Tại sao tôi phê phán VinFast ngay từ khi thành lập đến nay?

Kim Văn Chính

9-2-2024

1. Tôi nhớ, ngay từ năm 2017, khi VinFast bắt đầu thành lập và tuyên bố chương trình phát triển, tôi đã viết bài phê bình và nhận định là công ty này không thể sống lâu được nếu đi theo hướng sản xuất ô tô cạnh tranh quốc tế như vậy.

Đến nay, sau 6 năm hoạt động, VinFast đã trở thành một công ty khổng lồ về vốn đầu tư và quy mô hoạt động, bán hàng, nhưng cửa ngõ đến phá sản lại càng gần hơn bao giờ hết.

Nhiều bạn bao gồm các bạn cuồng Vin và cả những người còn “tăm tối” về học vấn, tư duy, trí thức, có người bảo tôi là người vô danh, gato, do ghen tị với thành công của ông chủ Vượng mà luôn viết bài đả phá VinFast?

Có người có vẻ có học ra phết, lại bảo tôi chưa đủ tầm để đánh giá các nhà kinh doanh như ông Vượng (tôm không thể hiểu được rồng)?

Có người lại bảo tôi làm thầy giáo quèn, tiền chẳng có, sao dám phê phán nhà kinh doanh mang lại danh giá cho nước Việt như Vượng?

Than ôi, đọc những comment đó làm tôi rất buồn rầu. Buồn cho một nhóm người không nhỏ ở Việt Nam ta sao còn tăm tối về tư duy và thiếu phương pháp tiếp cận, nhìn nhận các vấn đề và con người như vậy?

2. Chuyện tôi làm giáo viên và không chọn nghề kinh doanh là do cuộc sống, đam mê và sở thích của tôi nó quyết định vậy. Càng làm giáo viên chuyên dạy về quản trị, kinh doanh, chính trị học, càng có quyền phản biện, nhận xét, đánh giá, phê phán các nhà kinh doanh…

Những người làm tấm gương thành đạt trong kinh doanh và có đạo đức kinh doanh kiểu mẫu như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk, Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi… tôi đều nghiên cứu và đưa vào bài giảng như những case studies điển hình. Ngược lại, những gương “phản diện”, sai lầm trong kinh doanh, tùy khía cạnh đó là chiến lược kinh doanh, phương pháp kinh doanh hay đạo đức kinh doanh mà mình sắp xếp làm các case studies cho học sinh.

Tôi dù làm giáo viên nhưng cũng có mấy năm trời phụ trách một cơ sở có chức năng kinh doanh của nhà nước. Đối với ngành ô tô, tôi cũng đã có cơ hội tham quan bốn nhà máy sản xuất của Ford, Toyota, Nissan, BMW ở Nhật Bản và Đức. Đủ để tôi hiểu về những vấn đề tôi giảng bài khi có liên hệ đến ngành ô tô (Ngành sản xuất ô tô luôn được chọn làm ngành điển hình của thị trường “độc quyền nhóm”).

3. Tại sao ngay từ năm 2017 tôi đã nhận định được VinFast sẽ phá sản nếu cạnh tranh?

Lúc đó tôi đang ở Đức, ở ngay cái nôi sản xuất công nghiệp Dusseldorf – Bonn – Koln. Tôi liền đi xem triển lãm ô tô BMW ở hội chợ. Lúc đó tôi đã thấy BMW và các công ty hàng đầu về ô tô của Đức họ trưng bày chủ yếu là các dòng xe chạy điện hoặc Hybrid. Các mẫu xe xăng mà họ từng thống trị thế giới họ ít trưng bày giới thiệu sản phẩm mới. Xu hướng xe xăng không đúng cho một công ty mới khởi nghiệp về ô tô. Xe xăng cũng là một loại sản phẩm và nó có chu kỳ sống của nó. Nếu một công ty mới gia nhập ngành lúc sản phẩm đã vượt qua đỉnh phát triển thì không thể nào tồn tại được.

Điều sơ đẳng đó đến học sinh đại học bình thường đã học qua môn kinh tế học vi mô cũng biết và nói được chứ không kể đến tôi.

– Một điểm tựa nữa khi nghiên cứu VinFast case study là điểm hòa vốn ngắn hạn và chi phí sản xuất bình quân dài hạn của ngành ô tô nó rất thách thức các công ty khởi nghiệp.

Nói thì rất dài dòng và hơi trừu tượng (xin xem ảnh kèm và đọc thêm sách), nhưng nói tóm lại là: Ngành ô tô cá nhân nó có điểm hòa vốn cạnh tranh dài hạn ở mức rất cao về sản lượng. Hồi đầu thế kỷ 20 nó là một triệu xe/ năm. Cuối thế kỷ 20 trở đi người ta tìm mọi mánh khóe để cá biệt hóa sản phẩm của mình, tạo các hàng rào kỹ thuật này nọ để giảm áp lực cạnh tranh, tăng tính độc quyền, nhưng sản lượng cạnh tranh hòa vốn vẫn phải ở mức trên 400.000 xe/ năm.

Ảnh trên mạng

Điều đó có nghĩa là: Một công ty sản xuất xe hơi bắt buộc phải đạt sản lượng toàn cầu, bán được xe là hơn 400.000 chiếc/ năm.

Trong vòng ba năm tham gia thị trường mà không đạt mức đó thì bị thị trường giết chết.

Điều đó lý giải tại sao ngành ô tô chỉ còn tồn tại khoảng 10-15 công ty lớn cạnh tranh nhau. Các công ty nhỏ hơn chỉ sản xuất xe chuyên dụng, sản xuất cho thị trường đóng cửa khép kín bảo hộ từ chính quyền, hoặc đáp ứng nhu cầu nhóm khách hàng nhỏ với giá rất cao.

Vin không có đủ điều kiện để có thị trường riêng cho mình (hiện nay may ra thì có mảng sản xuất xe bus cho nội địa). Cạnh tranh quốc tế thì không có cách nào để một công ty mới khởi nghiệp như VinFast bán được 400.000 xe/ năm. Nó chết là tất yếu. Đó là lý thuyết kinh doanh nó bảo vậy.

Kẻ ngông cuồng như ông vượng hoặc ngu si không biết nghe lời khuyên đúng, chạy theo những tư vấn tào lao thì để công ty chết là điều tất yếu.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người ta bảo nhau rằng dzịt kều về thăm nhà, mỗi khi ra ngoài nên mang kiếng đen, đeo khẩu trang tai nghe nhạc..để chi ? để không thấy không nghe và không cần mở miệng khi xung quanh toàn những phi lý, nghịch lý và ai cũng nổ dzăng miểng.
    Tôi có nhớ bài viết của anh Chính hồi đó sau khi Vượng bỏ điện thoại và TV vỏ việt ruột tàu, lúc đó tôi cũng đồng tình với lập luận của anh, Vượng thua ngay trên sân nhà là lỗi của ông ấy, dùng bạo quyền để đàn áp người phản biện là thứ ngu xuẩn nhất trên đời. Đáng kiếp, ngu và ngông, có mấy tỷ bạc mà nổ, bạc cũng không mấy sạch sẽ gì.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây