Tại sao tôi tin Nguyễn Văn Chưởng vô tội?

Đoàn Bảo Châu

7-8-2023

1. Giống ba người tù Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chưởng bị tra tấn dã man, bị ép cung.

Là con người, bất kì ai rơi vào hoàn cảnh ấy, cũng phải nhận tội để thoát khỏi cảnh thân xác bị đau đớn quá sức chịu đựng của thần kinh.

Chính vì vậy mà Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10-12-1984 đã lên án ên án tra tấn như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải với đồng loại.

Tất cả những lời khai nhận tội sau khi bị tra tấn, nhục hình là không có giá trị.

2. Chưởng có bằng chứng ngoại phạm và Đoàn, người làm chứng cho Chưởng cũng bị tra tấn, bắt buộc phải thay đổi lời khai, lại bị khép vào tội che dấu tội phạm.

3. Việc cố tình vi phạm pháp luật, dùng nhục hình với người tù đã thành một “truyền thống” với các điều tra viên ở Việt Nam. Chính cựu đại uý Lê Chí Thành, một đồng chí của họ cũng bị tra tấn man rợ như thời trung cổ, bị treo tay chân trong hầm cứt 7 ngày đêm. Khi ra toà, đi lết không nổi, phải có người dìu.

Tôi hoàn toàn có quyền tin rằng các điều tra viên và nhiều kẻ khác đã cố tình đổ tội cho những người vô tội với mục đích xấu. Nhất là khi đạo đức cán bộ vào thời kỳ vô cùng “ngạo nghễ” như công luận đã được chứng kiến.

Nếu có luật nhân quả thì những kẻ thủ ác sẽ phải đền tội. Chúng mang hình hài con người nhưng mang tâm hồn ác quỷ, chúng làm điều ác với đồng loại để hưởng lợi.

Bình thường tôi không nói tới luật nhân quả nhưng trong trường hợp này, khi cái ác và việc vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên thì người dân như chúng ta bị rơi vào một hoàn cảnh bất lực, chẳng thể làm gì ngoài việc lên tiếng phản đối và ước gì luật nhân quả được thực thi.

Tôi biết, đấy là một sự yếu đuối nhưng có thể làm gì hơn?

Đây là những con hươu do Chưởng gấp bằng ni lông ở trong tù.

Một con người có tài, khéo tay, biết làm thơ.

Tôi tin Chưởng vô tội và nếu như em bị giết thì điều ấy cũng đồng nghĩa với việc công lý ở Việt Nam cũng bị giết.

Và lúc đó, lũ dân đen chúng ta thực sự là một lũ cừu bất lực. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị bắt, bị đánh tới thân tàn ma dại và thành kẻ có tội. Suy cho cùng, quan tâm tới Chưởng, đấu tranh cho công lý chính là đấu tranh cho chính chúng ta.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  2. 1.Toà án xét xử theo luật,pháp bất vị thân,cũng không thể căn cứ vào lòng tin.
    2.Vụ án của bị can Chưởng,theo các tường thuật của luật sư,Chưởng có chứng cứ ngoại phạm,không có bất cứ một chứng cứ nào chứng tỏ Chưởng tự tay giết nạn nhân như hung khí giết người có dấu vân tay,hình ảnh ghi được hành vi sát nhân.Các lời khai khác không có giá trị quyết định như lời nhận tội của bị can(có thể bị ép buộc hay nhận tội thay cho người khác),lời vụ oan do oán thù…
    3.Chẳng lẽ nếu vụ án bị ngang nhiên xử trái luật pháp do rất nhiều nguyên nhân tiêu cực mà cả nước cũng đành bó tay?
    4.Nếu một vụ án mà nguyên cáo và bị can có thể có phần hợp lý hay sai trái ngang nhau,theo thông lệ quốc tế,phần thắng toà sẽ xử cho phía yếu thế.
    5.Đặc biệt với án tử hình,quan toà vô cảm đến mấy cũng nên luôn theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”tội”.

  3. Lẽ thường, khi kẻ phạm tội thú tội, nhận tội & tòa án xử kẻ phạm tội với mức án đúng tội danh theo luật định thì trong tương lai gần, việc vận dụng trí tuệ nhân tạo AI cùng cơ sở dữ liệu lớn Big data có lẽ sẽ thay phần việc của ông tòa trong xét xử ra mức án. Nhưng con người không phải là máy móc ‘vô cảm’, là con vật với ‘thú tính’, ở chỗ con người có tri thức, có thêm phần ‘người’ trong tâm hồn, trong lương tâm. Ông tòa kết án kẻ phạm tội không nên chỉ luôn nhằm mục đích mang tính răn đe, trừng phạt mà nên với mức án làm sao để kẻ phạm tội có thời gian phục thiện. Với mức án & thời gian trong tù, sau khi chấp hành xong án trở về cuộc sống đời thường, người ấy chết đi phần con người tội lỗi, được tái sinh, được sống lại phần con người lương thiện, để từ đây kẻ phạm tội không còn là gánh nặng cho xã hội, sự phục thiện của người ấy giúp ích cho bản thân, gia đình, người thân,..trong cuộc sống sau khi ra tù. Việc ông tòa xử đúng tội nhưng lại với mức án nặng, quá nặng, rất nặng xét đúng ra thì tội lỗi của ông tòa còn lớn hơn nhiều lần tội của kẻ phạm tội (xét riêng về hành vi phạm tội thì đó là xấu nhưng không chắc kẻ phạm tội đã là người xấu mà phải chịu án nặng, quá nặng, rất nặng; ông tòa bắt kẻ phạm tội gánh thêm tội của xã hội bằng mức án nặng, quá nặng, rất nặng nhằm mục đích răn đe xã hội?). Còn tính đến các cơ quan thực thi pháp luật cùng nhau thực hiện chức năng liên ngành tư pháp theo nguyên tắc suy đoán ‘có’ tội đề kết án oan sai 01 người vô tội với mức án tử hình thì tội lỗi của cả 01 tập thể liên ngành quá quá lớn (hầu hết các nước đã loại bỏ án tử hình vì ông tòa các nước đó chắc hẵn biết rõ khả năng giới hạn con người của bản thân; không thể nhìn rõ, hiểu rõ được đủ tâm lý, tình cảm trong đầu của kẻ phạm tội để khẳng định phải giết kẻ phạm tội, vậy nên họ không giết cho lành, thà bỏ sót còn hơn giết lầm). Xét về đạo đức, về lương tâm, về nhân quả, về tâm linh thì kết án oan sai 01 người vô tội với mức án tử hình & án đã thành là đã gây nghiệp chướng quá quá nặng, vô phương khắc phục, dân gian gọi tội đó là ‘vu oan giá họa’, kẻ làm sai khó thể sống yên lòng trong quãng đời còn lại & khi chết đừng mong siêu thoát (tước đoạt oan sai mạng sống của người thì phải đền trả bằng mạng sống của mình hay của người thân?).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây