Ba bóng đen trùm xuống bản án tử hình oan Nguyễn Văn Chưởng

Phạm Đình Trọng

9-8-2023

Án mạng giết hại thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm 14.7.2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng là bản án quá đơn giản, không có gì phức tạp, không khó phá án, không khó tìm ra bàn tay vấy máu nạn nhân Nguyễn Văn Sinh.

Nhưng cũng như vụ án hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An bị giết hại tối 13.1.2008, cơ quan điều tra không hướng vào truy tìm kẻ thủ ác đích thực nên vội vàng huỷ tang vật vụ án. Con dao, cái thớt ở chỗ hai cô gái bị giết, dính máu nạn nhân đương nhiên cũng có cả dấu vết bàn tay tội ác. Con dao bị giấu nhẹm. Cái thớt bị thiêu trong đống lửa. Cảnh sát điều tra ra chợ mua dao thớt mới thay thế chỉ cốt cho có tang vật thì rõ ràng họ không cần truy tìm kẻ đích thực giết hai cô gái.

Tang chứng của thủ phạm đích thực bị huỷ bỏ mất tăm tích để tạo ra tang chứng áp đặt bằng bạo lực nhục hình ép cung, buộc tội người ngoại phạm. Bạo lực nhục hình ép cung đã tạo ra nhiều bản án tử hình oan rải ra trong không gian rộng lớn trên cả nước và kéo dài trong thời gian nhiều chục năm qua mà những tử tù oan Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn và những cái chết oan như Ngô Thanh Kiều là dẫn chứng.

Bản án tử hình Nguyễn Văn Chưởng cũng trong vòng xoáy bạo lực nhục hình, ép cung như bản án tử hình với Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long nhưng khủng khiếp hơn, trắng trợn hơn và trùng trùng nhiều tầng lớp áp đặt hơn. Thiếu minh bạch, không có ánh sáng công lí nên trong bản án tử hình oan Nguyễn Văn Chưởng thấy lù lù những bóng đen, những khoảng tối trùm xuống bản án. Bịt bùng nhất, nặng nề nhất và khủng khiếp nhất là ba bóng đen Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng và Trương Hoà Bình.

Ông Trương Hoà Bình. Ảnh: TTXVN

Trong đó hai bóng đen tạo ra bản án tử hình oan cho Chưởng là Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng. Bóng đen Trương Hoà Bình, Chánh án Toà án Tối Cao đủ tầm bao phủ chặn kín cánh cửa giải oan, xoá án oan cho dân đen lương thiện Nguyễn Văn Chưởng. Bóng đen bịt kín buồng giam tử tù Nguyễn Văn Chưởng không còn một khe hở cho ánh sáng công lí soi vào đến nỗi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã từng là Chánh án Toà án Tối cao phải ngửa mặt lên trời than cho phận dân đen phải chịu oan khiên tức tưởi và tuyệt vọng: “Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng hết đường kháng nghị!”

Án mạng giết thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm mưa gió 14.7.2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, Hải Phòng xảy ra khi đại tá Ca đang là trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó giám đốc công an Hải Phòng. Vụ án xảy ra khi Ca đang hau háu nhìn lên chiếc ghế giám đốc và thượng tá Trọng là phó của Ca ở phòng điều tra tội phạm đang nôn nóng chờ Ca lên giám đốc để lại chiếc ghế trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó giám đốc công an thành phố cho Trọng. Thèm khát chức quyền, có vụ án xảy ra, cả hai đều lấy bạo lực, nhục hình, ép cung làm phép màu phá án nhanh. Ca và Trọng đều rất rành phá án nhanh bằng bạo lực. Lúc này càng phải tỏ ra là người hùng phá án nhanh, ghi điểm son để lên chức.

Người dân và chính quyền tranh chấp đất đai chỉ là tranh chấp dân sự thường tình của cuộc sống vốn luôn phát sinh mâu thuẫn. Tranh chấp đất đai đã và đang diễn ra gay gắt trên khấp đất nước. Công an cưỡng chế thu hồi đất tay khiên, tay dùi cui dàn hàng ngang đối mặt với hàng ngàn dân giữ đất kéo dài suốt nhiều năm. Khi căng thẳng nhất công an cũng chỉ vung tay, vung chân với dân. Dữ dội nhất cũng chỉ dùi cui khua loang loáng, gạch đá bay rào rào. Không ở đâu công an nỡ dàn trận, xả súng bắn dân tranh chấp đất đai với chính quyền.

Nhưng trong tranh chấp giữa gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn với chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng về mảnh đất gia đình Vươn đã đổ mồ hôi, đổ cả máu khai hoang lấn biển, Ca và Trọng đã huy động hơn một trăm tay súng công an dàn thế trận đối đầu bằng súng đạn với dân, xả đạn vào ngôi nhà đơn sơ, mỏng manh nơi vợ con Vươn, nơi đàn bà và trẻ con đang nương náu. Nổ súng bắn vào đàn bà, trẻ con, bắn vào người dân một nắng hai sương khai hoang lấn biển, mở đất sản xuất làm ra của cải và đóng thuế cho nhà nước mà Ca hỉ hả sung sướng khoe trận đánh đẹp. Phá án nhanh của đại tá Ca, của thượng tá Trọng là vậy! Phá án bằng bạo lực tàn bạo, man rợ, không còn tính người.

Ông Đỗ Hữu Ca – cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Án mạng giết thiếu tá Sinh có màu sắc, có bóng dáng cuộc thanh toán của xã hội đen, của thế giới ngầm. Không hề có chỉ dấu của vụ giết người, cướp của. Giết người cướp của phải nhằm vào người có của và tay không, yếu thế. Chẳng dại gì nhằm vào công an có súng. Công an đi công vụ trong đêm cũng chẳng ai mang theo của. Có chăng chỉ vài đồng tiền lẻ. Một vụ cướp có tổ chức, có chủ mưu mà Chưởng bị vu cho là chủ mưu không khi nào ra tay giết một mạng người chỉ vì vài đồng tiền lẻ.

Trời mưa gió. Đêm khuya. Đường vắng. Thiếu tá Sinh mặc áo mưa đi xe máy một mình thì không thể là đi tuần. Lâu không thấy Sinh về, đồng đội của Sinh là cảnh sát Phạm Hồng Quang đi tìm thấy Sinh bị giết thì ứng xử của Quang cũng cũng không phải là ứng xử của một cảnh sát với một án mạng, lại là án mạng với đồng đội của mình.

Với cảnh sát, xử lí án mạng là việc thường ngày, là kĩ năng nghiệp vụ. Nghiệp vụ phá án hàng đầu cảnh sát nào cũng phải thuộc lòng là bảo vệ hiện trường, bảo quản nguyên trạng tang vật. Nhưng Quang đến nơi Sinh bị giết liền xoá bỏ ngay hiện trường, thu giấu ngay tang vật.

Quang lột áo mưa, áo cảnh sát, dép… của Sinh gửi ở phòng bảo vệ công ty gần nơi án mạng. Quang thu giữ điện thoại di động, khẩu súng ngắn của Sinh đến chiều hôm sau, 15.7.2007 mới giao lại cho đơn vị đưa vào tang vật vụ án. Quang giữ điện thoại của Sinh một đêm và nửa ngày, liệu lịch sử những cuốc liên lạc của điện thoại có còn nguyên vẹn và đầy đủ?

Vội vàng xoá bỏ nguyên trạng hiện trường vụ án, Quang như muốn che giấu nguyên nhân đích thực dẫn đến cái chết của Sinh. Đây là chi tiết rất quan trong, một hướng cần khai thác đến nơi đến chốn để truy tìm ra kẻ thủ ác đích thực.

Nhưng Ca và Trọng không quan tâm đến sự việc và con người có thật trong vụ án. Ỷ vào bạo lực, có sự táng tận lương tâm, có sự trống rỗng tính người để bắt bất kì dân đen, thân cô thế cô nào cho nếm bạo lực “trận đánh đẹp” của Ca, cho nếm nhục hình, ép cung của đàn em Ca và Trọng, đều phải nhận tội giết người. Đó là thủ thuật phá án nhanh nhất của Ca và Trọng.

Chưởng đã kê khai các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng, 0974.863.087, tối ngày 14.7.2007 là căn cứ rất xác đáng, đủ cơ sở xác định vị trí và hành vi của Chưởng ở thời điểm xảy ra vụ án giết thiếu tá Sinh. Xác minh điều đó là xác minh sự ngoại phạm của Chưởng nên Ca và Trọng lờ đi. Ca và Trọng chỉ dùng bạo lực, nhục hình, ép cung mới nhanh chóng buộc Chưởng phải nhận tội giết thiếu tá Sinh đêm 14.7.2007!

Bạo lực nhục hình, ép cung của lũ cô hồn trong trại giam của công an Hải Phòng chưa đủ, Ca và Trọng còn liên kết với công an Bắc Giang, nơi có nhà gim Kế với những cô hồn máu lạnh, thành thục xài bạo lực, nhục hình, ép cung tạo ra những án oan tử hình Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long chấn động cả nước. Bị đòn nhừ tử ở trại giam công an Hải Phòng, Nguyễn Văn Chưởng lại bị dẫn giải lên Bắc Giang, tống vào nhà giam Kế cho những cô hồn đã buộc Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn chỉ được lựa chọn một trong hai sự nghiệt ngã: Hoặc nhận tội giết người. Hoặc ân đòn đến chết. Với sự ra đòn của những cô hồn đó, dù không giết người, Chưởng cũng phải nhận tội giết người để được sống mà kêu oan.

Ông Dương Tự Trọng dùng loa kêu gọi ông Đoàn Văn Vươn đầu hàng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bạo lực, nhục hình, ép cung cả với những tiếng nói trung thực. Nguyễn Trọng Đoàn, em Chưởng, Trần Quang Tuất, Trịnh Xuân Trường cùng quê với Chưởng đã viết giấy xác nhận tối 14.7.2007 Chưởng có mặt ở quê, thôn Trung Tính, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương, cách nơi án mạng giết thiếu tá Sinh 40 cây số. Bạo lực, nhục hình, ép cung buộc Đoàn, Tuất, Trường phải viết giấy bác bỏ giấy xác nhận cũ, phải viết lại theo lời mớm của công an.

Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng đã làm ra bản án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng bằng bạo lực nhục hình, ép cung như vậy. Những bản án tử hình oan với Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải tạo nên bóng đen trung cổ man rợ trùm lên nền văn minh sông Hồng, trùm lên đất nước văn hiến đang cùng loài người đi vào nền văn minh sáng lạn, văn minh tin học.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
    Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
    Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
    Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
    Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
    Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
    Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
    Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
    Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
    Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
    Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
    Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
    Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
    Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
    Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
    Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
    Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
    Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
    Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
    FB H.Đ

  2. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  3. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  4. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  5. Kính thưa Admin
    Tôi rất mong Admin kính mời các nhà tâm lý học (với trình dộ chuyên gia và lương tri trong sáng) hãy viết loạt bài phân tích tâm lý các đồng chí công an hình sự nỡ nào nghĩ ra đủ mọi cách tra tấn tàn bạo nhất để bắt tù nhân khai cung phù hợp với bản án do chính họ bịa đặt ra.
    Các vụ án tử hình được giải oan gần đây đều có yếu tố tra tấn tàn bạo mà người lương thiên không thể hình dung ra được.

    Trân trọng kính xin

    NguyenDo

  6. Hai quan CA. liên quan đến tử tù NguyễnV Chưởng thì bây giờ cả nước đã biết mặt thật
    bất lương và nham nhở của họ nhhư thế nào ! Chắc chắn là có tình trạng ép cung ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây