Dân (Phần 2)

Nguyễn Thông

16-7-2022

Tiếp theo Phần 1

Một nước không thể không có dân. Hồi nẳm, cụ Sào Nam Phan Bội Châu viết “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Sau này, để nịnh dân, nhà cai trị xứ ta mưu mẹo đối với bất cứ thứ gì (chỉ trừ kho bạc) đều gắn dân vào, tất tật quân đội, công an, tòa án, kiểm sát, hội đồng, nhà hát, thậm chí cả cái hiệu sách. Hồi những năm 60 – 80 thế kỷ trước, đi bất cứ đâu cũng thấy “hiệu sách nhân dân”, chả hiểu yếu tố dân trong cái tên gọi công thức máy móc đó nhằm mục đích gì. Cũng về sau, nhà cai trị còn láu cá hơn, luôn hô trên báo chí, đài, tivi, nào là của dân, do dân, vì dân, dân làm chủ, dân là gốc… Chỉ có điều, dân được trọng về hình thức như thế, nhưng thực chất chả xơ múi lợi lộc gì.

Đành rằng do đông nên sức dân mạnh. Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi từng bảo “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới hiểu dân như nước). Những cuộc được gọi là cách mạng, kháng chiến, chiến tranh, giải phóng, chiến dịch, v.v.. ở xứ này, nếu không có dân (bằng núi xương sông máu) thì chả nói ra, ai cũng biết kết quả thế nào. Tôi vừa về quê, lên thắp hương cho ông chú ruột, bùi ngùi giữa nghĩa trang liệt sĩ. Những năm chưa xa ấy, cả xã chỉ có hơn 3 nghìn người, mà đếm mộ liệt sĩ hơn 200. Tháng 7, tháng liệt sĩ thương binh, chiều nhá nhem, gió vi vút luồn tán cây phi lao tựa như những âm hồn về trò chuyện. Hầu hết là nông dân.

Sực nhớ câu ca sĩ Trần Khánh hát trong bài hợp xướng “Hồi tưởng” của cụ nhạc sĩ Hoàng Vân, “ai biết tên các anh, những người chiến sĩ vô danh, trong những chiều hoàng hôn rực đỏ, từ giã quê hương ra đi”. Đi mãi, không về. Một số bia mộ nghĩa trang xã tôi cũng đã bị sửa lại theo lệnh của bộ xã hội do ông Đào Ngọc Dung chủ trò, từ tên cũ là “Liệt sĩ chưa biết tên” thành “Liệt sĩ chưa xác định được tên”. Lý do nghĩa trang làng lại có cả “liệt sĩ vô danh” bởi có những người lính nơi quê khác hồi đánh Pháp từng ngã xuống đất này, không giấy tờ, không lai lịch tông tích. Sự thay đổi rườm rà thô thiển không cần thiết của cái bộ kia, nếu tính trên cả nước, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, bởi khi thay bia thì người ta thường thay luôn cả mộ. Tôi sẽ viết về chuyện này sau, trong một bài khác.

Dân quê tôi, nông dân quê tôi, cũng như cả nước, thời chiến tranh đã chịu số phận bi hùng vậy. Họ đều là người tốt, cao đẹp, trượng nghĩa, xả thân. Không như dân bây giờ, tôi nói thật.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây