Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân 1968 (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

16-2-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Theo chính sử của nhà nước, cuộc tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là cuộc tấn công chiến lược nhằm mục đích “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, mục đích này đã không đạt, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất nặng nề. Thủ đô Sài Gòn cũng như nhiều đô thị khác ở miền Nam, nhất là Huế, bị tàn phá cực kỳ nghiêm trọng, đổ nát, hoang tàn, người dân bị tai bay vạ gió chết chóc thảm thương. Phe “cách mạng” hao người tốn của, tới mức phải mấy năm sau mới dần hồi phục.

Nhà văn Nguyên Ngọc có kể lại trên báo Nông nghiệp Việt Nam: “Nên nhớ thời đen tối nhất của chiến tranh miền Nam là thời sau Mậu Thân. Bị chúng nó đánh chạy dạt sang tận Campuchia. Đói, chết, rách nát, tan rã, tháo chạy”. Nói gì thì nói, cuộc cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, anh em một nhà giết nhau thì chả bên nào thắng, như bác Nguyễn Duy viết “phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.

Cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968 chính thức mở màn, nổ súng đúng giao thừa 30 tết, mặc dù tết năm nào cũng như năm nào, hai phe đối địch đều công bố thỏa thuận ngừng bắn “để người dân đón xuân vui tết”. Sử “chính thống” và đài báo nhà nước đều nói rõ giờ nổ súng là 0 giờ ngày 30.01.1968, tức bắt đầu mùng 1 Tết Mậu Thân.

Như đã nói, hiệu lệnh nổ súng là bài thơ chúc Tết do ông Hồ đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ có điều, như sau này người ta phân tích, cả các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và bộ máy tham mưu, tác chiến của Bắc Việt đã không tính, không tỉ mỉ được một số điều cực kỳ quan trọng.

Về thời gian, trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8.8.1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành quyết định đổi lịch, dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn. Vì thế, hai miền Nam – Bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân vào hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29.1 (mùng 1 tháng giêng), trong khi miền Nam vẫn theo lịch cũ là sang ngày 30.1 dương, cũng mùng 1 tháng giêng). Giao thừa khác nhau, lệch nhau hẳn một tiếng đồng hồ, mà miền Bắc lại đón trước, trong khi 1 tiếng đồng hồ sau miền Nam mới giao thừa.

Nếu cứ đồng loạt nổ súng căn vào thơ cụ Hồ thì cũng chả sao, nhưng toàn miền Nam bấy giờ đâu phải chỗ nào, đơn vị nào cũng mở được radio mà chờ hiệu lệnh. Rất nhiều đơn vị cứ căn theo giao thừa, theo giờ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo đài Sài Gòn, theo tiếng pháo miền Nam đón xuân.

Sự “lệch múi giờ” ấy đã gây ra hậu quả cực kỳ tai hại, không tạo ra được cái mà phe cộng sản kỳ vọng “đồng loạt tổng tấn công nổi dậy khiến địch bất ngờ không kịp trở tay”. Ngoại trừ ở thủ đô Sài Gòn, thì yếu tố bất ngờ đã không còn nữa. Mà ngay tại Sài Gòn-Chợ Lớn, nhiều đơn vị phe “cách mạng” cũng ngơ ngác không hiểu vì sao lại nổ súng sớm thế, không như đã được quán triệt, chỉ đạo. Tôi nhớ ông Trần Bạch Đằng từng có bài nói về chuyện này (đã từng đọc, chỉ có điều tìm chưa ra).

Những năm sau, trong nền văn học cách mạng, cuối thập niên 1970 có cuốn tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (còn có bút danh Nguyễn Thành Vân), viết về hậu cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân. Khốc liệt tới mức có cả một đại tá chính ủy sư đoàn chịu chiêu hồi, đầu hàng. Viên thượng tá chính ủy ấy, trong truyện ông Oánh đặt tên Tám Hà[n], nhưng có thực. Xuất bản một thời gian, tác phẩm này bị cấm, bởi “bôi xấu hình ảnh cao đẹp của bộ đội giải phóng”. Chỉ “ta thắng địch thua” chứ làm gì có chuyện đầu hàng.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ái chà chà, Tám Hà đã từng được ngồi trên máy bay trực thăng, sướng thấy mẹ , để kêu gọi cán bộ cs và lính Bắc Việt hãy trở về với “chính nghĩa quốc gia” ( nguyên văn ) . Ai sống trong giai đoạn đó đều nghe rõ mồn một . Chi cs là giỏi bịt mồm, bịt miệng người mB mà thôi ,
    Còn việc ngừng bắn để dân ăn tết chỉ là một trò lừa gạt rẻ tiến ( nhưng trả giá bằng nhiều sinh mạng ) . Cs luôn luôn nổ súng tấn công đồn bót trước ( chứ lính cs và du kích ở mãi tận bưng biền, linh quốc gia hơi đâu mà tìm để tấn công ??!! ) .

  2. Hề… hề…, chỗ này Nguyễn Thông viết sai rồi: Mồng 1 Tết ở MB là ngày 29.01, còn mồng 1 Tết ở MN là ngày 30.01, như vậy, khi nổ súng đánh trận Mậu Thân thì miền Nam ở vào đúng thời điểm giao thừa còn miền Bắc đã sang ngày mồng 2, chênh nhau một ngày chứ không phải một giờ, sau này còn chênh nhau cả một tháng cơ đấy (Tết Ất Sửu 1985). Vì thế, sự đổi lịch năm 1967 ở vào tháng 08 (thời điểm lưng chừng, còn bốn tháng nữa mới hết năm dương lịch) có phải là cố tình hay không thì cần các nhà sử học tử tế suy ngẫm, chứ không phải là cái hiệu lệnh đã diễn ra trước 24 giờ lúc nổ súng (lợi dụng thời điểm người dân miền Nam đốt pháo đón giao thừa).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây