Bác Trần Minh, người bạn bất đắc dĩ và khác nghề của cha tôi

Dương Tự Lập

31-8-2022

Ngày chúng tôi chuyển về khu nhà mới ở Khương Thượng – Trung Tự, khi ấy còn thưa thớt người. Chỗ ngã ba cuối đường Phạm Ngọc Thạch, khu nhà vòng bây giờ đối diện có nhà máy mì Chùa Bộc là cả một khoảng đất trống rộng lắm. Ít lâu sau thấy có người nhảy vào đó dựng nhà. Chắc phải như thế nào đó chứ không thể dân xóm liều, bởi nhà xây khang trang bề thế, quây rào ngăn rộng một vùng. Rồi mấy năm sau nữa quán nước mở ra trước sân nhà rất lý tưởng. Bà chủ quán khó đoán tuổi, thấy còn trẻ hay vì nhìn người nhỏ bé nó thế, cũng không biết nữa.

Vẫn còn đang mùng 4 tết năm Tám ba (1983) mà cha tôi đã có chuyện to tiếng với cái nhà ông quán nước ấy. Chuyện đáng gì đâu, mấy người có vẻ yêu văn nghệ, một người trong số họ biết cha tôi, gặp ông thì mời vào làm chén rượu xuân vui thôi.

– Anh có tin gì về anh Hoàng Cầm chưa? Còn tù nữa, cha tôi nói.

– Thế là vẫn chưa được ra, người hỏi gật gật đầu nhìn những bạn xung quanh.

Nhấp chén rượu xuân được mời cha tôi nói vui:

– Mình đố các cậu cái đồ trang phục nào trên người phụ nữ đắt nhất.

Chưa có ai trả lời và họ nhìn nhau có vẻ cảnh giác. Chắc vì sợ nói ra trước e rằng mình bị hớ, hơn nữa chỉ có người mời biết cá tính cha tôi còn những người kia toàn mới lạ.

– “Thỉnh tiên sinh tiên đối”, anh ra đòn thì anh cũng giải được đòn, vậy “kính lão đắc thọ” xin bề trên cho đàn em đây rõ đi – Người vừa mời cha tôi vào quán nói rất chi kiểu cách.

– Cái váy, cái váy của phụ nữ đắt giá lắm.

Nói đến chữ đắt giá ông dằn tiếng mạnh hơn rồi ngâm nga: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng“. Tất cả mọi người đã thấy thích thú lối nói chuyện hài hước của ông, nhưng vẫn chưa hiểu hết. Ý ông muốn nói đến sự rắc rối chỉ vì tập thơ “Về Kinh Bắc” chuyền tay nhau đã từ lâu lắm không được xuất bản của Hoàng Cầm, khi ấy có những câu hay nằm trong tập thơ.

Mọi người như đã hiểu ra, người nào đó nói:

– Thế thì chưa biết bọn công an còn giam đến bao giờ.

Cha tôi tiếp lời:

– Cái bọn cứt ỉa đấy cứ hay suy diễn vớ vẩn nâng cao quan điểm cho to chuyện bực mình, chứ thực ra tập thơ có tội tình gì đâu.

Từ đầu tới giờ người đàn ông chủ quán ăn mặc com lê, ca ra vát lịch sự, cử chỉ điệu bộ như đang chờ đợi khách, cứ đi xung quanh cái cây cạnh đấy vạch lá bắt sâu, bỗng bước thẳng tới bàn:

– Các anh ngồi uống nước ở đây đừng có ăn nói bậy bạ nhé, nếu không tôi mời các anh đi nơi khác, tránh để ảnh hưởng tới người xung quanh.

Một người trong nhóm nói:

– Ơ cái nhà ông này mới đầu xuân mà đã sinh chuyện, không thích thì thôi chúng tôi đi, làm gì mà gớm thế.

Tưởng rồi là xong chuyện mà cứ lằng nhằng sao đó làm ông ta nổi đóa đòi bắt. Cha tôi vặn lại:

– Trói người thì dễ chứ cởi trói khó lắm đấy, anh là ai mà đòi bắt chúng tôi.

Ông ta đành hanh không ngại xưng danh ngay trước mặt mọi người:

– Tôi là Trần Đăng, trưởng phòng Chấp pháp Sở Công an Hà Nội được chưa.

Giọng hống hách ông ta nói tiếp:

– Chính tôi là người gửi giấy mời ông Hoàng Cầm và ông họa sĩ Bùi Xuân Phái tới Sở gặp tôi.

Vì khi nghe nói đến Bùi Xuân Phái thì cha tôi nghĩ không đùa với thằng cha này được, đúng là bác Phái cũng bị vướng trong vụ này, cha tôi biết.

– Dở hơi rồi, mới đầu xuân ra ngõ gặp hủi, người mời cha tôi nói nhỏ có vẻ ân hận vì đã vui không đúng quán.

Ông ta nghe được câu gặp hủi thì sừng sộ sấn tới, cha tôi chen vào đỡ:

– Làm gì mà ghê vậy anh bạn, đầu xuân nhỏ nhẹ với nhau đi, bạn tôi trên Ngọc Hà làm ở Bộ còn là thủ trưởng của anh đấy.

Vẫn đang trong cơn nóng ông ta chộp ngay:

– Anh nói thế thì tôi sẽ đi với anh ngay bây giờ tới xem thủ trưởng của tôi là ai. Ông ta gớm mặt chưa.

Cha tôi hẹn với ông ta:

– Nếu có thể sáng mai, à không sáng tôi có khách, khất anh để hai giờ chiều mai tôi tới đây cùng đi.

Hẹn là hẹn thế tưởng ông ta chỉ nắn gân nói chơi mà thành thật luôn. Bà chủ quán vợ ông có vẻ biết điều hơn, xuýt xoa:

– Xem lịch âm thấy được ngày, muốn mở hai, ba tiếng đồng hồ gọi là chỉ để lấy hên tốt trong năm, rồi dẹp vào còn tiếp khách khứa tới chơi, thăm, thành ra… bà chép miệng thở dài, đôi mắt đăm đăm.

Đúng hẹn, chiều hôm sau cha tôi dắt xe xuống nhà đã thấy ông ta đứng chờ sẵn phía dưới, cha tôi giật mình nghĩ sao ông này biết mình ở đây mà tới. Đoán được thắc mắc trong đầu cha ông ta nhếch mép cười nói ngay:

– Anh biết nghề nghiệp của chúng tôi mà.

Chạy từ trong nhà ra, chìa tay bắt tay cha tôi nhưng ông ý tứ né người để bác bắt tay người khách phía sau trước. Giống đời chỉ có lính mới biết thủ trưởng chứ thủ trưởng nào biết hết hàng trăm lính của mình. Người chạy từ trong nhà ra là bác Đại tá Trần Minh, Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Công an. Vợ bác Trần Minh là bác Nguyệt Tú, phóng viên báo Lao Động cùng cơ quan với cha tôi, có bút hiệu Lê Thu. Cô con gái rượu hai bác là Trần Nguyệt Tuệ, người bạn gái của tôi sau này thành danh với cái tên Thùy Linh. Thùy Linh đoạt giải nhất báo Văn Nghệ năm 1985 với chuyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi”. Giải nhì “Chàng trai ở bến đợi xe” thuộc về Hồ Anh Thái. Cha của Thái là chú Hồ Sĩ Lạng, cùng ở Công an huyện Quỳnh Lưu với cậu ruột Hoàng Duy Tiến của tôi. Trong lúc lau chùi vũ khí đùa vui, tưởng súng không có đạn chú Lạng nhắm vào người cậu bắn, ai dè cậu chết tại chỗ. Ôi cuộc đời cứ dây mơ dễ má, loằng ngoa loằng ngoằng lôi tha lôi thôi bện vào tôi, không sao lý giải nổi.

Tốt nghiệp sĩ quan An ninh trước đó, năm 1990, nghe tin Nguyệt Tuệ sang học trường viết văn M. Gorki trên đường Tverxkoi Bulvar – Matxcơva (Nước Nga), ba lần tôi đã chui xuống Metro (Ga tầu điện ngầm) Cômxmônxcaia định tìm đến rồi lại ngóc lên vì nghĩ tủi cho thân phận mình…

Năm 1994, anh trai tôi viết thư sang Đức báo tin dữ, bác Lê Thu, mẹ của Tuệ mất vì bệnh tim. Anh lục tìm mãi bài thơ “Văn tế sống chị Lê Thu” của bố để đem đến thắp hương đặt trên bàn thờ bác, nhưng tìm mãi không thấy. Chẳng là hồi chiến tranh, bác bị trận ốm nặng, thập tử nhất sinh, tưởng đi theo các cố, thế mà lại thoát, âu nó là cái số. Cha tôi viết chơi bài tế sống bác, đọc lên cả tòa báo cười tầng trên tầng dưới.

Bác Trần Minh chính gốc người làng hoa Ngọc Hà, đã nhiều đời nhà bác sống trên mảnh đất ấy. Nếu viết nên tình bạn giữa cha tôi và bác thành sách được thì sẽ là cả một thiên trường ca bao la bất tận. Hai người hễ gặp nhau, thậm chí không gặp nhau cũng thơ, thơ và thơ. Cha tôi cứ tiếc bác đi trái nghề.

Hình ảnh tình bạn giữa bác và cha hiện về trong tôi. Những năm chúng tôi còn bé theo mẹ đi sơ tán sang vùng Bắc Ninh, quê hương Kinh Bắc của bác nhà thơ Hoàng Cầm, tránh lão Johnson nước Mỹ đem bom tới dội lên Kinh kỳ Hà Nội. Nhà tôi bị mất cắp, nói của đáng tội, thằng trộm chọn không đúng lối. Chẳng có gì quí nên bọn chúng đành lấy đi cả giá sách của cha tôi, chắc bán cho bà đồng nát thời ấy được mấy tiền thôi. Với cha tôi, đó lại là vật quí vì nhiều sách có chữ ký tặng của bạn bè.

Cha tôi thường đi công tác cả tuần mới về. Có hôm nhìn găm ở khe cửa mảnh giấy, giở ra thấy có ghi mấy chữ đến thăm không gặp anh tôi để lại bài thơ này:

“Nghe tin ông mất trộm” – (Trần Minh – họa thơ cụ Yên Đổ)

Tôi nghe kẻ trộm khoắng nhà ông
Như thể hoang sơ giữa cánh đồng
Rõ tệ bọn gian khinh chủ thế
Thân già ký cóp nó ăn không
Nhà báo như ông sao chịu yếu
Để chúng vô nhà vặt tóc lông
Đã thế từ nay nên cảnh giác
Tăng cường bạo lực mấy thằng ngông.

Trong thơ bác sử dụng những câu: Nhà báo / tăng cường / bạo lực, bởi tên thật của cha tôi là Cường, anh tôi là Lực mà ông làm ở báo Lao Động.

“Cảm ơn thư ông thăm”
(Trả lời ông Trần Minh)


Thơ thăm mất trộm cảm ơn ông
Chỉ mất sơ sơ mấy chục đồng
Thương trộm nhầm nhà không vớ bở
Còn tôi có mất cũng như không
Đói nghèo lắm lúc mà yên dạ
Giầu có nhiều khi đến rởn lông
Sợ buổi tối trời trăng nỏ sáng
Công an chưa trị hết phường ngông.

Cha tôi đáp lại bài thơ có những từ: trăng nỏ sáng / Công an, bởi bác làm bên Công an lại tên Minh (sáng), Nguyệt Tú, Nguyệt Tuệ (trăng). Có lần bác viết cho cha tôi:

Cảm ơn ông đã cho chè (trà)
Uống no tức bụng đi tè (đái) thâu canh
Bí vần thơ viết chẳng thành…

Thì cha tôi cũng trả lời:
Đến chơi đợi ở đầu hè (hồi nhà)
Ngồi chờ ông mãi muốn tè (đái) rồi đi
Bí thơ chẳng biết viết gì…

Năm 1982, cha tôi đoạt giải nhất thơ trào phúng báo Văn nghệ. Bác đến chia vui có gặp mấy người bạn cha như chú Nguyễn Nghiêm (giải nhất biếm họa), Tạ Lựu, Hoàng Tiến, Đào Vũ, Tú Sót… Chú Đào Vũ mặc áo kẻ ca rô giống “Cái sân gạch” của chú, khi ấy quyền Tổng biên tập báo Văn nghệ. Trước mọi người, bác Trần Minh ứng tác ngay một bài đọc mừng cha tôi mà tôi chỉ nhớ mấy câu:

Chẳng phải thi hào cũng dị nhân
Làm nhà thơ biếm tính siêng mần
Long tong bài vở phô chân cứng
Túi rỗng bụng meo vẫn mặt vênh…

Cha tôi đáp lại:

Chẳng phải thi hào chẳng dị nhân
Chỉ là anh tửu lạc vong bần
Long đong xuôi ngược lo bài vở
Lòng rối nợ nần trán nổi gân…

Năm 1985, cha tôi mất, bác có thơ khóc:

Anh chán đời đâu đã vội đi
Tình người chưa rứt nỡ chia ly
Sớm dời cây bút thơ ngừng viết
Bạn vắng thơ anh xướng họa gì.

Anh sống trung trinh trọn nghĩa đời
Làm thơ trào phúng hiến người vui
Những mong thiên hạ cùng hoan lạc
Riêng phận anh nghèo chịu thế thôi.

Sống kiếp dân nghèo giữa Thủ đô
Chết về cát bụi cõi hư vô
Nào ai bạn hữu tình thơ rượu
Một chén đưa nhau rưới xuống mồ.

Bác kết câu cuối nghe xót xa ngậm ngùi tình bạn chia lìa mà theo bác giải thích, khi sống anh Dương Quân dịch bài thơ “Đối tửu” của cụ Nguyễn Du có câu:

“Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi”.

(Sống không cạn chén dốc bình
Chết rồi ai rưới mộ mình rượu đây).

Câu dịch của cha tôi mà bác rất tâm đắc.

Sau “sự cố” chiều xuân 1983 ấy ở nhà bác Trần Minh, qua buổi nói chuyện, chú Trần Đăng hiểu mối thâm tình giữa cha tôi và bác Trần Minh. Chú có lời giãi bày để cha tôi thông cảm vì quán nước của vợ chú, nếu có những người khách không giữ mồm giữ miệng sẽ rất bất tiện cho công việc của chú. Chú Đăng xin kết thân với hai người từ buổi đấy, đấy cũng là người bạn bất đắc dĩ, ngắn ngủi cuối đời cha tôi.

Trước hết phải công nhận chú Trần Đăng thích văn chương. Hơn nữa, lên nhà tôi chú gặp và được nói chuyện với nhiều gương mặt văn, thơ, nhạc, họa, sử, quen thuộc như bác Bùi Xuân Phái, người mà chú có thư mời tới gặp trực tiếp một năm trước đó 1982 tại Sở Công an, 87 Trần Hưng Đạo. Văn Cao, Đào Phan, Siêu Hải, Hoàng Trung Thông, Ngô Linh Ngọc, Sơn Tùng, Hoàng Nhật Tân, Hồ Sĩ Bằng, Tú Sót, Hoàng Tiến, Võ Thành An…

Sau ngày cha tôi mất 1985, tôi có gặp anh Phương con bác Phái trên phố Hàng Vải khi anh đã sắp tới nhà ở 87 Thuốc Bắc. Tránh vận áo xám nên tôi mời anh vào quán nước gần nhà anh. Anh em ngồi nói chuyện, tôi hỏi lại việc bác Phái bị mời lên Sở Công an năm 1982 vì có tham gia nhận lời vẽ minh họa cho tập thơ “Về Kinh Bắc” thì anh gật đầu, đúng đúng. Anh bảo đêm hôm trước ngày lên Sở gặp bọn Công an, ông già tao vật vã đ*o ngủ nổi, rượu cũng không dám uống vì sợ khi nói có mùi. Lại dậy đi ra đi vào lo lo lắng lắng lắm, chỉ có rít thuốc lào tóp má, ho sù sụ cả đêm nghĩ kế để hôm sau trả lời sao cho suôn sẻ. Vậy là chú Trần Đăng nói đúng.

Tròn 40 năm, cũng vào tháng 8 như thế này, Cộng sản bắt giam hai nhà thơ Hoàng Cầm – Hoàng Hưng. Nhân đây tôi có đôi điều nhắn lại anh Hoàng Hưng để anh em hiểu rõ về nhau hơn. Đã không nói thì thôi, mà nói phải cho thấu tình đáo lý, dẫu tôi chẳng phải dân văn nghệ như các anh. Anh là người trong cuộc bị bắt vì vụ “Về Kinh Bắc” với (tội) “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”, cùng thời điểm bác nhà thơ Hoàng Cầm năm 1982. Tôi nói anh Hoàng Hưng hãy bình tâm nghe nhé, ngày đó ở Hà Nội chỉ hơi hơi xôn xao tí tị tì ti tin bác Hoàng Cầm bị bắt nhưng cũng chỉ trong giới văn nghệ với nhau thôi. Trên gương mặt hốc hác dân tình thời đó còn ối thứ phải lo, cơm độn sắn nhai bo bo bỏ mẹ. Ai hơi đâu mà quan tâm thơ phú, văn vẻ. Càng không ai hay biết có bác họa sĩ Bùi Xuân Phái bị lụy trong vụ ấy, riêng bác Văn Cao được hưởng chút đặc ân miễn hỏi, huống hồ là anh Hoàng Hưng có ai biết đến.

Sau đó bên chú Trần Đăng coi như xong việc, chuyển bác Hoàng Cầm sang bộ phận khác. Tôi biết láng máng cũng chỉ chừng ấy thôi từ chú Trần Đăng, câu được câu chăng khi hóng nghe chú bác nói chuyện. Hơn nữa, hồi ấy anh còn trẻ lắm so với các chú các bác mà cũng chưa có đóng góp gì nổi trội. Phải nói thật lòng với nhau như thế. Mãi cuối năm 1988 người ta mới biết đến một Hoàng Hưng qua tập thơ “Ngựa biển” nếu như tôi nhớ không lầm. Mà cũng chỉ biết đến đúng một câu thơ trong tập thơ đó rất “tục” bị “ném đá” tơi bời. Thậm chí câu thơ cho tới ngày hôm nay nếu đọc lên thì kẻ khướt say cũng còn nôn ọe:

“Bạn ơi giao hợp nơi đâu?
Đêm về gác trọ sắc mầu đung đưa…”

Ra tù, mãi sau này anh mới có bàn thắng gỡ lại ở bài thơ “Ngày về”: “Giật mình một cái vỗ vai”. Cũng chỉ một câu thơ, hay lắm, thế là huề. Tôi ngả mũ kính phục anh. Như thế người ta gọi là “họa trung hữu phúc”, trong họa có phúc. Không phải anh mà độc giả chúng tôi phải cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam đã tống anh vô ngục vì vụ “Về kinh Bắc”. Để ra tù anh cống hiến cho đời câu thơ mà kẻ khướt say đọc nghe hay cũng tỉnh ngay rượu.

Nói đúng hơn nữa chỉ khi bằng chứng anh tung ra như ảnh vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm ngồi ở tư gia anh tại Sài Gòn, bìa, trang sách “Lá diêu bông” bút tích của Hoàng Cầm tặng. Thì độc giả mới biết đến anh nhiều. Đó là sự thật. Trong bài tôi viết về anh năm nào trên Tiếng Dân (không hằn học), thậm chí còn quý anh bởi anh là thế hệ cầm bút vào sau mà lại cùng ở báo Lao Động với cha tôi.

Cá nhân tôi không đồng ý trong bài đăng của anh khi mới vào phụ trách báo Lao Động Chủ nhật, nói một cách thậm xưng rằng đã lôi kéo được những người tài năng nổi tiếng như Nguyễn Khải hay Nguyễn Thụy Kha về cộng tác với báo… thì tôi không phục. Muốn biết nhân cách Khải thế nào nếu có dịp anh nên đọc lại hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh nói về Khải. “… Nguyễn Khải cũng tự kể lại, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh: “Ông Lành (Tố Hữu) đang nói sao cậu lại cười?” Khải sợ quá, vội chối: “Không, răng tôi nó hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu!”. Chính từ mồm Khải nói ra không lẽ Giáo sư Mạnh bịa. Trước khi chết Đại tá Khải viết nhiều bài sám hối tự nhận mình mang nhiều tội lỗi với đời để chửi Đảng không ra gì. Con người Khải tôi được nghe từ ngày non trẻ.

Còn sau đó tôi có viết thêm một bài về Nguyễn Thụy Kha cũng trên Tiếng Dân. Ngay hôm sau bài của Kha: Gặp tác giả thật ca khúc “Nỗi lòng người đi” trên báo mạng Hội nghệ sĩ Việt Nam chỉ còn hiện dòng chữ Access denied (từ chối kết nối)! Sao vậy hay nhỉ? Quân tử nhất ngôn kia mà. Bài biến đi thì cũng phải có một lời nói chi cho độc giả biết chứ. Kha hả, Kha không biết tôi nhưng tôi rành Kha lắm. Từ khi ai là người mối mai dắt Kha đến làm quen nhà bác nhạc sĩ Văn Cao ở 108 phố Yết Kiêu sau này. Chứ những năm 1983 khi bọn chúng xúm vào “đánh” Quốc ca không chết trở về trước, đến nhà bác Văn Cao buồn sao nói hết. Kha đâu có biết được những ngày ấy, mà hôm nay to miệng nổ bốc tung trời.

Nếu anh Hoàng Hưng muốn kiểm chứng lời tôi, khi nào có dịp đi qua nhà ông Trần Đăng (Nguyễn Văn Đăng) với vợ Nguyễn Thị Hoa ở 104 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa. Nay hai ông bà chắc bán bớt đất đai (vì thấy hẹp nhiều) mở cửa hàng “Pha Lê Ánh Sao”. Nếu muốn nữa, ông sẵn lòng kể lại chuyện ngày xưa ấy cho anh nghe. Ông kém cha tôi đâu như bốn, năm tuổi.

Cuối đời bạn bè động viên bác Trần Minh nên gom góp các bài viết để in thành sách. Người nhiệt tình nhất trong việc này chính là bác nhà thơ, nhà Hán học Ngô Linh Ngọc giới thiệu, chỉnh sửa, biên tập. Hai tập thơ “Chặng đường qua” và “Hương lan” đã đến với bạn đọc. Ở Hà Nội duy chỉ có bác Lê Thu, mẹ đẻ của Thùy Linh và bác Ngô Linh Ngọc nhận cha tôi là em của mình.

_______

Bác tôi, cố Đại tá nhà thơ Trần Minh.
Tập thơ: Chặng đường qua.
Tập thơ: Hương lan – với di bút của bác Trần Minh
Chị nữ văn sĩ Thùy Linh, con gái út bác Trần Minh. Nguồn: FB Thùy Linh
Nhà của ông bà Trần Đăng (Nguyễn Văn Đăng) tại 104 Đặng Văn Ngữ – Đống Đa – Hà Nội.
Kỷ niệm số báo Lao Động 15 năm trước, trang thơ các cây bút của báo có bài “Tư vịnh” của cha tôi và “Gốc gió” anh Hoàng Hưng.

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây