê trong danh sách của NPT (Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) phát động điều mà họ gọi một cách rất là uyển ngữ “vụ nổ hạt nhân êm thắm”. Chiến dịch này sử dụng plutonium tái chế từ uranium của Mỹ và Canada, nó được cung cấp với điều kiện chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình. Pháp sau đó đã đồng ý bán một nhà máy tái chế plutonium cho Pakistan, mà vị Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto đã nói rằng, nước này sẽ bị đánh bại trước khi để cho Ấn Độ phát triển độc quyền hạt nhân ở Nam Á. Trong khi đó, ở Mỹ Latin, Đức bán một nhà máy tinh luyện uranium cho Brazil, và Argentina đang thăm dò các lựa chọn về việc sử dụng plutonium. Với việc các quốc gia khác đang âm thầm cùng làm việc này, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới khởi đầu đang phát triển.

Một thập niên trước đó, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cảnh báo rằng, vào thập niên 1970, thế giới sẽ có 25 cường quốc hạt nhân. Mặc dù NPT được cho là sẽ ngăn chặn kịch bản đó, nhưng có vẻ như việc tiên liệu của ông có thể trở thành sự thật. Nhưng Carter (người có kinh nghiệm là kỹ sư hạt nhân trong Hải quân) quyết tâm ngăn chặn điều này khi ông vào Nhà Trắng.

Về phần tôi, gần đây, tôi đã phục vụ trong một ủy ban của Quỹ Ford và Tập đoàn Mitre về vấn đề năng lượng hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm nhiều thành viên sau này của chính quyền Carter. Trong khi nhiều người lo ngại rằng, thế giới đang hướng tới một nền kinh tế plutonium và sự lan rộng của vũ khí hạt nhân, Báo cáo Ford-Mitre đặt vấn đề về sự khôn ngoan thông thường này và lập luận rằng, cách an toàn nhất để sử dụng năng lượng hạt nhân là với chu trình nhiên liệu được quốc tế bảo vệ trong “việc thông qua một lần”, nó sẽ làm cho plutonium đã qua sử dụng được lưu trữ bị phong tỏa.

Carter chấp nhận báo cáo của chúng tôi khi chúng tôi gặp ông tại Nhà Trắng. Nhưng khuyến nghị của chúng tôi không được lòng nhiều người trong ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ và các thượng nghị sĩ từ các tiểu bang miền Tây và miền Nam, nơi có cơ sở sẽ bị đóng cửa. Đó cũng là lời nguyền rủa đối với các đồng minh như Pháp, Đức và Nhật Bản, những nước có chiến lược về năng lượng (và xuất khẩu) sẽ bị cắt giảm.

Công việc của tôi khi tham gia chính quyền là thực hiện chính sách của Carter, dẫn đến sự chỉ trích nặng nề từ tất cả các nhóm được đề cập ở trên. Là một học giả, đó là một trải nghiệm mới khi nhìn thấy tên tôi trong các bài xã luận và tiêu đề quan trọng, hoặc bị lôi ra trước một ủy ban Thượng viện trong một cuộc công kích thù địch. Khi bạn liên tục bị nói là sai, đôi khi, thật khó để nhớ rằng bạn có thể đúng!

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để vượt qua sự khôn ngoan thông thường đang thúc đẩy thế giới hướng tới một nền kinh tế plutonium. Chúng tôi đã mời các quốc gia khác tham gia việc lượng giá chu trình nhiên liệu hạt nhân quốc tế, (International Nuclear Fuel Cycle Evaluation, INFCE) để chúng tôi có thể kiểm tra các chủ đề như việc khả dụng của nguồn cung cấp uranium và khả năng bảo vệ plutonium. INFCE được ra mắt tại một hội nghị lớn ở Washington, DC vào năm 1977, các ủy ban và nhóm công tác sau đó đã họp trong hai năm tiếp theo. Do đó, nó đóng một vai trò chủ yếu trong chiến lược của Carter để kéo dài thời gian, làm chậm lại mọi thứ và phát triển mạng lưới xuyên quốc gia về kiến thức, chi phí thực sự và các lựa chọn thay thế cho những gì mà ngành công nghiệp hạt nhân coi như sự bất biến của chu trình nhiên liệu hạt nhân.

Trong hai năm đó, INFCE đã làm rất nhiều để thúc đẩy các mục tiêu này. Các nước quan trọng về việc cung cấp hạt nhân đã gặp nhau tại Luân Đôn hồi năm 1977 và đồng ý về các hướng dẫn để “kiềm chế” trong việc xuất khẩu các cơ sở hạt nhân n­­­­hạy cảm. Không bao lâu sau đó, Pháp và Đức đã đình chỉ xuất khẩu các cơ sở gây tranh cãi.

Ngày nay, việc không phổ biến vũ khí hạt nhân đứng ở đâu? Tin tức tốt đẹp là, chỉ có chín quốc gia có vũ khí hạt nhân, so với hai chục quốc gia mà Kennedy dự đoán vào thập niên 1970. Hơn nữa, NPT có 189 thành phần tham dự và một số ít các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí được các cường quốc tuân thủ. Các hướng dẫn của nhóm cung cấp hạt nhân vẫn được giữ nguyên, và trong khi một số quốc gia tham gia vào việc tái chế, thế giới không hướng tới một nền kinh tế plutonium mong manh.

Tin tức xấu là việc Triều Tiên đã từ bỏ các cam kết theo như NPT. Triều Tiên thực hiện 6 vụ nổ hạt nhân kể từ năm 2006 và Kim Jong-un thường xuyên vung thanh gươm về hạt nhân một cách gây bất ổn. Tại Trung Đông, Iran đã phát triển các cơ sở tinh luyện uranium với cấp độ thành vũ khí và đang nhanh chóng tiến gần đến ngưỡng cửa để trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân đứng hàng thứ mười. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, nếu làm như vậy, Iran có thể gây ra một làn sóng phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn khu vực, và Saudi Arabia nhanh chóng làm theo.

Đây là những diễn biến đáng lo ngại. Như kinh nghiệm của tôi trong thập niên 1970 cho thấy, đó là khi tình hình dường như đặc biệt nghiêm trọng mà những nỗ lực làm chậm lại sự lan rộng của vũ khí hạt nhân phải được duy trì. Nếu không, thế giới sẽ trở thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều.

_______

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư hồi hưu của Trường Harvard Kennedy và là Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump, do NXB Đại học Oxford ấn hành năm 2020 và A Life in the American Century, do NXB Polity Press ấn hành năm 2024.

Bài liên quan: Ngăn chặn cuộc chiến tận thế với vũ khí hạt nhân do trí thông minh nhân tạo điểu khiểnMỹ và Trung Quốc phải hợp tác việc kiểm soát vũ khí thông minh nhân tạo để ngăn chặn thảm họaAn ninh và trật tự thế giớiHành trình mạo hiểm của chúng ta về hướng trí tuệ nhân tạo

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ nguy hiểm hơn cuộc chiến đầu tiên vì những tiến bộ trong công nghệ, chẳng hạn như về trí tuệ nhân tạo, đe dọa chế tạo vũ khí không chỉ nhanh hơn và chính xác hơn mà còn có tiềm năng tự động. Nếu Trump thắng cử và hợp tác với Putin thì có thể hạn chế được những nguy cơ sinh tồn của cuộc chiến tranh lạnh mới này; do đó, có hay không việc NPT không còn là nguy cơ cho an ninh thế giới, nhưng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi Ukraine bị xoá sổ và Ba Lan và Hung sẽ bị đe doạ trực tiếp. Khi nào Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ khó lường đoán và sẽ không liên hệ nhiều đến NPT.

  2. thời thế thay đổi rồi. bây giờ muốn tiếp tục NPT thì phải có thêm điều khoản là các ông đã có hạt nhân không được phép triển khai ngoài lãnh thổ của mình. Chứ Mỹ kéo hạt nhân sang châu Âu, Nga kéo hạt nhân sang Belarus, hay ngày nào Trung Quốc mang hạt nhân sang châu Phi thì người ta làm sao yên.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây