Sau nửa thế kỷ tỵ nạn, người Việt vẫn chọn nước Mỹ tự do

Tuấn Khanh

23-7-2023

Kết quả một cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, bản doanh tại Washington, cho thấy người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, dù trải qua nửa thế kỷ để sinh sống, làm việc và đủ thời gian để lãng quên những nỗi đau từ Tháng Tư 1975, thế nhưng tự do là mầm đã nảy chồi và bám chặt trên vùng đất mới.

Bất chấp từ hơn hai thập niên qua, nhà nước mới Cộng sản vẫn ra sức kêu gọi và bày tỏ thái độ muốn thu hút người Việt ở Mỹ trở về tham gia việc xây dựng kinh tế, sinh sống… tại Việt Nam, nhưng đa số người được tham khảo nói, họ chỉ muốn sống với đất nước tự do, còn Việt Nam nếu có quay về, chỉ là tạm thời, vì đó mãi là quê hương gốc.

Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành một cuộc khảo sát đại diện trên toàn Hoa Kỳ với 7.006 người trưởng thành châu Á, để khám phá kinh nghiệm, thái độ và quan điểm của người châu Á sống ở Mỹ, mục đích để tìm hiểu quan điểm của người Mỹ gốc Á về quê hương tổ tiên của họ và nơi định cư là Hoa Kỳ. Các nhóm sắc tộc được khảo sát là Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Báo cáo này là báo cáo mới nhất trong các phân tích chuyên sâu của Trung tâm về dư luận của người Mỹ gốc Á. Bản khảo sát được cung cấp bằng sáu ngôn ngữ: Trung Quốc (Giản thể và Phồn thể), tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Hàn, tiếng Tagalog và tiếng Việt. Các câu trả lời được thu thập từ ngày 5 tháng 7 năm 2022 đến ngày 27 tháng 1 năm 2023, bởi tổ chức Westat, thay mặt cho Trung tâm nghiên cứu Pew.

Nhiều năm nay, nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn giới thiệu một bộ mặt mới, hòa bình, thân thiện và phát triển hơn để thu hút sự quan tâm của các cộng đồng người Việt tự do trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng, truyền thông nhiều chiều ở Hoa Kỳ đã góp phần vạch rõ những vấn đề, và khiến người Việt qua nhiều thế hệ vẫn cảm thấy mình không muốn quay lại Việt Nam, dù có vẻ quê hương gốc dễ kiếm tiền và vui chơi hơn. Có đến 8 người trong số 10 người Việt sinh sống ở Mỹ được hỏi, đã nói mình sẽ không quay lại.

Có khoảng ba phần tư người Mỹ gốc Á (78%) có cái nhìn thiện cảm về Hoa Kỳ – bao gồm 44% cho biết, có cái nhìn rất thiện cảm. Đa số cũng cho biết họ có quan điểm tích cực về Nhật Bản (68%), Hàn Quốc (62%) và Đài Loan (56%). Trong khi đó, 33% người Mỹ gốc Á có quan điểm thuận lợi về Ấn Độ, 41% có quan điểm trung lập và 23% có quan điểm không thuận lợi.

Hà Nội thành công không ít trên mặt trận tuyên truyền nên tạo ra cái nhìn không rõ ràng về Việt Nam: Không xấu, không tốt. Có 37% người trưởng thành châu Á (nhiều sắc tộc) ở Mỹ có quan điểm tích cực về Việt Nam, trong khi khoảng một nửa số người được thăm dò, nói rằng họ không có quan điểm thuận lợi cũng như bất lợi, và chỉ khoảng 1/10 nhìn quốc gia này theo cách tiêu cực.

Ảnh chụp màn hình

Người Mỹ gốc Á chỉ có một điểm chung tương đối, đó là không thích Trung Quốc. Chủ yếu đa số có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Chỉ 20% người trưởng thành châu Á có quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 52% có quan điểm không tích cực và 26% không có ý kiến cụ thể.

Nhìn chung, người Mỹ gốc Á có quan điểm tích cực về quê nhà gốc. Khoảng 9/10 người Mỹ gốc Đài Loan và Nhật Bản nói rằng, quan điểm của họ là hướng về quê hương tổ tiên, cũng như phần lớn người Hàn Quốc, Ấn Độ và Philippines trưởng thành.

Phần lớn người Mỹ gốc Việt nói rằng, họ có thiện cảm với quê hương gốc của mình. Khi nhìn về Việt Nam, cứ mười người Mỹ gốc Việt thì có khoảng sáu người nói rằng họ có thiện cảm, có 21% có quan điểm không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, trong khi 16% có quan điểm hơi tiêu cực và rất tiêu cực. Dĩ nhiên, những khảo sát này chưa làm rõ được là tiêu cực hay tích cực là nhắm vào thực thể quốc gia, hay có pha trộn suy nghĩ về chính thể cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

Cuộc khảo sát của Pew cũng cho thấy, hầu hết người Mỹ gốc Việt (78%) trả lời dứt khoát là không, khi được hỏi, liệu họ sẽ trở về Việt Nam để sinh sống hay không. Người Việt không sinh ra ở Mỹ thì nói họ có thể dọn về Việt Nam sống – với tỉ lệ 21%, cao hơn một chút so với những người Việt sinh ra ở Mỹ – 14%.

Những cuộc phỏng vấn trực tiếp của Pew về suy nghĩ muốn quay về Việt Nam, được giải thích rằng, Việt Nam được nhận thấy có phát triển, tiện nghi hơn, thức ăn ngon và dễ tận hưởng các cuộc vui. Không có câu hỏi nào được đặt ra rằng tự do có phải là một ý nghĩa quan trọng khi sống ở Hoa Kỳ hay không, nhưng trong câu hỏi về sự yêu thích cuộc sống ở Mỹ hay Việt Nam, thì có đến 84% số người Việt Nam khẳng định, họ chọn nước Mỹ và yêu thích nước Mỹ – nơi mà cộng đồng luôn nhắc đến lý do vì sao họ đến đây, và vị thế của họ là gì.

Ly hương và không quên nguồn cội là điều có thật. Trong số những người có giấc mơ quay lại quê nhà, thì có đến 32% người Việt trưởng thành nói, đơn giản là họ chỉ muốn được gần bạn bè và người thân hơn. Riêng có 35% trong đó thú nhận, họ muốn chuyển về sống ở Việt Nam chỉ vì chi phí sinh hoạt thấp hơn. Có 11% người gốc Việt nói, vì họ quen thuộc với nơi sống đậm văn hóa Việt Nam, và có 4% người lớn tuổi muốn về Việt Nam, vì điều kiện chăm sóc, dễ nhờ cậy được người chung quanh mình hơn là bối cảnh ở Mỹ.

Thăm dò của Pew nhằm tìm ra thái độ của công chúng Á châu trong giai đoạn quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hiện nay. Không thích Trung Quốc là ý nổi bật trong các sắc tộc qua các ý kiến. Tờ Forbes nhận định về báo cáo mới nhất này của Pew, cho thấy, dù lập nghiệp và bền vững ở Hoa Kỳ nhưng hầu hết người Mỹ gốc Á luôn có cái nhìn thiện cảm với quê hương gốc, ngoại trừ người Mỹ gốc Hoa.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Dường như, trong tâm hồn của người VN luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà, nhất là những người lớn tuổi đã từng trưởng thành ở VN . Có lẽ vì vậy mà những người nổi tiếng, sống rất lâu ở hải ngoại vẫn muốn về sống ở VN như GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy…
    Còn giới trẻ, những người sinh ra và lớn lên ở Mý, dù cha mẹ tập cho họ nói được tiếng Việt , song về sống ở VN là chuyện không bao giờ . Đó cũng là lẽ tự nhiên thôi .

  2. Những người thích hay muốn về Việt Nam sống có 2 loại: muốn làm nô lệ cs hoặc muốn làm cha thiên hạ đè đầu cưỡi cổ như bọn quan chức. Rõ là bản chất u mê và tham tàn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây