Ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây tặng chợ Lớn, chớ không phải tặng Sài Gòn, càng không tặng TP.HCM

Cù Mai Công

12-11-2023

Bưu ảnh “SAIGON 1966 – NGA TU BAY HIEN” – dù ngã tư Bảy Hiền thuộc xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Do đây là vùng ngoại ô, sát bên Đô thành Sài Gòn, vẫn có thể coi là Sài Gòn vì là ngoại ô của Sài Gòn – Bưu ảnh

Sài Gòn là địa danh có từ 1975 trở về trước. Đến 1975, Sài Gòn gồm 11 quận mang tên số: 1, 2, 3… 10, 11. Đó là ranh giới văn bản, hành chính. Thực tế cho tới giờ, dân quận 4, 5, 6, 8… khi đến khu vực quận Nhứt cũ (nay là một phần quận 1) – khu trung tâm hành chính Sài Gòn đầu thời thuộc Pháp – vẫn nói là “lên/ra Sài Gòn”. Có một Sài Gòn trung tâm và một Sài Gòn hành chính văn bản.

Xung quanh Sài Gòn là tỉnh Gia Định với các quận mang tên chữ: Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè… Những xã thuộc các quận của tỉnh Gia Định nhưng sát bên Sài Gòn, tức vùng ngoại ô, ngoại vi (environs), vẫn có thể được coi là một phần của Sài Gòn. Sống bên nhau, cư dân vùng này vừa mang khí chất Gia Định vừa có tánh nết Sài Gòn.

Bưu ảnh năm 1966 chụp ngã tư Bảy Hiền (xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định) vẫn ghi là “Saigon 1966 – Nga tu Bay Hien”). Tòa soạn báo Thiếu Nhi trước 1975 ở 159 Thiệu Trị, Phú Nhuận (tức thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định) vẫn ghi Sài Gòn.

Tòa soạn báo Thiếu Nhi trước 1975 dù ở xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định vẫn ghi Sài Gòn. Phú Nhuận vốn là ngoại ô của Sài Gòn, vẫn có thể coi là Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, những xã, quận thuộc tỉnh Gia Định nhưng không sát bên Sài Gòn, không thể coi là ngoại ô, ngoại vi Sài Gòn mà hoàn toàn thuộc Gia Định. Ví dụ: Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ…

Sau 1975, có một giai đoạn ngắn, Sài Gòn và Gia Định nhập chung thành thành phố Sài Gòn – Gia Định. Thành ủy là Thành ủy Sài Gòn – Gia Định.

Từ ngày 2-7-1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định đổi thành thành phố Hồ Chí Minh. Qua thời gian, sau 1975, thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập thêm nhiều vùng đất mới. Chẳng hạn quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa hợp với quận Phú Hòa, tỉnh Bình Dương thành huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với những vùng thuộc tỉnh Gia Định nhưng không sát cạnh Sài Gòn, những vùng mới sáp nhập sau này, cả về lý lẫn về tình, không phải là Sài Gòn mà là thành phố Hồ Chí Minh.

Có lẽ nên phân định rõ như vậy. Để không có cảnh có vụ việc xảy ra ở Hóc Môn, Nhà Bè… lên báo chí, truyền thông bỗng thành Sài Gòn. Thậm chí mới hôm nay, 12-11-2023, thương gia Quách Đàm (1836-1927) xây chợ Bình Tây tặng cho thành phố Chợ Lớn từ hồi còn “mồ ma giặc Pháp” bỗng dưng “đội mồ” lên xây tặng chợ cho TP.HCM.

Ảnh chụp màn hình

Nên nhớ hồi ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây (1928-1930), Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố riêng biệt.

P/s: Tựa đã sửa và sửa cũng sai: ông Quách Đàm xây tặng cho thành phố Chợ Lớn chứ không phải tặng cho thành phố Sài Gòn. Năm khởi công xây chợ là năm 1928, khánh thành năm 1930. Năm sau, ngày 27-4-1931, Tổng thống Pháp mới ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

“Giấu đầu lòi đuôi”. Chapeau (lời dẫn đầu bài) còn nguyên: “tặng cho TP.HCM” (!?).

Cứ vậy hoài…

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Chợ Bình Tay / Chợ Lơn do Ông Quách Đàm ,người Tàu ,lượm ve chai mà thành ty phú,xây chợ trên một mảnh đất rông rồi tặng cho chính phủ thời đó .Lối vào chợ là tương trên bệ cao của ngươi Tàu Quách Đàm và nếu người góp ý không lầm thì tương đứng của Quách Đàm có hình dáng của một nhà học giả (tây cầm sach?). Thật ra thì tăng chính phủ một ngôi chợ ở một nơi nhiều nguoi Tàu sinh sống thì đó là ông ta tạo công ăn việc làm cho người tàu ,sản xuất và trao đổi hàng hoá Tuy nhiên người Tàu không chịu thiệt mà có tính toán, Đó là xây những dãy phố quanh chợ Bình Tây buôn bán hay cho thuê đẻ ở,là cái thu nhập của Q Đ.cung như thời nhà Ngô ,nguời Tàu (HUIBONHOA?)xây chợ An Đông cũng Tăng cho thành phố SG ,nhưng các ngôi nhà xây cát chung quanh đều là nơi cho dân thuê đẻ ở ,trả tiền hàng tháng cho chủ. Tóm lại nghĩa là vói đầu óc tinh toán ,người Tàu tính là toán :Có lợị cho họ .Họ không bỏ tiền cho không ai mà bỏ tiền ra đẻ mưu lơi cho mình :được tiếng được miêng. Họ có uy tín ,và sẻ thuận lơi trong việc làm ăn .
    Đây là nhũng cái chợ lịch sử SG nên Không thể nói là xây cất TẶNG cho Thành phố HCM vì thành phố này có tên sau 75.
    Người dân vẫn gọi là SAI GON vì đã là cái tên quen thuộc.Hơn nủa ngăn gọn hơn.
    Hy vọng VN sẻ lấy lại tên SAIGON thay vì hcm cũng như Nga đã bỏ tên Leningrad mà đổi lại tên củ thời Nga Hoàng ,St.Petersburg.

  2. Nói thẳng, chẳng ai thích và gọi tên tphcm, trừ trên giấy tờ buộc lòng phải ghi, mà cũng không buồn viết hoa.
    Đó là sự thật phổ biến trong lớp người đã trưởng thành trước 75.
    Thế hệ hcm thích gọi tphcm, thây kệ!

  3. Có gì lạ đâu! Tiếm danh, cướp công, ngụy tạo … để đánh lừa người dân vẫn là những ngón sở trường của Cộng Sản mà.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây