Phải tìm để mà hiểu nhau…

Thái Hạo

14-6-2023

Vụ ở Tây Nguyên, vì chưa có thông tin nào rõ ràng về nguyên nhân bạo lực nên tôi không muốn đưa ra nhận định gì cả, chỉ nói một điều mà từ lâu tôi vẫn thường lặp lại.

Khi còn đi dạy, tôi vẫn hay nói với học trò về những dân tộc thiểu số trên đất nước ta, nhằm phá vỡ đi trong các em cái ý niệm/ấn tượng không đúng về những cộng đồng ấy. Giáo dục và truyền thông từ lâu đã gieo vào nhận thức và hình thành thái độ coi thường “người dân tộc”, như một kiểu đẳng cấp, bề trên…, hay ít nhất vì đã không làm tròn trách nhiệm nên mới dẫn đến tình trạng ấy. Khiến cho trong họ luôn sẵn não trạng mình là văn minh, là hiện đại, còn những dân tộc thiểu số là mọi rợ, mông muội, lạc hậu…

Nhưng người ta quên mất rằng, người Kinh không có chữ viết, chữ Nôm là sản phẩm muộn màng và phái sinh từ chữ Hán, chữ Quốc ngữ thì do các giáo sĩ phương Tây làm ra. Ngược lại, nhiều dân tộc ít người ở Việt Nam có chữ viết riêng từ xa xưa. Đó là một bằng chứng vật chất về trình độ văn minh không thể phủ nhận.

Văn học, người Kinh có thơ ca hò vè và những mẩu chuyện kể dân gian be bé, tuyệt nhiên không có sử thi/anh hùng ca. Tây Nguyên thì có những pho sử thi đồ sộ mà ai đã học qua phổ thông thì đều biết. Sử thi là viên đá tảng của văn học, là đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, chúng ta không có. Đó là chưa nói về nghệ thuật tạo hình, về âm nhạc, về tôn giáo tín ngưỡng… Và đặc biệt là tinh thần tôn trọng thiên nhiên. Tôi nói “tôn trọng” chứ không phải “yêu” – vốn là một từ nay đã mang sắc thái trịch thượng ít nhiều. Thiên nhiên là Mẹ, và con người thấy mình thuộc về thiên nhiên, đó là một sự minh triết và tinh thần quảng bác.

Điểm tí chút như thế để thấy rằng, các dân tộc thiểu số có một nền văn hóa dày dặn, phong phú và đáng nể, chứ không giống như hình dung và thái độ ở nhiều người. Nói vậy không phải để phân biệt, mà chủ đích là “biết mình biết ta” để mà tôn trọng nhau. Tôn trọng chứ không phải là ban ơn, ban phát.

Mối quan hệ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam cũng giống như giữa người với người trong thế giới hiện đại vậy, cần được tôn trọng và phải biết để tôn trọng nhau. Lịch sử có những lối đi tình cờ, đặt một nhóm người vào vị trí cao hơn bởi số lượng hay sức mạnh vật chất, còn cộng đồng khác thì hẩm hiu phải chịu số phận nhỏ bé và phụ thuộc. Nhưng đó là những cái khách quan, và nó không nên được lấy làm lý do để quên đi trình độ văn hóa của mình cũng như của người.

Mọi sự tốt đẹp bền vững có lẽ chỉ đến khi mỗi người biết cúi đầu trước một nền văn hóa khác, việc “giúp đỡ” hay “chăm lo” có thể đến sau, thậm chí không đến, nếu “người đa số” đã biết đến sự tôn trọng.

Là người Việt Nam, chúng ta luôn cầu mong hòa bình và thịnh vượng, nhưng chỉ khi nào từ chính quyền đến người dân đều học được cách tôn trọng, đặc biệt là tôn trọng những người yếu thế, khi đó mới có thể nói chuyện được với nhau. Và một khi đã nói chuyện được thì không còn bạo lực nữa. Mà muốn tôn trọng thì phải hiểu nhau; muốn thương nhau cũng phải hiểu nhau. Phải tìm để mà hiểu nhau…

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Một thằng chăn bò sở hữu cả trăm triệu con bò, nó có gậy gộc trong tay và bầy chó dữ hỗ trợ nó cai trị đàn bò. Phần lớn đàn bò lông vàng, có một số con lông ngăm đen. Nó chẳng cần hiểu lũ bò và cũng chẳng cần lũ bò hiểu nó. Khi nó ra lệnh mà con bò nào phản kháng, thì cứ gậy mà phang thôi, còn không thì xua bầy chó lao vào cắn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây