Ân xá là giải pháp hợp lý cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải

Nguyễn Ngọc Chu

7-8-2023

1. ÉP CUNG

ÉP CUNG là nguyên nhân lớn dẫn đến án oan. Chừng nào còn có ép cung thì chừng đó án oan còn nhiều. Không phải cơ quan điều tra Việt Nam “phá án rất nhanh, thuộc hàng giỏi nhất thế giới”, như một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp QH đã lầm tưởng, mà ép cung ở Việt Nam mới thuộc nhóm nhiều hàng đầu thế giới. Ép cung thì phá án nhanh. Nhưng kết quả là án oan. Các vụ án oan chấn động Việt Nam (Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Chiến… đều là hậu quả của ép cung.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một vụ án bị ép cung. Nhiều nhân chứng và bị can trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng đều tuyên bố trước toà là bị ép cung. Chẳng hạn như nhân chứng Tuất:

“Nhân chứng Tuất trước toà vẫn trình bày đúng những gì Tuất đã trình bày với các PV Tiền phong: Tối 14/7/2007, Chưởng đi cùng một người bạn đến nhà Tuất. Tuất nhớ chính xác ngày tháng, vì hôm đó nhà Tuất thu hoạch dưa hấu, lại trùng vào ngày mùng Một âm lịch.

HĐXX hỏi: “Vì sao tại CQĐT anh đã rút lại lời khai này?”, Tuất đáp: “Do tôi bị đấm, bị còng tay vào ghế, bị giữ suốt cả ngày và dọa bắt, nên tôi sợ”.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là vụ án oan. Chính Viện Kiểm sát NDTC cũng khẳng định sự kết án oan đối với Nguyễn Văn Chưởng. Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao:

“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”.

2. ÂN XÁ

Dưới bàn tay các bạo chua thì “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Còn dưới các chế độ dân chủ văn minh thì “thà bỏ sót còn hơn giết nhầm”. Tử hình một người chưa chứng minh được có tội là một tội ác.

Hơn 16 năm ngồi tù (bị bắt 1/8/2007) với Nguyễn Văn Chưởng, và gần 16 năm ngồi tù (bị bắt 21/3/2008) với Hồ Duy Hải, khi chưa chứng minh được có tội là oan sai khủng khiếp. Hơn thế nữa Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải còn bị kết án tử hình. Nguyễn Văn Chưởng đang bị đề nghị đưa ra thi hành án. Còn Hồ Duy Hải thì đang chết dần chết mòn trong tù.

Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải bị kết án oan. Trong các nguyên nhân dẫn đến án oan của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, không loại trừ có các thế lực quyết buộc tội chết cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Bởi thế, hai vụ án oan Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải sẽ không thể kết thúc theo trình tự pháp lý thông thường. Cuộc chiến bảo vệ lẽ phải với thế lực quyết buộc tội chết sẽ kéo dài thời gian cầm tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Giải pháp nhân văn, hợp tình, hợp lý, hợp pháp cho hai vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là ân xá.

Nhân dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nên sử dụng quyền ân xá đối với Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải là giải pháp duy nhất đúng để tránh được án oan tử hình và án oan cầm tù 16 năm với những người vô tội.

Không phải vì ghi danh lịch sử. Mà vì công lý và nhân văn, vì thực thi quyền hạn của nhân dân giao cho. Lệnh ân xá là của nhân dân trao quyền cho chủ tịch nước. Lịch sử các vụ án chế độ CHXHCN Việt Nam sẽ ghi nhận ‘công’, ‘trí’, và ‘nhân’ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vì đã thực thi một lệnh ân xá nhân văn, hợp lý, hợp tình cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.

3. ĐỀ XUẤT

Án oan ở Việt Nam mỗi ngày một nhiều. Làm thế nào để giảm bớt án oan? Thực thi các biện pháp sau đây có thể giúp cho án oan ở nước ta thuyên giảm.

– Phải gấp rút đưa ra các biện pháp hữu hiệu để chấm dứt ép cung. Ép cung là tai hoạ. Án oan ở Việt Nam nhiều là bởi ép cung. Chưa chấm dứt ép cung dưới mọi hình thức thì sẽ còn hàng ngàn án oan động trời nữa.

– Khi tất cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án nhất trí tuyệt đối về buộc tội, mà vẫn còn đầy án oan. Huống chi Viện Kiểm sát NDTC không đồng tình, mà Toà vẫn kết tội tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng. Đó có nghĩa là các thẩm phán coi nhẹ số mệnh con người. Các thẩm phán sẽ phản ứng thế nào khi Nguyễn Văn Chưởng là con, là em của họ? Chắc chắn họ sẽ có các kết luận khác.

Bởi vậy, với các án liên quan đến tử hình, còn có khác biệt quan điểm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và toà án, thì dứt khoát chưa kết tội tử hình. Thà bỏ sót còn hơn giết nhầm.

– Sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xét xử để giảm bớt sai lầm, tránh được tác động có chủ ý của các nhân tố ngoại lên quá trình xét xử, rút ngắn thời gian xử án, và giảm bớt số lượng các vụ án tồn đọng.

Đọc các bức thư kêu oan của Nguyễn Văn Chưởng thêu trên áo, trên hình thú, mà thấm đẫm nước mắt. Không cần xem chi tiết vụ án thì cũng kết luận ngay được đó là án oan. Chỉ có oan ức ngút trời mới khiến con người có được nghị lực và mưu trí gửi lại trăng trối để cứu vớt cuộc sống.

Sai lầm là thuộc tính không tránh khỏi của con người do tạo hoá cấy vào. Khát khao sống cũng là thuộc tính không tránh khỏi của con người do tạo hoá cấy vào để con người bảo tồn sự sống. Cùng hoà vào dòng chảy nhân văn và tiến bộ của nhân loại, Việt nam cần tiến đến xoá bỏ án tử hình.

Một ngày tù ngàn thu ở ngoài. 16 năm trong tù, nếu có tội, cũng đã đủ để trả giá, huống chi là oan. Nếu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tự mình biết được hành trình bố mẹ Nguyễn Văn Chưởng và mẹ Hồ Duy Hải đi kêu oan cho con như thế nào, thì không thể không nhìn thấy sự thật vụ án. Những bà mẹ Việt Nam, khi cần, nuốt nước mắt vào trong mà dâng hiến con mình cho đất nước, nhưng khi con bị oan, thì sẵn sàng đổi mạng cứu con. Án tử hình oan, không chỉ oan hồn người bị tử hình vật vờ lang thang kêu oan, mà người mẹ của tử tù oan, khi chết cũng không thể nhắm mắt.

Quốc khánh mồng 2 tháng 9 sắp đến. Món quà quý giá cho công lý và nhân dân chính là lệnh ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Nhân dân cả nước sẽ đón tin ân xá Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vui mừng hơn bất cứ bài diễn văn hoa mỹ nào.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  2. Ân xá là tha miễn hình phạt cho phạm nhân đã bị kết án, bất kể là đã kết án đúng người đúng tội hay bị kết án oan sai.
    Xin ân xá và được ân xá là sự xin-cho, ban ơn chứ không phải là công lý.
    Miễn hình phạt tử hình được cho là nhân văn và “hợp lý”. Trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng “sự hợp lý” này rất rõ ràng: 1) cứu được mạng sống của tử tù Hải và Chưởng (đó là điều dư luận xã hội rất mong muốn), 2) giải cứu được sự bế tắc của ngành tư pháp.
    Mặc dù có thể được ân xá nhưng nạn nhân bị oan sai vẫn mãi mãi mang tội “giết người cướp của”, dù được sống nhưng mang nỗi nhục không thể gột rửa, sống còn đau hơn chết.
    Theo tôi, đúng đắn nhất là kịp thời HOÃN THI HÀNH ÁN, sau đó điều tra lại, nếu không tìm được chứng cứ thuyết phục để buộc tội thì phải TUYÊN TRẮNG ÁN, trả tự do cho 2 tử tù này. Bước xử lý tiếp theo như đã làm đối với các trường hợp Huỳnh Văn Nén, Trần Thanh Chấn, Hàn Đức Long…

  3. Quốc Khánh 2-9 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng của các bác, cũng là khai sinh ra nền Dân Chủ Cộng Đồng Đệ Nhất until Đổi Mới lật đổ nó . Chính trong những dịp này mà TA, aka các bác, cần lắm học & làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh . Ở chuyện này, TA có (rất) nhiều gương để học & làm theo . Thứ nhất có thể kể tới Georges Boudarel, mà hài cốt đã được nhà văn hóa Nguyên Ngọc & giáo sư Chu Hảo đưa về hòa với khí thiêng sống núi -tất nhiên, cũng của các bác lun . Người này có thể nói, như Giáo sư Hoàng Tụy trong giáo dục, đặt nền móng cho ngành điều tra hình sự của nước nhà, tất nhiên, các bác . Kế tới, TA có Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những chiến công hiển hách thời kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc, tất nhiên, các bác . Ts Nguyễn Ngọc Chu tiếc Thủ tướng Võ Văn Kiệt hổng có truyền nhân, và rõ ràng TA đã thấy niềm tiếc nuối này khá vô lý . “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo thực địa, chứ không phải là một thủ trưởng văn phòng. Điều này giúp cho Ông có được các quyết định đúng đắn và làm Ông khác biệt với nhiều lãnh đạo tiền nhiệm cũng như hậu thế”

    Đọc về 1 chiến tích của Biệt động thành Saigon dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sáu Dân mênh mông tình dân xem có phải là blueprint của ISIS, & của các chiến binh cảm tử từ Đông qua Tây hay không

    “4 giờ 40 phút sáng, xe chở khối thuốc nổ cùng đội hình chiến đấu của Đội 5 biệt động đã đến mục tiêu, cảm tử quân biệt động Lý Cảnh Nè đã cập sát được xe chở thuốc nổ vào khách sạn Metropole như đã định và mở khóa an toàn ngòi nổ chậm rồi cùng bí số 503 thoát nhanh ra khỏi xe, nhanh chóng rời khỏi hiện trường trong tiếng súng yểm trợ đang nổ rền vang bắn về phía khách sạn, khi đó đèn đường Sài Gòn vẫn còn cháy sáng. Đúng 4 phút, một tiếng nổ long trời lở đất, khách sạn Metropole mịt mù trong khói lửa… Khách sạn Metropole bị phá hủy 3 tầng, hầu hết những người Mỹ và đồng minh có mặt tại khu khách sạn Metropole bị đánh bom với rất nhiều người bị thương vong”

    Trân Văn kể về 1 chiến sĩ đã liệng lựu đạn vào buổi họp hướng đạo, rùi chiện ám sát gs Nguyễn Văn Bông thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp “Ông Vũ Quang Hùng lúc đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Sài Gòn và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4“, và Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lãnh đạo của T4 thời kháng chiến chống Mỹ . Kể ra để ô Võ Tòng Xuân có lý do để tự hào .

    Nói chung, chuyện thường ngày ở xứ sở các bác í muh. No Star cả & cũng chả Star Where

Comments are closed.