Himars đã làm biến đổi cục diện chiến trường tại Ukraine và làm thay đổi tư duy chiến tranh hiện đại

Wall Street Journal

Cù Tuấn, dịch

10-10-

Tóm tắt: Hệ thống tên lửa cơ động với độ chính xác cao của Mỹ, với việc cách mạng hóa chiến lược quân sự, đang ngăn cản Nga xâm lược Ukraine.

Một cuộc cách mạng toàn cầu về chiến tranh đang làm thay đổi đáng kể quy mô của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, đặt vào tay quân đội Ukraine tại tiền tuyến một loại vũ khí sát thương mà cho đến gần đây vẫn cần đến máy bay, tàu bè hoặc các phương tiện vận chuyển lớn. Vũ khí này cũng có khả năng thay đổi cục diện chiến trường ở vị trí xa hơn Đông Âu.

Trung tâm của các mệnh lệnh chiến đấu mới là Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (M142 High Mobility Artillery Rocket System), hay còn gọi là Himars. Được Mỹ cung cấp và được các binh sĩ Ukraine vận hành kể từ tháng 6, các dàn tên lửa này đang tăng cường cho các vũ khí nhẹ và chính xác, bao gồm máy bay không người lái, tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, và được kích hoạt bằng hệ thống dẫn đường GPS và vi điện tử tiên tiến.

Với khả năng tiêu diệt các căn cứ quân sự, kho đạn và cơ sở hạ tầng của Nga ở xa chiến tuyến, 16 dàn Himars của Ukraine đã giúp quân đội của họ chặn đứng một cuộc tiến công đẫm máu của Nga vào mùa hè này. Kể từ tháng trước, người Ukraine đã giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở phía đông của đất nước họ và tiêu diệt quân đội Nga ở phía nam. Washington gần đây đã cam kết cung cấp thêm cho Ukraine 18 dàn Himars nữa.

Trong kho vũ khí của Kyiv, Himars là sự kết hợp độc đáo giữa tầm bắn, độ chính xác và tính cơ động. Điều này cho phép chúng làm thay công việc của hàng chục dàn pháo với hàng nghìn quả đạn theo cách truyền thống.

Bằng cách thu nhỏ bệ phóng và gần như đảm bảo cứ bắn là trúng mục tiêu, Himars và các thiết bị khác đang làm thay đổi giả định đã được duy trì hàng thế kỷ về cách các cuộc chiến phải xảy ra — và đặc biệt là về nguồn cung cấp quân sự. Độ chính xác được cải thiện đáng kể của Himars cũng đã phá tan các tuyến đường hậu cần khổng lồ mà các đơn vị bộ binh hiện đại yêu cầu.

Robert Scales, một thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu là một trong những người đầu tiên có hình dung về Himars trong những năm 1970 cho biết: “Himars là một phần của cuộc cách mạng chính xác, biến quân đội được trang bị nặng thành một quân đội khá nhẹ nhàng và cơ động.

Tháng trước, phóng viên Wall Street Journal đã có được đặc quyền hiếm hoi: đi theo một đơn vị Himars lên tiền tuyến.

Vào một buổi tối lúc chạng vạng, những người lính trong đơn vị này đang chuẩn bị ăn tối thì có nhiệm vụ thứ năm trong ngày của họ tới: đó là một doanh trại của Nga và một sà lan trên sông chở vũ khí và xe tăng cách đó 40 dặm.

Sáu người lính được xếp vào hai dàn Himars của họ: mỗi dàn pháo có một lái xe, một hoa tiêu và một chỉ huy, đi cùng với chỉ huy khẩu đội và một phân đội an ninh đi kèm trong một xe thiết giáp. Người chỉ huy đưa dữ liệu tọa độ vào máy tính bảng để xác định vị trí khai hỏa nào an toàn nhất.

Trong vòng vài phút, hai dàn Himars lao ra từ chỗ ẩn nấp dưới một lùm hoa mai và lao về phía điểm phóng pháo nằm trong một cánh đồng hoa hướng dương gần đó. Ba mươi giây sau khi đến nơi, họ bắn liên tiếp bảy quả tên lửa. Trước khi đạn bắn ra trúng mục tiêu, hai chiếc xe đã kịp chạy trở về trại căn cứ.

Mười phút sau, một cặp mục tiêu khác lại được nêu ra trong nhiệm vụ mới: các bệ phóng tên lửa thời Liên Xô cách nơi này khoảng 44 dặm. Dàn Himars lại chạy ra vị trí bắn một lần nữa và bắn một loạt tên lửa khác.

Ngay sau đó, những người lính quay trở lại trại và ăn nốt bữa tối. Một số người tải các video lên Telegram với nội dung là thành quả lao động của họ: đốt cháy một doanh trại của quân Nga.

Tên lửa Himars của Ukraine, với khả năng bay xa 50 dặm, đã bắn trúng hàng trăm mục tiêu của Nga, bao gồm các trung tâm chỉ huy, kho đạn, trạm tiếp nhiên liệu và cầu, phá hỏng con đường tiếp tế cho các đơn vị lính Nga ở tiền tuyến. Kể từ khi Himars đã ngăn chặn thành công bước tiến vào mùa xuân của Nga trên khu vực Donbas phía đông Ukraine, các dàn tên lửa này chuyển sang nhắm mục tiêu vào các đơn vị quân Nga bị buộc phải rút lui.

Các chỉ huy Ukraine ước tính rằng Himars chịu trách nhiệm cho 70% của các bước tiến quân sự trên mặt trận Kherson, theo chỉ huy của đơn vị, Trung úy Valentyn Koval cho biết. Anh nói, bốn xe Himars trong đơn vị của anh đã tiêu diệt hàng trăm binh sĩ Nga và phá hủy khoảng 20 khẩu đội phòng không.

Pháo binh Nga – giống như hầu hết các hệ thống pháo từ thời Thế chiến thứ nhất – rất thiếu độ chính xác. Để tiêu diệt một mục tiêu, quân Nga thường phải san bằng mọi thứ xung quanh nó. Các xạ thủ theo dõi bản đồ mưa đạn theo mô hình lưới nhằm mục đích không bỏ sót địa hình nào trong một khoảng ô vuông. Các nhà phân tích cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đang nã hàng chục quả đạn pháo trên mỗi mẫu Anh để có thể bắn trúng một mục tiêu.

Himars có thể thực hiện công việc này với chỉ một tên lửa mang đầu đạn nổ nặng 100kg. Mỗi dàn Himars của Ukraine mang theo một bệ sáu tên lửa có sức phá hoại hiệu quả với uy lực hơn 50.000 kg đạn nổ của pháo truyền thống.

Pháo binh thường rất cồng kềnh. Trong Chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq năm 1991, pháo binh chiếm hơn 60% khối lượng của một sư đoàn Mỹ. Việc di chuyển pháo đòi hỏi binh lính, xe tải, nhiên liệu và thời gian, cộng với binh lính và phương tiện bổ sung để bảo vệ các hoạt động tiếp tế đó.

Tất cả những gì hỗ trợ đều thu hút tài nguyên và trở thành một mục tiêu ngon lành cho đối phương, như thế giới đã thấy trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Ukraine, khi một đoàn xe tiếp tế của Nga bị các cuộc tấn công của quân Ukraine bên ngoài Kyiv chặn lại, và đã trở thành một dàn bia để ngắm bắn dài 40 dặm.

Tướng Scales nói: “Không chỉ độ chính xác của Himars mang tính cách mạng. Himars còn có khả năng giảm các yêu cầu về trọng tải xuống một bậc thấp hơn và chất lượng tốt hơn.”

Chuỗi cung ứng cho các đơn vị pháo Himars bao gồm các quả tên lửa đóng gói tại nhà máy được cất giữ tại các điểm nhận hàng ở một làng gần đó và thường được che giấu bằng những tán lá. Một chiếc xe tải chở hàng gửi những chiếc áo bằng lá cây ngụy trang cho xe— mỗi chiếc lớn hơn một chiếc giường đơn một chút — tại một chuỗi các địa điểm được chỉ định, không khác gì một tuyến đường giao hàng chuyển phát nhanh.

Các đội của Himars lái xe đến điểm cung ứng đạn, tại đó một đội bốc xếp gồm ba người đang chờ sẵn. Họ sẽ loại bỏ các quả đã sử dụng và đổi bằng các quả đạn mới trong vòng năm phút, bằng cách sử dụng một cần trục được tích hợp vào xe.

“Himars là một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất trên chiến trường,” Trung úy Koval, một thanh niên 22 tuổi vui tính với nhạc chuông Pokémon trên điện thoại di động, tâm sự. “Điều này mang lại cho chúng tôi cơ hội phản ứng nhanh chóng, tấn công vào một địa điểm, di chuyển đến nơi khác ngay sau đó, và tiêu diệt mục tiêu một cách hiệu quả.”

Ngược lại, các bệ phóng tên lửa lắp trên xe tải tốt nhất của Nga có thể mất đến 20 phút để di chuyển ra vị trí phóng và 40 phút để nạp lại đạn — thời gian nguy hiểm khi đối phương sẽ cố gắng bắn phản pháo. Những dàn Himars có thể chạy nhanh hơn và có khoang chở lính được bọc thép.

Các đội Himars của Ukraina giữ cho mình sự lanh lẹ bằng cách dành nhiều tuần trên thực địa mà không quay trở lại nghỉ ngơi trong căn cứ lớn. Đơn vị của Trung úy Koval đã nhận được những dàn Himars đầu tiên vào tháng 6. Cả đơn vị đã ngủ trong lều bên cạnh bệ phóng hoặc bên trong các phương tiện hỗ trợ gần đó trong vòng 3 tháng qua.

Những người lính này đã được các hướng dẫn viên Mỹ huấn luyện ở một quốc gia ngoài Ukraine. Họ liên tục chờ đợi lệnh bắn với các mục tiêu mới, sau đó chuyển sang hành động và cũng bình thản quay trở lại với các hoạt động bình thường như pha cà phê hoặc chơi bài.

Trên áo giáp ở phía trước của một dàn Himars, những người lính vẽ một nụ cười màu trắng bên dưới từ tiếng Ukraina có nghĩa là “ngựa thồ”. Dàn Himars kia có đồng hồ đo cho thấy dàn pháo này đã đi được hơn 13.000 dặm. Và họ đã in lên dàn này 69 đầu lâu đen, để ghi lại những lần tấn công chính xác đã được xác nhận.

Chi tiết nhiệm vụ luôn đến dưới dạng tọa độ địa lý, với mô tả mục tiêu và hướng dẫn về việc sử dụng tên lửa nổ cho các mục tiêu bọc thép hay tên lửa có các mảnh vỡ nhỏ để tăng tính sát thương đối với binh sĩ. Các mẹo nhắm mục tiêu đến từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả tình báo Hoa Kỳ và quân du kích Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Các chỉ huy của Himars sau đó chọn một vị trí phóng thích hợp và đưa dàn pháo vào vị trí. Bên trong cabin, người chỉ huy xe ngồi giữa người lái xe và hoa tiêu, người này sẽ cung cấp dữ liệu nhiệm vụ vào máy tính. Khi xe đến bãi phóng, hoa tiêu nhấn một nút để bắn tên lửa lên trời và một nút khác để khai hỏa.

Tên lửa lao lên bầu trời đêm với ngọn lửa bùng lên, để lại một đám khói trên cánh đồng. Bệ phóng được hạ xuống và chiếc xe tăng tốc quay trở lại cánh đồng nơi nó ẩn nấp trước đó.

Trung úy Koval nói: “Chúng tôi là mục tiêu đắt giá nhất trong khu vực này. Vì vậy, chúng tôi luôn phải di chuyển để tồn tại.”

Khả năng cơ động chính xác là lý do tại sao Himars được tạo ra như một phiên bản thu nhỏ của một vũ khí giống như xe tăng, Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần cũng đã được Anh và Đức cung cấp cho Ukraine. Lần đầu tiên Himars được sử dụng trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Trước khi phát minh ra khả năng nã pháo chính xác, các khẩu đội pháo có khối lượng lớn với xe 12 tên lửa của Mỹ đã giải phóng nhiều lực nổ và mảnh bom đến mức quân đội Iraq gọi nó là “mưa thép”.

Sức nặng của dàn pháo MLRS đồng nghĩa với việc chỉ những máy bay phản lực chở hàng quân sự lớn nhất mới có thể vận chuyển nó và chúng được đặt ở các vị trí cách xa khu vực có giao tranh. Để di chuyển nó qua quãng đường trên bộ cần phải có một chiếc xe tải đáy phẳng. Himars được hình dung như một phiên bản nhẹ hơn, nhanh nhẹn hơn của MLRS.

Việc chuyển đổi sang các đơn vị quân nhanh nhẹn được trang bị vũ khí hạng nhẹ đã trở thành một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm làm tinh giản quân đội Mỹ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh đạt đến đỉnh cao dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld bắt đầu từ năm 2001, nhưng đã bị các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq làm giảm tốc.

Himars, di chuyển trên bánh xe và chỉ với sáu tên lửa, là một dự án được coi là đã đi đúng hướng. Lầu Năm Góc phát hiện ra một thiếu sót ban đầu của nó là sáu quả bom chùm không đủ sức phá hủy nhiều mục tiêu. Pháo dẫn đường bằng GPS, được tung ra vào giữa những năm 1990, đã mang lại sức sống mới cho Himars. Độ chính xác cao của Himars đồng nghĩa với việc các tên lửa không cần phải nổ theo chùm thì mới tạo ra một vụ nổ đủ mạnh. Mỗi quả tên lửa có thể được chọn một mục tiêu ở các vị trí địa lý khác nhau.

Tướng Scales cho biết: “Cuộc cách mạng này đúng là đang thay đổi mọi thứ”. Ông coi sự chuyển đổi này là một kiểu dịch chuyển trong tư duy quân sự mang tính thời đại. Nó giúp định nghĩa lại chiến tranh, và giờ đây sẽ chuyển lợi thế chiến trường từ các đội quân đông đảo sang các đơn vị bộ binh nhỏ.

Những sự thay đổi như vậy là rất hiếm trong quá khứ, bao gồm việc bộ binh được thay bằng kỵ binh vào khoảng thế kỷ thứ tư, và việc đưa thuốc súng vào châu Âu một thiên niên kỷ sau đó, Tướng Scales, một nhà sử học quân sự từng là chỉ huy của Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ cho biết.

Những thay đổi khác đến từ xung quanh cuộc Nội chiến Mỹ, với sự ra đời của súng trường chính xác, pháo và súng máy, thứ đã gây chết người hàng loạt trong Thế chiến thứ nhất, và vào đầu Thế chiến thứ hai, khi tấn công Blitzkrieg của Đức đã hợp nhất vận tải cơ giới với sự phối hợp vô tuyến của quân đội.

Giờ đây, các bộ vi xử lý rẻ tiền đang tạo ra cho các binh sĩ Ukraine thứ mà Tướng Scales gọi là “độ chính xác rẻ tiền”.

“Nếu tôi nhập tọa độ của cái lỗ này,” Trung úy Koval, đứng cạnh một cái hố đất có kích thước bằng một cái hộp đựng giày nói, “viên đạn sẽ rơi chính xác đúng vào lỗ.”

Vào một ngày đặc biệt bận rộn vào cuối tháng 8, hai dàn Himars dưới sự chỉ huy của Trung úy Koval đã làm việc song song với hai dàn khác. Khi hai dàn Himars của Koval hết đạn, họ lùi lại để nạp đạn trong khi hai dàn kia tiến lên và khai hỏa. Trung úy Koval cho biết lần đó họ phối hợp cùng bắn trong 37 giờ không ngừng nghỉ và đánh trúng khoảng 120 mục tiêu, giúp bộ binh Ukraine phá vỡ phòng tuyến của Nga xung quanh thành phố Kherson ở phía nam.

Ban đầu, Washington miễn cưỡng cung cấp Himars cho Ukraine, vì họ lo ngại rằng một động thái như vậy có thể khiến Matxcơva trả đũa Mỹ hoặc các đồng minh của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ đã từ chối cung cấp các tên lửa mạnh hơn mà có thể bắn xa tới 185 dặm, với khả năng cho phép Ukraine tiêu diệt các mục tiêu vững chắc hơn, như những cây cầu bê tông mà cho đến nay họ chỉ có thể xuyên thủng và tạo thành các lỗ hổng.

Hỏa lực bổ sung Himars của Ukraine đang gây ảnh hưởng lớn đến quân Nga, đến mức mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nhắc nhở quân đội Nga rằng hãy ưu tiên tập trung tiêu diệt hệ thống vũ khí tầm xa này.

Các đơn vị vận hành Himars cho biết mối đe dọa lớn nhất đến từ các máy bay không người lái kamikaze (tự sát) của Nga, gần đây được Iran hỗ trợ với các thiết bị bay tốt hơn, nhưng các dàn Himars vẫn được các hệ thống phòng không và lực lượng đặc biệt của Ukraine bảo vệ rất chắc chắn. Khẩu đội pháo của Trung úy Koval đã bỏ qua hai nhiệm vụ trong mùa hè này vì lý do an toàn, khi anh được thông báo một máy bay không người lái đang ở gần đó, nhưng anh cho biết không có dàn Himars nào của khẩu đội anh bị bắn trúng.

Trung úy Koval nói: “Chúng tôi liên tục di chuyển.”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây